Bảo tồn di sản đô thị: rất cần sức ép dư luận từ cộng đồng
Trước tình trạng một số di sản đô thị ở TP. HCM đang biến mất nhanh chóng hoặc “lọt thỏm” và dần bị “bức tử” bởi các khu đô thị mới, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, chỉ khi ý thức cộng đồng được nâng cao mới có thể tác động và buộc nhà quản lý phải có động thái gìn giữ di sản.
TS. Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Nguyễn Trương Quý trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: T.Nhàn.
Đó là một trong những quan điểm của TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về thực trạng không ít di sản đô thị tại TP.HCM như khu Ba Son, đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, cảnh quan ven sông, biệt thự … đang biến mất hoặc bị biến dạng. Trao đổi với các chuyên gia, học giả và công chúng tại tọa đàm “Bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa” do Tia Sáng tổ chức ngày 3/7, TS Nguyễn Thị Hậu đã chỉ ra, phong trào bảo vệ di sản từ phía cộng đồng cư dân có ảnh hưởng gần như mang tính quyết định tới các nhà quản lý trong các trường hợp như Thương xá Tax hay quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn, và vì vậy sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản đô thị.
Tư duy “một chiều”
Theo TS. Nguyễn Thị hậu, bảo tồn di sản đô thị ở TP. HCM gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa lợi ích từ phát triển kinh tế với mục tiêu gìn giữ di sản. Các nhà đầu tư và giới quản lý chỉ nhìn đô thị dưới một khía cạnh, đó là giá trị kinh tế mà quên đi TP. HCM là tổng hòa của bốn đặc trưng quan trọng: “một đô thị sông nước, một trung tâm kinh tế, một đô thị của sự đa dạng văn hóa và là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây”. Chính tư duy này có thể “ép” những di sản đang còn “sống” đứng trước nguy cơ biến mất chỉ trong “ngày một ngày hai”. Bởi vì nhiều di sản đô thị chỉ được bảo tồn đơn lẻ (trong khi đó, di sản đô thị cần phải được bảo tồn mang tính hệ thống), bị nhiều nhà đầu tư lớn “gửi chân” và dần dần “thâu tóm” các di sản để xây dựng các công trình hiện đại.
Nguyên nhân thứ hai đến từ nhận thức của giới quản lý đô thị – chưa đánh giá đúng vai trò của di sản đô thị ở các giai đoạn lịch sử cũng như có cái nhìn “một chiều” về các thời đại lịch sử khác nhau. “Ở TP. HCM có hai kiểu tâm lý khá phổ biến là chỉ những thứ ‘cổ’ từ thời Lý, Trần, Lê mới quý, còn thời Nguyễn cũng ‘không là gì’ và phân biệt ‘di sản của ta/ không phải của ta’. ‘Ta’ ở đây có thể là người Việt, hay của những người vào Sài Gòn sau năm 1975. Tâm lý không đặt mình vào vị trí của người khác đó rất nguy hại cho việc bảo tồn di sản đô thị”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói.
Mặt khác, một số quy định luật pháp nói chung và cơ chế quản lý đất đai nói riêng hiện nay đang khiến việc bảo vệ di sản trở nên khó khăn hơn. “Ví dụ, di sản là của ai? của chính quyền quản lý hay của nhà đầu tư? Hay của cộng đồng dân cư. Về lý thuyết, cụm từ ‘sở hữu toàn dân’ là một khái niệm rất mênh mông, trừu tượng và dễ bị lợi dụng”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói. Đồng tình với ý kiến này, TS. Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng: “Sẽ khó lòng bảo vệ được di sản, bởi vì về mặt luật pháp, chỉ có di tích lịch sử đã được xếp hạng mới được bảo vệ. Do đó, các khái niệm văn hóa như di sản, di tích cũng cần phải được làm rõ dưới khía cạnh luật pháp”.
Tiếng nói của cộng đồng
Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, việc cấp thiết hiện nay là phải giữ được các vùng “lõi” di sản đô thị ở TP. HCM, tránh tình trạng “cáo gửi chân”, mượn danh nghĩa tiếp tục gìn giữ di sản nhưng lại “âm thầm” xóa bỏ di sản. Để làm được điều đó, chỉ có thể kỳ vọng vào sức mạnh, sự lên tiếng của cộng đồng, một trong bốn tác nhân tác động lên di sản đô thị gồm cộng đồng, chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư. “Ý thức [bảo tồn di sản] của cộng đồng càng lớn thì nhà quản lý đô thị càng chịu sức ép phải có trách nhiệm với di sản”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói. Bà dẫn chứng về thực tế từ những năm 2010 tới nay, tiếng nói và vai trò của cộng đồng ngày càng có sức mạnh trong việc đồng thuận hay phản đối những dự án liên quan đến di sản văn hóa. Ví dụ như trường hợp quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn và các công trình nhà thờ công giáo cho thấy vai trò của cộng đồng, bao gồm người dân và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống, sinh hoạt liên quan đến các công trình hay cảnh quan di tích.
Nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, người từng viết nhiều tản văn về đời sống đô thị Hà Nội cho rằng, bộ mặt di sản đô thị đang dần biến đổi, khó lòng giữ được “nguyên trạng nguyên si” bất kỳ một đô thị nào. Anh cũng đặt niềm tin ở cộng đồng, chính các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt là nhóm người trẻ trong đô thị sẽ tiếp tục “chế tạo di sản” hoặc tự quy hoạch những khu vực nhở và giữ được “phần hồn” của di sản đô thị.