Yêu cầu hàng đầu của hoạt động khoa học

Hồi giáo sư Tạ Quang Bửu còn sống, nhưng đã thôi làm Bộ trưởng Bộ Đại học, tôi được ở một khóa Quốc hội và ở trong Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa ấy cùng với ông. Một lần, Ủy ban đó, thực hiện chức năng giám sát của mình, có cuộc họp với Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, có mặt cả đại biểu Ban Khoa giáo Trung ương.

Cuộc họp nêu lên một câu hỏi: “Ở bậc đại học, nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên là gì?”. Và được đại biểu của cả hai bộ và cái ban vừa nói trên trả lời rất nhanh gọn: “Thì có gì khó đâu, cứ cho học đúng năm điều Bác Hồ dạy”. Lý do: Ngay người lớn chúng ta đây, thử hỏi đã có ai làm đúng được hoàn toàn năm điều Bác dạy đâu, cho nên sinh viên cũng rất cần học để làm cho tốt, thế là quá đủ rồi!… Tôi nhớ bữa đó mọi người trong ủy ban đều quá ngạc nhiên nhưng mà cũng lúng túng, chẳng biết phản ứng thế nào đây cho tiện, đành im lặng.

    

“Theo tôi, ở bậc đại học, về đạo đức, cần nhất là giáo dục đức tínhtrung  thực khoa học (la probiété scientifique).

Người làm khoa học thiếu đức trung thực trong công việc của mình thì có hại cho xã hội không biết bao nhiêu lần hơn  người thường”.
GS. Tạ Quang Bửu

Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng im lặng hồi lâu, rồi rất chậm rãi, ông nói: “Theo tôi, ở bậc đại học, về đạo đức, cần nhất là giáo dục đức tính trung thực khoa học (la probiété scientifique). Người làm khoa học thiếu đức trung thực trong công việc của mình thì có hại cho xã hội không biết bao nhiêu lần hơn người thường”. Lời ông nói, tôi nhớ, từ tốn mà nghiêm khắc, vừa như một lời khuyên, một mong ước, vừa như một cảnh báo… Theo chỗ tôi được biết, sự cảnh báo của ông rồi về sau trong các ngành có liên quan (và cả trong khoa học nói chung),

hình như cũng không ai thật sự nhớ và để ý đến nữa, và cũng hình như bây giờ ở đại học trong những nội dung liên quan đến xây dựng đạo đức cho sinh viên chắc là có đủ thứ nhưng lại không có yêu cầu hàng đầu đối với người làm khoa học như giáo sư Tạ Quang Bửu đã nhấn mạnh một cách thâm thúy. Tất nhiên không thể nói nguyên nhân tất cả là ở đây, nhưng một trong những kết quả của việc này là tình trạng gian dối dưới nhiều kiểu khác nhau hiện nay trong khoa học như dư luận ngày càng báo động.

Đương nhiên, gian dối không chỉ có trong khoa học, còn nhiều nơi nặng nề hơn nhiều, tất sẽ có người nói như vậy. Và cũng đúng vậy. Nhưng nếu trong cuộc đời, trong xã hội khó tránh được hết sự gian dối, thì khoa học là nơi cuối cùng tuyệt đối không thể chấp nhận được tình trạng đó. Bản thân khái niệm khoa học đã là đối lập tuyệt đối với gian dối, như nước với lửa. Nếu trong một xã hội mà đến khoa học cũng gian dối, thì tức là đã tới mức nguy cơ cao. Trong đó hư danh cũng là một trong dạng phổ biến.

Hiện nay, thẳng thắn mà nói, khó kê ra cho hết những gian dối như vừa nói. Nhưng có thể thử kể một vài chuyện điển hình, điển hình đến mức thoạt nghe cứ tưởng là chuyện bịa hay chuyện đùa.

Chẳng hạn chuyện mấy tờ báo tên tuổi công khai đưa lên mạng online của mình tin một nhà khoa học Việt Nam lâu nay vẫn được coi là người đứng đắn, được một tổ chức quốc tế nào đó bầu là một trong mươi bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ. Tôi nghĩ tất cả những người có chút ít quan hệ quốc tế trong lĩnh vực khoa học hay văn hóa ở ta đều quá biết các kiểu quả lừa tầm thường của các thứ “tổ chức quốc tế” này rồi. Còn bất cứ một đầu óc bình thường của bất cứ một người bình thường nào cũng có thể biết buồn cười về chuyện một nhà khoa học Việt Nam hiện nay bỗng nhiên trở thành một bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ. Ta đang ở đâu trong khoa học của thế giới thì ta quá biết chứ, chẳng lẽ lại nảy ngay ra thiên tài giữa đường thế này.

Ấy vậy mà nhà khoa học nọ nghiễm nhiên nhận lấy danh hiệu ấy, đi tuyên truyền khắp nơi, lại còn lập ra tổ chức này nọ mang tên mình (tất nhiên gắn với danh hiệu kia)… Chính ông ta ngây ngô bị lừa, ông chủ động gian dối, hay ông đã quá lẩm cẩm, hay là cả ba kiểu hợp lại. Có điều chắc chắn đấy là một con người mang bệnh hư danh trầm trọng. Và rất nguy hiểm là, với cái tổ chức ông đang kêu gọi thành lập kia, ông sẽ là mầm bệnh truyền nhiễm thói hư danh cho lớp trẻ cũng đang hong hóng hướng về những thứ bong bóng đó.

Bản thân khái  niệm khoa học đã là đối lập tuyệt đối với gian dối, như nước với lửa. Nếu trong một xã hội mà đến khoa học cũng tràn lan sự gian dối, thì tức là đã tới
mức nguy cơ cực cao. Trong đó hư danh cũng là một trong dạng phổ biến.

Một chuyện khác, rất nhiều người biết: một “Đề tài khoa học”, cấp nhà nước hay cấp thành phố gì đó, mấy mươi hay mấy trăm triệu (tất nhiên là tiền thuế của dân), nghiên cứu về việc… đánh số nhà ở Hà Nội!… Ai chủ trương, ai đứng ra nhận làm, ai cấp tiền, ai tổ chức “công trình khoa học” kỳ quặc đó. Tôi nghĩ trường hợp này có lẽ đã thuộc phạm vi xử lý của pháp luật rồi…Rồi chuyện cái hội đồng phong chức giáo sư, phó giáo sư… bàn mãi vẫn không xong, trong khi ở tất cả các nước tiên tiến từ lâu giáo sư đơn giản là người đi dạy ở một trường đại học nào đó, và được chính trường đó phong chức cho để mà dạy, hết dạy thì thôi.Có gì mà phải tốn nhiều thời giờ, công sức, tiền của đến thế để đến nát óc bàn đi bạn lại mãi không “sáng” được ra! Sao lại đi biến cái tên gọi một việc làm thành một thứ danh vọng để mà giành giật, nhiều khi đến sứt đầu mẻ trán, thậm chí cũng có khi gây thù hận nhau suốt đời!

Nghĩa là gian dối, hư danh đã lan từ chỗ cao nhất đến chỗ xuất phát của khoa học là trường đại học.

Thật đã ghê gớm thay cái bệnh gian dối, hư danh trong chính cái lĩnh vực lẽ ra là vô tư, trong sáng nhất của xã hội, lĩnh vực mà đạo đức tối cao là sự trung thực, như giáo sư Tạ Quang Bửu đã nhắc mấy mươi năm trước.

Ở Pháp, theo chỗ tôi được biết, bậc đại học có hai năm đầu gọi là “Giáo dục tổng quát” (éducation générale), và một người bạn tôi dạy một trường đại học ở Paris bảo tôi rằng người ta quan niệm mục đích của hai năm đầu ấy là đào tạo nên cái mà ông ta gọi là “l’honnête homme”, “con người lương thiện”. Tức con người có văn hóa, có hiểu biết một cách tổng quát về những tri thức cơ bản tối thiểu của loài người, và quan trọng nhất là có tính trung thực trong cuộc sống, có thể làm một người trong sạch trong xã hội. Để chuẩn bị tiếp nhận khoa học, và có thể trở thành một nhà khoa học chân chính, tức một  nhà khoa học  lương thiện.

Hẳn ta cũng không nên coi thường kinh nghiệm đó.

Hoạt động của viện hàn lâm giả

Các công ty kinh doanh tiểu sử dựa vào một nguyên lí kinh doanh đơn giản là tận dụng tâm lí “phải có danh gì với núi sông” (tạm mượn lời của cụ Nguyễn Công Trứ) của nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ hay mới bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, để kinh doanh. Nhà khoa học nào cũng có một chút chủ quan rằng công trình của mình là quan trọng, và tên tuổi mình đáng lưu danh với đời. Cho nên, trước những dạm hỏi và chào đón nồng nhiệt của các công ty này, nhất là xuất hiện dưới danh hiệu “viện hàn lâm”, nhà khoa học khó mà vượt qua những cám dỗ ngọt ngào này.

Cách thức kinh doanh kinh doanh của họ rất đơn giản. Hàng năm, họ tra cứu các tập san khoa học quốc tế, tìm tên tác giả của các bài báo khoa học, rồi rà soát lại xem có phải đây là những tác giả mới xuất hiện, hay là những tác giả đã “có tên tuổi”.  Tùy vào vai vế của tác giả, họ gửi cho từng tác giả một lá thư đại ý cho biết tác giả đã được một hội đồng khoa học bình bầu là nhà khoa học xuất sắc trong năm, là nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ, là bộ óc vĩ đại của thế giới, là có cống hiến quan trọng cho khoa học, v.v…

Nói tóm lại họ dùng toàn những danh xưng rất ấn tượng để làm cho tác giả thích thú và tưởng mình là một nhà khoa học vĩ đại hay công trình của mình có tầm vóc thế kỉ.  Chẳng những gửi thư, có công ti còn gửi cả một bằng chứng nhận mẫu với tên của tác giả được in trên giấy bóng màu mè cực kì đẹp mắt và rất hấp dẫn. Họ không quên kèm theo một mẫu đặt hàng với các ô vuông để tác giả ghi vào đó số thẻ tín dụng (credit card). Giá cả thường khoảng 200 USD đến 500 USD, tùy theo danh hiệu và từ điển được bọc bìa da hay bìa giấy cứng. Khi đã trả tiền qua thẻ tín dụng, tác giả chờ khoảng 6 tháng (để họ in từ điển) để có những “chứng từ” ấn tượng đó.  Nhưng giá trị của nó chỉ 1 năm mà thôi. Nếu năm tới tác giả muốn có tên mình trong từ điển nữa hay muốn duy trì thành viên của “viện hàn lâm” thì phải đóng thêm tiền. Bất cứ một sinh viên nào trên thế giới đều có thể trở thành “viện sĩ” một năm nếu họ chịu trả tiền.

Do đó, thành viên của Viện hàn lâm khoa học New York không phải là một danh dự, càng không phải là một chứng nhận về sự thành đạt trong hoạt động khoa học. Thành viên của các “viện” này chẳng ai dám dùng chữ “viện sĩ” trước tên mình. Thực ra, ngược lại là đằng khác: các nhà khoa học nào liệt kê trong lí lịch mình là thành viên các nhóm này thường được đánh giá là ngây thơ trong trường khoa học.

Thế nhưng tiếc thay, không ít nhà khoa học Việt Nam trong những năm gần đây hồ hởi tham gia vào các công ty kinh doanh này, và tự hào gắn thêm danh hiệu “viện sĩ” trước học vị và tên mình!  Có vị còn in trên danh thiếp danh hiệu “Academician”! Đối với giới khoa học “thứ thiệt” ở phương Tây, cái danh hiệu đó không chỉ là một chuyện tiếu lâm, mà còn nói cho họ biết tác giả của nó chỉ là một người còn quá ấu trĩ trong trường khoa học. (Nguyễn Văn Tuấn-Úc)

 Nguyên Ngọc

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả