Tập trung mọi nguồn lực cho đổi mới công nghệ

Chiều 19/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần tập trung mọi điều kiện từ nội lực, tức là từ các kết quả nghiên cứu phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, vào 4 nhóm

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn.

Đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu

Mở đầu Phiên chất vấn, nhấn mạnh khoa học có vai trò thúc đẩy và đón trước sản xuất, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách giúp các viện, trường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại hóa và tham gia vào sản xuất?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, thúc đẩy thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học là một trọng tâm công tác của mình trong nhiệm kỳ khóa XIV này. Bởi lẽ, trong các báo cáo đánh giá về khoa học, công nghệ có hạn chế xuyên suốt được chỉ ra, đó là “chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống”. Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Khẳng định hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đã được thay đổi, và tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ. “Ngay Nghị định 95 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ, thì không chỉ có nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu, để giúp tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Với sự thay đổi mạnh mẽ như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay với các bộ, ngành để cùng vào cuộc. Ví dụ, để thực hiện chủ trương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ngay lập tức chỉ đạo các viện nghiên cứu từ giống, kỹ thuật thả nuôi, chế biến phụ phẩm… “Hy vọng với tinh thần này, bước đi đúng hướng và cách làm đã rõ, thì hiệu quả của thả nuôi tôm sẽ thực sự thay đổi”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

Đề cập đến vai trò của khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp trong việc năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước?

Tập trung mọi lực lượng nâng cao năng suất lao động

Dẫn ra chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là “tinh thần xuyên suốt của các thành viên Chính phủ”, đó là tập trung mọi lực lượng để nâng cao năng suất lao động, vì đây là cơ sở để phát triển bền vững đất nước trong tương lai, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, về năng suất lao động và vai trò của khoa học – công nghệ, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII và Nghị quyết của QH đã thể hiện rất rõ.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần tập trung mọi điều kiện từ nội lực, tức là từ các kết quả nghiên cứu phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, vào 4 nhóm đối tượng.

Một là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện để có cơ sở để triển khai nghiên cứu công nghệ.

Hai là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải nhanh chóng nhận chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng.

Ba là nhóm doanh nghiệp chưa tiếp nhận chuyển biến kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Bốn là các doanh nghiệp khởi điểm sáng tạo, hiện số lượng này đang tăng nhanh.

“Đây là những nhóm giải pháp chúng tôi tập trung thực hiện để thúc đẩy khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn

Trả lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về giải pháp của Bộ trong đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh quốc gia, Bộ trưởng khẳng định, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thời gian qua Bộ đã vào cuộc 2 năm nay với tinh thần quyết liệt, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực: Hoàn thiện hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn; phối hợp với các bộ đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 100% các thủ tục hành chính đã ứng dụng CNTT ở mức độ cấp 3; về sở hữu trí tuệ, Bộ cũng đã có những chuyển động đáng kể trong thời gian gần đây…

Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi về đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thừa nhận những hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, khoa học xã hội nhân văn thời gian qua đã có những biến chuyển, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và thời gian tới sẽ có những thay đổi. Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường sức đóng góp của khoa học xã hội nhân văn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tiếp đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời các đại biểu: Mai Sĩ Diến, Trương Minh Hoàng, Đoàn Thị Thanh Mai, Nguyễn Trường Giang, Hoàng Đức Thắng, Nguyễn Thị Kim Thúy, Lê Thị Nga, Ma Thị Thúy, Nguyễn Bá Sơn, Trần Thị Hằng, Đinh Duy Vượt, Triệu Thế Hùng,… về các nội dung: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; giải pháp ứng dụng KHCN trong ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL; hiện trạng, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao (Hòa Lạc, TPHCM, Đà Nẵng); giải pháp khắc phục tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ, gây lãng phí; giải pháp khắc phục tình trạng công trình nghiên cứu “bỏ ngăn kéo”; ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng xin cho, thiếu khách quan trong phân bổ, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học; cơ chế, chính sách thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách, giải pháp tạo điều kiện phát huy đam mê sáng tạo, sáng chế của người nông dân đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; giải pháp bảo tồn, khai thác, phát triển các nguồn gen quý của đất nước; giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu khoa học công nghệ trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo hiện nay;…

UBTVQH đánh giá cao sự trả lời nghiêm túc của Bộ trưởng

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong phiên chiều nay 30 đại biểu đã trực tiếp hỏi và được Bộ trưởng trả lời trực tiếp tại hội trường; 16 đại biểu đã đăng ký, tuy nhiên do thời gian có hạn, chưa được hỏi tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trả lời thẳng thắn các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

UBTVQH đánh giá cao sự trả lời nghiêm túc của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ghi nhận quyết tâm chính trị cùng lời hứa và những giải pháp Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nêu ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác khoa học, công nghệ trong thời gian tới…

Thành phần tham dự phiên họp chất vấn gồm: Thành viên UBTVQH; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội (toàn bộ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương); đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Đại diện lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Từ 16h45 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề. Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn.

Đặc biệt, UBTVQH sẽ thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Người trả lời chất vấn trả lời ngay câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần.

Trường hợp Đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận. Thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Bo-truong-Khoa-hoc-va-Cong-nghe-Chu-Ngoc-Anh-tra-loi-chat-van/331981.vgp

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)