Việt Nam có thể thừa rất nhiều lao động trong CMCN4

Nếu không tập trung vào đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ không thể “nhảy tắt” lên đoàn tàu CMCN 4 đồng thời dư thừa một lực lượng lao động rất lớn.

Công nhân tại công ty TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện II, Bình Xuyên). Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.

Đó là cảnh báo của một số chuyên gia về lao động và quản trị doanh nghiệp tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Công ty cổ phần sách Omega+ và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS (ĐH Khoa học xã hội TPHCM, ĐHQGTPHCM) tổ chức ngày 27/3 vừa qua.

Cuộc CMCN 4 sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc các ngành công nghiệp chế tạo ở tất cả các nền sản xuất, những ngành nào có tỉ lệ R&D càng lớn thì càng có khả năng vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên theo TS. Phạm Quang Ngọc – chuyên gia về đổi mới sáng tạo và lao động, các doanh nghiệp Việt Nam lại hạn chế ở hai điểm quan trọng: năng lực sáng tạo còn rất yếu; mức độ đầu tư cho R&D và số lượng bằng sáng chế của các công ty Việt Nam còn quá ít ỏi (ví dụ, trong năm 2017, Việt Nam chỉ đăng ký không đầy 20 sáng chế tại Mỹ trong khi riêng hãng Apple đã đăng ký trên 3000 sáng chế). “Các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang ở trong giấc mơ phát triển kinh tế nhờ quy mô chứ không phải dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ. Thậm chí nhiều công ty mà tôi đi thực tế vẫn còn đang ở trong vòng luẩn quẩn lo ngại đổi mới công nghệ không có đầu ra”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Song song với đó, cuộc cách mạng này cũng đặt yêu cầu phải tập trung đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động nhưng tư duy quản lý về phát triển thị trường lao động ở Việt Nam vẫn chưa thay đổi, “chỉ mới tháng trước, Cục Lao động nước ngoài, Bộ LĐTBXH vẫn đang rất tự hào về việc lần đầu tiên Việt Nam vượt Trung Quốc về số lượng người xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhìn rộng ra thì chẳng có gì để phấn khởi cả, điều cần thiết là không nên để quá nhiều người phải đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Trong bối cảnh CMCN 4, nếu không tiếp tục thay đổi thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu và lại tiếp tục thừa một lực lượng lao động rất lớn”, ông Trần Chí Dũng, Phó giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động VCCI, nhận xét. Bởi vì, thị trường lao động Việt Nam hiện nay có nhiều đặc điểm yếu kém, chưa thể bắt kịp với làn sóng CMCN 4. Cụ thể, đến năm 2018, tỉ lệ lao động có đào tạo quá thấp (chỉ chiếm 21,4%); tỉ lệ lao động hưởng lương thấp (40%); tỉ lệ lao động có thu nhập phi chính thức chiếm tới gần 60%. Về cơ cấu, lao động trong các ngành nông lâm thủy sản chiếm 41%; tỉ lệ thấp nghiệp ở thanh niên cao hơn 3 – 4 lần so với tỉ lệ chung trong xã hội. Trong khi đó, những công việc phổ thông không những không có thêm mà còn bị robot thay thế, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, thủy sản, nông nghiệp… trong vòng 5 năm nữa. Lúc đó chúng ta phải làm gì với hàng triệu lao động phổ thông “trình độ 2.0 – 3.0” bị mất việc, ông Dũng đặt câu hỏi.

Theo ông Dũng, lực lượng lao động sẽ phân thành nhiều lớp: Nhóm lao động trẻ đang học trong các trường sẽ có thể hướng tới chuẩn mực CMCN 4; nhóm 3.0 đang phục vụ cho các ngành công nghiệp hiện nay thì có thể nâng cấp trình độ và đáp ứng phần nào nhu cầu chuyển đổi; nhóm 2.0 rất khó nâng cấp – thì có thể chuyển sang làm việc ở các ngành đặc thù truyền thống. Do đó, cần phải đổi mới giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ để hướng nhóm trẻ bắt kịp CMCN 4.

Nhưng đổi mới giáo dục sẽ phải đi theo hướng giúp người học “học cách học” suốt đời chứ không chỉ là “chỉ dạy kiến thức” và sẽ phải đạt được các mục tiêu sau: giúp trẻ yêu thích và học cách học; học cách hiểu, làm việc và hợp tác với mọi người; hiểu về những vấn đề phức tạp và xử lý được những vấn đề phức tạp, xử lý được những rủi ro, theo TS. Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện KH Giáo dục, Bộ GD&ĐT.

Tác giả