Xếp hạng đại học Việt Nam: Một số vấn đề kỹ thuật

Tiếp theo bài viết trình bày nguyên tắc và phương pháp tiến hành báo cáo “Một cách xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”1, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam có bài viết chia sẻ câu chuyện về những thách thức trong quá trình thu thập và kiểm chứng dữ liệu cũng như lựa chọn tiêu chí để hình thành nên bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên.


Từ trái qua: TS. Giáp Văn Dương, TS Lưu Quang Hưng, và TS Nguyễn Ngọc Anh đại diện cho Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam trao đổi với cử tọa tại tọa đàm về báo cáo do Nhóm phối hợp với tạp chí Tia Sáng tổ chức, Hà Nội, 06/09/2017. Ảnh: Thu Quỳnh.

Vì sao xếp hạng?

Giáo dục đại học đang bị nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những khâu yếu nhất của hệ thống giáo dục hiện nay, vì phần lớn các trường chỉ tập trung vào tuyển sinh và giảng dạy, trong khi một mô hình đại học hoàn chỉnh phải đi liền với nghiên cứu khoa học và sản sinh ra tri thức mới.

Do chỉ tập trung vào giảng dạy nên công bố khoa học của các trường hiện nay rất ít, có trường một năm không có nổi số bài nghiên cứu đếm trên đầu ngón tay, thua xa năng suất làm việc của một phòng thí nghiệm hoặc một bộ môn nhỏ trong một đại học ở nước ngoài. Điều này thật khó chấp nhận nếu chúng ta quan niệm đại học phải là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Lý do là chỉ thông qua nghiên cứu thì cả thầy và trò mới thực sự dấn thân vào hành trình cập nhật, khám phá và làm chủ tri thức. Nhờ đó, kỹ năng làm việc, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp được hoàn thiện, khả năng đổi mới sáng tạo được phát triển. Nếu không có nghiên cứu thì những điều nhà trường giảng dạy chỉ là một sự lặp lại, dễ dàng bị tụt hậu so với thế giới. Các sinh viên được đào tạo trong môi trường như thế, hẳn nhiên cũng sẽ bị tụt hậu so với mặt bằng chung của quốc tế.

Liệu có cách nào để thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam cải thiện chất lượng theo hướng tăng cường nghiên cứu, và rộng hơn là đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế? Chúng tôi thấy, tiến hành đánh giá xếp hạng các trường một cách độc lập và minh bạch là một trong những cách tốt và nhanh nhất. Vì sao vậy? Vì minh bạch và định lượng là động lực của quản trị và cải tiến. Không ai có thể quản trị nếu không đo lường được những điều họ muốn quản trị. Cũng không ai có thể cải tiến nếu không định lượng được những điều họ muốn cải tiến. Đây là nguyên lý sơ đẳng mà bất cứ nhà quản trị nào cũng thuộc nằm lòng.

Chưa kể, xếp hạng đại học hiện đang là một xu hướng của giáo dục đại học trên thế giới mà Việt Nam trước sau gì cũng sẽ nhập cuộc. Thậm chí, Việt Nam còn đặt mục tiêu đến năm 2020 có một trường vào Top 200 các trường tốt nhất trên thế giới trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Xây dựng một bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam để xã hội tham khảo, đồng thời góp phần giúp các trường tự đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, chính là lý do Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam ra đời và tiến hành dự án nghiên cứu xếp hạng đại học một cách độc lập.

Làm rõ thuật ngữ liên quan

Khi tiến hành nghiên cứu xếp hạng các trường, cái khó đầu tiên chúng tôi gặp phải lại nằm ngay ở cách hiểu về xếp hạng. Trong cách hiểu của đại chúng, và trong các văn bản liên quan viết bằng tiếng Việt, thuật ngữ “xếp hạng” khi thì được hiểu là rating (chấm điểm chất lượng), khi lại được hiểu là ranking (xếp thứ tự cao-thấp).

Ở đây, chúng tôi diễn giải một cách dễ hiểu một số khái niệm gắn với đối tượng là các trường đại học để người đọc nắm được như sau:

* Xếp hạng (theo cách hiểu ranking): Là việc xây dựng mối quan hệ cao-thấp giữa các trường hoặc nhóm trường dựa trên các thước đo được định nghĩa ở phương pháp xếp hạng. Xếp hạng thường được thực hiện bởi các tổ chức hoặc nhóm chuyên gia độc lập.

* Xếp hạng (theo cách hiểu rating): Là sự lượng hóa điểm số của trường trên một thang đo định trước để xếp vào các hạng cao-thấp. Đây là một cách đánh giá chất lượng phổ biến, thường được chấm điểm theo sao với các bộ tiêu chí tương ứng. Ví dụ Quacquarelli Symonds (QS) chấm 7 sao là bậc cao nhất trong đánh giá đại học. Rating thường được tiến hành bởi xã hội, nhóm độc lập, hiệp hội hoặc cơ quan quản lý.

* Kiểm định (accreditation): Là kiểm tra và thẩm định nhằm công nhận mức độ tiến bộ và đảm bảo chất lượng của đại học. Kiểm định thường được tiến hành bởi các hiệp hội, tổ chức có chuyên môn. Cơ quan quản lý của nhà nước thường đóng vai trò thẩm định năng lực của các hiệp hội, tổ chức này; nhưng đôi khi cũng tham gia kiểm định trực tiếp.

Giải thích sơ bộ như vậy để thấy, trong báo cáo “Một cách xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” của chúng tôi, xếp hạng được hiểu là Ranking (xếp thứ tự cao-thấp) chứ không phải là Rating (chấm điểm cao-thấp về chất lượng), càng không phải là Accreditation (kiểm định chất lượng).

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, xếp hạng và kiểm định là hai quá trình độc lập với nhau. Các bảng xếp hạng phổ biến (ARWU, Times Higher Education, Webometrics, …) đều không yêu cầu các trường phải được kiểm định mới được xếp hạng. Dĩ nhiên, việc xếp hạng sẽ uy tín hơn nếu tiến hành trên đối tượng đã được rà soát, kiểm định. Ranking thường được tiến hành bởi một nhóm độc lập, dựa trên một bộ tiêu chí nào đó do nhóm lựa chọn, và phản ánh góc nhìn riêng của nhóm.

Các khó khăn gặp phải

Khi tiến hành nghiên cứu xếp hạng đại học này, nhóm chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Có thể kể đến một số khó khăn điển hình sau:

Khó khăn trong thu thập số liệu: Trên văn bản, quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành kèm theo thông tư 09/2009/ BGĐT, theo đó các cơ sở giáo dục phải công khai thông tin tại các cơ sở giáo dục và trên các trang thông tin điện tử. Thế nhưng rất nhiều trường đại học đã không công khai thông tin theo quy chế này ở các nội dung như: (i) công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; (ii) công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; và (iii) công khai tài chính.
Dù rất muốn, chúng tôi đã không có được các dữ liệu, chẳng hạn:

* Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm: Trong danh sách 49 trường được xếp hạng, chỉ có 15 trường có dữ liệu về tỷ lệ việc làm. Sau khi phân tích sâu hơn, chúng tôi thấy chất lượng dữ liệu này rất đáng ngờ, chủ yếu dựa trên kết quả nhà trường tự công bố mà chưa được kiểm chứng. Hơn nữa, số mẫu lại quá ít (chỉ có 30% số trường). Do đó, số liệu này không thể dùng được.

* Đánh giá của nhà tuyển dụng: Hiện nay, chưa thấy có một nghiên cứu hoặc khảo sát quy mô nào về đánh giá của nhà tuyển dụng dành cho những người tốt nghiệp các trường. Những cuộc điều tra quy mô lớn như thế tốn thời gian, công sức và tiền của. Với nguồn lực hạn chế, nhóm chúng tôi chưa thể thực hiện trong năm đầu tiên này, mà đặt mục tiêu cho những năm tiếp theo.

* Số liệu bài báo công bố trong nước: Trong khi các cơ sở dữ liệu quốc tế cung cấp công cụ tra cứu chính xác, đầy đủ, thì hiện không có cách gì tìm kiếm tổng hợp trực tuyến các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học Việt Nam. Hơn nữa, việc đánh giá, thống kê và phân loại chất lượng của các tạp chí trong nước hiện nay chưa được tiến hành, nên không thể sử dụng tiêu chí này vào tính toán chỉ số xếp hạng.

* Số liệu về bằng phát minh, sáng chế: Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất ít trường đăng ký phát minh sáng chế với các cơ quan quản lý chứng nhận ở Việt Nam hay nước ngoài.
Những loại dữ liệu nêu trên đều quan trọng trong việc làm rõ chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học. Song quan điểm của chúng tôi là, cần hành động với những thứ mình có trong tay, chọn lọc những thứ tốt nhất trong đó để sử dụng.

Khó khăn trong kiểm chứng dữ liệu: Tính chính xác của dữ liệu là một mối quan tâm lớn của bất cứ người làm thống kê nào. Tuy sử dụng các số liệu từ báo cáo ba công khai do chính các trường gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng độ chính xác của các số liệu này có thể còn có điểm nghi ngờ. Đây là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai rà soát lại tính xác thực của các báo cáo, công việc có thể mất vài năm. Trường nào công bố sai sẽ chịu trách nhiệm, với chế tài xử phạt. Dù sao, Ba công khai là số liệu chính thống nhất mà chúng ta biết về các trường tính đến thời điểm hiện tại. Trong tương lai, chúng tôi tin rằng, với quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng dữ liệu sẽ trở nên tốt hơn, và các bảng xếp hạng sử dụng nguồn dữ liệu này sẽ trở nên khả tín hơn.

Khó khăn do mô hình đại học quá khác nhau: Hệ thống trường đại học của Việt Nam hiện nay rất khác với hệ thống trường đại học trên thế giới. Theo đó, có mô hình đại học quốc gia và đại học vùng, ở đó trong đại học lại có trường đại học. Rồi lại có các trường đơn ngành theo mô hình của Liên Xô cũ tồn tại song song với các trường đa ngành theo mô hình Âu-Mỹ. Điều này làm cho việc so sánh giữa các trường trở nên rất khó khăn.

Khó khăn trong xây dựng tiêu chí: Do có nhiều khác biệt với thế giới, việc sử dụng bảng tiêu chí tương tự như của các bảng xếp hạng phổ biến có khả năng không phù hợp. Chẳng hạn, trong bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải có đến 30% tiêu chí liên quan đến giải Nobel và giải Fields, những thứ không có ở Việt Nam. Nếu tính cả các bài báo đăng trên Nature và Science (20%) và danh mục các nhà khoa học được trích dẫn nhiều trong 21 phân ngành (20%), những thứ rất hiếm khi xảy ra với các đại học Việt Nam, thì có đến 70% tiêu chí không áp dụng được ở Việt Nam. Với các bảng xếp quốc tế hạng khác, câu chuyện cũng diễn ra gần tương tự (50-80%), theo nghĩa nếu sử dụng tiêu chí của họ thì sẽ không có số liệu tương ứng ở Việt Nam để xếp hạng. Vì thế, bộ tiêu chí cho bảng xếp hạng này phải được xây dựng sao cho đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, khách quan, định lượng và hướng đến chuẩn mực quốc tế.

Quy mô hay năng suất?

Mọi bảng xếp hạng đều phải trả lời câu hỏi cơ bản và quan trọng khi đánh giá: tiêu chí đó sẽ theo năng suất hay theo quy mô?

Nếu theo 100% năng suất, thì những trường nhỏ, ít được biết đến, có thể sẽ có thứ hạng cao đột xuất. Còn theo quy mô 100%, thì các đại học quốc gia/vùng sẽ chiếm ưu thế ổn định và tuyệt đối. Cả hai lựa chọn này đều cực đoan. Theo ước lượng của chúng tôi, bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải dựa 90% theo quy mô (đếm tổng các con số). Bảng xếp hạng của Times Higher Education và QS thì ưu tiên đánh giá năng suất (50-70%).

Trong báo cáo này, chúng tôi coi quy mô và năng suất/chất lượng có tầm quan trọng như nhau. Quy mô phản ánh sức ảnh hưởng của trường đến xã hội. Vì thế, những trường có điểm tuyển vào rất cao, nhưng mỗi năm chỉ tuyển vài trăm sinh viên, thì có thể bị “thua thiệt” về xếp hạng so với những trường mỗi năm tuyển vài nghìn sinh viên, do ảnh hưởng của nguồn nhân lực được đào tạo thấp hơn. Trong khi đó, với sự tham gia của năng suất trong bộ tiêu chí, chúng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố chất lượng của nghiên cứu khoa học, hiệu quả của công tác giảng dạy, v.v… khiến các trường có quy mô lớn phải đầu tư chiều sâu vào các yếu tố chất lượng.

Chi tiết về các tiêu chí xếp hạng được trình bày trong bảng bên dưới.

Kết quả và sử dụng bảng xếp hạng

Bên cạnh bảng xếp hạng tổng thể 49 trường, chúng tôi còn xếp hạng theo từng nhóm tiêu chí: nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, và cơ sở vật chất và quản trị. Kết quả chi tiết của bảng xếp hạng được công bố tại địa chỉ: http://www.xephangdaihoc.org/2017

Chúng tôi xin được nhấn mạnh rằng bảng xếp hạng này hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Nếu không đồng tình với bảng xếp hạng, người sử dụng hoàn toàn có thể bỏ qua, không công nhận và không sử dụng. Bảng xếp hạng là một sản phẩm nghiên cứu độc lập, không phải của cơ quan quản lý, nên hoàn toàn không có yếu tố ràng buộc.

Đối với các cơ quan quản lý, đây có thể được xem như một tài liệu tham khảo độc lập và sơ lược, đưa thêm một góc nhìn mới về một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đối với học sinh và phụ huynh, bảng xếp hạng có thể được dùng để phác họa về tương quan giữa các trường với nhau, trước khi đào sâu tìm hiểu về trường và ngành nghề mình cần quan tâm. Đối với chính các cơ sở giáo dục đại học, bảng xếp hạng có thể được xem như một lát cắt giúp các trường nhìn lại những mặt mạnh và yếu của mình trong so sánh với các cơ sở giáo dục bậc cao khác ở Việt Nam – và hoàn toàn không khuyến khích các trường chạy theo những con số vô hồn mà bỏ quên việc cải thiện chất lượng thực sự và toàn diện.

Tiếp thu và hoàn thiện

Sau khi công bố bản báo cáo, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của chuyên gia lẫn những người quan tâm đến giáo dục. Hầu hết các ý kiến về chuyên môn đều có nội dung xác đáng và có tính gợi mở nhằm cải thiện kết quả nghiên cứu trong thời gian tới. Nhóm trân trọng cảm ơn các phản hồi và góp ý này. Nhóm sẽ rà soát lại phương pháp và cách làm, lựa chọn hướng tiếp cận khả thi và đáng tin cậy nhất để nâng cao chất lượng của bảng xếp hạng trong thời gian tới.
———-
1 Một báo cáo về xếp hạng đại học Việt Nam, Tia Sáng số 17, 05/09 /2017 (http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Mot-bao-cao-ve-xep-hang-dai-hoc-Viet-Nam-10893)

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)