Trường Lũy Quảng Ngãi: Lật giở những điều tưởng là hiển nhiên trong lịch sử

Nghiên cứu Trường lũy Quảng Ngãi, một di tích thuộc thế kỷ 19, dài 113 km, chạy xuyên tỉnh Quảng Ngãi theo hướng Bắc Nam, chia cắt đồng bằng với vùng núi, chia cắt dân tộc Kinh và dân tộc Hrê là một cơ hội để bắt đầu một nghiên cứu liên ngành. Bởi vì, để viết lịch sử của di tích này, buộc phải có những đóng góp của các ngành khảo cổ học, nhân học và bản đồ học - những ngành giúp tạm thời giải quyết việc thiếu hụt tư liệu lịch sử.

Trường Lũy Quảng Ngãi, xây năm 1819. Xã Ba Đông, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, 2015. © EFEO.

Từ nghiên cứu sử liệu

 

Bắt đầu bước vào cuộc thám sát, nhiệm vụ của chúng tôi có vẻ dễ dàng khi sử liệu văn bản có thể trả lời cho hai câu hỏi: Trường Lũy được xây vào thời gian nào? Ai xây ?

Liên quan đến thời gian, sách sử chép rằng công việc xây dựng được bắt đầu năm 1819, dưới thời vua Gia Long “Ngoài lũy trồng tre, dưới ngăn bằng hào… Lính cơ đóng thú giữ 115 bảo, mỗi bảo 10 người, cộng 1.550 người”.1

Liên quan đến chủ nhân xây dựng của Trường Lũy Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn (1871: 210), vị quan chỉ huy Trường Lũy trong những năm 1860, đã viết trong công trình “Vũ Man Tạp lục thư” của mình: “Quận-công Lê-Văn-Duyệt tâu xin xây Trường-Lũy nam giáp ranh giới Bồng-Sơn tỉnh Bình-Định, bắc giáp ranh giới huyện Hà-Đông [Núi Thành] tỉnh Quảng Nam“.

Như vậy, các văn bản xác định rằng Trường Lũy được xây vào năm 1819 dưới triều Gia Long. Mọi thứ dường như đều sáng tỏ. Song, chúng ta cần nhấn mạnh một điều rằng không có một sử liệu nào viết về xây dựng Trường Lũy trong cùng thời gian nó được xây dựng, mà tất cả các tài liệu đều được viết nửa thế kỷ sau. Khoảng cách chênh này làm mất đi những chi tiết về điều kiện xây dựng lúc đó.

Mọi hoạt động của Trường Lũy đều được ghi chép cho tới khi bị bỏ hoang vào năm 18982. Chính từ sử liệu mà chúng tôi có được nhiều thông tin về công việc sửa sang Trường Lũy, việc đánh thuế buôn bán, thành lập các cơ dọc Trường Lũy và những đồn cơ để bảo vệ. Các văn bản nhấn mạnh rằng đã có tới 3.357 lính cơ vào giai đoạn cuối, cao gấp 3 lần số quân lúc ban đầu (theo “Đồng Khánh Địa Dư Chí”). Nguyễn Tấn (1871: 200) đã miêu tả những trận đánh cũng như những cuộc đàm phán với những thủ lĩnh người Hrê – ông thậm chí còn ghi lại tên của họ: Đinh-y ở Cơ Nhất, Đinh-gi và Đinh-lai ở Cơ Nhị, v.v.

Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cũng liệt kê chi tiết những hành động hung bạo mà những làng người Kinh phải chịu đựng trước những cuộc đột nhập của người Hrê. Thí dụ vào năm 1858:

Bá hộ Đồng Đăng Thống “đang đi tuần phòng tại áp Dương An. Vào khoảng canh tư nghe thấy từ phía xứ Ông Toản xã Dương An có tiếng người hô hoán… thấy bọn ác man đông khoảng trên 100 tên…; đốc thúc lân dân bắn súng điểu thương và ống phun xông tới đánh bắt. Bọn phỉ thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy hết.

Kiểm tra lại thì thấy một người tên là Đăng tay cầm chiếc giáo bị gãy, trên ngực trái, đùi trái và mông bên trái đều có vết thương chảy máu ròng ròng ngồi ở mặt ruộng cùng với xác một tên phỉ bị chết. Xác của thị Cốc thì nằm ở ngoài vườn… Đồng Đăng Thống lại thúc lân dân, biền binh và dân phu của các thôn xã lân cận lần theo dấu vết đuổi bắt phỉ, đuổi theo đến xứ Dương Lá thì không còn thấy bóng dáng tên phỉ nào nữa“.3

 

Tư liệu trên rất quý bởi vì chúng được viết tại chỗ và đương thời khi sự kiện xảy ra. Khi đọc, ta có cảm giác như quyết định xây dựng Trường Lũy là quyết định mang tính đơn phương để tự vệ của người Kinh: các sự kiện tương tự được ghi lại, trang này qua trang khác, năm này qua năm khác, với sự mô tả đơn điệu kinh khủng, về những vụ bắt cóc người và gia súc, giết chóc và trả thù nối tiếp nhau được liệt kê. Theo chúng tôi tính thì trong vòng 14 năm đó, khu vực đồng bằng phía người Kinh đã chịu những thiệt hại ít nhất lên tới 230 người (73 bị giết, 157 bị bắt) và 234 đầu gia súc.4

 

Việc đọc tài liệu tất nhiên sẽ hướng ta đi theo cách nhìn xưa cũ về bờ lũy được một dân tộc “văn minh” dựng lên để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ “man di”. Dần dần, khi được bổ sung với tiếp cận của các ngành khoa học khác vào nghiên cứu này, chúng ta phải sửa lại cách nhìn nhận này về lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử chân thực hơn.

 

Đến khảo sát khảo cổ học và cảnh quan

 

Khi thám sát khảo cổ học chúng tôi đã rút ra ba bài học.

 

Bài học thứ nhất liên quan tới kiến trúc. Cuộc điều tra hé lộ những vết tích kiến trúc có chiều cao khác nhau, có chỗ chỉ 1-2m, có chỗ lên tới 3-4m. Kỹ thuật xây dựng cũng khác nhau, tùy theo từng địa điểm, có chỗ xây bằng đất hoặc bằng đá hoặc pha trộn hai loại trên. Không có bất kỳ một kiến trúc sư trưởng hay một thợ cả nào đưa ra “bản thiết kế” có tính nhất quán tổng thể cho Trường Lũy. Tác phẩm này do nhiều nhóm người thực hiện, mỗi nhóm có trưởng kíp riêng và sử dụng vật liệu tại chỗ – đó không phải tổ chức của quân đội, mà ngược lại mang đặc tính địa phương và làng xã.5


 Trường Lũy ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Bản đồ: Steve Leisz. © EFEO.

 

Bài học thứ hai có được là nhờ vào những kết quả điều tra bản đồ học, liên quan tới mối quan hệ giữa Trường Lũy và địa hình xung quanh. Trong quá trình điều tra, chúng tôi thấy nên tìm kiếm những vết tích ở dưới chân núi, và chính xác hơn trên những sườn núi phía trên vùng đất phẳng vài mét. Đối với một công trình phòng vệ thì vị trí này hơi kỳ lạ bởi vì Trường Lũy bị núi chế ngự, mà núi thì thường nằm ở khu vực phía tây, nghĩa là phía của người Hrê.

 

Khi chúng tôi đi khảo sát ở huyện Đức Phổ, một cụ ông đã dẫn chúng tôi tới “một bức tường bằng đá” nằm bên sườn đồi. Thực tế đó không phải là một bức tường mà là một con đường cổ. Con đường được kè bằng đá, chạy dọc và bao quanh sườn núi, luôn ở cùng một cao độ phía trên vùng đất bằng vài mét. Thế là, cũng vào ngày đó, chúng tôi mới hiểu rằng tên dân gian phổ biến thường gọi lũy – là “Bờ Lũy” – xa lạ ở riêng huyện này. Người dân Đức Phổ thường gọi lũy là “đường cái quan thượng”. Như vậy, ở đây tên của lũy là tên một con đường.

 

Thực ra trước đó chúng tôi đã biết con đường mòn này chạy dọc theo bờ lũy nhưng chúng tôi chỉ coi nó như là một con đường ở nông thôn, không có ý nghĩa lịch sử gì. Thế nhưng, sách sử lại nói đến nó: năm 1812, vua Gia Long “thấy đường núi hiểm vắng, rừng xanh rậm kín, bọn ác man thường thường nhân đó mà rình nấp, bèn sai Phan Tiến Hoàng đem 300 dân xóm đi nhổ cây mở đường để tiện cho quan quân tiến đi“.6

 

Chính việc Trường Lũy bám theo lối đi của một con đường giúp ta hiểu được sự ngạc nhiên của một nhà truyền giáo người Pháp khi nhìn thấy nó vào năm 1900: “(…) vắt lên những ngọn núi dựng đứng nơi biên giới, không có bất kỳ tính toán gì về con đường chiến lược, một bờ lũy bằng đất vừa bao la vừa vô ích” (Durand 1900: 287).

 

Giả thuyết về con đường, một yếu tố thuộc về cấu trúc của hệ thống phòng vệ, thực chất cho phép ta hiểu rõ bản chất của Trường Lũy. Khi mở đường, họ sẽ không chọn những chuỗi tuyến mang tính kỹ thuật như khi xây thành lũy. Rốt cuộc, nhà truyền giáo kia hiểu rằng thành lũy không được xây theo tinh thần phòng vệ. Rõ ràng, điều này thay đổi hoàn toàn những phân tích, diễn giải về di tích như ban đầu ta suy nghĩ.

 

Cuối cùng, lật tìm lại sử liệu, ta thấy giả thuyết trên được chứng minh trong mô tả của Lê Quang Định (1806: 229-242) về một con “đường núi” đi xuyên qua tỉnh Quảng Ngãi từ Bắc vào Nam. Con đường đi qua một loạt những địa điểm – với những địa danh như Cù Ba, Đèo Tố Thượng, Đá Chát, Huyện Nho, Đèo Ải, vv. – nằm trên đường tuyến hiện nay của Trường Lũy. Cũng ngay từ năm 1806, Lê Quang Định đã ghi nhận có nhiều bảo nằm trên con đường này (tất cả có 84 bảo), nhưng lại không có bất kỳ lời ghi nào về Trường Lũy – bởi vì, nó chỉ mới được xây dựng từ năm 1819.

 

Bài học thứ ba được rút ra từ việc khảo sát lịch sử cảnh quan vùng đồng bằng, nơi có nhiều làng với những mảnh vườn xanh trồng cau, cây ăn quả và rau. Tuy nhiên, qua những chuyến công tác, chúng tôi ngày càng cảm nhận được rằng màu xanh này chứng minh thực tế về một quá khứ nghèo đói. Đất đai Quảng Ngãi khô cằn, khó trồng lúa, khiến cho người dân buộc phải bổ sung những cây trồng phụ; đừng quên là cách đây chưa lâu các con sông lớn còn hiện diện một hệ thống bờ xe nước để tưới ruộng. Sử liệu dưới thời Gia Long đã khẳng định điều này: dân đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên bị thiếu gạo.7


Bản vẽ Rùm Đồn và Trường Lũy. Xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Bản vẽ: Federico Barocco. © EFEO. 

Ngược lại, vùng núi với những ruộng lúa tương phản không chỉ với vùng đồng bằng mà còn cả với vùng cao nguyên. Như cách viên sĩ quan Haguet (1905: 1420) mô tả về sự phồn thịnh của những thung lũng nơi người Hrê sinh sống, nơi “trồng trọt tuyệt vời và được tưới tiêu nhân tạo”, bởi vì, ông viết thêm: “người Kinh không giỏi hơn họ trong việc này”. Sự màu mỡ của đất đai cộng với việc làm chủ kỹ thuật tưới tiêu mang đến những vụ lúa bội thu được người Hrê trao đổi với những dân buôn dưới đồng bằng, nhờ đó họ có thể đổi lấy muối (chỉ có được ở vùng biển) và cá khô.

 

Nghiên cứu cảnh quan cho thấy rõ hội nhập kinh tế của hai vùng nằm ở bên này và bên kia Trường Lũy. Mối giao thương này quan trọng với cả hai bên đến nỗi bất kỳ xáo trộn nào cũng sẽ mang dáng dấp của thảm họa. Ngay trước khi xây Trường Lũy, sách sử ghi nhận sự ngừng trệ của giao thương do bất ổn, khiến cho tỉnh Quảng Ngãi được trao 7 năm miễn trừ đặc biệt về thuế buôn bán trong vòng 17 năm (1804-1806, 1810-1813).8 Việc lập lại hòa bình do đó còn là để việc trao đổi được tiếp tục ổn định, đảm bảo đời sống kinh tế của hai cộng đồng.

 

Xa dần với giả thiết ban đầu về một chiến lũy chống người “man”, cuộc khảo sát ngày càng cho thấy lợi ích của việc xây dựng Trường Lũy là lợi ích chung của cả người Kinh và người Hrê. Việc xây dựng một con đường giới hạn bằng vật liệu rắn là để ngăn chặn những kẻ hiếu chiến Hrê tiến xuống đồng bằng đồng thời cản trở nông dân người Kinh di cư lên vùng cao – chứ không có ý định bít kín đường biên giới. Ngược lại, giới hạn này có mục đích đảm bảo an ninh cho việc buôn bán xuyên biên giới.

 

Giữa hai đòi hỏi cấp bách – an ninh lãnh thổ và an ninh thương mại – Trường Lũy được coi như là một thỏa hiệp. Những cuộc khai quật khảo cổ cung cấp nhiều thông tin về quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho mối thỏa hiệp này. Dưới đây là những kết quả nghiên cứu được thực hiện ở di tích Rùm Đồn: Sơ đồ của Rùm Đồn chỉ ra tính phức tạp về chức năng của mạng lưới. Tường bao cao 4-5m, xung quanh là hào. Một con đường được lát bằng những tảng đá phẳng, dọc Trường Lũy len qua đồn. Một bức tường ngang có cổng để kiểm soát việc đi lại Bắc-Nam. Nhưng những đồn này cũng là nơi kiểm soát việc đi lại Đông-Tây, như đã ghi trong một Châu bản về việc sửa chữa hạ tầng cơ sở vào năm 1837 sau một cuộc tấn công chợ biên giới: “từ năm ngoái ta đã đào thêm hào ở bên ngoài mặt lũy rồi cho cắm chông tre, nên muốn vào chợ chỉ còn một con đường nhỏ đi qua cổng đồn mà thôi, không còn đường ngang ngõ tắt nào khác để đi vào thậm thụt mua bán nữa“.9

Đó là một hệ thống hạ tầng gồm ranh giới chia cắt lãnh thổ, kết nối những điểm mở có kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn cho trao đổi buôn bán.

 

Nghiên cứu dân tộc học

 

Trong chuyến thăm di tích năm 2008, nhà nhân học Georges Condominas lưu ý tới thiếu sót không cố ý trong cách tiếp cận khoa học của chúng tôi: “Nếu các bạn không nghe người dân tộc kể thì lịch sử của các bạn sẽ là lịch sử của những cư dân đồng bằng, không phải lịch sử của cả hai cộng đồng”. Rất may là sau đó chúng tôi được phép tới làm việc tại các huyện của người Hrê.

 

Điều gây ấn tượng với chúng tôi khi khám phá cảnh quan các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long là đá. Những viên đá dùng để xếp tường quanh vườn, kè ruộng, đắp đập, đắp ranh giới rẫy, làm rào chuồng súc vật và bẫy cá, cuối cùng là cho mọi nhu cầu về xây dựng trừ làm nhà (nhà dân thường là nhà sàn bằng gỗ và bằng tre). Những kiến trúc đá này làm bật ra câu hỏi: liệu tổ tiên những người Hrê này có tham gia xây dựng Trường Lũy hay không?

 

Trước đó, khi phỏng vấn ở đồng bằng chúng tôi đã ghi nhận sự thiếu hụt thông tin của những câu chuyện kể, những ký ức dân gian về việc xây dựng Trường Lũy. Duy nhất một người Kinh kể cho chúng tôi nghe công việc của ông tổ mình, một vị quan đi tuyển nhân công xây Trường Lũy.

 

Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng người biết xếp đá ở Quảng Ngãi là người Hrê; nhưng phải đi tới kết luận này một cách thận trọng và phải “kiểm tra chéo” thông tin với một người Kinh sống ở vùng Hrê từ lâu. Khi tôi nói với ông rằng Trường Lũy là công trình xây dựng của người Kinh, ông ấy liền đáp lại “Không phải!” một cách dứt khoát, trước khi nhấn mạnh sự thật rằng “chính người dân tộc xây chúng, chứ không phải người Kinh”.

 

Nhiều người Hrê mà chúng tôi hỏi đều cho rằng tổ tiên họ đã tham gia xây Trường Lũy, như một “ba-ri-e” – theo lời tả của một ông lão – để bảo vệ đất đai của mình khỏi người Kinh lên định cư. Một vài người còn nhớ rõ tên người tổ chức xây dựng. Họ gọi người đó là “Ông bộ”. Theo họ, Ông bộ là một vị tướng người Kinh – theo một số người “gần như là một vị vua” – nếu như ông này có con trai, dĩ nhiên đó là con trai nuôi bởi vì vị tướng này không thể có con. Chúng tôi hiểu rõ rằng họ đang nói tới Lê Văn Duyệt, một vị quan hoạn, phó vương của vua Gia Long, người xây Trường Lũy được chỉ tên trong các sách sử.


Nhóm nghiên cứu khảo sát tại Đồn Đèo Chim Hút, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. © EFEO.

Việc đối chiếu những nguồn tư liệu từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau trong hơn 10 năm qua cuối cùng cho phép chúng ta kết luận: nếu như về phương diện chính trị, Trường Lũy thực sự là sáng kiến của triều đình, thì về mặt xây dựng, nó là kết quả sau cuộc thương thảo giữa Lê Văn Duyệt và các thủ lĩnh người Hrê, và công việc xây dựng dựa vào công nghệ, truyền thống xây dựng và nguồn nhân lực của cả hai cộng đồng..

 

Kết luận trên càng được khẳng định khi so sánh Trường Lũy Quảng Ngãi với Trường Lũy Bình Định, mà theo sách sử, được xây muộn hơn (năm 1876) và mang tính quân sự rõ nét.10 Kiến trúc của lũy này cho thấy đặc tính trên: ở vùng núi thưa dân và địa hình mấp mô, lũy xây cao đến 4m, kiến trúc đều đặn với các viên đá được đẽo gọt cẩn thận trước khi xếp. Sự trái ngược là rõ nét so với Quảng Ngãi, nơi sự đa dạng cho thấy nó rõ ràng là công trình xây dựng của người nông dân.

 

Một so sánh khác cũng được rút ra từ việc nghiên cứu quá trình đào kênh Vĩnh Tế, một công trình cũng do chính Lê Văn Duyệt đứng ra tổ chức và triển khai cùng năm đó. Sách sử chỉ ra rằng để xây con kênh này, triều đình đã kêu gọi nhân công dân sự và quân sự từ cả người Kinh và Khmer.11

 

Kết luận

 

Những kết quả nghiên cứu cho thấy rằng những cư dân luôn bị sách sử định danh là “man” đã tham gia xây dựng, bằng chính đôi tay mình cái “ba-ri-e” nhằm tách họ ra khỏi vương quốc của người Kinh.

 

Ý tưởng trên phải được đặt lại trong bối cảnh của những mối quan hệ dân tộc từ xa xưa ở vùng đất trước kia là một phần của vương quốc Champa. Nếu như người Hrê là con cháu của một trong những dân tộc từng sinh sống ở Champa12, thì Trường Lũy được họ sử dụng như lá chắn đối mặt với di dân “Nam tiến”.

 

Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét những hệ quả cụ thể về việc xây dựng Trường Lũy. Trường Lũy đã không làm tròn chức năng bình định mà triều đình mong muốn: những sự kiện xung đột, như ta đã thấy, thường xuyên diễn ra trong suốt thế kỷ 19 và để lại ký ức đau đớn còn tồn tại dai dẳng dưới nhiều hình thức cho tới ngày nay ở Quảng Ngãi.

 

Nhìn từ phía người Kinh, có thể hiểu rằng Trường Lũy không đạt được mục đích đặt ra. Nhưng, nhận thức của người Hrê lại hoàn toàn khác. Trên thực tế đến tận bây giờ, có ít người Hrê sống ở đồng bằng và cũng ít người Kinh sống ở miền núi. Dù ngày nay người Hrê và người Kinh đều là công dân của nước CHXHCN Việt Nam, vùng cư trú của họ vẫn không thay đổi trên hai phía Trường Lũy suốt hai thế kỷ.□

 

Ghi chú

*Dự án nghiên cứu do nhà sử học Andrew Hardy (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, EFEO) và nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) điều hành, với sự hỗ trợ của Đào Thế Đức (Viện Nghiên cứu Văn hóa) và Federico Barocco (công tác viên, Viện Khảo cổ học). Dự án được sự ủng hộ của EFEO, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Quỹ Ford, Bộ Ngoại giao Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp, Ủy ban châu Âu.

 

——

Thư mục tài liệu tham khảo:

Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên, Nxb Văn hóa – Văn Nghệ, 2011.

Đại Nam Thực Lục, Tiền Biên & Chính Biên, Nxb Giáo dục, 2002.

‘Đồng Khánh Địa Dư Chí’, 1885-1888, tỉnh Quảng Ngãi, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm (A537).

E.M. Durand, “Les Moïs du Sơn Phong”, Bulletin de géographie historique et descriptive 1900, 284-322.

H. Haguet, “Notice ethnique sur les Mois de la région de Quảng Ngãi”, Revue indochinoise 1905, 1419-1426.

A. Hardy, “The Archaeological Territory of Quảng Ngãi and the Geopolitics of Champa” trong Perspectives on the Archaeology of Vietnam, A. Reinecke (biên tập), Berlin/Bonn, 2015, p. 259-290.

A. Hardy & Nguyễn Tiến Đông. “The Peoples of Champa: Landscape History Evidence for a New Hypothesis” trong A. Griffiths, A. Hardy & G. Wade (biên tập), Champa: Territories and Networks of a Southeast Asian Kingdom, EFEO, Paris, 2019 tr. 121-144.

Lê Quang Định, “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (1806), Nxb Thuận Hóa, 2005.

Nguyễn Tấn, “Phủ Man Tạp Lục” (1871), trong Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Philadephia, Nhật-Lệ, 1998.

 

1 Đại Nam Thực Lục Chính Biên (ĐNTLCB), q. LX, 1819, tháng 3.

2 Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên: 2011, tr. 319320.

3 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ 1, phông Châu bản (TTLT1 CB) tập 94, tờ 243, 26/7 Tự Đức 11 (1858).

4 Tính theo tài liệu Châu bản các năm 1833, 1838, 1858, 1860, 1862, 1867-1869, 1874, 1878, 1886-1888, 1896. Dân số Quảng Ngãi năm 1819 là 15.400 đinh (ĐNTLCB, q. XL, 1819, tháng 12).

Việc sử dụng nhân công địa phương phố biển vào thế kỷ 19. Thí dụ, mương ở 5 xã thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) do nhân công các xã ven sông đào. TTLT1 CB tập 238, tờ 175, 18/4 Tự Đức 24 (1871).

6 ĐNTLCB, q. XLIV, 1812, tháng 6.

7 Dưới triều đình Gia Long, nạn thiếu gạo tại Quảng Ngãi vào các năm 1803, 1807, 1811, 1812, 1813, 1819. ĐNTLCB, q. XX, 1803, tháng giêng; q. XXXII, 1807, tháng 4; q. XLII, 1811, tháng 4; q. XLIV, 1812, tháng giêng; q. XLVI, 1813, tháng 1; q. XLVII, 1813, tháng 9; q. LIX, 1819, tháng 4.

8 ĐNTLCB, q. XXX, 1806, tháng 6; q. XLI, 1810, tháng 7; q. XLII, 1811, tháng 5; q. XLVII, 1813, tháng 10.

9 TTLT1 CB tập 64, tờ 131, 4/4 Minh Mệnh 19 (1838).

10 ĐNTLCB q. LVI, 1876, tháng 10.

11 ĐNTLCB, q. LX, 1819, tháng 9.

12 Xem Hardy & Nguyễn Tiến Đông 2019; Nguyễn Tấn (1871: 97) gọi họ là “con cháu của Champa”; Durand (1900: 286) nhận thấy họ đã sống ở đồng bằng từ xưa, về sau “bị đẩy dần dần lên vùng cao”.

Tác giả

(Visited 53 times, 1 visits today)