Tiêm vaccine COVID: Ưu tiên người già để giảm thiểu tử vong

Trong điều kiện nguồn cung vaccine còn hạn chế, phương án tiêm ngay cho người già sẽ vừa đạt được mục tiêu giảm được thiệt hại sinh mạng, giảm số người nhập viện và tránh sụp đổ hệ thống y tế, nhờ đó nền kinh tế có thể sớm mở cửa.


Tiêm vaccine tại TP HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng. 

Việt Nam đang ở trong một tình thế lưỡng nan – nền kinh tế không chịu đựng nổi giãn cách quá lâu, nhưng nếu mở cửa thì nền y tế cũng không chịu đựng được số ca nhiễm tăng quá cao. Nếu y tế sụp đổ cũng sẽ dẫn tới sụp đổ kinh tế. Chúng ta đều biết, với biến chủng Delta, chiến lược kiểm soát COVID đưa số ca mắc về 0 là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi số ca nhiễm của Việt Nam đã lên gần nửa triệu người. Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vaccine, vì vậy vấn đề quan trọng là tính toán chiến lược tiêm sao cho vừa giảm tối đa số ca tăng nặng và tử vong vừa nới lỏng giãn cách một cách sớm nhất có thể với một lượng vaccine khan hiếm. 

Mục tiêu phủ 50% dân số hay 100% người già? 

Có thể nói trong thời gian qua, chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam là theo đuổi mục tiêu tối thiểu đạt 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID trong năm 2021. (Quyết định số 3355 của Bộ Y tế, ngày 8/7/2021 có xếp người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính nằm trong diện được tiêm, nhưng trong các hướng dẫn của Bộ Y tế thì người trên 65 tuổi và người bị bệnh nền lại cần thận trọng khi tiêm.(1) Chỉ đến gần đây, người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền mới không còn bị xếp vào nhóm “thận trọng tiêm chủng” (Quyết định 3802 của Bộ Y tế, ngày 12/8), và Công văn số 6202 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 2/8 chỉ đạo “tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo nghị quyết 21”.(2)

Theo chúng tôi, chiến lược tiêm chủng như thời gian qua là không tối ưu cho mục tiêu “giảm ca tăng nặng và tử vong”. Việc tiêm dàn trải mà không tập trung vào nhóm có nguy cơ tử vong và nhóm tăng nặng nhất sẽ tiếp tục khiến ngành y tế quá tải, và việc kéo dài giãn cách xã hội sẽ không giúp chúng ta phục hồi được nền kinh tế. 

Phân tích tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm COVID theo độ tuổi ở Việt Nam (74.652 ca) của nhóm chuyên gia 5F cho thấy nhóm người già từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao (3). Trong khi đó, tỷ lệ tử vong với nhóm trẻ tuổi là thấp hơn rất nhiều. Điều này lý giải một phần vì sao tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở TP. HCM cao hơn Bình Dương rất nhiều (3,9% so với 0,74%). Trong khi TP. HCM có cơ cấu dân cư đa dạng, người già ở chung với người trẻ nhiều, thì các ca nhiễm COVID-19 của Bình Dương chủ yếu tập trung ở bốn huyện sản xuất công nghiệp, gồm Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An, Thuận An và người mắc chủ yếu là công nhân, trẻ tuổi (theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Bình Dương thì số ca nhiễm mới của bốn huyện này chiếm đến hơn 95% tổng số ca nhiễm mới, ngày 30/8) (4).


Biểu đồ 1: Tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm theo độ tuổi. Nguồn số liệu của nhóm chuyên gia 5F(5) 

Như vậy, với nguồn cung vaccine còn hạn chế như hiện nay, để sớm mở cửa nền kinh tế, giảm thiểu tối đa tác động của COVID đến nền kinh tế, giảm thiểu số ca tử vong, giảm số ca nhập viện và giảm gánh nặng cho y tế, thì việc cần làm ngay chính là thay đổi chiến lược tiêm vaccine. Thay vì đặt mục tiêu tiêm phủ cho 50% dân số đến hết 2021, thì chúng ta cần đặt mục tiêu tiêm phủ cho 100% (8) người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Nếu còn vaccine tiếp tục phủ xuống độ tuổi 50-64, đồng thời tiêm cho các nhóm lao động thiết yếu như các shipper, lái xe chuyên chở hàng hóa, những người là đầu mối trong chuỗi cung ứng. 

Tử vong tăng vọt nếu không ưu tiên người già 

Để làm rõ hơn luận điểm của mình, chúng tôi xây dựng một mô hình mô phỏng đơn giản, dựa trên số liệu của Việt Nam một cách tối đa và có tham khảo số liệu của một số nước. Chúng tôi so sánh hai kịch bản tiêm: 1) ưu tiên tiêm cho người già; 2) không ưu tiên tiêm người già mà tiêm dàn trải ở các nhóm trong độ tuổi từ 18-74 như hiện nay. Kết quả cho thấy nếu không ưu tiên người già thì tỉ lệ tử vong và nằm viện cao hơn hẳn. Điều đó dẫn đến hệ quả “thiệt hại kép” là gánh nặng y tế rất lớn và khó mở cửa sớm nền kinh tế sớm.  

Mô phỏng của chúng tôi căn cứ vào số ca nhiễm COVID tăng hằng ngày của Việt Nam trong hơn một tháng qua cũng như giả định Việt Nam có thêm 1 triệu ca nhiễm. Nếu dựa vào tỉ lệ tử vong hiện nay của Việt Nam, thì ước lượng số người tử vong sẽ là 35.927 người. Ước lượng số người phải nhập viện nếu không được tiêm vaccine COVID sẽ là 160.000 người. Nếu tiêm vaccine đầy đủ cho dân số từ 18 tuổi trở lên (tức là phải có 140 triệu liều vaccine COVID) thì số lượng người nhập viện sẽ giảm xuống còn 14.530 người. Mô phỏng cho thấy số lượng tử vong cũng như số lượng người nhập viện nếu không tiêm vaccine COVID đặc biệt cao và chủ yếu tập trung ở người già. 


Bảng 1. Kết quả ước lượng
Chú thích: * Giả định theo tỉ lệ nhập viện theo từng nhóm lấy từ số liệu của Mỹ vì chúng tôi không tìm thấy tỷ lệ nhập viện ở Việt Nam. (6) ** Ước lượng dựa trên giả định vaccine phổ biến hiện nay như AstraZenaca và Pfizer giúp giảm tỉ lệ nhập viện 92%. Dân số theo tuổi được tính toán theo Điều tra Hộ Gia đình năm 2020. 

Việt Nam không thể có ngay 140 triệu liều vaccine. Dựa trên thông tin đại chúng, chúng ta có thể đưa ra giả thiết có tính thực tế là trong trong vòng 2-3 tháng tới Việt Nam có thể nhận được 50 triệu liều vaccine, để tiêm đủ hai liều cho 25 triệu người. Tương tự như trên, nếu chúng ta giả thiết, số lượng ca nhiễm COVID là 1 triệu người và xây dựng hai kịch bản:

+ Kịch bản 1: tiêm cho 25 triệu người tính từ người già nhất trở xuống, khi đó ta sẽ tiêm đủ cho gần hết người già từ 50 tuổi trở lên. 

+ Kịch bản 2: tiêm cho 25 triệu người rải đều từ người 18 tuổi đến 74 tuổi, tiêm theo trọng số các nhóm tuổi, nhóm nào đông hơn sẽ được tiêm nhiều hơn.  

Kết quả mô phỏng của hai kịch bản trên được tính cho hai chỉ số (i) số người chết và (ii) số người nhập viện và trình bày tại Biểu đồ số 2 và 3. 

Theo kịch bản thứ nhất, tổng số người chết vì COVID là 6.252 người. Nếu theo kịch bản thứ hai thì tổng số người chết vì COVID lên đến 25.093 người, gấp bốn lần so với kịch bản thứ nhất. Khi làm theo kịch bản thứ hai chúng ta có thể cứu được người trẻ khỏi tử vong nhưng thực chất số lượng người trẻ cần cứu rất ít do tỷ lệ tử vong của nhóm người trẻ đã rất thấp kể cả khi không được tiêm vaccine. Kịch bản tiêm cho người già trước sẽ cứu được số lượng lớn sinh mạng và giảm áp lực cho ngành y tế hơn, giúp ngành y tế bình tĩnh thu dung và điều trị bệnh nhân, thì có thể tỉ lệ tử vong sẽ không tới 3,5% như hiện nay (tỉ lệ tử vong ở mức chung của thế giới là 2% (7), hoặc lạc quan hơn là như trước đợt dịch thứ tư, chúng ta giữ được tỉ lệ tử vong thấp, thường chỉ ở dưới 1%).

Tương tự như vậy, việc tập trung tiêm chủng cho người già còn giúp giảm được gánh nặng y tế (8). Chúng tôi cũng xây dựng hai kịch bản như trên để xem số lượng người nhập viện trong hai kịch bản khác nhau như thế nào (9). Theo kịch bản thứ nhất, tổng số người nhập viện phải điều trị là 37.672 người, trong khi đó số người phải nhập viện ở kịch bản thứ hai lên tới 137.043 người, gấp 3.6 lần so với số người nhập viện ở kịch bản 1. Đương nhiên, khi Việt Nam giảm được số người nhập viện do COVID sẽ có nhiều nguồn lực để cứu chữa những người còn lại hơn nên số lượng tử vong cũng sẽ giảm mạnh theo. Biểu đồ 3 minh họa số lượng người nhập viện theo độ tuổi trên cơ sở hai kịch bản được xây dựng. 

Bài học kinh nghiệm từ Đức và Indonesia

Để các nhà quản lý tiếp tục cân nhắc chiến lược tiêm chủng, chúng tôi cung cấp thông tin hai trường hợp thuộc hai “trường phái” tiêm vaccine khác nhau: 

Indonesia ưu tiên tiêm vaccine cho người trẻ trước (10) với lập luận đây là nhóm năng động, di chuyển nhiều, dễ phơi nhiễm, được tiêm thì sẽ bảo vệ được gia đình và người già (và có điều chỉnh tiêm cho người già sau (11). 

Còn nước Đức ưu tiên tiêm vaccine cho người già (12), với thứ tự: ưu tiên thứ nhất là những người trên 80 tuổi, những người làm trong các cơ sở y tế; ưu tiên thứ hai là những người từ 70-79 tuổi, những người có bệnh nền thuộc loại nặng; ưu tiên thứ ba là những người từ 60-69 tuổi, những người có bệnh nền thuộc loại nhẹ; ưu tiên thứ tư là những người dưới 60 tuổi nhưng trên 16 tuổi. 

Ngày 13/1/2021, chỉ có 1,1% dân số Đức được tiêm vaccine, số lượng tử vong do COVID là 1.201 người, trên tổng số 23.461 người nhiễm (13). Đến ngày 15/4/2021, tỷ lệ tiêm vaccine mũi một chiếm 18,7% dân số và có 6,5% dân số được tiêm đủ hai liều vaccine, số tử vong chỉ là 328 người trên 30.634 người nhiễm. Và cho đến nay tỷ lệ người dân tiêm đủ hai liều vaccine ở Đức là 60,6%, tỷ lệ tử vong do COVID chỉ khoảng 25 người một ngày trong khi số ca nhiễm theo ngày là hơn 11.000 người. Như vậy với chiến lược tiêm vaccine khôn ngoan trong giai đoạn còn khan hiếm vaccine, Đức đã giảm mạnh được mức tử vong và đã sớm đưa nền kinh tế hoạt động trở lại. 

Ngược lại, với Indonesia, đến ngày 1/9, mặc dù 13% dân số đã được tiêm mũi hai và 23% dân số đã được tiêm mũi một, nhưng tỷ lệ tử vong do COVID rất lớn (14), hơn 133 nghìn người tử vong trong số hơn 4 triệu người bị nhiễm (tỉ lệ tử vong khoảng 3,3%). Tiêm vaccine chủ yếu là để giúp ngăn ngừa tăng nặng và tử vong cho người được tiêm chứ chưa thể giúp đạt miễn dịch cộng đồng.

Tóm lại, khi số lượng tử vong do COVID gây ra là nhỏ thì số lượng người mắc sẽ không còn quá nghiêm trọng nữa và khi đó nền kinh tế có thể dần mở cửa trở lại được. Nhưng để đạt được trạng thái đó sớm thì Việt Nam cần phải thay đổi ngay và luôn chính sách tiêm vaccine trong thời gian tới. Vaccine không có tác dụng giảm lây nhiễm COVID, mà chỉ có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện. Cần phải đặt ưu tiên người già, người làm việc trong cơ sở y tế lên hàng đầu. Chỉ như vậy mới tránh được “thiệt hại kép” cả về sinh mạng người, đổ vỡ y tế và sớm mở cửa nền kinh tế.□

Về các tác giả: 

TS Hoàng Xuân Trung, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm DEPOCEN, TS. Đào Nguyên Thắng, trường Đại học Osaka, Nhật Bản. Bài viết thể hiện quan điểm của các tác giả, không phải là quan điểm của bất kỳ tổ chức nào.

(1) https://giadinh.net.vn/y-te/thay-doi-moi-nhat-tiem-vaccine-covid-19-cho-nguoi-tren-65-tuoi-mac-benh-nen-can-than-trong-20210803082701876.htm 

(2) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-6824

(3) Theo phân tích này, cứ 10 người già từ 75 trở lên mắc COVID thì có 5 người tử vong. Với nhóm người già 65-74 tuổi, cứ 10 người mắc COVID thì có gần 3 người tử vong. Với nhóm 50-64 tuổi, cứ 10 người mắc thì có gần 1 người tử vong. Đối với nhóm từ 40-49, tỷ lệ tử vong thấp hơn hẳn, một 100 người mắc COVID chỉ có khoảng 2 người tử vong. Tỷ lệ tử vong lại càng giảm mạnh nữa ở các nhóm trẻ hơn. Trong 1.000 người nhóm 30-39 tuổi mắc thì có 7 người bị tử vong, 1.000 người nhóm 18-29 tuổi mắc thì mới có hơn 1 người tử vong (tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ ung thư gan ở Việt Nam – khoảng 2,3 trên 1.000 người). Tỷ lệ tử vong cực thấp cho nhóm 0-17, nếu 10.000 người mắc COVID thì chỉ có 5 người tử vong. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/doi-pho-voi-covid19-ngan-han-va-lau-dai-de-giam-thiet-hai/20210901112035490p1c785.htm 

(4) https://www.binhduong.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/2021/08/570-ngay-30-8-2021-binh-duong-co-them-2-328-benh-nhan-xuat-vie

(5) Nguyễn Thu Anh, Đối phó với covid-19 ngắn hạn và lâu dài: Để giảm thiệt hại? https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/doi-pho-voi-covid19-ngan-han-va-lau-dai-de-giam-thiet-hai/20210901112035490p1c785.htm

(6) https://www.statista.com/statistics/1122354/covid-19-us-hospital-rate-by-age/?

(7) https://www.worldometers.info/coronavirus/

(8) Chúng tôi giả định tiêm phủ 100% là ưu tiên tập trung các khu vực dân cư đông đúc trước, một vài khu vực hẻo lánh thực chất cũng trong điều kiện khá giãn cách nên có thể chờ sau.

(9) Theo số liệu báo cáo thì tỷ lệ người mắc Covid-19 có dấu hiện trung bình và nặng, chiếm 16%. Trong bài viết này, lấy số liệu 16% người nhập viện trong số ca mắc Covid-19 để phân tích số người nhập viện theo tuổi. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ti-le-tu-vong-do-covid-19-theo-nhom-tuoi-tai-viet-nam-762461.html 

(10) https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/younger-people-get-covid-19-vaccines-first-in-indonesias-unusual-rollout?

(11) https://jakartaglobe.id/news/indonesia-begins-vaccinating-elderly-citizens-public-sector-workers

(12) https://www.bundesgesundheitsministerium.de/fileadmin/Dateien/3_Downloads/C/Coronavirus/Verordnungen/CoronaImpfV_EN_080221.pdf?

(13) https://www.worldometers.info/coronavirus/country/germany/  

(14) https://corona.jakarta.go.id/en/data-pemantauan

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)