Yếm

Yếm là một vuông vải, mỗi bề vài gang tay, cỡ chừng 4 đến 5 chục phân tây, đặt chéo phía trước thân. Góc trên khoét hình bán nguyệt làm cổ, có 2 dây, thắt nút ở gáy. Góc dưới cũng có 2 dây vòng qua eo buộc thắt lại ở lưng. Chưa có một cái áo nào đẹp đến vậy, giản dị đến vậy. Có mảng (thân yếm), có nét (dây buộc), có đầy, có khuyết, có kín (phía trước), có hở (lưng).


Tượng Mẫu.

1/ Tối giản

Yếm là một vuông vải, mỗi bề vài gang tay, cỡ chừng 4 đến 5 chục phân tây, đặt chéo phía trước thân. Góc trên khoét hình bán nguyệt làm cổ, có 2 dây, thắt nút ở gáy. Góc dưới cũng có 2 dây vòng qua eo buộc thắt lại ở lưng. Chưa có một cái áo nào đẹp đến vậy, giản dị đến vậy. Có mảng (thân yếm), có nét (dây buộc), có đầy, có khuyết, có kín (phía trước), có hở (lưng).

Tối giản hiểu theo nghĩa đen tức là dùng rất ít vải, gần như không cắt may gì (ít công) còn theo nghĩa nghệ thuật tức là dùng ít nguyên liệu nhất mà lại nói được nhiều nhất, chắt lọc, cô đọng nhất mà lại đẹp nhất, gợi nữ tính nhất, khoe được cổ và lưng, khi buộc chặt 2 dây dưới thì khoe được eo, buộc chặt cả 2 dây trên và dưới thì yếm sẽ bó sát vào thân và tôn được vẻ đẹp của ngực. Trong trang phục của người Việt, không có bất kể áo nào tối giản như yếm. Có thể nói yếm là tác phẩm “thiết kế” phục trang đầu tiên của người Việt. Đã nói đến nghệ thuật, đến đẹp tức là nói đến sự độc đáo, duy nhất. Yếm là Việt, yếm rất Việt, không hề có chút nào Ấn, Chàm, Hoa trong yếm.

2/ Tuổi của yếm

Trong các hiện vật từ thời Đông Sơn còn lại đến hôm nay có một số chuôi dao bằng đồng mà phần cán dao là hình người phụ nữ mặc yếm bó sát thân. Trải dài suốt từ Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đến sau này, không thiếu gì những bức tượng sơn son thếp vàng hình ảnh người phụ nữ mặc yếm. Trong lịch sử phục trang của người Việt chưa thấy có cái áo nào có tuổi đời cao như yếm, ít nhất cũng khoảng 2.500 năm như yếm.

3/ Oan cho yếm

Yếm là áo mặc trong cùng, rồi đến áo cánh nếu là mặc hàng ngày, khi lễ hội thì thêm chiếc áo dài tứ thân (hoặc năm thân với phụ nữ thành thị). Tuy thế không thể gọi yếm là nội y được vì nội y tức là không ai thấy, phải kín đáo nhưng áo cánh luôn cố tình không cài cúc trước ngực để lộ yếm trắng ngà hoặc yếm thắm. Ngay cả khi mặc áo dài tứ thân thì chỉ cài hàng cúc ở cạnh sườn còn hàng cúc từ nách lên cổ thì không cài đề khoe áo cánh và nhất là yếm. Yếm không phải là nội y.

4/ Thay lời kết

Một cái áo nhỏ xíu mà từ người dân thường đến những người ở tầng lớp trên đều mặc, từ người ở quê đến người ở tỉnh đều mặc. Yếm mặc được cả khi lao động cho đến những dịp hội hè, lễ lạt, cưới hỏi. Mặc trong đời sống hằng ngày cho đến khi vào sân khấu (chèo, quan họ…) Yếm cùng với áo tứ thân và sau này là áo dài đều tiêu biểu cho phục trang của người Việt.

Một cái áo nhỏ xíu mà đi qua bao thăng trầm trong suốt lịch sử của người Việt, vượt qua bao năm tháng bị áp bức, bị đồng hóa bằng mọi cách của người Hán. Sức mạnh của văn hóa Việt thông qua cái yếm bé nhỏ này, là một dẫn chứng thú vị. Cái yếm nhỏ nhưng chứa trong đó lại là một câu chuyện lớn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)