Quản trị nhân lực công

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng về công tác cán bộ thực chất là nghị quyết về việc quản trị nhân lực công. Cho dù khái niệm nhân lực công ở nước ta phải được hiểu rộng hơn so với thế giới, ví dụ nhân lực của Mặt trận Tổ quốc và một số tổ chức đoàn thể- quần chúng phải được xem là nhân lực công, thì khung khái niệm phổ quát trên thế giới vẫn rất cần thiết để hoạch định công tác cán bộ. Dưới đây xin được trình bày một số nét cơ bản nhất về khung khái niệm đó và khả năng áp dụng cho Việt Nam.

 

Nguồn nhân lực của một nước thường được chia thành nhân lực công và nhân lực tư. Nhân lực công phục vụ đời sống công; nhân lực tư phục vụ đời sống tư. Đã là một quốc gia-dân tộc, là một cộng đồng dân cư, thì đời sống công là rất quan trọng. Không có đời sống công, không thể có quốc gia-dân tộc, không thể có cộng đồng. Chính vì vậy nhân lực công là hết sức quan trọng.

Nhân lực công được chia thành bốn loại: loại thứ nhất là các chính khách (politicians); loại thứ hai là các công chức (civil servants); loại thứ ba là các viên chức (public servants); loại thứ tư là các thẩm phán (judges).

Các chính khách là nguồn nhân lực cao cấp nhất và, có lẽ, cũng quan trọng nhất. Đây là những người cung cấp cho đất nước tầm nhìn, chiến lược phát triển, chính sách và pháp luật. Đây là những người cảm nhận được thời đại, cảm nhận được lòng người và dẫn dắt được quần chúng. Họ thường là những nhà lãnh đạo của Đảng, của các tổ chức quần chúng-nhân dân. Được lựa chọn thông qua bầu cử, nên họ phải trong sạch, phải được mến mộ, phải có một hình ảnh công chúng hấp dẫn và lôi cuốn. Các chính khách là những người nắm giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước, bao gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng; các vị đại biểu dân cử; các Chủ tịch, phó chủ tịch UBND và các thành viên UBND. Thông thường, độ tuổi về hưu không được áp dụng cho các chính khách. Những ai còn muốn cống hiến và còn được cử tri tín nhiệm thì vẫn còn có thể giữ chức. Cơ chế để lựa chọn những chính khách tài giỏi là tranh cử.

Các công chức là nguồn nhân lực không kém phần quan trọng. Đây là những người vận hành thể chế và thực thi pháp luật. Họ là những người bảo đảm cho quyền lực công được thực thi trên thực tế. Những người này không có quyền ban hành chính sách, pháp luật, nhưng sẽ bảo đảm cho chính sách, pháp luật được thực thi trung thực, khách quan và hiệu quả. Các công chức không chỉ nắm rất vững pháp luật trong lĩnh vực mình phụ trách, mà còn có khả năng áp dụng pháp luật rất nhanh chóng, hiệu quả để xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Các công chức là nguồn nhân lực của cảnh sát, hải quan, thuế vụ… Một số công chức không trực tiếp thực thi quyền lực công, nhưng lại đảm trách việc vận hành thể chế. Ví dụ, công chức của Văn phòng Quốc hội mới là những người hiểu biết sâu sắc nhất về việc tổ chức một phiên họp toàn thể của Quốc hội thì phải như thế nào? Tổ chức một phiên điều trần của Ủy ban thì phải ra làm sao? Ở nghĩa này, công chức chính là bộ nhớ của thể chế. Đây cũng là lý do tại sao công chức được tuyển dụng theo biên chế, chứ không phải theo chế độ hợp đồng. Để bảo đảm chất lượng của nguồn nhân lực này, thì công chức phải được tuyển chọn từ giới tinh hoa của đất nước và phải được đào tạo rất cơ bản ở các trường hành chính.

Viên chức là những người cung cấp các dịch vụ công. Họ là những nhà chuyên môn, hiểu biết và có kỹ năng cung cấp dịch vụ công theo chuyên môn của mình. Số lượng viên chức nhiều hay ít phụ thuộc vào việc các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp lớn đến đâu. Ở các nước theo mô hình nhà nước phúc lợi (như Đan Mạch, Thụy Điển), thì các dịnh vụ công rất nhiều, nên đội ngũ viên chức cũng rất lớn. Ở các nước theo mô hình nhà nước điều chỉnh (như Anh, Mỹ), dịch vụ công ít hơn, nên đội ngũ viên chức cũng bé hơn. Tuy nhiên, theo chuẩn chung của thế giới, thì y tế và giáo dục là hai lĩnh dịch vụ công cơ bản nhất và quan trọng nhất. Chính vì vậy, số lượng viên chức trong hai ngành này là lớn nhất. Cơ chế tuyển chọn viên chức là thông qua hợp đồng.

Thẩm phán là nguồn nhân lực công được nhắc đến cuối cùng hoàn toàn không phải vì đây là nguồn nhân lực ít quan trọng hơn. Thực ra, đây là nguồn nhân lực quan trọng không kém gì các chính khách. Lý do là vì các thẩm phán cung cấp công lý cho người dân. Không có công lý cuộc sống không thể tốt đẹp, xã hội không thể ổn định và hài hòa. Đối với các thẩm phản, liêm chính và tinh thần phụng sự công lý đến cùng là những phẩm chất quan trọng nhất. Cơ chế để tuyển chọn các thẩm phản tài giỏi là lấy nguồn từ các luật sư danh tiếng không chỉ về chuyên môn, mà còn về sự trong sạch và đạo đức nghề nghiệp.

 

Tác giả