Kiểm định chất lượng giáo dục: Quốc gia hay quốc tế, trường hay chương trình ?

Như đã đề cập ở hai bài viết trước, cho đến thời điểm hiện tại, năng lực của hệ thống kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu kiểm định bắt buộc của tất cả các trường đại học và cao đẳng, do đó các trường được khuyến khích tham gia KĐCL quốc tế. Vậy các trường nên chủ động tham gia KĐCL quốc tế theo hướng nào cho hiệu quả?


Một số trường tích cực triển khai đồng loạt KĐCL quốc gia và quốc tế đối với cả cấp trường và cấp chương trình. Thí dụ, tính đến năm 2016, ĐH Bách khoa TPHCM đã có 20 chương trình được KĐCL quốc tế và mới đây vừa được KĐCL quốc tế cấp trường. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm Chuyển hóa sinh học thuộc ĐH Bách khoa TPHCM hoạt động trong lĩnh vực Vi sinh vật học, Chuyển hóa sinh học, Thực phẩm chức năng. (Nguồn: khoahoctot.vn).

Từ góc độ khung pháp lý, yêu cầu về KĐCL ở cả hai cấp cơ sở đào tạo (CSĐT) và chương trình đào tạo (CTĐT) đều đã được đặt ra tương đối đầy đủ trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản dưới luật hướng dẫn triển khai KĐCL.

Từ góc độ quản lý nhà nước trong thực thi các quy định KĐCL, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai KĐCL trường cấp quốc gia, mặt khác cũng khuyến khích các trường tham gia KĐCL quốc tế đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bộ cũng đã tạo điều kiện kết nối các trường trong hệ thống với các tổ chức KĐCL quốc tế. Đây là chiến lược hợp lý trong khi hệ thống chưa đủ năng lực triển khai cả KĐCL trường và chương trình trên diện rộng cho toàn bộ các trường và chương trình đào tạo hiện có.

Từ góc độ thực thi trên thực tế tại các trường, có thể thấy một số trường tốp đầu nắm bắt xu thế khá nhanh. Đây là những trường tích cực triển khai đồng loạt KĐCL quốc gia và quốc tế đối với cả cấp trường và cấp chương trình. Trong số những trường này đầu tiên phải kể đến ĐH Bách khoa TPHCM. Tính đến năm 2016, trường đã có hai chương trình được KĐCL bởi ABET (Mỹ), 11 chương trình được KĐCL bởi AUN-QA (ASEAN), và bảy chương trình được KĐCL bởi CTI (Pháp). Ở cấp trường, bên cạnh KĐCL theo bộ tiêu chuẩn của Bộ, ĐH Bách khoa TPHCM cũng vừa được KĐCL bởi HRECES của Pháp, cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, và ĐH Xây dựng Hà Nội. Trong khi đó, một số trường lại đang đặt mục tiêu KĐCL cấp trường theo tiêu chuẩn AUN-QA. Trường đi đầu phong trào này là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, bắt đầu tham gia đánh giá chất lượng cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA từ tháng 01/2017 và sau một thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, minh chứng đã được xét công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA cấp trường vào ngày 20/11/2017. Tuy nhiên, các trường phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về nguồn lực cũng như tính hiệu quả và sự cần thiết của việc KĐCL cấp trường theo AUN-QA.

Ở cấp chương trình, do việc KĐCL quốc tế bởi ABET hay AACSB là rất tốn kém1, các trường thường chọn chương trình hàng đầu của mình, vốn có thế mạnh trong nhiều mặt, từ công bố quốc tế của giảng viên cho đến khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế của sinh viên tốt nghiệp để tham gia KĐCL. Trong khi nhiều trường không thể tìm ra chương trình nào để KĐCL quốc tế thì những trường như ĐH Bách khoa TPHCM không đủ kinh phí để tham gia KĐCL ABET với tất cả các chương trình họ có tiềm năng.

Như vậy có thể nói, việc tham gia KĐCL quốc tế là cần thiết, tuy nhiên ở mức độ nào và quy mô nào để đạt hiệu quả là câu hỏi đối với nhiều trường. Trên thực tế, do tính chất và phạm vi đánh giá của KĐCL cấp trường (bao trùm các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản trị… và các nguồn lực như cơ sở vật chất) và cấp chương trình (chủ yếu tập trung vào quá trình giáo dục), việc KĐCL đối với cấp chương trình đem lại nhiều lợi ích cho người học hơn so với KĐCL cấp trường. KĐCL quốc tế cấp chương trình hầu hết là sự công nhận của các tổ chức KĐCL chuyên ngành quốc tế đối với các CTĐT chuyên ngành có cấp bằng. Sự công nhận này tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động quốc tế hoặc học tập cao hơn ở nước ngoài. Nó cũng cho phép các trường mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế, tuyển sinh sinh viên quốc tế, và trao đổi sinh viên trong phạm vi một chương trình cụ thể.

Từ những phân tích trên cho thấy, các trường đại học và cao đẳng nên tham gia KĐCL quốc tế cấp chương trình với những chương trình có thế mạnh; còn với cấp trường, chỉ cần KĐCL quốc gia theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT là đủ. Đối với những chương trình chưa đủ mạnh để KĐCL quốc tế, các trường có thể tham khảo bộ tiêu chuẩn KĐCL chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành để có định hướng phát triển và cải tiến chương trình trong khi chờ đợi KĐCL chính thức. Với những áp lực ngày càng gia tăng về trách nhiệm giải trình và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tuyển sinh, việc chuẩn bị để sẵn sàng tham gia KĐCL ở cấp chương trình dù theo chuẩn quốc gia hay quốc tế đều sẽ mang tính quan trọng sống còn với các trường trong thời gian tới.

Tư vấn KĐCL, một hoạt động cần được hợp thức hóa

Có một thực tế rằng các trường đại học và cao đẳng hiện nay khi triển khai đánh giá và đăng ký KĐCL dù quốc tế hay trong nước đều có nhu cầu tư vấn do năng lực bảo đảm chất lượng (ĐBCL)2 và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật trong KĐCL của các trường còn rất hạn chế. Ngoài một số trường đã có nhiều kinh nghiệm và có đội ngũ cán bộ ĐBCL vững chuyên môn, rất ít trường tự tin tham gia KĐCL mà không phải thuê tư vấn, dù không trường nào công bố việc này. Công việc tư vấn, thường diễn ra lặng lẽ, dưới dạng hợp đồng tư vấn giữa các trường và cán bộ của các cơ quan KĐCL. Có thể nói có ‘cầu’, có ‘cung’, và có sản phẩm khá đặc thù, đòi hỏi chuyên môn riêng biệt, tức là có ‘thị trường’ và thị trường này không hề nhỏ. Tuy vậy mảng hoạt động tư vấn đang diễn ra một cách khá ‘tế nhị’ và chưa được ghi nhận chính thức, dẫn đến hoạt động này chưa được quản lý và điều chỉnh. Để đảm bảo chất lượng tư vấn và quyền lợi của các bên, cũng như để kiểm soát vấn đề xung đột lợi ích liên quan đến các bên tham gia trong quá trình KĐCL, hoạt động tư vấn cần được hợp thức hóa, có quy tắc hành xử của nghề và có thể có hiệp hội nghề.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý và chuyên môn cho hoạt động tư vấn như một ‘nghề’ trong KĐCL, hệ thống KĐCL của Việt Nam cần phải giải quyết một số vấn đề cốt yếu khác.

Thứ nhất là bài toán cân đối giữa ‘sức cung’ hay năng lực KĐCL của hệ thống với bốn trung tâm KĐCL độc lập và nhu cầu của hệ thống với 445 trường đại học và cao đẳng và hàng ngàn chương trình đào tạo. Để giải quyết bài toán này, có thể đánh giá lại năng lực triển khai của các trung tâm KĐCL độc lập, từ đó hoặc thành lập thêm tổ chức KĐCL hoặc hỗ trợ nâng cao quy mô và năng lực của những trung tâm hiện có. Tuy nhiên, giải pháp này cần đi kèm các biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực chuyên gia cũng như năng lực tổ chức, quản lý của các đơn vị. Cũng có thể tính đến giải pháp đơn giản hóa quy trình kiểm định nhằm làm giảm khối lượng phải KĐCL từ cả phía các cơ quan KĐCL và các trường.

Thứ hai là vấn đề hiệu quả của công tác KĐCL. Cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống đã phát huy tác dụng tốt ở giai đoạn đầu triển khai KĐCL. Cùng với văn hóa tuân thủ thường thấy trong khối trường công lập, các chính sách và yêu cầu liên quan đến KĐCL đã được các trường răm rắp thực hiện, giúp cho KĐCL thâm nhập vào hệ thống giáo dục đại học dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các cán bộ ĐBCL và lãnh đạo các trường chỉ hành động theo kiểu đối phó với với các quy định của cơ quan quản lý nhà nước thì KĐCL, dù rất tốn kém, cũng không mang lại hiệu quả thực chất. Như vậy, sau khi khởi động thành công, cách tiếp cận cần được linh hoạt chuyển sang tác động từ dưới cơ sở lên. Tức là cần có hệ thống các biện pháp, chính sách khuyến khích KĐCL, tạo động lực đảm bảo chất lượng tự thân của các trường, đặc biệt cần thúc đẩy sự chủ động tham gia ĐBCL của các giảng viên và cán bộ quản lý ở cấp cá nhân. Đồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công tác ĐBCL ở các trường thông qua tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, cung cấp hệ thống hỗ trợ, xây dựng mạng lưới, diễn đàn chung để trao đổi ý kiến và học tập lẫn nhau.

Thứ ba là tính ổn định của hệ thống. Như đã phân tích trong các phần trước, do những thay đổi về thiết kế của hệ thống, về công cụ và quy trình cũng như các bên trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức KĐCL, có thể nói, suốt hơn 10 năm qua, tính ổn định của hệ thống ở mức rất thấp. Tháng Năm năm nay, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn KĐCL mới, dù vẫn còn một số câu hỏi để ngỏ, đã tiếp thu được những ưu điểm của bộ tiêu chuẩn AUN-QA, như yêu cầu đối với việc xây dựng hệ thống ĐBCL nội bộ và nâng cao chất lượng nhiều mặt của các cơ sở giáo dục đại học. Điều tối cần thiết lúc này là kiên định triển khai đầy đủ các quy định cập nhật trong tối thiểu bảy năm tới – quãng thời gian đủ cho tất cả các trường trải qua một chu kỳ KĐCL theo bộ tiêu chí mới, để từ đó có cơ sở đánh giá và đưa ra đề xuất thay đổi, điều chỉnh phù hợp. Sự ổn định này là quan trọng nhằm đảm bảo toàn bộ các trường trong hệ thống được đánh giá trên cùng một thước đo, đem lại cái nhìn bao quát về hiện trạng các điều kiện ĐBCL trong hệ thống giáo dục đại học. Đồng thời, sự ổn định này cho phép đánh giá toàn diện về chính bản thân hệ thống KĐCL.

Ngay từ lúc này, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghĩ đến việc đánh giá hệ thống KĐCL quốc gia, xây dựng các chỉ số giám sát và đánh giá và hệ thống công cụ thu thập dữ liệu phục vụ đánh giá. Một đánh giá hiện trạng đầu vào ‘baseline study’ ở thời điểm này cũng sẽ tạo điều kiện cho việc đánh giá hiệu quả của hệ thống về sau.

Thứ tư, năng lực đội ngũ kiểm định viên luôn là vấn đề then chốt trong việc đảm bảo hiệu quả công tác KĐCL. Các trung tâm KĐCL đã liên tục mở các khóa đào tạo KĐCL, tuy nhiên việc đào tạo này được thực hiện theo định hướng ‘bộ tiêu chuẩn’. Tức là chương trình đào tạo tập trung, hướng dẫn người tham gia thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chuẩn và quy trình đang được sử dụng. Điều này dẫn tới việc phải đào tạo lại kiểm định viên khi bộ tiêu chuẩn và quy trình mới được áp dụng. Trong các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn của KĐCL, cần phân định rõ Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động KĐCL hay là cơ quan chuyên ngành quản lý chuyên môn của KĐCL, tránh ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động KĐCL.

Cùng loạt bài Kiểm định chất lượng giáo dục của TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên trên Tia Sáng, còn có: Gian nan bước khởi đầu (số 19, ngày 05/10/2017); Nhìn từ góc độ kỹ thuật (số 20, ngày 20/10/2017).
 
Đính chính: Bài viết gốc đăng ngày 9/11 đề cập tới việc trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia đánh giá chất lượng cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA nhưng đã không thành công. Tuy nhiên, thông tin này được Trường phản ánh là chưa chính xác, do vậy, chúng tôi đã sửa chữa lại thông tin. Cụ thể là: trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu tham gia đánh giá chất lượng cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA từ tháng 01/2017 và sau một thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, minh chứng, đã được xét công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA cấp trường vào ngày 20/11/2017.

——-
1Mỗi cơ quan KĐCL quốc tế có mức phí và yêu cầu khác nhau, ví dụ ABET có chi phí chính thức vào khoảng 40.000 USD, chưa kể các chi phí khác để làm tự đánh giá và hậu cần cho đánh giá ngoài. Các chi phí chính thức đều được công bố trên các trang web của các tổ chức KĐCL.
2Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ của các trường được thiết kế nhằm hướng đến liên tục đánh giá, đo lường, kiểm soát, duy trì và cải thiện chất lượng của mọi hoạt động chính yếu của nhà trường như học tập, giảng dạy, nghiên cứu, và cung ứng dịch vụ.

 

 

Tác giả