Ngôn ngữ bổ sung chứ không loại trừ nhau

So với tiếng Việt hay tiếng Anh, chữ Cham kém thế và lép vế, đến trẻ con cũng thấy. Nhưng tưởng rằng cho con cái học và nói tiếng Việt ngay từ còn bập bẹ, để trẻ tập trung giỏi tiếng Việt trước, sau đó học tiếng mẹ đẻ cũng không muộn, là lầm to!


Bản chép tay Kinh Đạo Bà-la-môn của người Cham.

1. Tôi chưa từng thấy người Cham nào thuộc thế hệ cha chú tôi mù chữ mẹ đẻ. Có thể ở góc khuất nào đó có, nhưng rất hiếm. Mà sự hiếm này thuộc lỗi Bà Trời lúc nặn cái đầu vài sinh linh Cham đã quên cấu trúc ngăn chứa chữ, chứ không nằm trong hệ thống hay truyền thống giáo dục của ông bà Cham.

Trong lịch sử dân tộc, vào thế kỉ thứ XII, Trung Quốc đã hai lần sang Champa bày cách tổ chức dạy học và thi cử theo kiểu trường quy, cả hai lần đều thất bại. Người Cham dạy chữ cho nhau theo cách cha dạy cho con, ông truyền cho cháu, hay thầy dạy cho trò, vài trò hoặc có khi mỗi một trò, nhưng lạ là trong xã hội ấy không xảy ra nạn mù chữ. Một đàn ông Cham dẫu tệ thế nào cũng phải có “Akhar K wak di tangi – Chữ K1 treo lỗ tai”, mới yên tâm.

Thuở còn bé, tôi hay la cà với các cụ già Cham ở đám lễ các loại, các cụ không ai không đọc được thơ (ariya). Nhiều cụ, sau buổi cày mệt nhọc, vẫn cầm trên tay Sử thi Akayet Dewa Mưno lên ngâm ngợi. Đám tang, đám cưới, họ đua nhau lấy sách ra thảo luận, bàn triết lí (pacauh xakarai).

Ông bà Cham quan niệm akhar (chữ) là tri thức (Hu akhar caik di rup: Có chữ, kiến thức cất trong mình). Con người không tri thức như khúc gỗ mục, chỉ đáng vứt đi, thế nên trong đám tang Cham có nghi thức Jot akhar, ở đó thầy Paxeh đọc to từng chữ cái, đọc ngược đọc xuôi ba lần vào lỗ tai người chết, để xóa mù cho họ.

Người Cham quý chữ là vậy, thế nên dù các nhà ngôn ngữ học hơn một lần đòi La-tinh hóa nó, nhưng bất thành. Lạ lắm, quý chữ nhưng tiếng nói thì bà con cứ tha hồ mà nói lai độn. Dễ thấy là trong giao tiếp ngày thường giới trẻ Cham nói “độn” tiếng Việt đến 40-50%! Chớ gì lớp trẻ, Tết 2002, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn một cụ tuổi thất thập xung quanh việc người Cham ăn Tết Kinh, cụ đã nói “độn” đến 60% làm ngỡ ngàng cho cả nhân viên của Đài.

Akhar thrah là quý, đáng bảo tồn lắm lắm, dù nó chỉ là cái vỏ bọc chứa tiếng nói; có thay bằng tự dạng La-tinh, tiếng Cham vẫn còn đó. Chứ tiếng nói mà mất đi thì còn gì! Vậy mà bà con Cham hiện nay cứ để nó rơi rụng. Các từ không có trong vốn từ vựng Cham, như “độc lập”, “xã hội chủ nghĩa”, “chính sách” v.v ta mượn tiếng Việt đã đành, ngay cả ngôn từ đơn giản nhất như “bệnh”, “học”, “đá banh” ta cũng nói độn, không là chuyện đáng lo sao?

Tiếng nói dân tộc thể hiện lối nghĩ khác biệt đầy bản sắc của dân tộc đó.

Ví dụ giữa tiếng kêu than thôi, người Việt và người Cham khác nhau: bên thì kêu: “trời đất ơi”, bên thì: trời biển ơi (lingik tathik lơy). Hay ví dụ khác cũng bản sắc đáo để. Người Việt nói: “truyền thống cha ông” chứ Cham thì khác: truyền thống ông bà (muk kei: bà + ông). Lẽ nào trong lịch sử văn hóa dân tộc, có mỗi quý ông làm nên truyền thống? Bên tiếng Việt, đâu đó cũng có người viết: “truyền thống ông bà tổ tiên”, nhưng cách nói này yếu thế hẳn so với “truyền thống cha ông”. Tra Google ta thấy con số chênh lệch giữa hai cách dùng là khá lớn: “truyền thống cha ông” 24.700 lần, trong khi “truyền thống ông bà tổ tiên” chỉ xuất hiện 1.790 lần!

2. Thời hiện đại, không ít người Cham nghĩ rằng cần luyện tiếng Việt là tiếng phổ thông, để giao tiếp, làm việc, viết văn… Hoặc ngon hơn, luyện cho tinh tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, để ra với thế giới bên ngoài tìm kiếm cơ hội lớn hơn; chứ ai lại đi học tiếng với chữ Cham.

Về kinh tế, so với tiếng Việt hay tiếng Anh, chữ Cham kém thế và lép vế, đến trẻ con cũng thấy. Nhưng tưởng rằng cho con cái học và nói tiếng Việt ngay từ còn bập bẹ, để trẻ con tập trung giỏi tiếng Việt trước, sau đó học tiếng mẹ đẻ cũng không muộn, là lầm to! Đã có vài phụ huynh trẻ nghĩ và làm như thế, ngay giữa làng ở giữa lòng cộng đồng Cham. Tuy thế, cứ nhìn vào thành tích học văn của đám trẻ đào tạo từ “lò” gia đình nhân dân tiến bộ Chàm này, cũng đủ biết!

Trong khi đó, các nhà tâm lí học cho biết, học song ngữ giúp trẻ con vận dụng trí não tối đa, bởi chúng thường xuyên so sánh hai thứ tiếng. Chẳng hạn, vì muốn biết tại sao người Việt nói trời đất ơi, trong khi người Cham kêu trời biển ơi, chúng tò mò muốn biết thêm về văn hóa hai dân tộc này. Hơn nữa, một người biết song ngữ sẽ biết được hai văn hóa, từ đó nó làm cho đời sống ta phong phú hơn, và rồi ta không thấy xa lạ với nền văn hóa khác nền văn hóa dân tộc ta.

Thế giới đang nỗ lực bảo vệ sự đa dạng tự nhiên bằng bảo tồn các loài vật quý hiếm. Ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên thế giới cũng như một “loài” quý hiếm nhất trong những loài quý hiếm, bởi nó mất đi thì bất khả phục hồi. Đa dạng ngôn ngữ, đa dạng văn hóa cũng là ý hướng quan yếu của chiến lược hành động của UNESCO.

3. Dù gì thì gì, người Cham vẫn yêu tiếng và chữ Cham. Việc dạy tiếng và chữ dân tộc thiểu số ở cộng đồng Cham được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá rất cao. Ngoài Ban Biên soạn sách chữ Cham ở Thuận Hải cũ (gồm Ninh Thuận và Bình Thuận) đảm bảo việc biên soạn, dạy và học tiếng/ chữ Cham ở các trường tiểu học có con em Cham, tại các palei Cham không thiếu các lớp học tự phát riêng lẻ. Vào học TP Hồ Chí Minh, anh chị em sinh viên Cham vẫn thường xuyên tổ chức các lớp dạy chữ cho nhau.

Sau 1975, trong cộng đồng Cham đã xuất hiện năm công trình Từ điển song ngữ/ tam ngữ Việt Cham Anh, có bốn cuốn Tự học tiếng Cham cũng đã được xuất bản, thêm hai cuốn Ngữ pháp tiếng Cham v.v.

Về sáng tác văn chương, các bạn thơ Cham vẫn viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Rồi tác phẩm thơ bằng tiếng Cham đều đặn ra đời, được ngâm ngợi các nơi. Tập thơ song ngữ Việt Cham cũng không thiếu. Khác với tuyệt đại đa số dân tộc thiểu số, người Cham sinh sống ở vùng đồng bằng, sống xen cư và cộng cư với người Việt, nên họ có khả năng song ngữ ngay từ tuổi còn xà lỏn nghịch đất.

Tôi cũng thế, khả năng tiếng Cham và tiếng Việt của tôi ngang cơ nhau. Tôi viết thơ bằng cả hai ngôn ngữ ngay từ thời trung học; chẳng những không chút trở ngại, mà lắm lúc tôi nhận ra hai ngôn ngữ còn bổ sung cho nhau, làm giàu tư duy thi ca của tôi nữa.

Không tuyệt sao?
———
1 Chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Cham.

Cham (hay Cam) là một dân tộc trong cộng đồng dân tộc thuộc vương quốc Champa (hay Campa) cổ. CHÀM là do người Việt phiên âm chữ CHAM (hay CAM). CAM trong akhar thrah (chữ truyền thống Cham) viết không có dấu âm pauh thơk, đọc là “cham”. Nhưng do đặc trưng giọng nói của người Cham vùng Ninh Thuận và Bình Thuận phát âm nặng hơn nên CHAM biến thành CHĂM. Do chi tiết này nên từ ba hay bốn thập kỷ qua, một số người Cham viết thêm pauh thơk vào chữ truyền thống. Từ đó, có nhà nghiên cứu phiên âm thành “chămpa”. Từ Chăm cũng chính thức được Nhà nước quy định gọi tên dân tộc Cham từ năm 1979.

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)