Ý thức phê phán của Trần Dần

Những thể nghiệm trong xã hội thường bị ghẻ lạnh lúc mới ra đời, bởi nó không giống những giá trị truyền thống đang tồn tại. Những sáng tác sâu sắc và đẹp đẽ của Trần Dần - một nhà cách tân thơ Việt nổi tiếng, cũng đã từng đóng chai hơn 30 năm. Với sự hiểu biết có hạn của mình, tôi vẫn muốn nhìn lại người thơ Trần Dần, dưới sự soi chiếu của những quan điểm về phê phán của Nietzsche.

Những năm 50 của thế kỷ trước, Trần Dần bị tách ra khỏi đời sống văn nghệ chính thống. Trần Dần luôn chống lại những công thức cũ, những cái làm cho thơ ca của các tác giả Việt Nam trở nên na ná nhau. Ý thức phê phán và sự đổi mới trong thi ca của ông không được chấp nhận trong hoàn cảnh đương thời. Người ta không nhìn thấy sự đóng góp của tinh thần phê phán trong trường hợp Trần Dần. Họ không hiểu Trần Dần, do đó, cũng không hiểu thơ ông; rút cục những nỗ lực cách tân của ông bị kết án. Thơ Trần Dần, từ năm 1957, bị đóng chai, gần 30 năm sau mới có thể quay trở lại cuộc đời. Vụ án của Trần Dần là vụ án của một tinh thần phê phán không được thừa nhận. Trần Dần bị kết án cũng có nghĩa là tinh thần phê phán bị kết án. Tuy vậy, phê phán vẫn được thực hiện trong những năm ông quan sát đời sống văn nghệ sau bức tường ngăn cách. Tinh thần không mệt mỏi ấy là một sự thể hiện đúng với bản chất của phê phán.

Nietzsche đã khẳng định rằng phê phán là một lối sống tích cực. Đó là một “sự độc ác thần thánh”, bởi thông qua hoạt động phê phán có thể loại bỏ những giá trị lỗi thời và thiết lập được những giá trị mới. Nietzsche xem phê phán là con đường dẫn đến hoàn thiện. Người thực hiện phê phán bị xem như kẻ hủy diệt, bởi anh ta phá vỡ các giá trị đang hiện hành, nhưng đó là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui. Phê phán đích thực là một sự sáng tạo. Nó luôn đi kèm sự đề xuất những giá trị mới. Yếu tố dâng hiến những ý nghĩa và giá trị mới được Nietzsche gọi là ý chí quyền lực. Và ý chí này luôn tồn tại ở những người khao khát giải phóng ra khỏi những yếu tố cũ để tạo ra những điều mới mẻ như Trần Dần.

Lấp lối mòn văn chương: ý thức phê phán tích cực ở Trần Dần

Đặt thơ Trần Dần chung với những bài thơ kháng chiến khác trong giai đoạn này mới thấy ông thật sự là một người chôn thơ cũ. Trần Dần mạnh dạn lên án những lối mòn trong văn chương. Ông xem đó là trở lực của sự đi lên, là tàn lụi, là cái chết. “Nói tóm tắt: tôi ghét những lối tạo hình ảnh dễ dãi, tầm thường, hủ lậu. Đó là đặc tính của những người và những giai cấp sắp chết” (1). Ở đây ta gặp lại quan niệm của Nietzsche cho rằng phê phán là biểu hiện của một lối sống tích cực. “Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù” (2). Từ chỗ lên án cái cũ, cái lỗi thời, người ta mới có thể đi đến sự sáng tạo. Vì vậy phê phán là một hành động tất yếu nếu ta muốn tự hoàn thiện.

Trong đêm Noel 1954, trở về sau buổi đi dạo với Lê Đạt, Trần Dần nghĩ về con đường mòn trên đó những nhà thơ thời ấy đang đi: “Xem bài thơ “Đại Hội văn công” của Dương Chi trên báo Thời Mới. Tôi nhớ lại nhiều bài thơ kháng chiến của anh em kháng chiến. Ý tứ, điệu nhịp. Tôi có ý nghĩ so sánh. Thấy nó na ná nhau quá. Thử đào sâu hơn, tôi thấy phương pháp thơ của Dương Chi không khác là bao nhiêu với phương pháp thơ của nhiều anh em kháng chiến (!) Tôi còn muốn nói là giống nhau nữa” (3).

 Trần Dần quan niệm rằng phong cách văn chương riêng biệt của mỗi cá nhân là hết sức quan trọng. Bởi văn là người nên văn cách cũng không thể chung cho bất kì ai. Nói đến công thức tức là đã nói đến sự cũ kỹ. Trùng lặp tức là nghèo nàn. Tư tưởng thơ của Trần Dần đã vượt thoát khỏi các ước lệ. Nó tự giải phóng mình khỏi những giá trị cũ để dâng hiến những giá trị mới cho thi ca.

Phê phán bằng sáng tạo

Cũng theo Nietzsche, phê phán có ý nghĩa lớn không phải chỉ vì nó vạch mặt những giá trị nhược điểm mà quan trọng hơn cả, phê phán đích thực luôn đi kèm với sự đề xuất sáng tạo ra các giá trị mới. “Phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo” (4).

Trần Dần phê phán những giá trị cũ và bắt tay đi tìm những cái mới ở trong “vùng mù”, “vùng thăm thẳm”, “vùng tổ của thơ ca”. Trần Dần chống công thức, vì vậy, đối với ông, sáng tạo ra những hình ảnh mới là một nhu cầu tự nhiên:

           Ai mửa sao đêm
                   đầy các ngõ
                   để hầm hập bồ hôi
           cơn sốt phố về đêm?

                                           (1959)

Vượt qua quan điểm truyền thống về chữ và nghĩa, Trần Dần muốn để cho con chữ tự làm nghĩa. “Biển giấu sâu. Trời giấu rộng. Chữ giấu nghĩa” (5). Sau Thơ mới, có thể nói Trần Dần đã làm một cuộc cách mạng. Con chữ trong thơ ông không đeo gông ngữ nghĩa, mà nó là một vỉa quặng, như nhiều người đã nhận thấy.

        Họ cứ vu oan mặt trời ngủ (6).

        Tôi khóc những chân trời không có người bay
        Lại khóc những người bay không có chân trời (7).

Ông phủ định những công thức đã được thiết lập, ông sáng tạo thứ thơ mới và trở thành kẻ phá hủy. Yếu tố của sáng tạo và dâng hiến, yếu tố của phê phán được Nietzsche gọi là ý chí quyền lực. Nghệ thuật cũng xuất phát từ ý chí quyền lực, mà ý chí quyền lực của Nietzsche là “học thuyết đích thực về ý chí và về tự do” (8). Cuộc đời của nhà nghệ sĩ là cuộc đời hoạt năng. Họ tìm kiếm những điều mới mẻ và sự thật cho tác phẩm của mình một cách chủ động. Sự phê phán của họ luôn đi kèm với sáng tạo. Người nghệ sĩ chân chính là người phá hủy và cũng là người gây dựng. Nghệ sĩ tạo ra sự khác biệt bằng những cách tân, chính các giá trị mới đó đặt họ vào thế đối lập với những cái cũ. Bởi khi bắt tay làm cái mới, họ đã phải đập nát những cái mà từ trước tới nay số đông tôn thờ. Lao động của người nghệ sĩ là lao động của lòng dũng cảm. Và Trần Dần suốt cả đời mình đã lao động với lòng dũng cảm ấy, ông luôn tâm niệm: “Thơ là mạng sống, là lý lịch thực của đời tôi” (9).

Sự tự vượt lên và ý thức về việc bị vượt qua

Yêu là chết: hai điều đó đã hòa hợp với nhau từ ngàn năm nay. Muốn yêu chính là sẵn sàng để chết. Tôi nói với các bạn như vậy đó, hỡi những người khiếp nhược” (10). Người nghệ sĩ không dao động. Sự phê phán biểu hiện phẩm chất can trường được chứng minh qua cả một đời thơ. Chính ở những lúc đau khổ thì ý chí quyền lực – mà tôi hiểu là ý chí sáng tạo – lại có cơ hội để phát triển. Sau khi trở lại với đời sống văn học chính thống, Trần Dần đã phát biểu như sau, trong bài phỏng vấn của ông với anh em văn nghệ sĩ ở Huế:

Nguyễn Quang Lập: Xin hỏi thật anh: qua thời Nhân Văn, anh tự thấy anh được cái gì nhiều nhất?

Trần Dần: Được cái hoạn nạn. (Thi sĩ chợt im lặng, và tất cả chúng tôi cùng im lặng trong nỗi xúc động. Rồi anh tiếp:) Do được cái hoạn nạn nên được không dưới ba chục tác phẩm trong ba mươi năm.”  (11)

Sau khi bị khai trừ khỏi đời sống văn nghệ, Trần Dần vẫn sáng tác, vẫn âm thầm cống hiến cuộc đời và sức lực cho công việc làm thơ. Ông đổi mới về hình thức lẫn nội dung thi ca của mình qua từng giai đoạn dù đời thơ ông đang bị phong kín. Đơn cử về thể thơ: Ban đầu, Trần Dần sáng tác theo thể thơ bậc thang của Maiakovski, càng về sau, hành trình thơ Trần Dần càng đổi mới. Sau khi dính vào vạ chữ, Trần Dần vẫn tiếp tục “gieo hạt màu mùa” với thể biến tấu âm và chữ. Thơ không lời của Trần Dần khi mới công bố bị nhiều người nhầm tưởng là kí họa bởi tính mới mẻ của hình thức phá vây chữ này. Đến thơ Mi-ni, dấu vết về ngữ nghĩa được chọn lọc trong con chữ đã hoàn toàn biến mất. Con chữ đã có thể sống một đời sống của riêng nó.

Trong thi ca, Trần Dần mong muốn tạo ra những giá trị mới, vượt qua thần tượng và nhảy qua chính bóng mình. Sự nghiêm khắc đối với bản thân trong hoạt động sáng tác là biểu hiện của niềm khao khát mãnh liệt muốn đi đến tận cùng con đường cách tân thơ. Ở đây, phê phán chính là yếu tố giúp con người vượt lên và tự vượt lên. Nó là yếu tố kích thích tư duy phá hủy những lối mòn, nhằm tạo ra những con đường mới trong sáng tác lẫn tiếp nhận.

Trần Dần sẵn sàng xem mình là bản lề, là bước đệm bởi ông hiểu rõ tính chuyển tiếp trong đời sống văn học:

Thế hệ trẻ à? Tôi cứ đợi mãi. Nó bị trong vòng vây của văn chương cung đình, tôi sốt ruột đợi lớp trẻ đủ sức lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến. (12)”

Trần Dần kiên trì sáng tác và mong muốn trở lại với cuộc đời, nhưng không phải vì muốn có vị thế độc tôn trong diễn đàn thi ca đương đại. Ông không muốn mình là thần tượng duy nhất. Cái ông muốn là sự vận động: “Phải học để mà chôn đi”.

Trần Dần là một nhà thơ tận tụy hiếm có đối với thi ca Việt Nam. Tuy những đổi mới của ông chưa triệt để nhưng trong thế kỷ qua, Trần Dần quả đã làm nên những cách tân thơ vượt bậc. Đó chính là những sản phẩm vô giá của một tinh thần phê phán bền bỉ. Dù tư tưởng bị kết án, thành quả có lúc không được thừa nhận, nhưng đối với Trần Dần, sáng tác là nhu cầu, là bản chất của người thơ và sáng tác cũng là biểu hiện của ý thức luôn khao khát tự vượt lên.

Cần đón nhận thơ Trần Dần một cách công bình hơn. Thơ ông đã chờ quá lâu để trở về với cuộc đời. Nó thật giống với những dòng Nietzsche viết vào năm 1872: “Tôi trông cậy vào một cuộc hành trình im lặng và chậm rãi xuyên qua thế kỷ” .

Bài tiểu luận này được thực hiện trong khuôn khổ chuyên đề hướng dẫn cách đọc một tác phẩm triết học tại Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, ĐHKHXHNV TP HCM.

(1) Trần Dần – Ghi (1954-1960), Éditions T.D.

(2) Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2010, tr.3.

(3) Trần Dần – Ghi (1954-1960), Éditions T.D.

(4) Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2010, tr.120.

(5) Trần Dần, Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008, Sổ thơ 1976.

(6) Trần Dần, Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008, Sổ thơ 1976.

(7) Trần Dần, Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008, Thơ Mi-ni 1988 -1989.

(8) Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2010, tr.117.

(9) Trần Dần, Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008, Sổ bụi 1988.

(10) Felicien Challaye, Nietzsche, cuộc đời và triết lý, Nxb Văn nghệ, 2007, tr.149/150.

(11) Hoàng Phủ Ngọc Tường/Nguyễn Quang Lập, Gặp gỡ Trần Dần: Đối thoại mất ngủ, Tạp chí Sông Hương số 31, tháng 5 và 6-1988.

(12) Hoàng Phủ Ngọc Tường/Nguyễn Quang Lập, Gặp gỡ Trần Dần: Đối thoại mất ngủ, Tạp chí Sông Hương số 31, tháng 5 và 6-1988.

(13) Felicien Challaye, Nietzsche, cuộc đời và triết lý, Nxb Văn nghệ, 2007, tr.177.

___

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Lai Thúy, Trần Dần, một thi trình sạch, Chủ nhật, 23-27/3/2008.
http://vietbao.vn/Van-hoa/Tran-Dan-mot-thi-trinh-sach-I/20774784/181/

Felicien Challaye, Nietzsche, cuộc đời và triết lý, Nxb Văn nghệ, 2007.

Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, Nxb Văn học, 2008.

Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2010.

Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội,1974.

Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập, “Gặp gỡ Trần Dần – đối thoại mất ngủ”, Sông Hương (1988).

Jean-Paul Sartre, Văn học là gì?, Nxb Hội nhà văn, 1999.

Trần Dần, Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008.

Trần Dần, Đi! Đây Việt Bắc!, Nxb Hội nhà văn, 2009.

Các trang web:
http://www.tienve.org
http://phongdiep.net/

    

 

Tác giả

(Visited 98 times, 1 visits today)