Vừa chống dịch vừa sản xuất

Sự khác biệt trong lần bùng phát dịch thứ tư ở Việt Nam đòi hỏi một cách thích ứng linh hoạt hơn phù hợp với từng địa phương, từng vùng để bảo vệ chuỗi sản xuất, hỗ trợ những nhóm lao động mất việc, theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.


Nhiều công ty “ba tại chỗ” vẫn có thể bị virus xâm nhập, do đó phải nghĩ tính tới phương án sản xuất ngay trong bối cảnh chưa thể kiểm soát dịch bệnh. Doanh nghiệp tại khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện “ba tại chỗ”. Nguồn: Báo Giao thông. 

Duy trì sản xuất trong cả vùng xanh và vùng đỏ

 
Cách chống dịch của Việt Nam vẫn đang giúp bảo vệ được sức khỏe của người dân và cơ bản giúp sản xuất không bị đứt gãy so với các nước đang bị bùng dịch mạnh. Cho đến trước đợt dịch thứ tư, phương pháp giãn cách hoặc cách ly, phong tỏa tuyệt đối từng khu vực có dịch đã giúp các vùng này nhanh chóng quay trở lại sản xuất. Nhưng đối với đợt dịch thứ tư này, các nhà dịch tễ học dự báo cần nhiều thời gian để kiểm soát tình hình lây nhiễm ở khu vực TP.HCM và rộng ra là cả cụm công nghiệp quan trọng ở Đông Nam Bộ. Trên truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đợt dịch này có diễn biến nhanh, xảy ra trên địa bàn rộng, trong một thời gian ngắn, số ca mắc tăng rất cao và nhấn mạnh “đợt dịch này ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ”. 
 
Trong bối cảnh đó, sản xuất ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt là các tỉnh thành là đầu tàu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, chuỗi sản xuất đang ngày càng hiện hữu. Qua báo chí phản ánh, mặc dù rất muốn thực hiện “mục tiêu kép” duy trì cả sản xuất và chống dịch nhưng khi triển khai “ba tại chỗ – sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến – nơi ở của công nhân và nơi sản xuất”, nhiều doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 trong nhà máy, khu công nghiệp có số lượng công nhân đông. Cuối tháng bảy, bốn hiệp hội gồm Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày và Túi xách, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã ký chung một bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, phản ánh những khó khăn của việc áp dụng phương thức “ba tại chỗ”. Chỉ một khảo sát sơ bộ của Hiệp hội xuất nhập khẩu Bình Dương đã cho thấy, hơn 1000 doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đảm bảo tiêu chí để duy trì sản xuất theo cách này. Các khu công nghiệp nhỏ hơn ở Tiền Giang, Hậu Giang cũng đang trong cảnh tương tự. 
 
Hiện tại thời gian chống dịch bệnh phải kéo dài, nếu tình hình này vẫn còn tiếp diễn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trên diện rộng, về lâu dài có thể dẫn tới những khó khăn trầm trọng hơn cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, đầu tàu kinh tế phía Nam hút tới một nửa nguồn FDI của cả nước và đóng góp trên 50% GDP của cả nước. Mặt khác, khi dừng sản xuất, công nhân mất việc, thậm chí nghỉ về quê sẽ khiến các khu công nghiệp thiếu lao động trầm trọng và mất rất nhiều thời gian phục hồi hậu đại dịch. 
 
Vì thế, thay vì chỉ tập trung vào một chiến lược “ba tại chỗ”, đảm bảo các “vùng xanh” (vùng không có COVID) trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp như kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang và nay là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang tiến hành, chúng ta nên nghĩ tới cách làm mới, đó là có thể áp dụng “một cung đường hai điểm đến” hoặc “ba tại chỗ” để đảm bảo sản xuất ngay trong cả các “vùng đỏ” – các cụm, khu công nghiệp phát hiện có ca nhiễm virus. 
 
Thứ nhất chúng ta nên nghĩ tới việc bố trí lại các không gian sản xuất đảm bảo giãn cách, không tiếp xúc nhiều và tăng cường bảo hộ cho người lao động. Thứ hai, các nghiên cứu trên thế giới và thống kê dịch tễ học ở Việt Nam hiện nay đều cho thấy không phải tất cả những người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân. Chủ yếu virus gây tăng nặng và tử vong ở người cao tuổi, người có bệnh nền, tỉ lệ tử vong từ 1-3%, đa số F0 trong độ tuổi lao động đều an toàn. Trong trường hợp các nhà máy có F0, nếu cả nhà máy và công nhân đều đồng thuận sản xuất và tạm thời không ra khỏi nhà máy thì có thể thí điểm xây dựng các nhóm chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngay tại chỗ, chuyển tiếp F0 cần chăm sóc đến các bệnh viện thu dung, bệnh viện điều trị. Chiến lược triển khai tiêm vaccine của TP.HCM và các tỉnh hiện nay đang áp dụng theo kiểu “cuốn chiếu” nên  người lao động ở các khu công nghiệp được tiêm vaccine cũng sẽ đảm bảo sức khỏe tránh nguy cơ tăng nặng khi nhiễm virus. 
Trong những năm tháng chiến tranh, Việt Nam đã từng ở thế vừa chiến đấu vừa giữ vững sản xuất. Nếu áp dụng cách làm này trong thời điểm đại dịch, chúng ta có thể thí điểm sản xuất ở “vùng đỏ” và tiến tới mở rộng, duy trì đảm bảo sản xuất trong tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát. Còn ngược lại ở các khu vực miền Trung, miền Bắc vẫn còn được hưởng hiệu quả của công tác truy vết y tế, tiếp tục duy trì các vùng xanh ở các khu sản xuất, chế xuất công nghiệp, nông nghiệp như chúng ta đang làm. 
 
Tuy nhiên để áp dụng cách làm này, chúng ta cần chú ý một vài điều kiện là giữ sự lưu thông chuỗi hàng hóa và sản xuất, thống nhất quy trình vận chuyển từ trung ương đến địa phương để không có quá nhiều giấy phép con, duy trì các quy trình khai báo y tế trên hệ thống công nghệ thông tin.
 
Ưu tiên bảo vệ người lao động 
 
Tình hình dịch bệnh khiến nhiều thành phần kinh tế đều mỏi mệt, trong đó lực lượng công nhân mất việc lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất do không có tích lũy, đặc biệt là các nhóm lao động di cư phải đi thuê nhà thường không có đầy đủ giấy tờ tạm trú, hộ khẩu và có xu hướng trở về quê lánh nạn. Vì vậy, song song với chống dịch, chúng ta cần các gói cứu trợ mạnh hơn cho các nhóm lao động mất việc này, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt là đảm bảo ngưỡng sinh tồn cho người dân, giúp người dân ở yên tại chỗ, vừa đáp ứng yêu cầu lâu dài là giữ được nguồn lực lao động cho các khu công nghiệp cũng như các khu đô thị hậu đại dịch. Hình thức hỗ trợ có thể linh hoạt bằng tiền mặt hoặc bằng các gói lương thực thực phẩm.
 
Để đạt được hiệu quả trong việc triển khai các cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng, chúng ta có thể học hỏi cách tiêm chủng của TP. HCM khi áp dụng một chương trình tiêm vaccine cho tất cả người dân, kể cả người nơi khác đến và sinh sống tại thành phố. Khi đưa ra các gói cứu trợ, không nên triển khai một cách cứng nhắc bắt buộc người thụ hưởng phải có hộ khẩu hoặc tạm trú, dẫn đến chậm triển khai chương trình và khiến người lao động bất an muốn rời thành phố. Như vậy rất có thể các đô thị sẽ thiếu trầm trọng nguồn lao động ở giai đoạn phục hồi. 
 
Trong đại dịch, với sự linh hoạt vốn có, các tổ chức xã hội, thiện nguyện đã làm rất tốt vai trò hỗ trợ của mình một cách nhanh chóng, kịp thời tới từng hộ dân ở từng ngõ phố. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả triển khai chính sách và sử dụng ngân sách bằng cách tận dụng ưu điểm ấy của họ để liên kết, phối hợp hỗ trợ cho người lao động. 
 
Đợt bùng phát dịch bệnh ở TP. HCM và Đông Nam Bộ không chỉ liên quan đến các khu công nghiệp và người lao động hiện tại mà còn liên quan đến những gì sẽ diễn ra chính tại nơi này trong tương lai. Do đó, việc dám nghĩ và thử nghiệm các giải pháp khác nhau mới có thể giúp lưu thông sản xuất, đảm bảo huyết mạch nền kinh tế và cuộc sống của người dân. □
 
Bảo Như ghi 

Tác giả