Hệ quả xã hội của đại dịch COVID-19

Với số người chết lên tới 3,8 triệu, COVID-19 đã nhanh chóng vượt qua hàng loạt ‘ứng viên’ nặng ký để đứng vào hàng ngũ 10 dịch bệnh gây ra nhiều tử vong nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng con số đó chưa thể phản ánh hết những hệ quả xã hội mà đại dịch lịch sử này mang lại.


Đến tháng 2 vừa qua, Brazil ghi nhận 18,5 triệu ca nhiễm với hơn 510 ngàn người tử vong. Ảnh: Andre Coelho/ Getty Imges.

COVID-19 là một khủng hoảng xã hội sâu rộng và toàn diện, một tình huống bất thường dẫn tới các thiệt hại vật chất, tính mạng/sức khỏe con người và sự đình trệ các nề nếp và chức năng xã hội.

COVID-19 khiến cho người ta phải lấy nó để chia trước sau bởi vì từ nay mọi thứ sẽ vận hành theo một trật tự mới, ở đó, những thứ tưởng như bất bình thường, ngoại lệ sẽ biến thành ‘bình thường mới’. COVID-19 đã đang gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930.

Hệ quả xã hội còn đáng lưu tâm hơn. Đại dịch đẩy người ta về ‘ốc đảo’ của mình, buộc họ gác lại nhu cầu làm việc, gặp gỡ người thân, giao tiếp xã hội, và ép phải thực hiện chức năng ‘xã hội’ qua các thiết bị điện tử và không gian số. Ngoài gây ra những ức chế, trầm cảm1, gia tăng bạo lực gia đình2, tác động sâu xa của đại dịch COVID-19 chính là làm lung lay những trật tự tưởng chừng như bất biến, làm chúng ta không thể nào mặc nhiên chấp nhận cuộc sống. Điều oái ăm chính là cái quyết định phần ‘người’ – sống và phụ thuộc các quan hệ xã hội, lại bị COVID-19 làm cho tha hóa. Nếu HIV chỉ giới hạn ở những quan hệ rất đặc thù (bạn tình, mẹ con, bạn nghiện), COVID-19 mở rộng ra toàn bộ các mối quan hệ xã hội mà chúng ta có, từ những vòng tròn xã hội thân thuộc trong gia đình, họ hàng cho tới những vòng tròn bạn bè, đồng nghiệp, nhóm xã hội, cho tới người lạ. Có lẽ nhà tâm lý học Maslow cũng không ngờ được rằng nhu cầu xã hội mà ông xếp đặt ở tầng 3 của Tháp nhu cầu, đã từ một thứ hiển nhiên trở thành thứ khan hiếm nhất trong bối cảnh chúng ta bị cách ly và ‘cấm trại’. Nhu cầu quan hệ xã hội trở nên xung đột với nhu cầu an toàn là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy COVID-19 là một ‘thảm họa xã hội’ toàn diện, sâu sắc nhất như cách nói của nhà xã hội học Raewyn Connell3. Tệ hơn, người ta trở nên ghét bỏ, kỳ thị, bài xích, xúc phạm, tấn công bạo lực các nhóm khác với mình. Hai thái cực “chúng ta/chúng nó” rõ ràng hơn bao giờ hết. COVID-19 đã vượt ra ngoài phạm trù sinh học và y tế với tư cách là một đại dịch truyền nhiễm, đã trở thành một thứ ‘bệnh dịch gán nghĩa’ (“an epidemic of signification”như Treichler4 đã nói về AIDS), ngụ ý người ta hiểu và nhìn nhận về nó không còn gói gọn trong giới hạn sinh học, mà bằng phông văn hóa, kiến thức và kinh nghiệm bản thân, đã tự kiến tạo ra rất nhiều phiên bản tri thức về nó. Người ta không chờ đợi và cũng không thể hiểu hết những gì giới hàn lâm khoa học nói; người ta truyền miệng, trao đổi, cập nhật rồi tự tiêu hóa, diễn dịch mớ thông tin họ có theo cách riêng, tạo ra nhiều khuôn mẫu, định kiến, nhận thức sai (stereotypes, misconceptions) và hành động dựa trên đó. Do đó, thật dễ hiểu tại sao lại có những phong trào bài ngoại (xenophobia), kỳ thị chủng tộc, tấn công người Châu Á hay gốc Á vì cho rằng họ là người tạo ra và truyền bệnh COVID-19. Và cũng chính những nhận thức sai lầm đẩy người ta vào thế ganh đua, tranh cướp nhau cả một thứ như cuộn giấy vệ sinh.

COVID-19 là một hồi chuông thức tỉnh khiến nhân loại ‘phải đặt câu hỏi then chốt này: Hệ thống của chúng ta có gì sai khiến cho chúng ta bị tấn công không có sự phòng bị trước một thảm họa đã được các nhà khoa học cảnh báo hàng năm trước đó’, như nhà triết học Slovakia Slavoj Žižek5 đã viết. Đúng vậy, COVID-19 là một cuộc đại phẫu, phơi bày những vấn đề của thể chế hiện tại mà giờ đây mới bộc lộ hết. Bất bình đẳng của xã hội là một trong số mụn nhọt đó.

 

Ai là người gặp nhiều rủi ro hơn?

 

Từ những người vô danh nằm la liệt trên đường phố Ấn Độ cho tới diễn viên nổi tiếng như Tom Hank hay siêu sao bóng đá như Cristiano Ronaldo, đại dịch này không loại trừ một ai. Tưởng như “COVID-19 không phân biệt đối xử” với mọi nhóm xã hội, nhưng điều này là một thuyết giáo nguy hiểm bởi nó làm lãng quên đi thực tế về những nhóm yếu thế đang gặp nhiều nguy cơ nhất.

Những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp sẽ chịu tác động nặng hơn. Bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha cho thấy, cứ tăng 10% thu nhập thì tỷ lệ tử vong giảm 9-10%. Nhóm thượng và trung lưu có tỷ lệ tử vong trong Đại dịch H1N1 ở mức 0.38%, trong khi nhóm nghèo là 0.52%, và nhóm rất nghèo là 1%.6 Điều này không khác biệt với COVID-19. Thống kê ở Anh cho thấy, vào tháng 12/2020, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở vùng kém phát triển nhất là 391,6 ca tử vong/100.000 người, cao gấp 2,5 lần so với con số này ở vùng phát triển nhất (khoảng 152,3 tử vong/100.000 người). Ở Wales, khoảng cách này là 1,95 lần, với nhóm kém phát triển nhất có tỷ lệ tử vong ở mức 560 ca/100.000 người7.


Trong một trăm năm qua, cùng với cúm Tây Ban Nha và HIV/AIDS, COVID-19 là một trong ba đại dịch khủng khiếp nhất. Nguồn: https://www.visualcapitalist.com/history-of-pandemics-deadliest/

Dù có thoát khỏi dịch bệnh thì cái mà chúng ta phải đối mặt là khủng hoảng kinh tế sâu rộng. Đối diện với những bấp bênh đó, những người nghèo và nhóm yếu thế chịu nhiều rủi ro nhất và cũng thiếu khả năng hồi phục nhất. Ước tính, trong tình huống xấu nhất, khủng hoảng do COVID-19 có thể đẩy 420-580 triệu người vào nghèo, kéo lùi khoảng một thập kỷ tiến bộ giảm nghèo, đưa mức độ nghèo đói của vùng Trung Đông, Bắc Phi, châu Phi Hạ Saharah về 30 năm trước, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đạt mục tiêu xóa nghèo vào 20308. Một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng dự báo, trong điều kiện chịu ảnh hưởng bình thường của COVID-19, vào năm 2030 sẽ có thêm 44 triệu người rơi vào nghèo cùng cực, nhưng trong điều kiện chịu ảnh ưởng nặng nề (high damage), số người rơi vào nghèo đói sẽ lên tới 251 triệu, đưa tổng số người sống dưới chuẩn nghèo lên tới 1,1 tỷ người vào 20309. COVID-19 không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn mà còn để lại những hệ lụy lâu dài hàng thập kỷ.

Những tầng lớp thu nhập thấp và dễ tổn thương (như nhóm người thiểu số, trẻ em, người già, khuyết tật, người thiếu kỹ năng, di cư, làm việc trong các ngành công nghiệp tình dục) có khả năng chịu thiệt hại nhiều nhất bởi vì họ nghèo đủ loại ‘vốn’: thiếu hụt tiếp cận đến nhà ở an toàn, nước, y tế, điện (dịch vụ xã hội cơ bản), thu nhập thấp và bấp bênh, thiếu tiết kiệm và phương tiện sản xuất (vốn kinh tế), có nhiều bệnh lý nền, trình độ học vấn thấp và thiếu kỹ năng nghề nghiệp (vốn con người), mạng lưới xã hội nhỏ hẹp, thiếu hiệu quả, thiếu thông tin (vốn xã hội), tiếng nói và tham gia chính trị hạn chế (vốn chính trị), bị kỳ thị và thiếu được tôn trọng (vốn văn hóa). Các yếu tố khiến tầng lớp có vị thế kinh tế – xã hội thấp gặp nguy cơ cao hơn trong đại dịch: 1) Nhà ở chật chội tăng nguy cơ lây nhiễm; 2) Làm trong các ngành nghề không thể làm tại nhà thông qua công nghệ; 3) Điều kiện công việc và thu nhập không ổn định dễ bị sụt giảm, từ đó khả năng bị tổn thường về sức khỏe tâm thần và suy giảm hệ miễn dịch cao hơn; 4) Do nền tảng sức khỏe yếu hơn nên khi tiếp xúc với COVID-19 có khả năng rơi vào tình trạng bệnh tật nghiêm trọng hơn; 5) Gặp nhiều cản trở khi tiếp cận các dịch vụ y tế do rào cản ngôn ngữ, thái độ của nhân viên y tế (Patel và cộng sự, 2020)10. Ở Mỹ, so với người da trắng, người da đen có khả năng lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực, bị sa thải, và thất nghiệp cao hơn ba lần11. Những người làm trong các ngành nghề giản đơn, đòi hỏi lao động chân tay, không thể làm tại nhà (work from home) có tỷ lệ tử vong cao nhất12.

Chiến lược vaccine thiếu công bằng

 

Hiện nay, việc tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng được WHO xem là một trong những giải pháp tốt nhất để đối phó đại dịch nhưng nó mới đang chỉ tốt ở các nước giàu, nhóm giàu. Cho tới nay, toàn cầu có khoảng 3 tỷ liều được tiêm, với 23,2% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi, nhưng đối với các nước thu nhập thấp, con số này chỉ là 0,9%. Có 828 triệu người được nhận đầy đủ hai mũi tiêm, trong đó, có tới 88,9% (736,9 triệu người) đến từ các nước thu nhập cao và trung bình cao, trong khi đó chỉ có 10,9% đến từ các nước thu nhập trung bình thấp (90,7 triệu) và chỉ 0.13% từ các nước thu nhập thấp13. Trong khi các nước giàu cứ mỗi giây tiêm được một người, hầu hết các nước nghèo người dân còn chưa nhận được liều nào14. Một ước tính khác cho thấy các nước giàu có tốc độ tiêm vaccine cao gấp 25 lần so với các nước nghèo15. Ngoài những nguyên nhân như thời gian bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng, hay chiến lược ưu tiên (tiêm mỗi mũi trước hay tiêm cả hai mũi),16 có thể thấy, có sự bất bình đẳng đối với tiếp cận vaccine giữa các quốc gia. Các nước giàu hưởng lợi từ việc có đủ tài chính để mua, có các nhà xưởng và cộng nghệ tân tiến có năng lực tự sản xuất vaccine, và có thể tự hợp tác song phương với các nhà sản xuất này, trong khi các nước đang và kém phát triển đang phải vật lộn để tìm nguồn vaccine. Ý tưởng COVAX từ đầu năm 2020 nhằm tạo ra đoàn kết và phân phối vaccine một cách công bằng giữa các nước giàu và các nước nghèo theo nghĩa ‘một người vì mọi người và mọi người vì mình’ về cơ bản đã thất bại17.


So sánh tình hình tiêm chủng ở các nước. Nguồn: https://ourworldindata.org/COVID-vaccinations?country=AUS  

Các nước nghèo bị bỏ lơ đã, đang và sẽ tạo điều kiện để ủ ra các biến chủng nguy hiểm hơn. Từ tháng 12/2020 cho tới 14/6/2021, WHO đã xác định có 7 ‘biến thể đáng quan tâm’ (VOI) và 4 ‘biến thể đáng quan ngại’ (VOC) trong đó biến chủng Delta vừa phát hiện ở Ấn Độ hồi tháng 4/2020 đã chuyển từ VOI lên VOC ngay sau một tháng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với nhu cầu giao thoa kinh tế- văn hóa và di động xã hội như hiện nay, không nước giàu hay nhóm thượng lưu nào có thể đứng ngoài cuộc nếu đại dịch trở nên mất kiểm soát.

Ấn Độ là một điển hình. Sau khi tuyên bố đầy chủ quan rằng đại dịch đã được kiểm soát vào tháng 1/2021, làn sóng thứ hai với đỉnh dịch tháng 5/2021 đã ghi nhận khoảng 400.000 ca mới và 4.500 người chết mỗi ngày, mang tổng số ca nhiễm của nước này lên tới 29,7 triệu (chỉ sau Mỹ) và số ca tử vong là 381 ngàn. (Nên nhớ Ấn Độ cũng là một trong những nước chịu thiệt hại nhiều nhất trong Đại dịch H1N1 với khoảng 20 triệu người chết).18 Đang là một nhà xuất khẩu vaccine COVID-19 thuộc hàng lớn nhất toàn cầu với khoảng 193 triệu liều vaccine (chiếm 21% tổng lượng vaccine COVID-19 toàn cầu), Ấn Độ rơi vào khủng khoảng thiếu vaccine trầm trọng. Hiện tại chỉ có 19% dân số Ấn Độ được tiêm phòng vaccine và trong đó chỉ có khoảng 4% dân số được tiêm đầy đủ hai liều. Điều quan trọng hơn là do tình hình khan hiếm và cấp bách, chính phủ đang chuyển gánh nặng tài chính vaccine lên người dân, với mức giá một liều vaccine khoảng 8 USD. Đối với những gia đình nông thôn Ấn Độ có thu nhập trung bình khoảng 87 USD mỗi tháng phải chi tới 50% con số đó để tiêm cho phòng hai mũi cho cả gia đình. Trong khi nước này có tới 69% dân số (khoảng 912 triệu người) đang sống trong nghèo đói, chi phí vaccine sẽ đẩy hàng triệu hộ gia đình lựa chọn không tiêm vaccine và nếu tiêm sẽ đẩy khoảng 10% tổng số gia đình Ấn vào nghèo đói19.

Brazil là một ví dụ khác. Một trong những đất nước có cơ sở hạ tầng y tế miễn phí và lớn nhất thế giới và lịch sử tiêm chủng thành công trong quá khứ,20 vậy nhưng cho tới đầu tháng 2/2021, đợt dịch dẫn tới 18,5 triệu ca nhiễm với hơn 510 ngàn người chết (chỉ sau Mỹ), Brazil chỉ tiêm chủng 1 mũi chưa tới 1% dân số. Hơn 17 triệu người sống trong các khu ổ chuột chật hẹp là đối tượng chịu rủi ro lớn nhất21. Họ sẽ là người, dù chưa chết bởi COVID-19 nhưng sẽ phải đối diện với thứ đáng sợ hơn: đói trong bối cảnh viện trợ khẩn cấp của chính phủ giảm hơn một nửa.22 Tỉ lệ người dân các dân tộc bản địa tử vong cao gấp sáu lần so với phần còn lại của dân số Brazil.23

Rõ ràng, những người nghèo và yếu thế là nạn nhân chịu nhiều thiệt hại nhất từ lòng tham, trục lợi, sai lầm mù quáng và mục đích chính trị trong chiến lược chống dịch.

Bài học từ bức tranh của thế giới và đặc biệt là từ Ấn Độ, Brazil rất quý giá cho Việt Nam khi chúng ta đang đối mặt những thách thức to lớn trong đợt dịch lần thứ tư, với con số đã lên tới gần 17 ngàn ca nhiễm. Việt Nam vẫn đang có tỉ lệ tiêm chủng thuộc tốp thấp nhất Đông Nam Á và cả trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Việc chủ quan với thắng lợi sau các đợt dập dịch, việc nới lỏng các quy định phòng dịch và cho phép người dân ‘xả hơi’, có thể khiến chúng ta trả giá đắt như Ấn Độ.

Để không rơi vào thảm kịch tương tự, việc tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine đã được phê chuẩn song song với tự sản xuất vaccine đạt chuẩn là cần thiết. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng cần chú ý quan tâm đến cho các nhóm yếu thế cũng rất quan trọng. Hiện nay Chính phủ vẫn đang cho tiêm chủng miễn phí cho chín nhóm đối tượng ưu tiên và điều này thể hiện được sự quan tâm đối với một số nhóm yếu thế tuy vậy, chính phủ cũng nên có quyết sách mở rộng cho các nhóm khác gồm cả các nhóm phụ thuộc vào kinh tế vỉa hè, nhóm điều hành hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhóm người lao động giúp việc và rửa dọn hay các nhóm ẩn gồm đồng tính hay nhóm làm trong lĩnh vực kinh doanh tình dục. Nhìn vào bức tranh dịch bệnh hiện nay, có thể thấy các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh hay những địa phương tập trung các khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ là những nơi có khả năng bùng dịch cao nhất do mật độ dân số đông. Công nhân trong các khu xí nghiệp, các lao động chân tay và mưu sinh trên vỉa hè, những người sống trong các khu ổ chuột chật hẹp, những người khuyết tật là những nhóm có nguy cơ cao. Các chương trình xét nghiệm và tiêm chủng cũng cần chú ý đến các nhóm thiếu hụt các tiếp cận tới điện thoại, điện thoại thông minh và mạng Internet, vì họ có thể là nhóm ít nhận được các thông tin chính thống. □

—–

 

Chú thích:

1 Saladino và cộng sự, 2020, The Psychological and Social Impact of Covid-19: New Perspectives of Well-Being.

2 Nicola và cộng sự, 2020, The socio-economic implications of the coronavirus pandemic (COVID-19): A review https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7162753/

3 Connell, R. (2020). COVID-19/sociology. Journal of Sociology, 56(4), 745-751.

4 Treichler, P. A. (1987). AIDS, homophobia and biomedical discourse: An epidemic of signification. Cultural studies, 1(3), 263-305.

5 Žižek, S. (2020). Pandemic!: COVID-19 shakes the world. New York: John Wiley & Sons.

6 Beach, B., Clay, K., & Saavedra, M. H. (2020). The 1918 influenza pandemic and its lessons for COVID-19. National Bureau of Economic Research Working Paper Series, (w27673).

7 , 12 Monthly mortality analysis, England and Wales: December 2020 https://www.ons.gov.uk/peoplepopulationandcommunity/birthsdeathsandmarriages/deaths/bulletins/monthlymortalityanalysisenglan dandwales/december2020

8 Sumner và cộng sự, 2020, Estimates of the impact of COVID-19 on global poverty https://www.wider.unu.edu/sites/default/files/Publications/Working-paper/PDF/wp2020-43.pdf

9 UN Development Programme (UNDP), 2020, IMPACT OF COVID-19

ON THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT GOALS: Explore new findings Covid Impact in low and Medium HDI countries.

10 Patel, J. A., Nielsen, F. B. H., Badiani, A. A., Assi, S., Unadkat, V. A., Patel, B., … & Wardle, H. (2020). Poverty, inequality and COVID-19: the forgotten vulnerable. Public health, 183, 110.

11 Perry và cộng sự, 2021, Pandemic precarity: COVID-19 is exposing and exacerbating inequalities in the American heartland https://www.pnas.org/content/118/8/e2020685118

13 Coronavirus (COVID-19) Vaccinationshttps://ourworldindata.org/covid-vaccinations

14 Rich nations vaccinating one person every second while majority of the poorest nations are yet to give a single dose https://www.unaids.org/en/resources/presscentre/featurestories/2021/march/20210310_covid19-vaccines

15 The World’s Wealthiest Countries Are Getting Vaccinated 25 Times Faster https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-04-09/when-will-world-be-fully-vaccinated-pace-is-2-400-faster-in-wealthy-countries?sref=BLKWHazc

16 A global database of COVID-19 vaccinationshttps://www.nature.com/articles/s41562-021-01122-8

17 Usher, 2020, A beautiful idea: how COVAX has fallen short https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)01367-2/fulltext

18 Beach, B., Clay, K., & Saavedra, M. H. (2020). The 1918 influenza pandemic and its lessons for COVID-19. National Bureau of Economic Research Working Paper Series, (w27673), p.28.

19 Why experts are not happy with India’s COVID-19 vaccine procurement, pricing policy https://www.downtoearth.org.in/news/health/why-experts-are-not-happy-with-india-s-covid-19-vaccine-procurement-pricing-policy-76731

20 Brazil Is Brilliant at Vaccinations. So What Went Wrong This Time? https://www.nytimes.com/2021/02/28/opinion/brazil-covid-vaccines.html

21  Malta, M., Vettore, M. V., da Silva, C. M. F. P., Silva, A. B., & Strathdee, S. A. (2021). Political neglect of COVID-19 and the public health consequences in Brazil: The high costs of science denial. EClinicalMedicine, 35, 100878.

22 Covid in Brazil: Hunger worsens in city slums https://www.bbc.com/news/world-latin-america-56765150

23 Inequities in care, misinformation fuel COVID deaths among poor, indigenous Brazilians https://www.pbs.org/newshour/show/inequities-in-care-misinformation-fuel-covid-deaths-among-poor-indigenous-brazilians

Tác giả