Tự chủ đại học dựa trên học phí ?

Xuất phát từ chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công cách đây gần 20 năm, việc các cơ sở giáo dục đại học đua nhau tăng học phí gần đây có thể khiến giáo dục đại học của Việt Nam phát triển không bền vững.

Khối ngành Y dược có học phí đắt nhất và tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Ảnh: Khoa Y dược, trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Gần đây báo chí rầm rộ đưa tin mức học phí cho năm học 2024-2025 của nhiều trường đại học tăng đáng kể so với mức học phí năm học 2023-2024. Ví dụ, trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng gấp đôi học phí so với năm học trước, lên đến 55 triệu đồng/năm. Sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM năm học 2024-2025 phải đóng học phí cao hơn năm trước từ 4 triệu đến 16,5 triệu đồng/năm tùy chương trình. Trường ĐH FPT áp dụng mức học phí cho sinh viên nhập học mới năm 2024 với mức tăng học phí từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ.

Thật ra câu chuyện học phí đại học tăng không còn là điều mới lạ bởi tất cả đã nằm trong lộ trình do nhà nước đặt ra từ cách đây 14 năm qua Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và gần đây là Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về mức trần học phí đối với các cơ sở đại học công lập. Ba nghị định này không chỉ cho phép các trường mỗi năm đều được tăng học phí mà mức độ tăng cũng khá “mạnh tay” theo thời gian. Chẳng hạn như từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015, mức trần học phí mỗi năm tăng trung bình khoảng hơn 20%. Trong đó ngành y dược, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là tăng mạnh nhất, có lúc lên tới khoảng 30%. Từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021, mức tăng đã bắt đầu chậm lại, khoảng 10% mỗi năm nhưng nhanh chóng lấy lại tốc độ “phi mã” sau năm học 2021. Trong đó, so với năm học 2021-2022, học phí của khối ngành y dược tăng gần gấp đôi vào năm 2022-2023. Trần học phí các khối ngành khác mức tăng thấp hơn, nhưng cũng ở mức 20%-30% trong năm học này.

Trong Nghị định 81 ban hành gần đây nhất, chính phủ đã xác định lộ trình này là để “tính đủ” chi phí với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo đó, mức trần học phí được quy định trong nghị định này (sẽ lên đến gần 30 triệu/năm với khối ngành Y dược và gần 20 triệu/năm với đại đa số các ngành còn lại trong năm học tới 2024-2025) chỉ dành cho các trường vẫn nhận sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên. Những trường có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên có thể thu gấp đôi mức trần này. Còn các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được tự xác định học phí. Bởi vậy, truyền thông có thể “ngỡ ngàng” trước học phí trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm học tới là hơn 50 triệu nhưng là một trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên, họ có thể tăng học phí cao hơn nữa, tới 60 triệu, nếu thấy vẫn thu hút đủ sinh viên nhập học. 

Nhóm ngành2010 – 20112011 – 20122012 – 20132013 – 20142014 – 20152015-20162016-20172017-20182018-20192019-20202020-2021
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản290355420485550610670740810890980
2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch3103954805656507207908709601.0601.170
3. Y dược340455570685800 880 970 1.070 1.180 1.300 1.430

Mức trần học phí đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2020-2021 theo 49/2010/NĐ-CP, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP như sau (Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên).
Khối ngành2021-20222022-20232023-20242024-20252025-2026
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên9801.2501.4101.5901.790
Khối ngành II: Nghệ thuật1.1701.2001.3501.5201.710
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật9801.2501.4101.5901.790
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên1.1701.3501.5201.7101.930
Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y1.1701.4501.6401.8502.090
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác1.4301.8502.0902.3602.660
Khối ngành VI.2: Y dược1.4302.4502.7603.1103.500
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường9801.2001.5001.6901.910

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định cụ thể trong Nghị định như sau (Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên).

Chủ trương tăng học phí này thực ra được đặt trong một dụng ý lớn hơn nữa của chính phủ. Đó là mở rộng quyền tự chủ, mà chủ yếu giới hạn ở việc tăng cường tự lực tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đi kèm với quá trình này là nhà nước giảm dần hoặc không tiếp tục phân bổ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đổi lại các cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền xác định mức thu học phí đại học trong giới hạn trần học phí và sử dụng các nguồn thu cho thu nhập tăng thêm của đội ngũ giảng viên. Dụng ý này được thể hiện thậm chí trước cả khi các nghị định ban hành mức trần học phí ra đời, cách đây gần 20 năm trong Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Nghị định này vô hình trung khuyến khích các trường tăng học phí khi cho phép nơi nào có thể tự đảm bảo chi phí hoạt động mà không cần hỗ trợ từ ngân sách thì có thể tự quyết về thu nhập cho người lao động mà không phải chịu một ràng buộc nào từ phía nhà nước. Động lực càng thêm rõ nét trong những năm gần đây khi theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ, các trường càng ít phụ thuộc vào ngân sách thì càng được thu học phí cao, thậm chí không giới hạn với các chương trình đào tạo chất lượng cao hay liên kết với nước ngoài. 


Theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ, các trường càng ít phụ thuộc vào ngân sách thì càng được thu học phí cao, thậm chí không giới hạn với các chương trình đào tạo chất lượng cao hay liên kết với nước ngoài. 

Gần đây nhất, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã làm rõ hơn mục tiêu trao quyền tự chủ bằng cách phân loại dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách tài chính và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách tài chính. Theo đó, giáo dục đại học không được coi là dịch vụ sự nghiệp công “cơ bản”, “thiết yếu”, “đặc thù”. Điều đó có nghĩa là giáo dục đại học sẽ không còn được sử dụng ngân sách nhà nước mà phải thực hiện theo phương thức xã hội hóa và giá dịch vụ theo cơ chế thị trường do đơn vị tự định giá hoặc do nhà nước định giá. Nghị định này ban hành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng giá dịch vụ tính đủ gần như các loại chi phí bao gồm tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và chi phí khác. Đối với dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công được định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.

Có thể thấy các văn bản pháp lý về trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học mục tiêu là để hướng các cơ sở giáo dục đại học tự lực về tài chính và không còn phải dựa vào ngân sách nhà nước. Nhìn rộng ra mục tiêu trao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu chỉ hạn hẹp ở mục tiêu tự lực tài chính và không nằm ngoài mục tiêu xã hội hóa dịch vụ công mà nhà nước chủ trương đẩy mạnh trong thời gian qua. Theo con đường này, tự chủ hóa hay xã hội hóa nhanh chóng trở thành xu hướng tư nhân hóa khi mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người học đã trở thành giao dịch thị trường thuần túy: giá cả do thị trường quyết định, “sức sống” của đơn vị cung cấp dịch vụ phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền của người dùng. Những biến tướng này làm thay đổi bản chất của dịch vụ công – là dịch vụ do nhà nước cung cấp và đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng của người dân.  

Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam ở lứa tuổi 18-22, dưới 30%, thuộc hàng thấp nhất trong số các nước Đông Á.

Mối đe dọa cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhiều người sẽ tranh luận rằng để tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học của người dân, chỉ cần tạo ra những chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là đủ, còn học phí vẫn có thể cao với những sinh viên có điều kiện chi trả. Thực tế không đơn giản như vậy. Hiện nay, Việt Nam chưa có một chương trình, chính sách hỗ trợ tài chính hiệu quả cho sinh viên học đại học nhưng đã vội quyết định tăng học phí. Với mức học phí lên đến gần 20 triệu/năm và có thể cao hơn nhiều nữa với các trường tự chủ về tài chính trong khi mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng hơn 100 triệu đồng/năm, đây sẽ là gánh nặng cho những gia đình thu nhập trung bình và thấp, và sẽ càng khó khăn hơn với những gia đình có nhiều hơn một con cùng muốn theo học đại học. 

Học phí quá cao so với mặt bằng chung của xã hội sẽ chỉ tạo ra bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Thực tế là phần lớn sinh viên đều đến từ các gia đình thu nhập cao trong xã hội. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng gần 20% thí sinh trúng tuyển đại học năm 2023 và 2024 nhưng không xác nhận nhập học. Có nhiều nguyên do đằng sau thực trạng này, trong đó có một số thí sinh đi du học hay chọn trường đại học quốc tế. Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế là có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối đến giảng đường vì rào cản học phí quá lớn. Các em có thể lựa chọn học nghề với thời gian học ngắn hơn hoặc đi xuất khẩu lao động bởi gia đình không đủ điều kiện tài chính để cho các em theo học đại học. Theo báo cáo của World Bank1,  trong năm 2020, có gần 80% sinh viên trong nhóm có thu nhập cao nhất đã theo học các trường đại học, và hai nhóm có thu nhập cao nhất chiếm gần 2/3 tổng số tuyển sinh. Sinh viên từ hai nhóm thu nhập thấp nhất chỉ chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên đại học.


Học phí quá cao so với mặt bằng chung của xã hội không chỉ khoét sâu thêm bất bình đẳng xã hội mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai.

Điều này không chỉ khoét sâu thêm bất bình đẳng xã hội mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai. Hiện nay, nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học mới chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu thị trường và có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam ở lứa tuổi 18-22, dưới 30%, thuộc hàng thấp nhất trong số các nước Đông Á. Lực lượng lao động có trình độ đại học của Việt Nam xếp thứ 75 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) năm 2015 nhưng sau đó tụt 15 bậc xuống vị trí thứ 90 vào năm 2022. So với các nước trong khu vực và toàn cầu, Việt Nam đang dần mất đi lợi thế về nguồn cung lao động tay nghề cao. 

Phát triển thiếu bền vững 

Một số nghiên cứu các cơ sở giáo dục đại học cho thấy các trường có thể đang tận hưởng sự tự do khi thoát li khỏi ngân sách nhà nước, được tự quyết định học phí, thu nhập cho cán bộ và đầu tư cơ sở vật chất và như vậy, họ có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng, tăng chất lượng đào tạo. Nhưng rất có thể đó chỉ là “ảo giác” trong ngắn hạn. Nguồn thu của các trường đại học công lập ngày càng phụ thuộc vào học phí, trong khi ngân sách quốc gia dành cho giáo dục đại học khá thấp. Báo cáo thường niên năm 2021 của Đại học Bách khoa Hà Nội ước tính doanh thu gần 1,43 nghìn tỷ đồng (60 triệu USD), trong đó học phí hơn 775,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 54,4%2. Trường Đại học Kinh tế TP.HCM có học phí chiếm 73,6% tổng doanh thu của năm 2021. Đại học Cần Thơ có tổng doanh thu năm 2022 hơn 1 nghìn tỷ đồng, trong đó học phí và các khoản phí khác chiếm gần 50% và ngân sách quốc gia của trường cắt giảm gần 40% so với năm 2021. Đại học Công Thương TP.HCM không còn nhận được ngân sách quốc gia nên học phí trở thành nguồn thu thiết yếu của họ. 

Theo báo cáo của World Bank,  năm 2017 ngân sách quốc gia chiếm 1/4 tổng doanh thu của các trường đại học công lập Việt Nam, trong khi đóng góp của sinh viên (học phí) chiếm 57%. Đến năm 2021, tỷ lệ học phí tăng lên 77%, trong khi ngân sách quốc gia chỉ còn 9%. 

Hiện nay, nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học mới chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu thị trường và có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Ảnh: Ngày hội Tuyển dụng tại Đại học RMIT/rmit.edu.vn

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học thấp nhất so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế. Theo Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước của Việt Nam cho giáo dục đại học năm 2020 chưa đến 17 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết chi tiêu thực tế chỉ khoảng 0,18% GDP.

Thu học phí cao hơn không đồng nghĩa với chất lượng tốt hơn. Trong một nghiên cứu của tôi có ý kiến cho rằng các chương trình chất lượng cao mà nhiều trường hiện nay theo đuổi là một sự biến dạng của chính sách tự chủ. Vì các chương trình này được “thả nổi” mức học phí, nên chúng như một phương tiện để các trường thu thêm tiền học phí của sinh viên. Nó giống như khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện. Theo đó, trong một tổ chức tồn tại hai kiểu dịch vụ, một dịch vụ cho người “giàu” và cho người “bình thường”. Mặc dù được quảng cáo là “chất lượng cao”, là “theo yêu cầu”, nhưng không có gì đảm bảo một bên có “nội lực” cao hơn bên còn lại: ngoại trừ cơ sở vật chất hiện đại và “mới hơn”, bởi trình độ và tay nghề của người cung cấp dịch vụ đằng sau vẫn không đổi. 

Việc lệ thuộc vào học phí quá mức là dấu hiệu thể hiện sự thiếu bền vững trong giáo dục đại học của Việt Nam. Số lượng người học thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khó đoán, có thể thay đổi lên xuống, không thể đảm bảo một nguồn ổn định để các trường đầu tư ngược lại vào những gì cốt lõi như nghiên cứu, nhân lực, cơ sở vật chất. Bởi vậy, điều này về lâu dài có thể làm suy giảm chất lượng đào tạo.


Tự chủ của Việt Nam đang diễn ra hoàn toàn ngược hướng so với thế giới. Thay vì được trao quyền tự chủ nhân sự, lương, và đào tạo thì các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam phải đi theo hướng tự chủ về quyết định mức học phí để tự lập tài chính.

Đảo ngược quá trình tự chủ

Tự chủ của Việt Nam đang diễn ra hoàn toàn ngược hướng so với thế giới. Thay vì được trao quyền tự chủ nhân sự, lương, và đào tạo thì các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam phải đi theo hướng tự chủ về quyết định mức học phí để tự lập tài chính. Nguồn thu của các trường đại học Việt Nam chủ yếu từ học phí là bất thường và trái ngược hoàn toàn với các trường đại học khác trên thế giới, nơi ngân sách nhà nước đóng vai trò lớn nhất. Ở các nước phát triển, học phí chỉ chiếm khoảng tầm 20-40% thu nhập của các trường đại học. Ví dụ, ở New Zealand, 42% doanh thu của trường đại học đến từ chính phủ thông qua trợ cấp học phí, 28% từ học phí và 30% từ nghiên cứu khoa học, thương mại hóa và các nguồn khác.  Ở Úc, gần 35% doanh thu của các trường đại học vào năm 2020 đến từ chính phủ, các nguồn thu khác đến từ học phí từ sinh viên nước ngoài, học phí sinh viên nội địa, tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tiền lời từ đầu tư tài sản và tài chính3.


Nhà nước phải tăng đầu tư vào giáo dục đại học, cung cấp cho các trường một nguồn thu ổn định và giữ một mức học phí hợp lí, chứ không phải “rũ áo” để các trường và phụ huynh tự xoay sở.

Chính sách xã hội hóa các dịch vụ giáo dục và y tế hiện nay ở Việt Nam cần phải xem xét lại. Chính phủ, bộ, ngành làm chính sách phải nhìn ở tầm vĩ mô và dài hạn, và vì lợi ích chung. Không thể làm chính sách để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ, nhóm giàu có được. Nhà nước phải tăng đầu tư vào giáo dục đại học, cung cấp cho các trường một nguồn thu ổn định và giữ một mức học phí hợp lí, chứ không phải “rũ áo” để các trường và phụ huynh tự xoay sở. Thực tế báo cáo của World Bank cũng đề xuất Việt Nam phải tăng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học từ 0.25% lên thành ít nhất là 1% GDP vào năm 2030 và dành ít nhất 30% khoản đầu tư khoa học công nghệ của cả nước cho nghiên cứu ở các trường đại học. Song song với đó, chính phủ vẫn cần thiết kế chương trình hỗ trợ cho vay hiệu quả cho sinh viên theo học đại học. Hiện nay hệ thống cho vay vốn học đại học ở Việt Nam vẫn theo hình thức trả góp truyền thống (chẳng hạn như chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội) với thời hạn trả cố định. Nghiên cứu chỉ ra rằng hình thức này sẽ tạo ra gánh nặng kinh tế lớn đối với những người có thu nhập thấp. Hình thức cho vay hợp lí hơn, theo kinh nghiệm của thế giới là hình thức tín dụng dựa trên thu nhập. Theo đó, sinh viên chỉ bắt đầu trả nợ khi thu nhập đạt đến một mức nhất định và số tiền phải trả định kì sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập.□ 

——-


Có thể thấy các văn bản pháp lý về trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học mục tiêu là để hướng các cơ sở giáo dục đại học tự lực về tài chính và không còn phải dựa vào ngân sách nhà nước. Theo con đường này, tự chủ hóa hay xã hội hóa nhanh chóng trở thành xu hướng tư nhân hóa khi mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người học đã trở thành giao dịch thị trường thuần túy: giá cả do thị trường quyết định, “sức sống” của đơn vị cung cấp dịch vụ phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền của người dùng. 

Chú thích

1 P17811209b96300a09154049 f2039bb6e0.docx (live.com)

Vietnamese universities’ reliance on tuition fees impedes equal education access – VnExpress International

3 https://vietnamnet.vn/nguon-thu-cua-cac-truong-dai-hoc-o-viet-nam-chu-yeu-tu-hoc-phi-la-bat-thuong-2174628.htm

Bài đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

  • Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Victoria, Wellington, New Zealand. Hiện chị đang công tác trong lĩnh vực phân tích và tư vấn chính sách công cho Chính phủ New Zealand.

    View all posts
(Visited 713 times, 1 visits today)