Biến động và kiểm soát COVID – 19: Ý kiến của hai nhà toán học (Phần 1)

Lời tòa soạn: Dịch COVID-19 đã diễn ra hơn một năm rưỡi, người dân của nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả Việt Nam phần nào bắt đầu trải nghiệm hiệu ứng “mệt mỏi vì dịch bệnh” (pandemic fatigue), cảm thấy không còn quyết tâm trong việc chấp hành các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nữa. Vì vậy, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để nhắc lại thời điểm bùng phát dịch bệnh để ta một lần nữa thấy rằng chiến lược phát hiện – ngăn chặn sớm và quan tâm đến hệ thống các cơ sở y tế vẫn hết sức quan trọng.


Eward Jenner, ông tổ của ngành vaccine cấy chủng đậu mùa ở dạng nhẹ cho một cậu bé. Nguồn: regnum.ru

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc nên có lẽ còn quá sớm để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, có lẽ cũng rất kịp thời để chúng ta, những nhà toán học tóm tắt lại những bài học mà chúng ta nên biết và khẩn cấp áp dụng ngay bây giờ. Bởi vậy, câu hỏi của chúng tôi là: Tại sao sự biến động và kiểm soát COVID-19 lại là chủ đề đầy thú vị với các nhà toán học và tại sao để kiểm soát được đại dịch, người ta lại rất cần sự tham gia của họ?

Đầu tiên, chúng tôi sẽ đưa ra một cách tiếp cận “từ dưới lên”, dựa trên tiến trình của các sự kiện từ thời điểm khởi đầu và thay đổi theo thời gian. Chúng xảy ra theo những cách khác nhau ở các quốc gia khác nhau, và mục tiêu của phần đầu tiên là để so sánh những sự thay đổi này giữa một vài quốc gia.

Dù vậy, có một số vấn đề phổ quát mà chúng tôi tách riêng ra để nói, như cách chúng tôi vẫn thường làm trong toán học. Các vấn đề này bao gồm lịch sử của một số đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm phòng dịch của người dân ở một vài quốc gia và sự phát triển của một số công cụ toán học cơ bản. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nói đến một vấn đề tổng quát mà một trong hai tác giả bài viết, đã khẳng định trong ngày 12/3/2020 trong một email gửi tới văn phòng của một cơ quan y tế của Đức:

“Sự mở rộng và biến đổi của COVID-19 ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phản ánh tình trạng hệ thống y tế của họ. Điều này, ví dụ, là quá rõ ràng trong trường hợp của dịch Ebola”.

Thực ra, chính xác phải là thành tố y tế công cộng trong hệ thống y tế đóng vai trò thiết yếu [trong việc kiểm soát đại dịch].

Phần thứ hai của bài viết sẽ không viết theo hướng “thiên về các quốc gia” mà “thiên về các vấn đề”. Với một vấn đề, chúng tôi sẽ “đi từ trên xuống” về các giải pháp và cách ứng dụng các giải pháp ấy trong những tình huống cụ thể. Chúng tôi sắp xếp nội dung phần này theo các phương pháp toán học được sử dụng trong các giải pháp đó. Đây là một ví dụ đặc biệt cần toán học: phát triển vaccine và chiến lược sử dụng nó mà không bỏ qua nhưng nguyên tắc y đức cơ bản.

 

Từ dưới lên

 

Quay trở về quá khứ

Nhân khẩu học vốn được phát triển hàng thế kỉ rất lâu trước khi nó trở thành một lĩnh vực toán học độc lập. Trong một thời gian dài, nó chỉ được coi là một công cụ toán học trong việc nghiên cứu sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm. Đây là một ví dụ: Ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, người ta lây nhiễm cho các cá nhân bệnh đậu mùa ở thể nhẹ và nhờ đó mà các cá nhân này đạt được miễn dịch sau đó. Phương pháp này làm cho một số người tử vong, nhưng vào năm 1766, nhà toán học người Thụy Sĩ Daniel Bernoulli sử dụng cách tiếp cận nhân khẩu học để chỉ ra nếu áp dụng phương pháp này cho tất cả mọi người, thực ra nó lại làm tăng tuổi thọ của cả cộng đồng. Ngày nay, việc đánh giá hiệu quả chi phí của các giải pháp y tế công cộng như vậy đã được sử dụng rộng rãi; và nó dựa trên các phương pháp của toán kinh tế.


Trong thời điểm dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra, người dân châu Âu cũng đeo khẩu trang giống như chúng ta ngày nay. Nguồn:  Vintage_Space/Alamy

Thế kỉ 19 chứng kiến sự khám phá ra các vi khuẩn là mầm bệnh của rất nhiều bệnh và các nghiên cứu này được thực hiện bởi các phương pháp vi sinh vật học. Các công cụ toán học dùng cho việc theo dõi một đại dịch theo hướng nhân khẩu học mãi đến thể kỉ 20 mới được sử dụng. Lúc đó một vài bác sĩ còn cho rằng mọi đại dịch kết thúc chẳng qua bởi vì cuối cùng cũng không còn đủ người để bị nhiễm bệnh nữa, thật là một tiền đề ngây thơ cho ý tưởng toán học – dịch tễ học về miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kể cả một lượng lớn các bài báo khoa học lúc đó về dịch cúm 1918-1919, được đặt tên một cách sai lầm là dịch cúm Tây Ban Nha (thực ra cúm này không bắt nguồn từ Tây Ban Nha mà bắt đầu từ Mỹ – ND), cũng chỉ trao đổi về hai khả năng để dập tắt dịch bệnh: phương pháp điều trị lâm sàng tốt hơn và các đột biến của sinh vật gây bệnh.

Nhìn từ góc độ virus học, cúm Tây Ban Nha là một dạng cực đoan của thứ mà người ta vẫn gọi là cúm mùa. Virus là nguyên nhân của đại dịch này có thể là một trong số rất nhiều loài, chi của nó được ký hiệu bằng A, B, C hoặc D mà mỗi chi có thể có nhiều loài. A là chi nghiêm trọng nhất, nó có các tiểu loài A(HxNy), x = 1,..,18 và y = 1,…11, trong đó x và y biểu diễn các protein trên bề mặt của virus. Chiến lược kiểm soát đại dịch cúm mùa “bình thường” thì ai cũng biết, kể cả người không có chuyên môn: xác định chủng virus vào mùa thu, phát triển vaccine nhanh nhất có thể và tiêm cho những người được cho là có nguy cơ cao. Tuy nhiên, số lượng người bị nhiễm và tử vong bởi cúm mùa có thể cao ngang với số người tử vong bởi một vài đại dịch sẽ được mô tả dưới đây.

Cúm Tây Ban Nha thuộc về tiểu loài A(H1N1). Những tấm ảnh thời kì đó cho thấy con người đeo khẩu trang cũng giống như chúng ta đeo ngày hôm nay. Trong những năm 1957-1958, một sự “rẽ nhánh” của cúm mùa xuất hiện, gọi là cúm châu Á gây ra bởi tiểu loài A(H2N2). Nó bắt nguồn từ Trung Quốc và sau đó trở thành một đại dịch, lây lan qua những nước láng giềng rồi sang Anh và đến Mỹ. Ước tính số ca nhiễm ở khoảng 500 triệu người và số người tử vong vào khoảng 3 triệu. Ban đầu nó cũng kinh khủng như cúm Tây Ban Nha, nhưng về sau vaccine, loại tiền thân của vaccine chống cúm mùa thường niên của chúng ta bây giờ, ra đời.

Cúm Hồng Kông vào năm 1968-1969, xuất hiện do virus A(H3N2) cũng có những đặc điểm tương tự như trên.

Cùng với những đại dịch trên và những dịch bệnh mới xuất hiện, và thậm chí là được chúng truyền động lực, các công cụ toán học mới về y tế công cộng nổi lên vào đầu thế kỉ 20, được dẫn lối bởi một vài nghiên cứu vào cuối thế kỉ thứ 19. Công cụ này có hai loại. Loại thứ nhất là công cụ gọi là “mô hình toán học thống kê”. Mục tiêu của nó là nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố, hay còn gọi là các định thức, tới sức khỏe của một quần thể. Những yếu tố này có thể là như thiếu vệ sinh hay môi trường ô nhiễm. Yếu tố này cũng có thể là một phương thức phòng bệnh hoặc điều trị như tiêm chủng hay một loại thuốc; trong trường hợp này mục đích của nghiên cứu là đánh giá hiệu lực của phương pháp đó. Lập kế hoạch trích mẫu là một loại mô hình toán học thống kê tương tự. Chúng là các phương pháp điều tra mẫu cơ bản đang được dùng rất nhiều trong đại dịch COVID 19 này nhưng không phải lúc nào cũng làm sáng tỏ được vấn đề.


Mô hình mô phỏng tính toán đầu tiên về đường cong dịch tễ của J. Brownlee, 1907. Nguồn: nghiên cứu của các tác giả. 

Loại thứ hai được gọi là “mô hình toán học sự phát triển của dịch bệnh” hay ngắn gọn là “mô hình toán học”. Có hai loại mô hình này. Thứ nhất, người ta sẽ dùng cho đường cong đại dịch, chính là tính tổng số ca nhiễm tích lũy đến một thời điểm t nào đó (như một hàm của biến t). Trong trường hợp này, mô hình toán học có vai trò ước tính hoặc dự đoán đường cong này dưới một loạt các giả thiết về tính lây truyền của các đối tượng bị nhiễm. Với mô hình này, có thể thấy ngay cần quan tâm liệu tính lây truyền liệu có phải là một hằng số hay giảm dần theo thời gian. Thứ hai, người ta có thể dùng để xây dựng các mô hình khoanh vùng. Mô hình đầu tiên trên thế giới là cho dịch sởi, được xuất bản vào năm 1889 bởi P.D. En’ko. Vào khoảng năm 1900, các mô hình khoanh vùng cho cho sốt rét ra đời. Và vào những năm 1920, người ta định nghĩa và nghiên cứu sâu sắc về các mô hình mới cho sự phát triển của dịch sởi trong một quần thể đóng (một quần thể hoàn toàn không có sự di dân). Các mô hình này về sau có tầm ảnh hưởng lớn bởi những đặc trưng cơ bản của nó về sau xuấn hiện trở lại trong nhiều mô hình toán học liên quan đến dịch bệnh trong các bối cảnh khác hoặc các bối cảnh phức tạp hơn.

Những công cụ nói trên đã có rất nhiều ứng dụng. Xử lý những dịch bệnh lớn theo phương pháp toán học không còn là vấn đề của riêng môn nhân khẩu học nữa, mặc dù nó vẫn là một công cụ chính trong việc đánh giá số ca nhiễm và số ca tử vong. Các mô hình toán thống kê được sử dụng để đánh giá hiệu lực của các loại thuốc chống virus, như chống nhiễm HIV, và hiệu lực của vô vàn các vaccine như các vaccine phòng ngừa các loại cúm. Mô hình toán học liên quan đến dịch bệnh được dùng trong cả việc lập kế hoạch để tiêu diệt dịch đậu mùa, bại liệt, sởi và có lẽ còn nhiều dịch bệnh khác. Lên kế hoạch cho chiến lược tiêm chủng sẽ cần cả mô hình toán thống kê và mô hình toán học.

Sự phát triển và tiến bộ xã hội có lẽ khiến chúng ta đều phần nào tự mãn về năng lực đối phó với dịch bệnh của mình. Nhưng rồi trong giai đoạn 2002 đến 2019, một vài sự kiện diễn ra đã lật lại niềm tin đó và gợi lại những kí ức về những đại dịch mà chúng ta không thể dập tắt trước đây.

 

Những sự kiện bất ngờ 2002-2018

 

Vào tháng 11/2002, dịch SARS đầu tiên (Hội chứng suy hô hấp) bùng phát. Đó là căn bệnh lây từ động vật sang người bởi một virus tên là SARS-CoV-1, một chủng của loài SARS-CoV. Nó được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc và chưa từng lây lan nhiều bên ngoài các quốc gia láng giềng và Canada. Vào tháng 7/2003, dịch bệnh này được tuyên bố là đã hoàn toàn bị tiêu diệt sau khi gây ra 8.096 ca bệnh và 774 người tử vong.

Tương tự, bệnh Suy hô hấp Trung Đông (MERS) gây ra bởi virus corona MERS-CoV, dẫn đến khoảng 2500 ca bệnh và 870 người tử vong từ năm 2012-2020. Dịch bệnh này tập trung ở Ả Rập Saudi và xuất hiện ở một mức nào đó tại Hàn Quốc, với các ca bệnh xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn 2014-2015. Động vật truyền bệnh đa số là lạc đà, bệnh này còn được gọi là cúm lạc đà.

Hơn thế, một dịch cúm khác xâm nhập vào thế giới của chúng ta có nhiều đặc điểm giống với dịch cúm Tây Ban Nha trước kia. Mầm bệnh là một chủng mới gọi là A(H1N1)09 của loài virus cúm H1N1. Nguồn gốc của nó vẫn còn gây tranh cãi. Một giả thuyết cho rằng, động vật truyền bệnh có thể là lợn, nó lây cho một người ở trang trại lợn Mexico vào khoảng tháng một năm 2009. Bởi vậy nó còn được gọi là cúm lợn hay cúm Mexico. Nó lây lan từ Bắc Mỹ sang toàn thế giới và được tuyên bố là “biến mất” (extinguished) vào tháng 8/2010. Ước tính số ca nhiễm và tử vong là lớn khủng khiếp, nhưng có vẻ là số ca nhiễm nhiều hơn và ít người tử vong hơn so với cúm Tây Ban Nha. Có nhiều cáo buộc với Tổ chức Y tế Thế giới liên quan đến vaccine chống lại cúm lợn (một trong số đó là WHO không công khai khả năng xung đột lợi ích giữa các nhà khoa học của mình và công ty sản xuất vaccine phòng bệnh này).

Cuối cùng, một loại cúm khác lây từ động vật sang người, với cái tên khá nổi tiếng là cúm gia cầm, hay còn có tên khoa học là cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao (HPAI). Mầm bệnh là virus cúm A(H5N1). Người ta biết đến nó khá lâu trước đây nhưng đỉnh điểm là vào những năm từ 2013-2017. Liệu virus này có lây truyền qua không khí từ gà sang người hay không vẫn còn đang được tranh cãi rất gay gắt bởi những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nó có thể mang lại. Cúm gia cầm lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới nhưng số người bị nhiễm vẫn rất nhỏ, chỉ khoảng 70 người.


Trong số các quốc gia có chính sách như nhau với dịch COVID-19, Hy Lạp có số người tử vong cao hơn, lí do là bởi hệ thống y tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt khủng hoảng nợ vào những năm 2010. Nguồn: AP Photo/Thanassis Stavrakis

Bên cạnh một loạt các dạng cúm và các dịch bệnh gây ra bởi virus corona SARS-CoV-1, SARS-CoV-2 hay MERS-CoV, còn những dịch bệnh khác nữa. Chúng ta nên so sánh nó với những đại dịch đã nói ở trên bằng các thước đo của Toán học. Ở đây tôi muốn nói đến dịch Ebola. Sự bùng phát lớn nhất của Ebola nằm ở Tây Phi từ năm 2013 đến 2016, gây ra 28,646 ca nhiễm và 11,323 người tử vong. Có sự khác biệt căn bản giữa một bên là bệnh cúm hay SARS-CoV-1 hay SARS-CoV-2 và bên kia là Ebola, dẫn đến mô hình toán học của hai dịch bệnh này là khác nhau. Người mang mầm bệnh cúm hay virus corona có thể truyền cho người khác lâu trước khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, nghĩa là lâu trước khi thời kì ủ bệnh kết thúc. Một người bị nhiễm Ebola chỉ trở thành nguồn lây nhiễm khi kết thúc thời gian ủ bệnh. Sau đó người này có thể ngay lập tức bị cách li cùng với những người cuối cùng họ tiếp xúc gần để ngăn cản sự lây nhiễm lan ra rộng hơn hơn, nếu có cơ sở y tế ở gần đó. Bởi vậy, Ebola không lan sang các quốc gia có mạng lưới y tế dày đặc, nhưng nó khiến các quốc gia không có hệ thống y tế như vậy phải lao đao. Chiến lược của WHO để kiểm soát dịch bệnh lúc đó là sai lầm. Họ khăng khăng nhắm tới thuốc và vaccine (mà mãi đến tháng 12/2019 mới ra đời) mà bỏ quên việc chăm sóc y tế cơ bản. Trong khi đó, mục tiêu hữu ích nhất lúc đó là nhanh chóng đào tạo các cán bộ y tế ở làng xã và các “y sĩ nghiệp dư” như nhân loại đã từng làm hàng thập kỉ trước.

 

Nhìn vào một vài quốc gia

 

Chỉ một vài quốc gia rút ra những kinh nghiệm trong 18 năm vừa rồi để phòng xa cho sự bùng phát rất có khả năng diễn ra của một dịch bệnh mới. Một số khác thì chỉ đến khi những dấu hiệu đầu tiên của COVID-19 xuất hiện mới có những giải pháp đúng đắn, và rất nhiều quốc gia thì bắt đầu rục rịch chuẩn bị khi dịch đã gần đạt đến cao trào.

Chúng tôi sẽ liệt kê một vài ví dụ. Để cho đơn giản, chúng tôi sẽ luôn luôn mô tả kết quả của chiến lược một quốc gia bằng cách đưa ra số ca nhiễm tích lũy và số người tử vong đến ngày 1/6/2020.

Chúng ta sẽ bắt đầu với những nước đã lên kế hoạch từ sớm.

Đài Loan: Vào năm 2004, một năm sau khi bùng phát dịch SARS, chính phủ đã thành lập Trung tâm Chỉ huy Y tế Quốc gia (NHCC) để chuẩn bị cho toàn quốc đối phó với một dịch bệnh mới có thể xảy ra. Từ năm 2017 trở đi, đứng đầu cơ quan này là Bộ trưởng Bộ Y tế Chen Shih-chung nổi tiếng, người học ngành nha khoa ở Đại học Y khoa Đài Bắc. Phó Tổng thống Đài Loan từ năm 2016 – 2020, Chen Chien-jen , từng là Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2003 – 2005 sau khi học về di truyền, y tế công cộng và dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học John Hopkins ở Mỹ rồi làm nghiên cứu. Bởi vậy, những quyết định kiểm soát dịch COVID-19 được đưa ra bởi những chính trị gia có chuyên môn về những vấn đề y tế, bao gồm cả y tế công cộng.

Đài Loan có 23 triệu dân và rất nhiều trong số họ đến và trở về từ Trung Quốc. Kể từ ngày 31/12/2019, khi WHO thông báo về dịch bệnh ở Vũ Hán, tất cả các chuyến bay từ đây đều được kiểm tra, sau đó là kiểm soát tất cả hành khách đến từ những nơi khác. Một “Bảng hành động” được đưa ra trong giai đoạn từ ngày 20/1 – 24/2/2020, liệt kê 124 giải pháp cần thực hiện. Công chúng hằng ngày được cập nhật thông tin rõ ràng về dịch bệnh trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Truy vết tiếp xúc, tức là việc theo dõi về những người có triệu chứng, những ca nhiễm và tất cả những mối quan hệ của họ được thiết lập trên thẻ bảo hiểm sức khỏe điện tử của tất cả mọi người. Xét nghiệm virus PCR luôn sẵn sàng và khu cách li được tổ chức rất tốt. Vào cuối tháng một, nước này đã có quy định đeo khẩu trang và nguồn cung khẩu trang cũng đã rất sẵn sàng.

Với sự chuẩn bị như vậy, đến 1/6 có 442 ca nhiễm ở Đài Loan và 7 ca tử vong.

Việt Nam: Chiến lược của Việt Nam tương tự như Đài Loan ở hầu hết tất cả các mặt, trừ truy vết tiếp xúc. Ủy ban phòng chống dịch bệnh COVID-19 được thiết lập trong Bộ Y tế. Họ ngay lập tức biến kế hoạch thành hành động vào 23/1 khi những ca nhiễm đầu tiên trở về tại sân bay, trong đó có người trở về từ Anh. Tất cả các trường học đều đóng cửa vào ngày 25/1 và kể từ ngày 1/2, tất cả mọi người tới Việt Nam đều phải trải qua hai tuần cách li.

Cũng có những biện pháp được siết chặt hoặc nới lỏng tùy theo sự tiến triển của dịch bệnh, chẳng hạn như thời gian cách li hay là việc đeo khẩu trang. Bộ Y tế cũng đưa thông tin chính xác và rõ ràng tới tất cả người dân trên tất cả phương tiện, bao gồm cả tin nhắn điện thoại. Ngoài ra, còn có hệ thống thông tin được “cá nhân hóa” tới từng người dân nhờ vào mạng lưới tổ dân quân tự vệ. Những dân quân tự vệ này xác định ba nhóm người: F0 là người bị nhiễm bệnh đã được công bố, F1 là những người bị nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với người bị nhiễm. F2: là những người đã tiếp xúc với F1. Mỗi người phải tự theo dõi xem mình thuộc nhóm nào. Và các dân quân tự vệ này sẽ in ra thông tin hướng dẫn cho từng người, phụ thuộc vào việc họ thuộc nhóm đối tượng nào, chẳng hạn như là hướng dẫn họ đi xét nghiệm. Chỉ duy nhất xét nghiệm PCR được công nhận.

Trái ngược với Đài Loan, truy vết tiếp xúc của Đài Loan không sử dụng các công cụ điện tử mà dựa vào chính bản thân người dân, được chỉ dẫn bởi lực lượng dân quân tự vệ, cùng với một số lượng lớn những cán bộ y tế được đào tạo bài bản, ví dụ như là các giảng viên đại học.

Vào cuối năm 2019, dân số Việt Nam là 98.257.747. Tính đến ngày 1/6/2020, Việt Nam có 328 ca nhiễm và 0 có ca tử vong. Những dữ liệu này được thu thập bởi bộ phận nhân khẩu học của Tổng cục Thống kê và qua hệ thống thông tin y tế, đáng tin cậy.

Khái quát các phương án kiểm soát dịch của Đài Loan và Việt Nam cho chúng ta thấy ba thành phần chính trong khía cạnh dịch tễ của họ: truy vết tiếp xúc, phong tỏa, giãn cách cá nhân và xã hội theo nghĩa rộng, bao gồm cả cách li y tế và kiểm soát biên giới, và đeo khẩu trang. Chúng ta có thể gọi chiến lược này là “chiến lược phát hiện – ngăn chặn”. Ngoài ra, phía y khoa – lâm sàng cũng được quan tâm, từ các cơ sở y tế cơ bản như các trạm y tế cho đến các bệnh viện lớn. Việc duy trì những điều này có ảnh hưởng quyết định tới số người tử vong bởi SARS-CoV-2.

Trái ngược với Đài Loan và Việt Nam, có vẻ như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều không chuẩn bị gì vào thời điểm tháng 12/2019. Chỉ một số ít thực hiện các giải pháp tương đối có hệ thống và nghiêm ngặt trên toàn bộ dân số ngay khi những ca đầu tiên được công bố. Điều này đúng ví dụ như với Trung Quốc vào tháng 1/2020, Slovakia và Hy Lạp vào 27-28/2, với Úc vào 10/3 và Đan Mạch vào 12/3. Đan Mạch cũng thực hiện một chiến lược khác, dựa trên việc truy vết tiếp xúc mạnh mẽ và cách li nhưng mãi đến tháng 9/2020 mới thực hiện.

Dẫu cho kết quả thế nào, thì sự tăng giảm số ca đầy kịch tính ở Trung Quốc ai cũng biết. Ở Đan Mạch, với dân số khoảng 6 triệu người, có khoảng 12 nghìn ca được công bố và 593 người tử vong, tương tự như vậy ở Úc với dân số là 8.86 triệu người, có khoảng 17 nghìn ca và 672 người tử vong.

So sánh giữa Slovakia, một quốc gia với số dân là 5.5 triệu người với Hy Lạp, với 10.72 triệu người, kết quả rất đáng kinh ngạc bởi nó cho thấy rõ vai trò của bác sĩ và bệnh viện. Ở Slovakia, có 1523 ca nhiễm và 28 người tử vong. Trong khi đó con số ở Hy Lạp là 3058 ca và 183. Số ca tử vong ở Hy Lạp cao hơn rất nhiều dù họ hành động ở thời điểm tương đương và họ có tỉ lệ số ca/số dân gần như giống nhau, không còn nghi ngờ gì, là tình cảnh quá tải trong hệ thống y khoa – lâm sàng, là hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ từ năm 2010 trở đi.

Tiếp theo, chúng ta chuyển sang nhóm các nước phản ứng chậm và thiếu tính hệ thống, sử dụng nhiều biện pháp không có cơ sở và chỉ áp dụng trên một bộ phận dân số. Đây là một số trong họ với dân số hàng triệu người cùng số ca nhiễm tích lũy và số ca tử vong:

Bỉ: 11.46 triệu người; 59,348 ca nhiễm; 9,606 ca tử vong.

Tây Ban Nha: 46.94 triệu người; 289,046 ca nhiễm; 27,136 ca tử vong.

Ý: 60.36 triệu người; 235,561 ca nhiễm, 34,045 ca tử vong.

Pháp: 66.99 triệu người; 154,591 ca nhiễm, 20,296 ca tử vong.

Đức: 83.02 triệu người; 187,000 ca nhiễm; 8,831 ca tử vong.

Số ca tử vong khá thấp ở Đức chủ yếu phản ánh hệ thống y khoa – lâm sàng đủ tốt để thích ứng với đại dịch. Còn ngược lại là trường hợp ở Pháp. Ở đó, có khoảng 100 nghìn giường bệnh đã bị dẹp trong giai đoạn từ 1993 đến 2018. Vào ngày 17/3, Pháp đột ngột đưa ra một quyết định phong tỏa nghiêm ngặt, không dựa trên những lí giải dịch tễ.

Cuối cùng là những quốc gia quyết định không làm gì cả, ít nhất là trong một khoảng thời gian dài. Quan điểm hay lí lẽ mà họ đưa ra, trên tất cả, là một niềm tin vào miễn dịch cộng đồng, theo đó, đại dịch sẽ tự ngừng lại. Đó là chiến lược của Thụy Điển, một đất nước có 10,23 triệu dân, dẫn đến 37.814 ca nhiễm và 4.403 người tử vong. Ở Anh thì, trong 66,65 triệu dân số, khoảng 290.000 ca nhiễm và 41.128 ca tử vong và ở Mỹ, con số này là 328,2 triệu, 2,04 triệu và 115.000 ca tử vong.

Tổng quan về các chiến lược khẳng định rằng, như đã nói trong phần giới thiệu, kết cục xảy ra như thế nào quả thực phụ thuộc rất lớn vào tình trạng y tế công cộng. Cũng cần lưu ý thêm rằng ngày nay, trong mọi ngôn ngữ trên thế giới, khái niệm “y tế công cộng” được định nghĩa bởi chính từ này hoặc gần như vậy. Chẳng hạn, trong tiếng Đan Mạch, nó là “folkesundhed”, nghĩa là “sức khỏe của người dân”.□

(còn tiếp)

 

Hảo Linh dịch

—-

Chú thích: Các số liệu trong bài tính đến 1/6/2020.

Tác giả