Cúm Corona và nền kinh tế
Các doanh nghiệp nhỏ không thể trụ được lâu và sẽ bị phá sản trước khi nền kinh tế trở lại bình thường. Lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp, 40% GDP và giải quyết 50% công ăn việc làm trong xã hội.
Dịch cúm Corona
Dịch cúm corona toàn cầu hiện nay là một hiện tượng ít gặp về nhiều phương diện. Đáng lưu ý nhất là tốc độ lây lan chóng mặt của virus. Mới khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ khoảng đầu tháng 1, mà tính đến cuối tháng 3/2020 virus đã lan tới 200 nước trên thế giới, làm khoảng 900.000 người nhiễm bệnh và hơn 30.000 người tử vong. So với các nước, Việt Nam đã làm khá tốt khâu phòng chống dịch nên tính đến nay chỉ có khoảng 200 ca nhiễm bệnh và chưa có trường hợp tử vong. Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, và các con số có thể còn tiếp tục tăng lên trên toàn cầu.
Thống kê dịch tễ ban đầu cho thấy dịch cúm này khác với các loại dịch cúm khác, vì nó ảnh hưởng nhiều nhất đến đối tượng người già từ 60 tuổi trở lên hay người có thể trạng yếu (hoặc đã có các bệnh như áp huyết cao, tiểu đường hay tim mạch). Một báo cáo mới đây cho thấy tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân Mỹ tăng dần theo độ tuổi. Tỷ lệ này là 0% cho nhóm dưới 19 tuổi, dưới 1% cho nhóm 20-54 tuổi, nhưng tăng lên ít nhất là 2.7% cho nhóm 65-74 tuổi và ít nhất là 10% cho nhóm 85 tuổi trở lên.
Nhưng quan trọng hơn là hiện nay chưa có loại vaccine nào để phòng bệnh. Do vậy, đa số chính phủ các nước đều phải dùng đến giải pháp cách ly dân số, giảm thiểu các mối giao tiếp xã hội (social distancing) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Một số nước như Anh, Pháp, và Ý đã ban hành lệnh giới nghiêm ở các thành phố lớn, chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà trong trường hợp thiết yếu như đi chợ hay đi mua thuốc ở cửa hàng dược phẩm. Các công ty lớn và Chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà, không đến cơ quan trong thời kỳ dịch đang xảy ra. Hiện nay nhiều nước đã đóng cửa biên giới với các nước khác. Việt Nam cũng đã ngừng phần lớn các chuyến bay sang nước ngoài và vào nước.
Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc thậm chí lâm vào tình trạng phá sản. Ảnh: Những khu phố đóng cửa ở Vũ Hán. Nguồn: Getty Images.
Tác hại đến nền kinh tế
Các biện pháp cách ly phòng chống dịch này đều có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhất là các ngành dịch vụ, giải trí, du lịch, và bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hay các hãng máy bay) đều phải cắt giảm hoạt động và sa thải bớt nhân viên. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp nhỏ có ít vốn, không thể kéo dài được chi phí sản xuất, tiền thuê mặt bằng cửa hàng, nhân viên trong khi nguồn thu bị cắt giảm. Chưa kể đến tâm lý sợ hãi bất an của người tiêu dùng khiến sức mua bị giảm sút. Các hoạt động này lại tác động dây chuyền đến nền kinh tế nói chung.
Dịch cúm đã có những tác hại đến các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm ở mức kỷ lục hơn 30% chỉ trong vòng một tháng, từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3. Sự sụt giảm này đã kéo thị trường chứng khoán về bằng mức trước khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, xóa bỏ hết sự tăng trưởng “bò tót” (bull market) trong mấy năm qua. Nạn thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên tới 20%, gấp 6 lần so với con số trước lúc dịch bệnh. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm, năm nay dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 3%, chỉ bằng một nửa so mức tăng trưởng năm 2019.
Ở Việt Nam, một số thống kê ban đầu cho thấy tác hại của dịch là không nhỏ và ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra của nền kinh tế. Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề và có thể giảm doanh số 5 tỷ đô la trong năm nay. Châu Âu và Mỹ mới đây tạm ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam vì nhu cầu tiêu thụ giảm. Lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì xuất khẩu phần lớn sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giầy, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô cũng thiệt hại do phụ thuộc vào nguyên vật liệu hay thiết bị đầu vào sản xuất được nhập chủ yếu từ Trung Quốc.
Một khảo sát 1200 doanh nghiệp nhỏ và vừa gần đây cho thấy nếu nạn dịch kéo dài tới 6 tháng, có thể 74% sẽ bị phá sản, và có đến 60% các doanh nghiệp sẽ bị giảm doanh thu hơn 50%. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội bị giải thể được ước tính tăng lên từ 22 đến 38%.
Các con số trên ẩn dấu tác hại lâu dài về mặt kinh tế. Nếu một công ty lớn có nhiều vốn có thể giảm sản xuất, hay cho nhân viên nghỉ không lương dài hạn, đến khi hết dịch bệnh lại tiếp tục sản xuất. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ không thể trụ được lâu và sẽ bị phá sản trước khi nền kinh tế trở lại bình thường. Lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp, 40% GDP và giải quyết 50% công ăn việc làm trong xã hội.
Một hệ quả không mong muốn khác là nhóm người nghèo, hay có thu nhập thấp không ổn định, bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhóm dân số khác. Một số người lao động bị mất thu nhập do dịch bệnh cũng có thể làm gia tăng số hộ nghèo.
Ngoài ra, ở một số nước đã ghi nhận khi chính phủ phải tập trung nguồn lực y tế vào chống dịch cúm, tỷ lệ tử vong các loại bệnh khác tăng lên do thiếu y bác sỹ và các thiết bị y tế.
Những người lao động nghèo chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất. Từ ngày 1 tháng tư, những người bán vé số sẽ phải ngừng hoạt động, một số tỉnh đã xem xét lên kế hoạch để trợ cấp. Chính phủ cũng mới thông qua gói cứu trợ những người thất nghiệp hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phapluat.vn
Tham khảo chính sách các nước
Để đối phó với các tác hại trên, Mỹ đã đưa ra một gói chính sách kích thích nền kinh tế với 2.200 tỷ USD. Gói giải pháp này bao gồm cung cấp 500 tỷ USD để cho vay và bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp và chính phủ tiểu bang, 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm việc sa thải nhân viên. Các hãng hàng không được hưởng trợ cấp 50 tỷ USD, và các công ty có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia được trợ cấp 17 tỷ USD. Gói giải pháp cũng bao gồm trợ cấp tiền mặt cho mỗi người lớn 1.200 USD và mỗi trẻ em 500 USD, trong các gia đình có thu nhập dưới 75.000 USD một năm. Trợ cấp thất nghiệp cũng được tăng thêm.
Anh cũng đã tuyên bố sẽ có gói trợ cấp trị giá 330 tỷ bảng Anh (hơn 380 tỷ đô la Mỹ) cho nền kinh tế, tương đương khoảng 15% tổng trị giá GDP. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được trợ cấp không hoàn lại một khoản tiền từ 10.000 đến 25.000 bảng.
Cả Anh và Mỹ đều đã giảm thiểu các hoạt động kinh tế. Mới đây Ấn Độ còn có biện pháp quyết liệt hơn và tuyên bố phong tỏa cả nước trong vòng 21 ngày. Lý do Ấn Độ có hành động quyết liệt như vậy có lẽ phần lớn do Ấn Độ là một nước có thu nhập trung bình thấp. Hệ thống y tế công cộng của nước này yếu hơn so với các nước giàu, và sẽ bị quá tải nếu phải cứu chữa cho quá nhiều bệnh nhân cùng một lúc.
Một số gợi ý giải pháp cho Việt Nam
Tin vui gần đây cho các doanh nghiệp là Chính phủ đã tuyên bố gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để trợ giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Gói tín dụng này cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, giữa các ngân hàng thương mại và bên vay vốn. Tức là doanh nghiệp hay hộ gia đình đi vay cần trình bày phương án vay và trả nợ tốt. Nhưng điểm khác biệt là thủ tục nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn cho các nhóm doanh nghiệp hay hộ gia đình bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng ngoài các gói tín dụng thương mại, Chính phủ cũng có thể nghiên cứu các gói kích cầu trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là kích cầu thế nào cho hiệu quả lại là vấn đề không dễ giải quyết không chỉ với Việt Nam mà cả với những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Việc phân bổ tiền cứu trợ như thế nào cũng là một lĩnh vực Quốc hội Mỹ phải bàn cãi rất lâu thời gian qua.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các giải pháp kích thích kinh tế của các nước, nhưng với những điều chỉnh thích hợp cho hoàn cảnh nước thu nhập trung bình thấp. Chúng ta cần xác định các tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp để vừa đảm bảo công bằng, lại vừa khuyến khích được các doanh nghiệp đã có đóng góp cho nền kinh tế có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Sẽ không phải là giải pháp tối ưu, khi ngân sách có hạn mà lại trợ giúp cào bằng cho mọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên miên ngay cả trước dịch bệnh.
Nếu ngân sách có hạn, chúng tôi cho rằng chúng ta nên xây dựng một hệ thống tính điểm cho doanh nghiệp để xếp hạng ưu tiên khi được trợ giúp. Chẳng hạn doanh nghiệp sẽ được nhiều điểm hơn nếu đạt được các tiêu chí như: tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho xuất khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm, kinh doanh có lãi trong thời gian vừa qua (ví dụ, 3 năm trở lên), hay sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường. Hệ thống tính điểm này nên được tham khảo ý kiến của các hiệp hội sản xuất kinh doanh và sau đó được thông báo công khai rộng rãi để tăng sự minh bạch.
Mặt khác, chúng ta cũng nên coi dịch cúm này là một dịp tốt để Chính phủ thu thập số liệu và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp trụ vững và hoạt động hiệu quả trong đợt dịch bệnh, nhất là trong các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như đã nêu, có lẽ cần nhận được sự ưu đãi xứng đáng để phát triển hơn nữa.
Dịch bệnh cúm này cũng có thể mở ra các cơ hội mới. Một ví dụ đơn giản, việc Việt Nam có lợi thế phòng dịch tốt và điều kiện thời tiết nắng ấm thích hợp ở miền Nam có thể giúp chúng ta xây dựng ngành công nghiệp nghỉ dưỡng cho người già của các nước phát triển để thu thêm ngoại tệ. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệp của Malaysia đã triển khai tương đối tốt mô hình nghỉ dưỡng cho người già về hưu từ các nước khác.
Việc trợ giúp doanh nghiệp có tác dụng kích thích hoạt động kinh tế nhưng cũng cần thời gian để tạo ra ảnh hưởng dây chuyền tích cực cho các hộ gia đình. Vì thế chính sách kinh tế của các nước cũng nhấn mạnh việc trợ giúp trực tiếp cho người dân để đảm bảo ổn định xã hội. Chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể nên xem xét việc trợ cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho các hộ gia đình bị mất thu nhập hay trở thành hộ nghèo do dịch bệnh, để bảo đảm không xảy ra thiếu đói, nhất là khi dịch bệnh kéo dài.
Cũng do hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa, giải pháp chống dịch các nước đang sử dụng là hạn chế tối đa các giao tiếp xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan. Trong thời gian ngắn, có lẽ đây là giải pháp tối ưu. Nhưng nếu phải kéo dài, thiệt hại kinh tế sẽ không nhỏ do các hoạt động xã hội bị ngưng trệ hẳn. Vì ngay cả những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới như Mỹ cũng khó có thể dừng lại hẳn trong thời gian dài mà không gây thiệt hại nặng nề (đã một số tính toán cho là nếu Mỹ đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế 3 tháng thì GDP nước này sẽ bị sút giảm tới 7.5%).
Do đó, cũng có một số ý kiến chuyên gia phương Tây nêu gần đây trong trường hợp dịch bệnh lan tràn rộng rãi ngoài sự kiểm soát, chính phủ các nước sẽ phải chuyển sang giải pháp phòng chống dịch theo chiều sâu, chứ không nên theo chiều rộng đóng cửa dừng lại phần lớn các hoạt động kinh tế như hiện nay. Tức là chúng ta nên tập trung bảo vệ và cách ly cho các nhóm dân số dễ bị ảnh hưởng của cúm như người già, người có tiền sử bệnh nền. Các nguồn lực y tế nên được dành nhiều cho các nhóm dân số này. Còn các nhóm dân số khỏe mạnh khác thì sẽ đối phó như các loại bệnh cúm khác và vẫn có thể tham gia các hoạt động kinh tế.
Trong xã hội Việt Nam, thực hiện điều này không dễ vì người già không sống tập trung trong viện dưỡng lão như các nước phương Tây, mà thường hai ba thế hệ già và trẻ sống chung trong đa số các gia đình. Việc cách ly tại gia như vậy sẽ khá tốn kém, và cũng không dễ thực thi. Chúng ta sẽ cần phải thu thập thêm số liệu để tính toán chi phí cụ thể và cần tham khảo ý kiến chuyên gia nhiều ngành. Nhưng chúng tôi cho rằng chúng ta cũng cần xây dựng nhiều kịch bản với các biện pháp đối phó khác nhau để luôn chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh. Như vậy, nền kinh tế vẫn có thể vận hành được để chống chọi dịch bệnh trong lâu dài cho đến khi có được vaccine phòng ngừa hữu hiệu.
Tài liệu tham khảo:
1) Bialek, Stephanie, Ellen Boundy, Virginia Bowen, Nancy Chow, Amanda Cohn, Nicole Dowling, Sascha Ellington, Ryan Gierke, Aron Hall, Jessica MacNeil, Priti Patel, Georgina Peacock, Tamara Pilishvili, Hilda Razzaghi, Nia Reed, Matthew Ritchey, Erin Sauber-Schatz. (2020). “Severe Outcomes Among Patients with Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) — United States, February 12–March 16, 2020”. https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/wr/pdfs/mm6912e2-H.pdf
2) Scott, Malcolm . (2020). “Goldman Sees China’s Economy Slumping 9% in First Quarter”. https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-17/goldman-now-see-china-s-economy-slumping-9-in-first-quarter
3) Nguyên Nga. (2020). “EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam”. https://m.thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/eu-my-tam-ngung-nhap-hang-det-may-viet-nam-1198630.amp?fbclid=IwAR1YaQedT7eL1rKZ7CH7yFRy6GEXIYd2ZEqVRMl7QMpIos6BrgPAwk5BtRY
4) Hiếu Công. (2020). “Doanh nghiệp Việt lo dịch Covid-19 kéo dài, trông đợi gói kích cầu”.
https://news.zing.vn/doanh-nghiep-viet-lo-dich-covid-19-keo-dai-trong-doi-goi-kich-cau-post1056094.html
5) An Linh. (2020). “Hà Nội: Covid-19 khiến 3.400 hộ phá sản, ngân sách mất 16.000 tỷ đồng”. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ha-noi-covid-19-khien-3400-ho-pha-san-ngan-sach-mat-16000-ty-dong-20200313085014159.htm
6) Werner, Erica, Mike DeBonis and Paul Kane. (2020). “Senate to vote Wednesday on $2 trillion coronavirus bill after landmark agreement with White House”. https://www.washingtonpost.com/business/2020/03/25/trump-senate-coronavirus-economic-stimulus-2-trillion/
7) Islam, Faisal. (2020). “Coronavirus: Chancellor unveils £350bn lifeline for economy”. https://www.bbc.com/news/business-51935467
8) Ánh Ngọc. (2020). “Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỷ dân”. https://vnexpress.net/the-gioi/an-do-phong-toa-1-3-ty-dan-4074314.html
9) Tùng Lâm. (2020). “Gói tín dụng 285 nghìn tỷ: Ai được vay, vay thế nào và vay ở đâu?” http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/goi-tin-dung-285-nghin-ty-ai-duoc-vay-vay-the-nao-va-vay-o-dau-4202027318491930.htm
10) Katz, David L. (2020). “Is Our Fight Against Coronavirus Worse Than the Disease?” https://www.nytimes.com/2020/03/20/opinion/coronavirus-pandemic-social-distancing.html?action=click&module=RelatedLinks&pgtype=Article
Friedman, Thomas L. (2020). “A Plan to Get America Back to Work”. https://www.nytimes.com/2020/03/22/opinion/coronavirus-economy.html?action=click&module=RelatedLinks&pgtype=Article
2) Scott, Malcolm . (2020). “Goldman Sees China’s Economy Slumping 9% in First Quarter”. https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-17/goldman-now-see-china-s-economy-slumping-9-in-first-quarter
3) Nguyên Nga. (2020). “EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam”. https://m.thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/eu-my-tam-ngung-nhap-hang-det-may-viet-nam-1198630.amp?fbclid=IwAR1YaQedT7eL1rKZ7CH7yFRy6GEXIYd2ZEqVRMl7QMpIos6BrgPAwk5BtRY
4) Hiếu Công. (2020). “Doanh nghiệp Việt lo dịch Covid-19 kéo dài, trông đợi gói kích cầu”.
https://news.zing.vn/doanh-nghiep-viet-lo-dich-covid-19-keo-dai-trong-doi-goi-kich-cau-post1056094.html
5) An Linh. (2020). “Hà Nội: Covid-19 khiến 3.400 hộ phá sản, ngân sách mất 16.000 tỷ đồng”. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ha-noi-covid-19-khien-3400-ho-pha-san-ngan-sach-mat-16000-ty-dong-20200313085014159.htm
6) Werner, Erica, Mike DeBonis and Paul Kane. (2020). “Senate to vote Wednesday on $2 trillion coronavirus bill after landmark agreement with White House”. https://www.washingtonpost.com/business/2020/03/25/trump-senate-coronavirus-economic-stimulus-2-trillion/
7) Islam, Faisal. (2020). “Coronavirus: Chancellor unveils £350bn lifeline for economy”. https://www.bbc.com/news/business-51935467
8) Ánh Ngọc. (2020). “Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỷ dân”. https://vnexpress.net/the-gioi/an-do-phong-toa-1-3-ty-dan-4074314.html
9) Tùng Lâm. (2020). “Gói tín dụng 285 nghìn tỷ: Ai được vay, vay thế nào và vay ở đâu?” http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/goi-tin-dung-285-nghin-ty-ai-duoc-vay-vay-the-nao-va-vay-o-dau-4202027318491930.htm
10) Katz, David L. (2020). “Is Our Fight Against Coronavirus Worse Than the Disease?” https://www.nytimes.com/2020/03/20/opinion/coronavirus-pandemic-social-distancing.html?action=click&module=RelatedLinks&pgtype=Article
Friedman, Thomas L. (2020). “A Plan to Get America Back to Work”. https://www.nytimes.com/2020/03/22/opinion/coronavirus-economy.html?action=click&module=RelatedLinks&pgtype=Article
(Visited 7 times, 1 visits today)