Trường đại học trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Trong 50 năm nữa, trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ mạnh hơn hẳn hiện nay, công nghệ sẽ thay thế lao động của con người vì công nghệ hoạt động hiệu quả hơn con người trong hầu hết các công việc. Giáo dục đại học chuẩn bị gì cho sinh viên trước sự kiện này?


Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot đang khiến cho các đại học phải tìm cách định vị lại vai trò của mình. Ảnh: Arkos.vn

Gần đây tôi được đề nghị giữ chức chủ tịch một trường đại học ở Kazakhstan, với ba môn học chính: kinh doanh, kinh tế học và luật pháp; giảng dạy theo chuyên ngành hẹp, mặc dù nghiêm khắc về mặt tri thức. Tôi đang xem xét công việc này, nhưng tôi có đưa ra mấy điều kiện.

Tôi đề nghị chuyển trường đại học này thành cơ cở giáo dục, trong đó sinh viên tiếp tục tập trung vào ba môn chính, nhưng họ cũng phải hoàn thành “chương trình học tập cốt lõi” về nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên – trong đó có khoa học máy tính và thống kê. Sinh viên còn phải chọn một đề tài phụ từ một trong những môn khoa học nhân văn hay khoa học xã hội.

Có nhiều lý do để nhấn mạnh quá trình chuyển đổi như thế, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là cần phải chuẩn bị cho sinh viên mới ra trường để họ có thể thích ứng với thế giới, trong đó trí tuệ nhân tạo và công nghệ dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo ngày càng có vai trò nổi bật hơn. Muốn thành công trong công việc, sinh viên sẽ cần phải có những kĩ năng mới.

Trong 50 năm nữa, trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ mạnh hơn hẳn hiện nay, công nghệ sẽ thay thế lao động của con người vì công nghệ hoạt động hiệu quả hơn con người trong hầu hết các công việc. Giáo dục đại học phải đào tạo sinh viên để họ có thể đối đầu với sự kiện này. Giả sử rằng trí tuệ nhân tạo sẽ chuyển hóa việc làm trong tương lai, khi con người không còn có thể cạnh tranh với người máy, những người làm giáo dục phải suy nghĩ xem sinh viên mới ra trường cần những kĩ năng nào.

Dễ dàng dự đoán rằng những nhiệm vụ đơn giản sẽ biết mất trước tiên. Quá trình chuyển hoá này đang diễn ra trong những nước giàu có, nhưng sẽ cần một thời gian nữa mới tới những nơi như Kazakhstan. Khi xu hướng này tăng tốc, dân số cũng sẽ điều chỉnh theo cho phù hợp. Suốt nhiều thế kỉ, dân số tăng lên khi cơ hội kinh tế gia tăng; ví dụ, số người trong gia đình nông dân tăng lên khi nhu cầu tăng, đấy là vì cần nhiều lao động hơn để có thể sản xuất đủ hàng hóa cho người tiêu dùng.

Nhưng dân số hiện nay trên thế giới là không ổn định. Khi trí tuệ nhân tạo tiến sâu hơn vào nơi làm việc, công việc sẽ biến mất, tỉ lệ người có việc làm sẽ giảm, dân số sẽ giảm theo. Về nguyên tắc, thế là tốt – trái đất đang nứt ra thành từng mảng – nhưng sẽ khó quản lý trong ngắn hạn, đấy là khi tốc độ suy giảm dân số thấp hơn tốc độ suy giảm việc làm.

Ví lý do đó, thế hệ người lao động tiếp theo – các sinh viên hiện nay – cần được đào tạo đặc biệt thì mới thịnh vượng được. Đồng thời, và có lẽ hơn tất cả các thời kì trước đây, họ cần loại hình giáo dục có thể giúp họ tư duy một cách bao quát hơn và tạo ra những kết nối khác thường và bất ngờ giữa những lĩnh vực khác nhau.

Rõ ràng là, những người lãnh đạo trong tương lai phải thành thạo với máy tính – từ lập trình cơ sở tới mạng máy tính mô phỏng hoạt động của bộ não người – thì mới hiểu được cách thức máy móc kiểm soát năng suất là động và các quá trình phân tích. Sinh viên mới ra trường còn cần kiến thức về tâm lý học, đấy là chỉ nói, nếu muốn hiểu được “bộ não”của máy tính khác bộ não người ở chỗ nào. Và người lao động trong tương lai còn cần phải được giáo dục về đạo đức thì mới có thể định hướng được trong cái thế giới mà giá trị của con người không còn được coi là đương nhiên nữa.

Những người làm giáo dục cho những sinh viên tương lai này phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Muốn không trở thành những người theo thuyết định mệnh mù quáng, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh phải nghiên cứu lịch sử kinh tế và chính trị. Các sinh viên kinh tế học phải học các môn kỹ thuật, như thể họ sẽ là các kỹ sư chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng lao động trong tương lai vậy. Còn các sinh viên luật thì phải tập trung vào giao điểm giữa tập hợp dữ liệu lớn (big data) và nhân quyền, để họ có quan điểm thấu triệt, cần cho việc bảo vệ người dân khỏi những lực lượng có thể tìm cách “vắt chanh bỏ vỏ” những người mà họ đã sử dụng.

Ngay cả những sinh viên học những môn sáng tạo và giải trí cũng phải học khác đi. Vì lý do là, trong thế giới mà trí tuệ nhân tạo giữ thế thượng phong, mọi người đều cần được giúp đỡ để quản lý thời gian rảnh rỗi của mình. Chúng ta sẽ không thôi chơi quần vợt chỉ vì robot bắt đầu thắng giải Wimbledon; nhưng sẽ cần các kỹ năng tổ chức và giao tiếp mới thì mới giúp được người ta điều chỉnh những thay đổi trong sáng tạo và chơi. Cần những kĩ năng mới, được điều chỉnh cho phù hợp với thế giới mà trí tuệ nhân tạo giữ thế thượng phong thì mới quản lý được các ngành công nghiệp này.

Công việc trong tương lai có thể khác hẳn những kịch bản mà tôi có thể tưởng tượng ra, hay có thể gây ra nhiều đổ vỡ hơn; không ai biết. Nhưng, giáo dục đại học có trách nhiệm chuẩn bị cho sinh viên trước mọi tình huống có thể xảy ra – ngay cả những tình huống mà hiện nay dường như không thể nào xảy ra được. Chiến lược tốt nhất cho những người làm giáo dục trong bất kỳ lĩnh vực nào và bất cứ khi nào, là dạy kỹ năng làm cho con người trở thành con người, chứ không phải đào tạo sinh viên để họ có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các công nghệ mới.

Dù tôi có làm ở đâu trong ngành giáo dục thì việc đào tạo các thanh niên để họ có thể đối mặt với tương lai cũng luôn luôn là công việc của tôi. Và hiện nay, tương lai đó dường như sẽ bị máy móc chi phối. Muốn thành công, những người làm giáo dục – và các trường đại học của chúng ta – phải tiến hóa.

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/artificial-intelligence-higher-education-by-andrew-wachtel-2018-02
—————–
* Andrew Wachtel là Chủ tịch của trường Đại học Mỹ của Trung Á.

Dù AI là tương lai, đại học vẫn cần phải duy trì những giá trị quá khứ
Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đặt ra những thách thức, rằng đại học cần phải làm gì để tận dụng được các lợi thế do tiềm năng đó mang lại? Năm 2000, nhà giáo dục học người Mỹ Chuck M. Vest – nhân vật rất có uy tín tại Học viện Công nghệ MIT, trong bức thư gửi Hội đồng trường đã viết: “Liệu tương lai của giáo dục, công việc học tập và đào tạo, sẽ thuộc về môi trường kỹ thuật số nhờ các thế hệ máy tính đời mới, hay sự học tốt nhất vẫn phải đến từ nỗ lực tự thân của người học, nhờ vào những tương tác trực tiếp trong khuôn viên các ngôi trường. Tôi tin rằng câu trả lời là Cả hai”. Quan điểm này, sau đó đã được đúc kết lại trong cuốn sách “Pursuing the Endless Frontier: Essays on MIT and the Role of Research Universities” xuất bản năm 2005 (Tạm dịch: Theo đuổi giới hạn vô cùng: các tiểu luận về MIT và vai trò của Đại học nghiên cứu) Cũng theo Vest, đại học chính là phương tiện tốt nhất giúp đào tạo nên những cá nhân tài năng, có đóng góp quan trọng đối với sự hình thành tri thức, công nghệ và kỹ thuật mới. Vì vậy, để hoàn thành sứ mệnh của mình, các đại học cần thiết phải duy trì được sự cân bằng giữa “liên tục” và “thay đổi”. Từ “liên tục” ở đây được dùng để chỉ các giá trị thuộc về chiều sâu, cùng những nguyên tắc mang tính hướng dẫn; đó còn là sự cam kết “xuất sắc trong học thuật” và tính thiết yếu của những “cuộc đời trí tuệ”.
 
Hải Đăng tổng hợp (Nguồn: http://world.edu/ai-future-universities-must-retain-values-past/_

 

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)