Tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc nhân sinh.

Cứu cánh của kinh tế là góp phần tạo dựng hạnh phúc cho cõi nhân sinh thông qua sự tăng trưởng của xã hội, nhưng động lực thúc đẩy tăng trưởng ấy chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có thật về hạnh phúc của con người. Nói cách khác, tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc nhưng đồng thời tăng trưởng cũng lại cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững!

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, với những biến động của những hệ thống chính trị, xã hội và  kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời với chiều hướng càng ngày càng lớn mạnh của các phương pháp tiếp cận khoa học liên ngành, kinh tế học “hiện đại” lại có khuynh hướng quay về cội nguồn của nó (điển hình là giải Nobel kinh tế 1998 đã được trao cho Amartya Sen với các công trình về “Bảo trợ kinh tế, lựa chọn công cộng và nghèo đói xã hội” thực hiện dưới giác độ “đưa chiều kích của đạo lý làm người về lại trong nội hàm của kinh tế học”).
Hiểu được diễn trình trên sẽ không còn “dị ứng” với việc các kinh tế gia ngày nay đặt vấn đề về “tính quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng và hạnh phúc”!
Nhưng điều đầu tiên gặp phải là: nếu định nghĩa về tăng trưởng có thể được tương đối dễ dàng thống nhất –dựa chủ yếu trên việc triển khai/bổ sung nội dung của “chỉ số thịnh vượng GDP”- thì ngược lại, hạnh phúc nhân sinh không có một định nghĩa phổ biến tiên thiên. Cách hay nhất là khởi sự xem xét những gì cản trở hạnh phúc, hay chính xác hơn, là những gì mang đến bất hạnh cho con người. Và câu trả lời gần như đương nhiên: cơ bản đó là tình trạng nghèo đói, thiếu kém… Thì quả đúng là rất khó có được hạnh phúc khi con người sống trong lầm than cơ cực. Nhưng thế nào lại là thiếu kém? Và nhất là thế nào mới đầy đủ?

 

 Ở các quốc gia có chỉ số tăng trưởng GDP tương đối thấp hoặc tiến độ gia tăng chậm nhưng chỉ số “an ninh kinh tế/an sinh xã hội” cao thì cảm nhận về “việc đến gần với hạnh phúc” lại phổ biến hơn trong dân chúng, ngược với những nước có chỉ số gia tăng GDP cao nhưng chỉ số “an ninh kinh tế/an sinh xã hội” lại thấp

Nhằm giải quyết vấn đề trên, giới chuyên ngành phân định như sau: nghèo đói là tình trạng vật chất, nhìn thấy một cách cụ thể và có thể định lượng rõ ràng. Thiếu kém hay đầy đủ lại là chủ yếu một thể dạng của “diễn dịch từ nhận thức”, nghĩa là nặng về so sánh giữa các hoàn cảnh xã hội khác nhau và chi phối bởi cách nhìn định tính. Và điều đáng luận bàn là: càng nặng về định lượng thì càng khó cảm nhận về hạnh phúc và ngược lại, với cái nhìn thiên về định tính, hạnh phúc dễ đến gần hơn! Những phân tích sau đây minh chứng cho điều vừa nói:           
Nhiều cuộc điều tra liên quốc gia đã xác minh là tại các nước đang phát triển, cảm nhận về hạnh phúc đa phần và thoạt tiên được đồng hóa với việc tăng mức thu nhập. Nhưng ở các nước phát triển, việc tăng thu nhập không còn đồng nghĩa với việc tăng thêm niềm hạnh phúc. Đào sâu các cuộc điều tra, yếu tố quan trọng khác được phát hiện: mặc dù tại các nước nghèo, khuynh hướng đa số là mong muốn có thêm thu nhập để được thêm hạnh phúc (chính xác hơn là cho “đỡ cực”), nhưng điều bất hạnh lớn nhất được ghi nhận bởi dân chúng ở các nước ấy là tính bất ổn trong an sinh xã hội và sự chênh lệch thái quá về thu nhập, nhất là khi khoảng cách của sự mất thăng bằng ấy càng ngày càng lớn đến độ được nhìn nhận như một chứng cứ rõ ràng về bất công xã hội, nghĩa là thu nhập không còn tương xứng với thực tài và công sức lao động mà chỉ là kết quả có được từ những vị thế và quan hệ quyền lực.
Nói cách khác, đòi hỏi về tăng thu nhập cần phải được đối xứng với nhu cầu an sinh xã hội, ổn định tương lai và khát vọng công bằng: dù cho việc tăng thu nhập tổng cương được ghi nhận với sự tăng trưởng của chỉ số GDP có càng ngày càng cao thì diễn trình ấy cũng không mang đến cảm nhận về hạnh phúc cho dân chúng nếu xã hội vẫn còn nhiều cảnh sống bấp bênh, nghĩa là không có được sự bảo trợ ổn định tối thiểu về mặt an sinh cộng đồng và trong một bối cảnh mà khoảng cách giàu nghèo và phân hóa địa phương càng ngày càng lớn. Cũng cần nhận định rõ là trong hoàn cảnh ấy, ngay những người có mức thu nhập rất cao cũng không thể an tâm “hưởng lạc thú tinh thần”. Đơn giản: điều gì bảo đảm cho những người ấy là thu nhập ngày mai của họ sẽ khá hơn so với ngày hôm nay hay chí ít tương lai cũng được như hiện tại ?! Tóm gọn: trong một bối cảnh xã hội mà sự tăng vọt về kinh tế (tăng trưởng “nóng”) tạo ra thường xuyên những biến động bất ngờ, cảm nhận phổ biến là “gần gũi với bất ổn tinh thần” hơn là “cận kề với hạnh phúc”! Và đã bất định thì tâm lý phổ cập lại sinh ra dễ “chụp giật”, nghĩa là cơ sở của nhiều mối quan hệ xã hội và kinh tế hay thậm chí chính trị đều bị chi phối nặng nề bởi tính cách “ăn xổi ở thì”.  Chính vì thế mà ở các quốc gia có chỉ số tăng trưởng GDP tương đối thấp hoặc tiến độ gia tăng chậm nhưng chỉ số “an ninh kinh tế/an sinh xã hội” cao thì cảm nhận về “việc đến gần với hạnh phúc” lại phổ biến hơn trong dân chúng, ngược với những nước có chỉ số gia tăng GDP cao nhưng chỉ số “an ninh kinh tế/an sinh xã hội” lại thấp.
Từ hiện tình trên đã dần dần hiển lộ điều cơ bản: hạnh phúc là một thể trạng thuộc lĩnh vực của “hiện hữu”, trong khi việc tăng thu nhập –cũng như tiến trình tăng trưởng chỉ số GDP- lại chủ  yếu nằm ở diện “chiếm hữu”. Chính vì thế mà trong giai đoạn đầu, “cái có” khả dĩ mang đến cảm nhận về sự thoải mái trong đời sống, nhưng khi đã vượt qua ngưỡng của nghèo khổ, mong muốn thâm tâm lại hướng về “cái là”. Vì vậy mà điều oái ăm là càng đuổi theo “cái có”, con người càng cảm thấy mình bất hạnh, trái ngược với những ai chọn hướng thiên về “cái là”. Nói chính xác: “khối lượng vật chất” tự thân nó, không đủ để tạo dựng cảm nhận vững chắc về hạnh phúc, mà cần phải có thêm “định chất tinh thần”. Do vậy mà ngay tại các nước phát triển, chẳng hạn như ở Mỹ, tỷ lệ của những người mắc các chứng bệnh “phân liệt tâm thần khó điều trị” vì “ám ảnh không ngừng bởi việc tích lũy vật chất” cao không kém tỷ lệ của những người bị bệnh “khó chạy chữa” do điều kiện kinh tế eo hẹp (bệnh đầu được liệt vào loại “bệnh nhà giàu” và loại sau thuộc diện “bệnh nhà nghèo”, nhưng bệnh vẫn là bệnh và khi đã bị bệnh thì khó có thể nói là bệnh nào “hạnh phúc” hơn bệnh nào!).
Từ các thẩm định trên, nội hàm phổ cập của quan niệm về hạnh phúc cũng đã được định hình rõ. Đó là “thể trạng cảm thụ tinh thần liên quan mật thiết với chất lượng đời sống” được tích hợp từ bốn trạng thái sau: “thoải mái”, “hoan lạc”, “vui sống” và “an bình”.  Cách tiếp cận này làm hiện rõ vai trò của tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với việc tạo dựng hạnh phúc cho xã hội: của cải quốc gia được tính theo chỉ số GDP, tự thân nó, khả dĩ mang đến được “thoải mái” và “hoan lạc” chứ không có khả năng tạo dựng niềm “vui sống” và sự “an bình”.

Khi mà đại đa phần thành quả của tăng trưởng kinh tế được dồn vào cho chính việc tăng trưởng kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các cơ cấu xã hội, giáo dục và văn hóa nhằm hỗ trợ và trang bị thêm cho con người những chỗ dựa và hành trang cần thiết trong việc phát triển của chính bản thân nó thì mỗi một con người đều trở thành kẻ đối địch của nhau trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc vị kỷ. 

Dễ hiểu: với việc gia tăng thu nhập bình quân, khởi đầu con người cảm thấy được “thoải mái” hơn, nghĩa là ít bị dằn vặt bởi những lo âu về vật chất. Và khi những lo âu trên không còn là gánh nặng thì diễn trình tiếp liền là “hoan lạc” với nghĩa là con người có khuynh hướng muốn “hưởng thụ nhanh và nhiều” để bù đắp những “cơ khổ” trước đấy. Đó là hai trạng thái tâm lý xã hội thông thường vẫn phát sinh trong giai đoạn đầu của việc tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, mong muốn “hoan lạc” nói trên cuối cùng lại có chiều hướng không mang đến cho con người niềm “vui sống” mà ngược lại là tạo ra một vòng xoắn tiêu cực đưa con người rơi trở vào trạng thái lo âu: muốn được “hoan lạc” thông qua việc hưởng thụ càng ngày càng nhiều các tiện nghi vật chất thì con người phải xả thân cật lực cho việc mưu sinh để tăng thêm thu nhập bằng mọi cách. Mà đã cứ phải tất bật lăn xả vào quá trình ấy thì bản thân tâm lý con người lại không còn được “thoải mái”, nhất là trong bối cảnh quốc gia mà xu hướng nổi trội là “tất cả dồn cho việc đẩy nhanh tốc độ gia tăng chỉ số GDP” (mà không tính toán rạch ròi hiệu suất của tăng trưởng ấy, nghĩa là không cần biết rõ phải tiêu tốn tất cả bao nhiêu vật lực và công sức xã hội để đạt được tốc độ và mức độ tăng trưởng kinh tế mong muốn). Nói gọn: nếu việc tăng trưởng GDP chỉ đơn thuần là thúc đẩy việc tăng gia vô tội vạ một tiến trình tạo sinh và tích lũy thuần tuý vật chất thì rốt cuộc hạnh phúc con người vừa được manh nha rồi cũng sẽ tiêu tán4!

 

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế là một tiền đề quan trọng để tạo dựng hạnh phúc nhân quần. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế chỉ còn hướng về mục đích tự thân, nghĩa là tự nó và vì nó mà quên đi cứu cánh của nó, hạnh phúc nhân sinh không chỉ không còn mà tăng trưởng cũng sẽ bị lâm vào tình hình khủng hoảng: mải miết là cuộc rượt đuổi vật chất, tăng trưởng trở thành một cái bóng ám ảnh chính nó! Bởi vì “niềm vui” và sự “an bình” trong cộng đồng –vốn vừa là thành quả vừa là động cơ của “chất lượng đời sống”- chẳng đến được từ những lo toan tính toán so đo tị hiềm mà chỉ đến từ việc tinh thần của con người cảm thấy được che chở khi cần thiết! Cụ thể: khi mà đại đa phần thành quả của tăng trưởng kinh tế được dồn vào cho chính việc tăng trưởng kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các cơ cấu xã hội, giáo dục và văn hóa nhằm hỗ trợ và trang bị thêm cho con người những chỗ dựa và hành trang cần thiết trong việc phát triển của chính bản thân nó thì mỗi một con người đều trở thành kẻ đối địch của nhau trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc vị kỷ. Và khi mà cuộc kiếm tìm ấy chỉ là một quá trình cạnh tranh giành giật lẫn nhau trong một bối cảnh mà thiết chế cơ bản là định luật “sống chết mặc bay/nhanh tay thì hái được nhiều” thì tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc nhân sinh lại trở thành hai động thái vận hành thay vì tương hỗ lại sinh ra đối kháng mang tính triệt tiêu lẫn nhau.
Quả thế: làm thế nào để tăng trưởng kinh tế phát huy hết hiệu suất và tiềm năng của nó trong một bối cảnh xã hội mà đa số con người không còn tin là nó có thể tự tạo được hạnh phúc cho nó nhờ chính vào thực lực của nó?! Nói chính xác: khi điều mà con người cảm thụ không phải là hạnh phúc mà chính là sự bất hạnh và bất công đang đe dọa nó thì cái nhìn của nó khó có thể rộng lượng nghĩ về người khác và thêm nữa là nó còn mất đi tin tưởng vào tương lai. Vấn đề nảy sinh từ đấy: trong tình hình mà tương lai là đầy nghi ngại và hiện tại lại lắm xung đột quyền lợi ích kỷ thì làm sao có được sự đầu tư đúng đắn và lâu dài của cá nhân con người cho sự bền vững trong phát triển kinh tế cộng đồng? Vì thế, khi tăng trưởng kinh tế không mang đến được thật sự niềm “vui sống” và sự “an bình” cho xã hội mà chỉ là những toan tính vụ lợi hoàn toàn bè phái cục bộ và ngắn hạn thì tăng trưởng ấy khó mà biến thành phát triển bền vững6.
Tóm gọn: tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là một tiến trình tạo ra của cải vật chất mà còn nhất thiết phải mang đến một luân lý tinh thần bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu vắng chiều kích đó, tăng trưởng vật chất sẽ dẫn đến một khủng hoảng xã hội trầm kha gây rối loạn nghiêm trọng, cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự!
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rõ: đề cao “quyền mưu cầu hạnh phúc” của mỗi một con người không có nghĩa là phân chia kiểu rải đều và cào bằng những thành quả mang lại bởi tiến trình tăng trưởng kinh tế mà chính là phải mở rộng những định chế xã hội và không gian công cộng mà cá nhân con người có thể dựa vào đấy để tránh việc bị đè bẹp bởi những quyền lực sản sinh từ sự liên kết giữa sức ép của thị trường với sức trì của các thành phần thuộc guồng máy công quyền nhưng lại bị tha hoá bởi hấp lực của vật chất!
Cuối cùng, một nhận định: “đạo lý kinh tế” rốt cuộc là một vấn đề không còn có thể né tránh, vì thế, điều cần thiết là vai trò của đạo lý ấy phải được phân định minh bạch bởi tất cả những ai vẫn luôn tôn vinh lý tưởng giải phóng con người để cho nó được càng ngày càng hạnh phúc. Hãy đừng để tầm nhìn bị giới hạn bởi cái tặc lưỡi: thì “có thực [rồi] mới vực được đạo”. Bởi vì rất lắm khi vì bỏ quên “đạo lý làm người” mà bất cứ cái gì cũng “thực” tất!

Tôn Thất Nguyễn Thiêm

Tác giả