Zino Francescatti: Người bắt cây đàn hát 

Zino Francescatti là sự kết hợp hoàn hảo của những giai điệu trữ tình có thể hát lên được của Ý với âm điệu tinh tế của Pháp.

Zino Francescatti.

Nổi tiếng là một thần đồng, Francescatti, người học trò thế hệ thứ ba của Niccolò Paganini, sở hữu một nền tảng kỹ thuật ngoạn mục. Các tác phẩm Francescatti biểu diễn thường có tốc độ nhanh hơn thông thường, mọi thứ dường như trở nên dễ dàng hơn dưới đôi bàn tay ông. Với ông, những kỹ thuật rung không được sử dụng làm vật trang trí cho âm thanh mà trở thành một phần cơ bản cấu tạo nên nó, mang màu sáng bạc và bóng bẩy một cách tinh vi. 

Nổi bật với những tác phẩm của thời kỳ Lãng mạn cũng như các nhà soạn nhạc Pháp, Francescatti còn chinh phục khán giả với âm nhạc đương đại của Leonard Bernstein, Ottorino Respighi và Karol Szymanowski. Bất chấp những lời chỉ trích rằng phong cách biểu diễn của ông hoàn toàn không thay đổi qua năm tháng, Francescatti vẫn luôn là nghệ sĩ violin được yêu thích và ngưỡng mộ.

Người nghệ sĩ bẩm sinh

René-Charles “Zino” Francescatti sinh ngày 9/8/1902 tại Marseilles trong một gia đình âm nhạc. Zino có một tuổi thơ hạnh phúc, được đắm mình trong bầu không khí âm nhạc. Cả cha mẹ cậu bé đầu là nghệ sĩ violin. Cha cậu, ông René, người chơi được cả violin và cello, từng là học trò của Antonio Bazzini và Camillo Sivori, người được coi là học trò duy nhất của Paganini. Mẹ cậu, bà Erneste chính là một học trò trước đây của ông René. Chính họ là những người thầy giáo duy nhất của con trai mình, dạy dỗ cậu một cách chuyên sâu và nghiêm khắc. Ngay từ nhỏ, Zino (cậu bé luôn thích biệt danh này và lấy nó làm tên chính thức khi bắt đầu sự nghiệp của mình) đã tỏ ra đặc biệt yêu thích cây đàn violin và là một thần đồng thực sự. Từ khi lên ba tuổi, cậu thường ôm nhạc cụ của mình khi đi ngủ. Năm tuổi đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng. Mười tuổi, Zino trình tấu bản violin concerto của Ludwig van Beethoven. Nghệ sĩ organ Marcel Dupré, người có mặt trong chương trình hôm đó đã nói với cha mẹ cậu: “Chàng trai trẻ này là một nghệ sĩ bẩm sinh, cậu ấy thuộc về dòng dõi của những con người vĩ đại”. Mặc dù vậy, ông René không hề muốn con trai mình theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp với lí do từ kinh nghiệm bản thân, công việc đó không mang lại một sự bảo đảm về mặt tài chính. Zino được hướng theo học ngành luật và không hề tham dự bất kỳ một cuộc thi violin nào.

Tuy nhiên, việc ông René đột ngột qua đời khi Francescatti ở tuổi 22 đã làm thay đổi cuộc đời anh. Gia đình thiếu đi một nguồn thu nhập khiến Zino phải kiếm sống bằng cách trở lại việc biểu diễn violin ở Paris. Năm 1925, Jacques Thibaud tình cờ chứng kiến Francescatti chơi violin concerto số 1 của Paganini (một trong những tác phẩm gắn liền với tên tuổi Francescatti) tại Palais Garnier và rất hứng thú. Thibaud đã có những trợ giúp rất tích cực và luôn khuyến khích chàng trai trẻ theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp. Cuộc gặp gỡ với Maurice Ravel sau đó vào năm 1926 cũng là nguồn động viên to lớn với Francescatti. Say mê âm nhạc của Ravel nên Francescatti đã cùng nhà soạn nhạc tham gia chuyến lưu diễn 15 buổi tại Anh, biểu diễn trong các tác phẩm dành cho violin và hòa tấu thính phòng của ông. 

“Một kỹ thuật tuyệt đẹp đi cùng với giai điệu tươi sáng và độc đáo mà tất cả những người cùng thời với ông ấy đều sẽ cố gắng bắt chước”.

(Henryk Szeryng)

Trở về Pháp, mặc dù đã có được những khởi đầu khá hứa hẹn nhưng con đường trở thành nghệ sĩ violin độc tấu vẫn rất chông gai với Francescatti. Anh không nhận được nhiều lời mời biểu diễn, đồng nghĩa với việc thu nhập không ổn định. Năm 1927, cuối cùng Francescatti đã đến gặp Walter Straham, nhạc trưởng của Orchestre Straham và trở thành nhạc công của dàn nhạc. Anh cũng được nhận vào giảng dạy tại Ecole Normale de Musique, là đồng nghiệp của Alfred Cortot và Pablo Casals. Sau đó, năm 1928, Francescatti trở thành concertmaster thứ hai của Concerts Poulet Orchestra. Chính tại đây, anh đã gặp Yolande Potel de la Brière, một nghệ sĩ violin trẻ đẹp đầy hứa hẹn. Hai người đã kết hôn vào năm 1930 và chung sống với nhau cho đến khi Francescatti qua đời hơn 60 năm sau đó. Với tài năng của mình, Yolande hoàn toàn có thể có được một sự nghiệp cho riêng mình tuy nhiên cô đã lựa chọn lui lại, toàn tâm toàn ý chăm lo cho người chồng của mình.

Dần dần trở nên nổi tiếng, Francescatti đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn trên khắp châu Âu. Trọng tâm trong kịch mục của ông trong thời điểm này là các tác phẩm thời kỳ Lãng mạn. Bên cạnh đó, Francescatti cũng luôn cố gắng trong việc giới thiệu âm nhạc đương đại của Sergei Prokofiev, Igor Stravinsky, Darius Milhaud, hay Paul Hindemith. Dưới sự quản lý của ông bầu Leon Delort, Francescatti nhận được nhiều đề nghị từ nước Mỹ nhưng ông đều từ chối trước khi có chuyến lưu diễn đến Nam Mỹ vào năm 1938. Tại Teatro Colón, Buenos Aires, ông đã chinh phục công chúng tại đây trong violin concerto số 1 của Paganini. Khán giả phấn khích đến nỗi kể từ đó cho tới hết chuyến lưu diễn, cảnh sát được cử đến để hộ tống Francescatti rời khỏi các buổi hòa nhạc. Trở về Pháp, cuối cùng ông cũng nhận lời đến Mỹ biểu diễn theo sự mời mọc thiện chí đến từ Arthur Judson, ông bầu nghệ thuật nổi tiếng, người đồng quản lý cả New York Philharmonic và Philadelphia Orchestra. Chuyến đi diễn ra vào tháng 11/1939, trùng vào thời điểm quân Pháp tham chiến trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Mọi con đường đến Mỹ tại Pháp đều bị đình chỉ. Tháng 10/1939, Francescatti đã phải di chuyển từ Paris đến Hà Lan, đất nước duy nhất khi đó còn duy trì các dịch vụ vận chuyển tới Mỹ. 

Zino Francescatti dạy học.

Tại Mỹ, Francescatti bắt đầu các chương trình của mình ở Pittsburgh Nashville, St Louis. Ngày 18/11/1939, dưới sự chỉ huy của John Barbirolli và New York Philharmonic, ông đã biểu diễn trong tác phẩm quen thuộc violin concerto số 1 của Paganini và hoàn toàn chinh phục khán giả nơi đây. Cứ xuất hiện là đạt được những thành công, Francescatti đã khẳng định mình là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế hệ. Ông chinh phục được ngay cả những nhà phê bình khó tính nhất. Những địa điểm không có tên trong các điểm dừng chân của Francescatti tại Mỹ đã liên lạc với Judson để mong chờ một chuyến lưu diễn khác. Tuy nhiên, Francescatti đã quyết định quay trở lại Pháp vào tháng 12/1939 mà không hề nhận ra rằng thiên đường của nghệ thuật biểu diễn lúc đó là tại Mỹ, nơi sẽ thiết lập các điểm hỗ trợ tuyệt vời cho tương lai của ông.

Đạt tới đỉnh cao nghệ thuật

Đầu năm 1940, châu Âu trải qua tình trạng hỗn loạn chưa từng có. Francescatti vẫn nhận được rất nhiều lời biểu diễn nhưng đa phần sau đó đều bị hủy bỏ, kể cả ở tận những nơi tưởng như thoát khỏi sự xâm chiếm của quân đội Đức như Thụy Điển hay Na Uy. Cuối năm 1940, Francescatti nhận được lời mời đến Mỹ biểu diễn lần thứ hai. Khi Paris bị xâm chiếm, vợ chồng ông đã tới được Marseilles để rồi di chuyển tới Bồ Đào Nha và lên tàu sang Mỹ. Đến New York vào ngày 3/12/1940, Francescatti được đón tiếp rất trọng thị. Ông bắt đầu chuyến lưu diễn thứ hai của mình tại đây, có mặt tại hầu hết các thành phố quan trọng trên khắp nước Mỹ. Năm 1942, Francescatti mua được cây đàn Stradivarius “Hart” được chế tác từ năm 1727. Hart được các nhà phê bình đánh giá rằng đã góp phần tạo nên giai điệu mạnh mẽ hơn, phong phú hơn trong cách chơi của ông. Các tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của Paganini như I Palpiti hay Il carnevale di Venezia được ông biểu diễn với một phong thái đĩnh đạc và dường như không hề phải nỗ lực nhiều. Những nốt rung của Francescatti được ông sử dụng liên tục, nhanh và với biên độ rộng. Sau khi chứng kiến một buổi biểu diễn của Francescatti, Henryk Szeryng đã thốt lên: “Một kỹ thuật tuyệt đẹp đi cùng với giai điệu tươi sáng và độc đáo mà tất cả những người cùng thời với ông ấy đều sẽ cố gắng bắt chước”. Khi ông ở đỉnh cao sự nghiệp, nhà phê bình Virgil Thomson đã bình luận trên New York Herald Tribune: “Ở đâu cũng có vẻ đẹp, phẩm giá, sự thư thái và uy quyền của giá trị vững chắc. Nếu chơi violin đang trên con đường trở thành môn nghệ thuật cao quý một lần nữa, nghệ sĩ này là một trong những người chịu trách nhiệm cho sự thay đổi”.

“Âm nhạc đối với tôi là nhu cầu, là tôn giáo của tình yêu”. 

(Zino Francescatti)

Francescatti đã gặp gỡ, kết bạn và biểu diễn cùng rất nhiều tên tuổi lừng danh trên thế giới. Trong đó, có bốn cái tên để lại dấu ấn sâu sắc nhất. Đầu tiên là Thibaud, người đã động viên và hỗ trợ ông rất nhiều trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Sau đó là Ravel, mà Francescatti đã trở thành người bạn thân thiết cũng như diễn giải viên tuyệt vời và trung thành nhất của nhà soạn nhạc, được so sánh với Vlado Perlemuter trong những tác phẩm dành cho piano. Kế tiếp là Bruno Walter, người thường xuyên chỉ huy cho Francescatti và cuối cùng là Robert Casadesus, bạn diễn thân thiết trong các chương trình hòa tấu thính phòng, đặc biệt trong các phẩm của Claude Debussy, Ravel và đặc biệt là Beethoven. Họ đã cùng nhau thu âm trọn bộ các violin sonata của nhà soạn nhạc vĩ đại này, cho thấy sự hòa hợp tuyệt vời, đầy ắp sự trang nhã và cao quý. 

Trong những năm 1950 và 1960, Francescatti là một trong những nghệ sĩ violin bận rộn nhất thế giới, biểu diễn liên tục tại châu Âu, Mỹ và nhiều địa điểm khác, duy trì các ngôi nhà của mình ở New York và La Ciotat, một thành phố nhỏ nằm cách Marseilles khoảng 25km về phía Đông. Ông từng tổ chức chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, trong đó đáng chú ý khi dừng chân tại Israel. Phòng hòa nhạc quá nhỏ và để đáp ứng nguyện vọng của khán giả, Francescatti đã biểu diễn tại đây liên tục trong 17 ngày. Ông yêu mến đất nước Israel, sẵn sàng có mặt tại đây, cống hiến cho khán giả ngay cả khi đang xảy ra cuộc Chiến tranh Sáu ngày (5-10/6/1967). Tiếng đại bác vang vọng khắp các thành phố Tel Aviv và Jerusalem vẫn không thể khiến ông ngừng biểu diễn.

Một album của Zino Francescatti.

Trong những năm 1970, những lần xuất hiện trên sân khấu của Francescatti giảm dần. Sức khỏe không còn cho phép ông biểu diễn tại nhiều địa điểm với tần suất dày đặc như trước nữa. Francescatti hạn chế đi lại, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Năm 1974, ông cho biết: “Sau 70 tuổi, rất khó chơi một nhạc cụ có vĩ và giữ cho âm thanh hay”. Buổi biểu diễn cùng dàn nhạc của ông diễn ra vào ngày 16/12/1975 cùng Pierre Boulez và New York Philharmonic trong violin concerto số 3 của Camille Saint-Saëns, một tác phẩm nữa luôn gắn liền với tên tuổi của Francescatti. Trong số khán giả có những người bạn, đồng nghiệp thân thiết Igor Oistrakh, Isaac Stern, Itzhak Perlman và Pinchas Zukerman. Sau đó, ông còn xuất hiện trong một vài recital tại Pháp trước khi tuyên bố giải nghệ vào năm 1976.

Francescatti giải thích: “Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi không muốn khán giả của mình nghe thấy tôi chơi không tốt, tôi không tách mình ra khỏi âm nhạc mà là với khán giả của mình, âm nhạc đối với tôi là nhu cầu, là tôn giáo của tình yêu… Cảm ơn những cư dân của Marseilles, tôi đã là một nghệ sĩ gần sáu mươi năm, tôi đã nhìn thấy tất cả các nơi trên thế giới nhưng chính ở đây là nơi tôi muốn sống và chết”. Sau khi nghỉ hưu, Francescatti và vợ định cư tại La Ciotat. Ông cũng bán lại cây đàn Stradivarius “Hart” 1727 cho người đồng nghiệp thân thiết Salvatore Accardo để thành lập quỹ Zino Francescatti nhằm giúp đỡ những nghệ sĩ violin trẻ tuổi. Quỹ do vợ ông quản lý. Francescatti cũng tham gia giảng dạy, những người nổi bật trong số họ là Gaëtane Prouvost và Régis Pasquier. Ngoài ra, ông cũng trở thành thành viên ban giám khảo của một số cuộc thi violin trong đó có cuộc thi do chính ông thành lập ở Aix-en-Provence vào năm 1987.

Francescatti sống một cuộc sống yên bình tại La Ciotat trong suốt 16 năm cuối đời cho đến khi qua đời tại đây vào ngày 17/9/1991, thọ 89 tuổi. Nguyên nhân cái chết không được tiết lộ cụ thể. Để ghi nhớ tên tuổi của một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất nước Pháp trong thế kỷ 20, nhạc viện tại thành phố La Ciotat đã được mang tên ông. Bà Yolande cũng hiến tặng cho bảo tàng thành phố những kỉ vật gắn bó với cuộc đời của Francescatti, như những bức ảnh, tổng phổ và cây đàn violin mà ông đã chơi trong giai đoạn đầu sự nghiệp.□

Ngọc Tú tổng hợp  

Nguồn:

https://www.nytimes.com/1991/09/18/arts/zino-francescatti-is-dead-at-89-violinist-renowned-for-lyricism.html
https://zino-francescatti.fr/en/biography
https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1991-09-18-mn-2246-story.html

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)