Hệ quả của việc đếm bài đo thành tích

Thời gian vừa qua có những ồn ào liên quan đến chất lượng một số công bố quốc tế ở khối khoa học xã hội và nhân văn. Tôi cho rằng việc người nghiên cứu coi trọng và tìm mọi cách để đảm bảo chất lượng khoa học của các bài tạp chí hay chỉ thuần túy chạy theo số lượng công bố có liên quan chặt chẽ tới cách đánh giá kết quả, thành tích khoa học.


Nguồn hình minh họa: https://life.spectator.co.uk/articles/why-is-so-much-bad-science-published/

Để đưa ra một lời khuyên cho các nhà nghiên cứu trẻ trong khối khoa học xã hội và nhân văn về việc nên chọn đăng ở tạp chí nào thì trước tiên bản thân họ cần xác định đăng bài để làm gì? Thứ nhất, nếu để công bố những nghiên cứu công phu, trầy da tróc vẩy mới làm được thì họ cần tạp chí có tiếng, có uy tín, có người đọc. Còn nếu như người đó cần đăng bài để tính điểm, chỉ cần đếm bài ăn tiền, thì có lẽ họ không tội gì mất công đưa bài vào tạp chí có uy tín với quy trình bình duyệt nghiêm khắc, chặt chẽ và tỉ lệ từ chối cao. 

Vì vậy, cách đánh giá thành tích khoa học sẽ ảnh hưởng đến loại tạp chí nào người ta muốn đăng bài. Hầu hết cách đánh giá khoa học hiện nay ở Việt Nam đang ở tình trạng đếm đầu công trình, từ các bài báo đến sách để quy ra thành tích. Vì vậy, nếu ta nhìn vào lý lịch khoa học của một số nhà nghiên cứu thì rất ngạc nhiên vì họ đã có thể sản xuất ra hàng trăm công trình khoa học, nhưng nếu đọc kỹ các công trình này, thấy hàm lượng khoa học của chúng rất thấp, hay nói cách khác, các công trình này chả đóng góp gì nhiều cho khoa học. Gần đây, công bố quốc tế được khuyến khích và trong nhiều trường hợp trở thành yêu cầu bắt buộc là dấu hiệu đáng mừng, nhưng khi người ta thuần túy chạy theo chỉ tiêu về số lượng công bố quốc tế thì cũng đã sinh ra nhiều kiểu lách luật. Nhiều tạp chí rởm, tạp chí tự phong (chủ yếu do các đại học, viện nghiên cứu hay nhà xuất bản ma không được cơ quan nhà nước hay chuyên môn thừa nhận, và không có tên trong danh sách các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng hoặc lưu trữ phổ biến) sẵn sàng nhận đăng bài kém chất lượng để kiếm tiền. 

Trong khi đó, ở trong nước, một số tạp chí tuy chất lượng chưa tốt nhưng lại được tính điểm (nghiệm thu đề tài, đánh giá luận án, chức danh giáo sư, phó giáo sư) cao không kém các tạp chí chất lượng cao. Rõ ràng, công bố một bài ở các tạp chí top đầu của ngành sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với một hoặc thậm chí là nhiều bài ở các tạp chí có chất lượng thấp. Nhưng cả hai loại thành quả này vẫn đều được “đánh đồng” tính là một bài như nhau mà không có ai đánh giá công trình ấy thực sự có tầm quan trọng hay khám phá mới, đã vô hình trung làm nản lòng những người muốn đăng công trình nghiên cứu công phu. Trước cách đánh giá như vậy, có lẽ chỉ còn có một số nhà khoa học có lòng tự trọng, nghiến răng chờ đợi đưa bài vào tạp chí có tính chuyên môn phù hợp để kết quả nghiên cứu của họ đến được với độc giả tiềm tàng của bài báo/công trình.


Nâng cao chất lượng công bố quốc tế là một trong những chủ đề nóng được bàn nhiều ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội trong những năm gần đây. Trong ảnh: Hội nghị thảo luận về giải pháp để thúc đẩy công bố quốc tế trong đội ngũ cán bộ của Trường vào năm 2019.

Suy cho cùng, những hiện tượng trên thường xuất phát từ một thực tế đáng buồn là hiện nay không có nhiều hội đồng khoa học (từ nghiệm thu đề tài, đánh giá luận án, đến hội đồng đánh giá các danh hiệu khoa học) đủ năng lực và kiên nhẫn ngồi đánh giá chất lượng từng bài báo hay công trình nghiên cứu. Ở các hội đồng, tôi vẫn thường được nghe các vị giáo sư đức cao vọng trọng ghé vào tai nói nhỏ rằng họ biết chất lượng của công trình được nghiệm thu là thấp hoặc không đạt nhưng ngại lần khác đến lượt mình, cũng bị đánh giá như vậy. Bỏ qua hay dĩ hòa vi quý là cách ứng xử phổ biến hiện nay của các vị được tín nhiệm mời làm thành viên hội đồng nghiệm thu và đánh giá khoa học. Vì thế người ta thường mặc nhiên ỷ lại vào một danh sách tạp chí, mà danh sách ấy hầu như chỉ dựa theo cơ sở dữ liệu của ISI/Scopus, trong khi nhiều tạp chí có chất lượng học thuật khá lại không lọt vào danh sách này. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là, song song với các yêu cầu về số lượng công bố thì làm cách nào để các hội đồng, và suy rộng ra hơn là cộng đồng khoa học, có thể đánh giá được chất lượng công trình khoa học của các tác giả?

​Nhìn ra giới học thuật khoa học xã hội và nhân văn quốc tế, có thể thấy họ cũng không quan tâm quá nhiều đến chỉ số định lượng trong các cơ sở dữ liệu tạp chí như ISI/Scopus. Điều họ quan tâm hơn ở một công bố khoa học là quan điểm học thuật, nguồn tư liệu đưa ra công bố (lưu ý trong các sách, chương sách, chứ không chỉ riêng tạp chí) được cộng đồng học thuật, đón nhận, thảo luận và phản biện như thế nào, và có những nhà khoa học uy tín nào quan tâm đến chủ đề nội dung được công bố. 


Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu trong KHXH&NV đều ít nhiều có liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội và các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày nên khi công bố nghiên cứu của mình, các nhà khoa học quan tâm nhiều đến tác động xã hội của công trình. Ảnh: Cuốn sách “Luxury and Rubble” [Xa hoa và đổ nát], bàn về quá trình đô thị hóa ở các khu đô thị mới ở TP HCM, của PGS.TS. Erik Harms, Khoa Nhân học và Đông Nam Á học, Đại học Yale sau khi xuất bản đã được giới nghiên cứu nhân học đô thị, giới nghiên cứu KHXH nói chung và truyền thông quan tâm và thảo luận.

Khác với khoa học tự nhiên và công nghệ, hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn đều ít nhiều có liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội và các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày nên khi công bố nghiên cứu của mình, các nhà khoa học quan tâm nhiều đến tác động xã hội của công trình. Họ mong đợi nghiên cứu của mình có nhiều người đọc, có ảnh hưởng đến giới làm chính sách hơn là đăng bài trên một tạp chí ISI/Scopus mà chỉ có những nhà nghiên cứu chuyên môn sâu quan tâm. Tôi đã nói chuyện với các nhà nghiên cứu ở các đại học danh tiếng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên khi khoa học xã hội ở Việt Nam chỉ quan tâm xuất bản ở các tạp chí ISI/Scopus mà không đa dạng hóa việc công bố kết quả nghiên cứu của mình để nó đến được với công chúng, với độc giả đông đảo hơn là chỉ có dăm ba vị nghiên cứu chuyên sâu đọc. Nếu phải lựa chọn, họ sẵn sàng công bố kết quả ở những tạp chí hay hình thức xuất bản có tác động xã hội cao, nhiều người đọc hơn là một tạp chí ISI/Scopus.     

——

Tránh đăng ở các tạp chí bị tranh luận
Khi công bố quốc tế, quan điểm của tôi là chúng ta nên theo nguyên tắc cơ bản về kinh tế “cố gắng tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả”. Để đỡ lãng phí công sức và các nguồn lực, các nhà nghiên cứu trẻ nên hạn chế đăng ở những tạp chí đang bị tranh luận về uy tín, động cơ, số bài xuất bản, quy trình bình duyệt quá nhanh… Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu về uy tín và những đánh giá của giới khoa học trong và ngoài nước đối với các tạp chí nhờ vào Google search, hoặc trực tiếp hỏi các nhà nghiên cứu uy tín trong nước. Trong trường hợp các tạp chí ấy bị tranh luận, cho dù họ có miễn giảm phí cũng không gửi bài. Tôi đặc biệt lưu ý ý kiến này với các nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
TS Vũ Văn Hưởng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyển dần từ lượng sang chất
Vì quá trình nghiên cứu cũng như kết quả công bố có nhiều mức độ, chất lượng khác nhau, nên theo tôi, mỗi tổ chức, đơn vị nên có tiêu chí của mình để khuyến khích công bố quốc tế chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Tuy nhiên, để chú trọng chất lượng thì đòi hỏi những người đánh giá cũng phải có chất lượng, hiểu biết và khách quan.
Ở các ngành chưa có đội ngũ chuyên gia đánh giá (luận án, đề tài, chức danh…) thực sự “chất lượng” thì bước đầu có thể chủ yếu dựa vào các chỉ tiêu về số lượng bài báo quốc tế, sau một thời gian khi đã có đội ngũ chuyên gia giỏi thì có thể đưa thêm những yêu cầu chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như đối với Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), tôi đã từng đề nghị rằng sau một thời gian thực hiện chính sách tài trợ cho các đề tài với yêu cầu đầu ra là bài báo quốc tế, và đã tạo một số lượng công bố quốc tế nhất định, Quỹ nên nghiên cứu đến phương án cần phân tầng, phân lớp đề tài. Ví dụ đề tài nhóm 1 được tài trợ ngân sách lớn hơn, thời gian dài hơi hơn, dành cho các nhà khoa học uy tín đã có bài ở các tạp chí tốt thuộc tốp đầu của các ngành, nhằm khuyến khích và yêu cầu họ chú trọng đến chất lượng sản phẩm nghiên cứu, luôn đặt mục tiêu phải nghiên cứu có tiếng vang và chỉ hướng tới những tạp chí rất uy tín (và cũng chỉ cần một bài cho một đề tài); còn đề tài nhóm 2, ngân sách thấp hơn, thời gian có thể ngắn hạn hơn, dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, công bố ở các loại tạp chí mức thấp hơn.
PGS.TS Đặng Hoàng Minh, ngành Tâm lý học, trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.
Thời gian bình duyệt ở các tạp chí nghiêm túc?
Từ kinh nghiệm nghiên cứu và tìm hiểu các tạp chí của mình, tôi nghĩ chỉ nên đăng ở các tạp chí được phản biện nghiêm túc. Thường những tạp chí này thuộc danh mục tạp chí ISI, SCOPUS, hoặc của các NXB uy tín, hay của các trường đại học uy tín. Trong thời gian gần đây tôi thấy một số đồng nghiệp có phản ánh về một số mô hình tạp chí có chất lượng bình duyệt qua loa chiếu lệ, chất lượng phản biện thường ở mức thấp.
Thông thường các tạp chí chất lượng sẽ có quy trình bình duyệt rất nghiêm túc. Ở các tạp chí uy tín, bao giờ tổng biên tập và các biên tập viên đều rất có trách nhiệm. Tổng biên tập thường đọc kỹ bài trước khi quyết định bài đó đủ chất lượng và phù hợp để tiến hành gửi phản biện bên ngoài hay không (thông thường 2 hoặc 3 phản biện là những người có chuyên môn phù hợp). Nếu bài chưa đạt chất lượng hay phù hợp với tạp chí thì sẽ bị từ chối đăng ngay để tiết kiệm thời gian cho các tác giả cũng như người phản biện. Riêng khâu này sẽ mất khoảng 1-2 tuần. Một dấu hiệu tiếp theo để nhận biết chất lượng bình duyệt tạp chí tốt là nhà khoa học phản biện bao giờ cũng nhận xét kỹ lưỡng, thông qua đó các tác giả sẽ học hỏi được rất nhiều. Còn ngược lại người bình duyệt không có chất lượng sẽ nhận xét hết sức sơ sài. Nếu phản biện sơ sài có thể bài báo sẽ được đăng nhanh, nhưng nhà khoa học sẽ không học hỏi được nhiều từ quá trình phản biện như vậy. Nhìn chung, thời gian bình duyệt trung bình, kể từ lúc nộp bài cho tới lúc có kết quả phản biện đầu tiên (kinh tế và các tạp chí liên ngành hoặc chuyên ngành có liên quan) sẽ mất khoảng ba tháng. Nhưng với những bài phức tạp thì có thể thời gian bình duyệt còn lâu hơn nữa. Nếu được chỉnh sửa thì thông thường mỗi bài báo sẽ trải qua hai vòng phản biện để được đăng bài.
TS Nguyễn Việt Cường, trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)