Hãy giữ người tài ở lại

Hằng năm, không lâu sau dịp Tết, tôi thường được Đại sứ quán Pháp mời tham gia một hội đồng phân bổ học bổng cho những sinh viên Việt Nam xuất sắc có nguyện vọng học thạc sỹ hay tiến sỹ tại Pháp. Mỗi lần như vậy, chứng kiến cảnh lượng sinh viên xuất sắc đăng ký thì nhiều, trong khi lượng học bổng thì ít, hẳn ai cũng cảm thấy phiền lòng. Điều ấy khiến ta không khỏi nghĩ về tính hiệu quả đối với đất nước từ những sự hỗ trợ như thế này.


Viện John von Neumann (ĐHQG Tp.HCM) mời các giáo sư nước ngoài và Việt kiều về giảng dạy cho sinh viên. Nguồn: Viện John von Neumann.

Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu thành công nhất trên thế giới như Harvard hay Cambridge thường chi nhiều tiền để thu hút sinh viên quốc tế tài năng; trong khi đó chúng ta làm ngược lại, tiêu nhiều tiền cho việc gửi người đi học ở nước ngoài. Tất nhiên, trong thâm tâm chúng ta hi vọng một ngày nào đó giáo dục Việt Nam cuối cùng sẽ thoát khỏi tình trạng hiện tại và hướng tới đẳng cấp như của Harvard hay Cambridge. Muốn vậy, nền giáo dục của Việt Nam phải thay đổi định hướng bởi nếu cứ theo hướng đi hiện nay thì nạn chảy máu chất xám vốn đã kéo dài vài thập kỷ sẽ còn tiếp tục mãi. Tuy nhiên, sự tụt hậu là quá xa, chúng ta không thể mong lấp đầy ngay trong ngày một ngày hai mà chỉ có thể từng bước rút ngắn khoảng cách đến mục tiêu mong muốn.

Một trong những thay đổi với cách làm từng bước có tính khả thi cao là Việt Nam cùng các nước khác tiến hành những chương trình hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo. Mỗi nghiên cứu sinh sẽ do hai nhà nghiên cứu, một từ trong nước, một từ nước ngoài, đồng hướng dẫn. Phát triển theo hướng đi này ở mức cao hơn, chúng ta sẽ có sự hợp tác giữa hai nhóm nghiên cứu, một từ trong nước, một ở nước ngoài, cùng thực hiện các nghiên cứu và cùng công bố kết quả. Các nghiên cứu sinh được hướng dẫn bởi thành viên từ cả hai nhóm nghiên cứu, sẽ dành một phần thời gian ở Việt Nam, phần còn lại ở nước ngoài. Như vậy, sau khi bảo vệ luận án các nghiên cứu sinh sẽ có bằng từ cả trong nước và nước ngoài; mặt khác trong suốt quá trình đào tạo người học viên đó sẽ luôn giữ liên lạc và nhận được sự hỗ trợ từ người hướng dẫn và nhóm nghiên cứu trong nước để có định hướng nghiên cứu tốt nhất, vừa phù hợp với năng lực cá nhân, vừa gắn với nhu cầu thực tế nghiên cứu ở trong nước. Hai nhóm nghiên cứu qua quá trình hợp tác sẽ học hỏi từ nhau và cùng được hưởng nhiều lợi ích; khi một nhóm nghiên cứu đào tạo, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cho một nghiên cứu sinh của nhóm bên kia, trên thực tế họ không chỉ đào tạo cho một cá nhân mà thực ra là họ đang truyền đạt tri thức và kinh nghiệm cho cả tập thể nhóm bên kia. Đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài, cách hợp tác như vậy giúp họ hiểu rõ hơn hoàn cảnh và những điều kiện hạn chế trong nền giáo dục và khoa học ở Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung. Về phía các nhà nghiên cứu Việt Nam, họ sẽ học được cách làm việc của những nhóm nghiên cứu tốt nhất trên thế giới, qua đó cũng tiếp thu được kỷ luật và đạo đức học thuật của họ. Những mối quan hệ như vậy giúp cộng đồng khoa học Việt Nam nắm rõ hơn xu hướng vận động của nền khoa học đương đại để biết được đâu là những ngành quan trọng cần được quan tâm nhất; đồng thời giúp Việt Nam hiện đại hóa nội dung chương trình giảng dạy trong các trường đại học, phát triển những lĩnh vực phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.

Tôi có thể hiểu được nếu bạn đọc đang mỉm cười, cho rằng viễn cảnh tôi đưa ra ở đây là quá lạc quan. Đúng vậy, viễn cảnh ấy cách khá xa so với thực tế.

Hiện nay ở Việt Nam, người ta quy định rằng một nghiên cứu sinh trong chương trình đồng hướng dẫn để được nhận bằng từ cơ sở trong nước sẽ phải chờ hơn một năm kể từ khi nhận bằng từ nước ngoài (sau khi đã bảo vệ trước một hội đồng quốc tế với đầy đủ các thành viên từ cả trong nước và nước ngoài). Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng không may lại đúng là như vậy. Dường như người ta cho rằng các nhà khoa học trong nước ưu tú hơn nhà khoa học nước ngoài, dẫn tới không thể tin tưởng vào đánh giá của hội đồng quốc tế, bởi vậy người học viên sẽ phải bảo vệ lần thứ hai trước một hội đồng chỉ gồm các nhà khoa học trong nước, và phải trải qua vô vàn những thủ tục nhọc nhằn một cách không cần thiết. Ít năm trước, tôi viết một lá thư ngỏ gửi Bộ GD&ĐT để trình bày về tình trạng bất cập này và đề nghị họ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chương trình đồng hướng dẫn. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã rất lịch thiệp nói rằng ông hoàn toàn hiểu vấn đề này, rằng cấp dưới của ông đang khắc phục nó. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Trái ngược với sự quan liêu phi lý trên đây từ cơ quan quản lý, giới khoa học Việt Nam lại thể hiện một sự tự ti quá mức, họ không tin vào năng lực của bản thân cũng như những gì các nhà nghiên cứu trong nước có thể làm được. Như tôi thường viết, sinh viên Việt Nam hiển nhiên không hề thua kém trí tuệ so với sinh viên quốc tế, và nhìn chung học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp có một nền tảng kiến thức khá vững vàng, chỉ tới khi lên cấp đại học họ mới bắt đầu bị tụt hậu so với thế giới. Tuy nhiên, những em giỏi nhất khi học trong nước vẫn không thua kém, miễn là được sự hỗ trợ cần thiết. Do vậy, thay vì gửi người đi du học nước ngoài rồi quên lãng họ, như chúng ta vẫn thường làm – tôi có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp – hãy giữ các em ở lại và hỗ trợ các em hình thành các nhóm nghiên cứu nhỏ. Thay vì lãng phí tiền bạc tài trợ cho người đi du học, chúng ta có thể đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cho cùng một lúc rất nhiều sinh viên trong nước bằng cách dành tiền cho việc mời các giảng viên quốc tế đến Việt Nam. Những chuyên gia quốc tế giỏi có thể được mời đến làm việc trong ngắn hạn để giúp bồi dưỡng cho các nhóm nghiên cứu trẻ và hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh tiến sỹ trong nước. Chúng ta có thể khởi đầu chỉ với một nhóm nghiên cứu rất nhỏ, ví dụ như hai người làm postdoc, rồi bồi đắp dần dần bằng cách đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh. Lưu ý rằng các nghiên cứu sinh phải dành phần lớn thời gian làm việc ở trong nước. Một trong những tiêu chí đo lường thành công của các trường đại học đang hợp tác với quốc tế trong đào tạo trên đại học là lượng thời gian mà các nghiên cứu sinh của họ làm việc ở trong nước. Nếu chỉ tiêu đó tăng một cách vững chắc thì nghĩa là họ đang thành công.

Trên thực tế, các nhà khoa học Việt Nam cũng ý thức về điều này. Qua tiếp xúc với các nghiên cứu sinh Việt Nam, tôi được biết có nhiều nhóm nghiên cứu đang thực hiện điều tôi vừa trình bày. Về phía các nhà khoa học quốc tế, nhiều người bày tỏ rất quan tâm đến việc hỗ trợ sự phát triển khoa học ở Việt Nam và sẵn sàng dành thời gian cho việc này – đóng góp của Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp cho lĩnh vực lúa gạo có thể coi là một ví dụ mẫu mực. Tuy nhiên, về phần hệ thống quản lý ở Việt Nam, ở tầm Bộ GD&ĐT, hay các viện nghiên cứu và trường đại học, đa số chưa dành sự hỗ trợ và khuyến khích cần thiết cho những sáng kiến như vậy. Ví dụ như trong các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, việc giảm thải khí nhà kính là vấn đề quan trọng hàng đầu trên bình diện toàn cầu, nhưng với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên quá coi trọng vấn đề này, xét trong tương quan với [lượng phát thải của Việt Nam chẳng thấm tháp gì so với] nước láng giềng Trung Quốc hay nước Mỹ với Donald Trump tại vị trong Nhà Trắng. Vấn đề cấp bách hơn với Việt Nam là việc nằm trong số những nước bị thiệt hại nặng nhất bởi thiên tai do biến đổi khí hậu. Lũ lụt, nước biển dâng đi kèm với sự thu hẹp đồng bằng châu thổ, sự tàn phá các khu rừng đước, gia tăng xâm nhập mặn các vùng ven biển, nạn lở đất,… là những vấn đề cần được xem xét một cách thấu đáo trong thời gian sớm nhất. Vậy tại sao chúng ta lại cử người ra nước ngoài để nghiên cứu về giảm khí nhà kính? Lẽ ra việc [đào tạo người làm] nghiên cứu ứng dụng cần căn cứ trên nhu cầu cụ thể của đất nước, vốn dĩ có thể rất khác so với những vấn đề của các nước đã phát triển. Để thực hiện những vấn đề mà Việt Nam cần nghiên cứu, cần thu hút các nhà khoa học quốc tế đến hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam hơn là gửi người trong nước ra nước ngoài.

Để thay đổi thực trạng này trước hết cần thay đổi nhận thức của các nhà quản lý. Bộ GD&ĐT cần thay đổi các quy định quan liêu nhằm thúc đẩy thay vì hạn chế sự tiến bộ. Các trường đại học nên hiểu rằng việc cử hàng loạt sinh viên của mình ra nước ngoài là điều sai lầm. Họ nên xây dựng các chương trình nhằm thu hút nhà khoa học nước ngoài đồng thời hấp dẫn sinh viên tài năng ở lại trong nước. Chúng ta cần khiến thế hệ trẻ thay đổi quan niệm định kiến rằng muốn thành tài thì không thể học ở trong nước mà phải du học nước ngoài. Chúng ta phải thảo luận với các quốc gia đang trợ giúp Việt Nam về những nhu cầu nghiên cứu trong nước và dành một phần kinh phí gửi người đi du học chuyển thành tài trợ cho các nhà khoa học nước ngoài đến làm việc với các nhóm nghiên cứu trong nước trong ngắn hạn. Khi đề ra các nhu cầu của mình với các quốc gia khác, chúng ta trước hết phải hiểu rõ đó là những nhu cầu gì. Vì vậy, trong chính sách của Nhà nước phải nêu rõ ràng về các nhu cầu của quốc gia, chỉ rõ đâu là trọng tâm ưu tiên, công khai cho công chúng được biết đâu là định hướng mà đất nước sẽ thực hiện, và đâu là những quy định hướng dẫn cần được tuân thủ, v.v. – lưu ý rằng đôi khi không có quy định hướng dẫn còn tốt hơn là những quy định hướng dẫn tồi tệ.

Tôi hiểu rằng những vấn đề này rất phức tạp, không thuần túy đen hay trắng, và mỗi trường hợp cụ thể đều cần được xem xét toàn diện. Nhưng tôi hi vọng rằng ở đây tôi đã trình bày rõ ràng về một tinh thần mới, một phong cách mới, mà theo quan điểm của tôi, chúng ta cần áp dụng, cùng những đổi mới mà chúng ta cần nuôi dưỡng và khuyến khích.

 

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)