Về đâu, thơ Việt hôm nay?
Thời đại thay đổi, thơ cũ phải thay đổi, hình thành các phong trào, phong cách mới. Từ Trường Thơ loạn, nhóm Xuân thu Nhã tập, nhóm Sáng tạo, trước đó, hay hôm nay: nhóm Hoa Lạ, Mở Miệng, Ngựa Trời vừa diễn ra.
Độc giả tại ngày hội thơ Việt Nam 2018. Ảnh: Hanoimoi.
Thơ như là một thiết yếu
Từ khi nhân loại biết suy tư và có chữ viết, các tư tưởng gia, triết gia đã tìm cách định nghĩa thơ; rồi, bao giờ họ cũng bất lực trước bí ẩn của thơ. Thế hệ đi tới lại có nỗ lực mới, khác. Không ít người coi thơ là cõi thiêng kẻ phàm không thể đụng tới, bên cạnh bộ phận thẳng thừng từ chối thơ, xem thơ như loài kí sinh vô dụng với nỗi có mặt vô ích của nó. Dẫu sao đi nữa, thơ cứ tồn tại. Bất kì đâu, dân tộc hay thời đại nào. Như thể nó là thuộc tính của con người, không dứt ra được.
Thế nào là thơ, mãi là câu hỏi của muôn đời mà câu trả lời luôn bị bỏ lửng.
Không trả lời được, thơ vẫn có mặt. Nông thôn hay thành thị, người học cao hay ít học, trẻ hay già, nam hay nữ. Các bài thơ, tập thơ ra đời mỗi ngày, dẫu khắp nơi nó cứ bị than ế. Thơ có mặt, như một thách thức. Cả trong thời đại tốc độ, chuộng bề mặt của hôm nay.
Không mang đến lợi ích thiết thực có thể cân đong đo đếm, thơ vẫn cho ta cảm nhận mơ hồ rằng nó có “lợi” nào đó. Thơ hiến tặng con người lối nhìn mới về cái đẹp, không phải cái nhìn về thế giới khách quan mà là cái đẹp của và cho tinh thần. Trăng chỉ là một tinh cầu giữa vũ trụ, qua con mắt thi sĩ, trăng đã là chị Hằng, có cây đa và chú Cuội cho con người mơ mộng. Thơ có mặt để làm đẹp cuộc đời, giúp xoa dịu phiền muộn của con người. Khi ta bị bức xúc, bị đối xử oan khuất, một đoạn hay một câu thơ được đọc lên bất ngờ giải tỏa những ẩn ức, tâm hồn ta yên bình hơn. Thơ làm cho con người trở thành người hơn, nhân bản hơn, biết cảm thông và tha thứ. Thử hỏi nếu không có Ariya Cam – Bini, xung đột hai tôn giáo này trong xã hội Cham sẽ ra sao? Hố cách ngăn tình yêu giữa cô gái Cham và chàng trai Bà-ni còn kéo dài đến bao giờ?
Và có phải thơ hoàn toàn không mang đến ích lợi thiết thực không? Nhất Hạnh đặt câu hỏi, trong gié lúa vàng đang trĩu hạt kia, câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi!” đã đóng góp bao nhiêu phần trăm công lao, ai biết được?
Cuối cùng, thơ đã góp phần lớn vào lưu trữ, phủi bụi hay tắm rửa và, làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc. Có ai dám phủ nhận công sức này?
Thế là cả nhân loại ra sức cứu… thơ
Tin vui từ các nơi…
Các tập thơ của nhà thơ nữ Ulla Hahn (Đức) năm 1981-1997 bán được bốn vạn bản mỗi tập. Thơ A. Ginsberg bị Chính phủ Mỹ cấm truyền qua làn sóng phát thanh quốc gia với lí do chúng dày đặc “ngôn từ khiếm nhã” mãi đến năm 1993 lệnh mới được dở bỏ; thơ bị cấm này đã không ít người tìm mua. Năm 2003, hơn 110.000 người tham gia học các khóa viết văn tại Anh. Báo The Australian (18-2-1998) cho biết hằng năm tại Hoa Kì vẫn có khoảng 110.000 sinh viên ghi tên học ngành sáng tác, trong đó một nửa chuyên về thơ. Trong 12 năm qua, các trường đại học Anh mở khóa viết văn sau đại học (MA) tăng từ 8 lên tới 85 trường. Hiện trên toàn nước Anh có tổng cộng 11.000 khóa dạy viết văn, gồm các khóa dạy ngắn hạn (khoảng một học kì) và các khóa dạy ngoài giờ.
Theo điều tra của báo Figaro, 86% người Pháp sử dụng Internet cho biết họ có đọc thơ, hơn nữa phần lớn trong số họ có làm thơ. Poetry Magazine (một tạp chí thơ tại Mỹ) bất ngờ được hưởng gia tài 100 triệu USD của bà Ruth Lilly – một nhà thơ tầm tầm – khi bà qua đời. Đáng nói hơn là bà này đã tặng tiền sau khi chủ bút tạp chí trả lại tất cả bài thơ bà từng gởi tới với lời lẽ rõ ràng: không đăng. Trong bốn năm qua, giải thưởng Georg Bychner, giải văn học uy tín nhất nước Đức, ba lần rơi vào tay các nhà thơ.
Jean-Pierre Siméon, giám đốc nghệ thuật chương trình Mùa xuân của thi nhân, cho biết trước kia mỗi buổi đọc thơ chỉ có 10 đến 20 người tham dự, nay lên tới từ 50 đến 100 người. Năm ngoái, ở Mutualité, có tới 2.000 người đến nghe thơ!
Và Việt Nam đã có Ngày Thơ. Năm nay đã là thứ… 17!
Nhưng thơ Việt vẫn cứ khủng hoảng
Khủng hoảng người đọc: Còn ai đọc thơ, hôm nay?
Chẳng thời nào là thời của thơ cả.
Ngay từ những năm sau Thế chiến thứ hai, thi ca là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo tuyệt chủng. Câu nói nổi tiếng của T.W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man”, vang lên như một ám ảnh. Rồi khi văn hóa nghe-nhìn phát triển lấn át văn hóa-đọc, lần nữa các nhà tiên tri giả chộp lấy cơ hội, lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối.
Khi văn hóa Internet xuất hiện, làm thay đổi cả hệ thống thẩm mĩ văn chương, từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thơ trước một thách thức mới! Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: Qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế – chưa hẳn là thơ tồi!
Figaro cho biết, Alcools của Apollinaire chỉ in nổi 241 cuốn trong năm xuất bản đầu tiên, thế mà ngày nay số ấn phẩm bán ra của tập thơ ấy đã vượt con số triệu. Tại Mỹ mỗi năm có hàng ngàn tờ báo về thơ ra đời rồi… chết. Báo The Sunday Age 24-5-1998 tin thêm, trong lịch sử gần hai mươi năm xuất bản thơ của nhà Hyland House, chỉ có duy một tập thơ mang lại lợi nhuận. Cuối cùng nhà này phải đình chỉ xuất bản thơ.
Âu Mỹ than phiền đã đành, ngay Việt Nam tự hào là đất nước thơ, một dân tộc yêu thơ ca, các nhà ta cũng than thơ in ra không bán được. Do cơ chế, số lượng in tập thơ ở ba thập kỉ trước lên con số vạn, nay lèo tèo dăm ba trăm mà cũng không hiệu sách nào nhận kí gửi, dẫu phải chịu tỉ lệ chiết khấu trên trời. Không kể nhà sách tỉnh lẻ, ngay các hiệu sách lớn tại TP Hồ Chí Minh dẫu nhiệt tình với thơ tới đâu cũng đẩy quầy thơ vào góc khuất cực kì khiêm tốn. Tại chốn hẻo lánh này, tập thơ trưng bày chủ yếu là các tác gia cổ điển hay tác phẩm dùng trong nhà trường; thơ đương đại chỉ có mặt lèo tèo.
Vậy mà thơ cứ sống nhăn, mỗi năm các tập thơ cứ ra lò. Ra lò, và… ế !
Khủng hoảng phê bình
Nhà phê bình được cho là người đọc cao cấp, hiện nay họ đang đâu? Vẫn cứ là “không theo kịp sáng tác”.
Khi phong trào Thơ mới chưa kết thúc, Hoài Thanh đã làm xong Thi nhân Việt Nam, rất kịp thời. Trong khi cả ngàn hội viên Hội Nhà văn, đến hôm nay, có ai cầm lên một tác phẩm phê bình để có thể nhận diện được khuôn mặt Thơ Đổi mới? Chưa! Đổi mới và cả hậu đổi mới cũng thế. Các cây bút phê bình ta hôm nay vẫn còn chưa có ý tưởng đó nữa, có lẽ. Ta làm đủ thứ chuyện, riêng nắm bắt để khái quát kịp thời cái đang xảy ra thì, không!
Phê bình thiếu tư tưởng tiền vệ nên mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tụy cho sáng tác. Nó đang thiếu và thừa. Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Thiếu giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng nên nó tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật của kẻ sáng tạo cùng lòng say mê nghề nghiệp của người làm phê bình, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (Th. Adorno).
Trước khối lượng khổng lồ tác phẩm xuất bản, không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Một nhà phê bình chỉ có thể chọn một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Chỉ vậy thôi, ta vẫn chưa làm được. Bởi bao nhiêu căn bệnh cứ ám, theo bám ta, không thể dứt ra.
Và khủng hoảng sáng tạo
Do quá khích. A. Robbe-Grillet nói: “Các tác giả trẻ hiện nay muốn người ta đọc họ, đó là ý muốn rất nguy hiểm”. Đấy là phát biểu của nhà tiền phong trong giai đoạn văn học phân ranh dứt khoát giữa bình dân và tinh hoa, bị hiểu cách lệch lạc. Ý hướng tiền phong và thái độ bất cần công chúng khiến thi sĩ tự nhốt mình trong tháp ngà cô độc. Nhưng hôm nay đã khác rồi: trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism) nỗ lực kéo nhà thơ trở lại với đời thực, sống và viết như bao sinh linh khác trong thời đại toàn cầu.
Ở Việt Nam, Bích Khê, Hàn Mặc Tử [giai đoạn sau], nhóm Xuân Thu Nhã tập, nhóm Nhân văn-Giai phẩm, nhóm Sáng tạo có thể xếp vào dòng văn chương tinh hoa; còn lại: bình dân, quá ư bình dân. Sự thể khiến có kẻ phân ranh thơ tự do Việt Nam đầy sơ giản thành: thơ tự do khó hiểu và thơ tự do dễ hiểu. Phong trào Tân hình thức Việt (New Formanism) được khởi động vài năm qua không gì khác ngoài ý hướng đưa thơ trở lại với ngôn ngữ đời thường, gần quần chúng hơn.
Nhưng làm sao thơ có thể đi đến quần chúng, khi ở các Đại học, các lý thuyết hay trào lưu thơ đương đại không được giảng dạy, cả khi khách mời thuyết trình về thơ tại các câu lạc bộ vẫn là các khuôn mặt cũ. Thì làm sao giọng thơ cách tân có đất sống. Hệ quả là công chúng thơ mãi dị ứng với cái mới, lạ. Từ đó trang thơ của các tờ báo – cả chuyên lẫn không chuyên – từ chối các thử nghiệm.
Còn thông tin đại chúng thì sao? Thói quen thơ quy định lối thưởng thức thơ, bài/ tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi, vùng thưởng ngoạn của mình thì được cho là hay. Rồi ta nhân danh người đọc, quyết loại bỏ các loại thơ nằm ngoài vùng phủ sóng. Trước câu hỏi: Độc giả hôm nay đang ở đâu? Họ đã chuẩn bị được gì, để đón nhận sáng tác mới lạ? Câu trả lời vẫn là: Chưa gì cả!
Hóa giải và hòa giải ba “loài” nhà thơ hôm nay
Tình trạng thơ hôm nay, tạm chia ra 3 “loài”:
Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường. Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.
Nhà thơ tiếp hiện luôn ở tư thế “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương cái hay, đẹp của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.
Nhà thơ khai phá là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.
Mỗi loại thơ, mỗi “loài” nhà thơ tồn tại có lí do chính đáng. Tùy thế đứng và ý hướng viết, cả ba đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mĩ học của cộng đồng đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Khi học biết xử sự công bằng ba “loài” trên, ta sẽ có cái nhìn khác hẳn về thơ và nhà thơ. Chỉ khi đó, sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ triệt để.
Thơ Việt đang ở đâu?
Ngoảnh lại non thập kỉ qua, về thơ hậu đổi mới, thời điểm văn chương mạng ra đời (2002), thơ Việt đi theo 6 dòng chính:
Thơ “cổ truyền”, là thơ hậu Thơ mới cùng các biến thái, các cách tân nửa vời sáng tác quẩn quanh trong hệ mĩ học cũ, cảm thức cũ… đang in tràn khắp mặt báo, đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ.
Thơ tân hình thức, là phong trào thơ do Khế Iêm khai sinh ở Mĩ vào năm 2000 (chủ yếu đăng ở tạp chí Thơ, Hoa Kì), truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn tích cực hưởng ứng, tạo không khí thơ sôi động một thời. Sau ba năm, nó đuối sức. Bướm sáu cánh của năm tác giả trình làng năm 2008, nỗ lực mở hướng đi mới, nhưng nhìn chung, Tân hình thức vẫn chưa có bước chuyển tích cực.
Thơ nữ quyền luận, khai mào từ khá sớm với Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư cùng vài tên tuổi khác. Nó vẫn còn khá mờ nhạt và bị lẫn với thơ hậu lãng mạn. Phải đợi đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập thơ Dự báo phi thời tiết, dòng thơ này mới rộ trở lại.
Thơ trình diễn được du nhập vào Việt Nam từ hơn một năm qua, dấu ấn của nó còn khá mờ nhạt.
Thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa hay đã hòa nhập vào dòng chảy của đời sống hiện đại với bản sắc riêng cả qua cách nghĩ lẫn lối thể hiện.
Và cuối cùng, vào đầu thiên niên kỉ, từ giữa lòng nền thơ tưởng yên ả ấy đột ngột nảy sinh một biến cố, biến cố mang trong mình khả tính cách mạng. Đó là trào lưu Thơ hậu hiện đại. Đây chắc chắn là trào lưu khởi phát sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó khai sinh đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chấp nhận tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng internet và cả ở dạng in photocopy.
Nhà thơ vẫn cần đến trường, nhóm
Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, thì việc đề cập đến các chủ nghĩa là cần. Cần không kém là “trường”, “nhóm”, “phong trào” thơ.
Thời đại thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Các loại thơ như của Đặng Đình Hưng, Thanh Tâm Tuyền, hay gần hơn – Nguyễn Quang Thiều không thể tồn tại vào thời văn chương truyền khẩu.
Nghệ thuật, ở đây là thơ, luôn hướng về chuyển động, biến đổi. Ở phương Tây, chưa đầy hai thế kỉ, nhân loại chứng kiến bao nhiêu là trào lưu ra đời, phát triển và suy thoái. Những trường Lãng mạn – romantisme, Hiện thực – réalisme, Tượng trưng – symbolisme, Siêu thực – surréalime, thơ Tân hình thức – new Formalism, Thơ mở rộng – expansive poetry, Thơ tân truyện kể – new narrative poetry, vân vân nảy nở và phát triển, trùng điệp. Chúng không chết hay bị chôn vùi trong nghĩa trang chữ nghĩa, như lâu nay ta dè bỉu. Cần xem chúng như là cuộn sóng, các xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại. Chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Làm giàu sang biển cả thơ ca nhân loại.
Chủ nghĩa, trường phái, hội, nhóm kích thích sáng tạo. Từ quan điểm khác biệt, chúng đấu chiến với nhau tạo nên không khí sôi động của văn đàn. Trường, nhóm không làm cho tác giả lớn, mà là sự có mặt của chúng là thiết yếu cho sự phát triển của một giai đoạn văn học.
Chủ nghĩa siêu thực, chủ soái là Breton với “Tuyên ngôn siêu thực” cùng các vì sao nhỏ xoay xung quanh nó: Éluard, Aragon, Char, Soupault, vân vân đã làm nên cuộc cách mạng văn học Pháp, và thế giới. Là khởi đầu. Để khi mỗi thành viên tách ra đi theo con đường riêng, tạo lập phong cách riêng, họ làm nên sự nghiệp lớn.
Việt Nam cũng không khác. Trường Thơ loạn, nhóm Xuân thu Nhã tập, nhóm Sáng tạo, trước đó, hay hôm nay: nhóm Hoa Lạ, Mở Miệng, Ngựa Trời vừa diễn ra.
Nhưng cần hơn cả là sự cô đơn, cô đơn sáng tạo
Nhà thơ tách khỏi bầy đàn, hắn đi xuống tận tầng cô đơn thứ ba.
Cô đơn thời kì thai nghén, giai đoạn đóng cửa viết và, cô đơn sau khi tác phẩm ra đời.
Tách khỏi chộn rộn thường nhật, sinh hoạt tập thể và cộng đồng nghề nghiệp mình, hắn mới đạt cô đơn ở cấp độ thứ nhất. Chính danh: “cô độc”. Dẫu lang thang vào các làng quê hẻo lánh hay ngược xuôi giữa phố sá nhộn nhịp, họp hành hay nhậu nhẹt bù khú anh em vỉa hè, tôi vẫn cô đơn. Không phải tôi sở hữu nó như thể trẻ con sở hữu hòn bi, mà chính nó chiếm hữu tôi, ném tôi vào khoảng rỗng vô định và bất an của nó.
Rồi, trước trang giấy hay màn hình trắng, thôi còn nghe giọng mơ hồ nào đó răn đe, tôi thoát khỏi mọi nhắc nhở phải nghĩ thế này hay không nên viết thế kia nữa.
Tầng cô đơn cuối cùng, sau khi tác phẩm được ném ra ngoài mưa gió cuộc đời, tôi không lo lắng chộn rộn bảo vệ nó trước búa rìu dư luận, mà mặc nó chịu đựng.
Khi tôi chết đi mọi thiên kiến, mọi lo âu thường nhật; khi tôi chết đi mọi âm thanh và cuồng nộ của cuộc người; nhất là, khi tôi chết đi mọi sợ hãi – là tôi cô đơn.
Cô đơn là tự do, là sáng tạo. □