Học phí: Sợi dây giữa cơ sở giáo dục và người học

Việc của các cơ sở giáo dục (CSGD) là đảm bảo sản phẩm giáo dục họ cung cấp ‘đáng đồng tiền bát gạo’ mà người dân chi trả. Học phí là một sợi dây ràng buộc giữa người học/gia đình và CSGD nhưng không phải là duy nhất để các CSGD có thể ‘tăng đại’ theo ý muốn. ‘Học phí’ ở đâu trong câu chuyện đổi mới giáo dục đại học?


Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ học đại học thấp nhất trong khu vực ASEAN. Nguồn ảnh: Laodong.

`Học phí’ ở đâu trong câu chuyện đổi mới giáo dục đại học?

Có thể nói học phí đại học quá thấp là một bất cập lớn và đây chính là một trong những nguồn cơn thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học từ đầu những năm 2000. Kể từ đó đến nay, chính sách hạn mức học phí (khung/trần học phí) liên tục được nới lỏng, gắn mức tăng và trần học phí với các cam kết về đảm bảo chất lượng và các điều kiện, tình trạng tự chủ của cơ sở giáo dục (CSGD). Học phí ở bậc đại học đã tăng gấp hơn 5 lần từ năm 2004 so với 2018 (WB, theo số liệu điều tra VHLSS năm 2004 và 2018). Nhóm các trường công tự chủ tài chính được phép tự xác định mức học phí theo phương pháp quy định trong Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đối với các trường vẫn nhận ngân sách chi thường xuyên, chưa thực hiện tự chủ toàn diện, quy định về khung và trần học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP được áp dụng với chương trình đại trà đã tính đến đặc thù của ba nhóm ngành khác nhau (Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản; Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch; Y dược). Như vậy, đối với các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, vv. các trường không phải tuân theo khung trần này.

Như vậy, bản chất của các kêu gọi ‘tăng học phí’ trong thời gian gần đây là gì?

Theo đại biểu quốc hội Lê Quân, “mức trần học phí đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của các cơ sở giáo dục”, từ đó kiến nghị “cần có chính sách cho phép cơ sở giáo dục không nhất thiết tự chủ hoàn toàn mới được xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật”. Có thể hiểu kiến nghị của ông Lê Quân là: các đại học vẫn nhận ngân sách nhà nước (NSNN) và đồng thời vẫn được tự ý xác định học phí cao tùy ý. Với tư cách Giám đốc ĐHQGHN, phát biểu này được cho là gắn với trường hợp của ĐHQGHN, một trong những trường nhận NSNN nhiều nhất trong hệ thống, và các trường cùng nhóm. Câu hỏi là nếu ĐHQGHN muốn tăng học phí tùy ý, thì tại sao không tuân thủ luật chơi “tự chủ tài chính và tự chủ toàn diện” giống như 23 trường đã thực hiện theo Nghị quyết 77 mà lại kiến nghị một cơ chế riêng, vừa không muốn tự chủ, vừa không muốn tuân theo trần học phí?


Hình 1: Tổng tỉ lệ nhập học ở bậc sau phổ thông ở Việt Nam và các quốc gia được lựa chọn, giai đoạn 2000-2016 (Nguồn: WB).

Cần phải lưu ý rằng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP chỉ quy định khung trần học phí đến hết 2021. Như vậy, đây là thời điểm một nghị định mới đang được xây dựng. Bất cứ một đề xuất, kiến nghị liên quan nào tại thời điểm cũng rất nhạy cảm đối với việc vận động hành lang cho các thay đổi chính sách. Do vậy, nhất thiết phải xem xét đề xuất này một cách toàn diện, thấu đáo.

Tăng học phí để hạn chế số lượng người học đại học?

Trong giai đoạn 2000-2016, số lượng sinh viên tăng từ 0.9 triệu lên 2.3 triệu, mở rộng tiếp cận giáo dục sau phổ thông lên đáng kể, đẩy tổng tỷ lệ nhập học thô ở bậc này tăng từ 9% lên 28%. Tuy nhiên, kể cả với tỷ lệ này, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ học đại học thấp nhất trong khu vực ASEAN, kém xa các nước Đông Á như Hàn Quốc (Hình 1).

Chúng ta KHÔNG ‘thừa thầy, thiếu thợ’ mà thiếu cả thầy, cả thợ, thiếu cả thầy giỏi và thợ lành nghề. Chính vì vậy, giả sử có manh nha ý định dùng học phí cao để làm rào cản đối với giáo dục sau đại học thì rất cần phải cân đối thận trọng trên toàn hệ thống, tránh gây những tác động nguy hại lâu dài đối với thị trường lao động và nguồn nhân lực.

Tăng học phí để loại trừ người học ‘không rõ mục đích, động lực học tập’?

Về lý thuyết, khi giá mua hàng cao hơn, khách hàng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định mua hàng. Tuy nhiên giáo dục phức tạp hơn bởi mục đích khi trả tiền cho một chương trình/khóa học có thể là kiến thức, kỹ năng, năng lực đạt được, nhưng cũng có thể chỉ là tấm bằng làm giấy thông hành khi chính thị trường lao động còn lẫn lộn vàng thau, tuyển dụng dựa trên quan hệ, và việc đánh giá nhân sự không thực sự dựa trên hiệu quả công việc. Trong khi đó, bối cảnh thực tế của việc hướng nghiệp ở phổ thông còn rất yếu, sinh viên tiếp tục theo học sau phổ thông mà không rõ định hướng nghề nghiệp và ‘học đại’ là không hề hiếm gặp. Ngay cả ở các quốc gia có giáo dục phổ thông và hướng nghiệp phát triển, việc người tốt nghiệp không làm việc đúng ngành đào tạo, hoặc người học bỏ dở và chuyển ngang sang chương trình học khác khá phổ biến. Ngay cả khi giáo dục và tư vấn hướng nghiệp ở phổ thông diễn ra từ rất sớm và rất phát triển thì trong các trường đại học, khối các trường khai phóng (liberal arts) vẫn mở rộng cửa đón những người học ‘chưa biết muốn học cái gì, muốn làm nghề gì’.

Giải pháp cần phải tập trung vào việc mở rộng các lựa chọn, khả năng chuyển đổi, liên thông cho người học, và nâng cao chất lượng xuyên suốt quá trình đào tạo để chương trình thú vị, hữu ích, cộng với các giải pháp truyền thông, kết nối giữa đại học và trường phổ thông, cũng như phát triển tư vấn hướng nghiệp nhằm khuyến khích người học học lên cao hơn và giữ chân người học bằng những chương trình chất lượng.  Sử dụng học phí làm rào cản là tối sách, phản giáo dục và rõ ràng không phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước ở thời điểm này.

Tăng học phí để cải thiện điều kiện học tập và giảng dạy, cũng như chất lượng đào tạo?

Về lý thuyết, tăng nguồn thu sẽ giúp cho tổ chức có nguồn lực để đầu tư vào các yếu tố giúp nâng cao năng lực và chất lượng. Tuy nhiên giá tăng không tự động dẫn tới chất lượng tăng. Trong giáo dục, học phí tăng không nghiễm nhiên dẫn đến đầu tư vào quá trình đào tạo tăng nếu không có những cơ chế minh bạch hóa và giải trình tài chính một cách hiệu quả, đáng tin cậy. Người học, phụ huynh và công chúng nói chung không được tiếp cận các báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán độc lập của các CSGD.


Hình 2: Cơ cấu nguồn thu của các trường đại học công lập, năm 2004 và 2017 (%) (Nguồn: WB, 2020).

Ngay cả khi đầu tư cho các yếu tố đào tạo đầu vào tăng cũng chưa chắc chất lượng và hiệu quả đào tạo tăng nếu như đầu tư không đúng và không trúng. Chưa kể đối với các đại học công không tự chủ toàn diện, việc đầu tư, tăng giảm chi tiêu còn chịu điều chỉnh bởi nhiều quy định của nhà nước. Chẳng hạn, mức lương cho cán bộ giảng viên và nghiên cứu ở các đại học công chưa tự chủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung, bậc lương nhà nước hoặc quyền tự chủ hạn chế của hiệu trưởng. Năng lực quản lý tài chính, quản trị và lãnh đạo của ban giám hiệu trực tiếp quyết định thu nhập của cán bộ, giảng viên, chứ không phải các nguồn thu. Do vậy, không thể tùy ý nâng mức học phí khi chưa bàn đến vấn đề hiệu quả, hiệu suất trong vận hành cũng như hoạt động đào tạo và năng lực lãnh đạo của nhà trường.

Gỡ trần học phí: những vấn đề quản trị hệ thống

Tài chính đại học thiếu lành mạnh, kém bền vững

Xem xét cơ cấu nguồn thu và tài chính cho đại học trong giai đoạn 2004-2018, báo cáo GDĐH của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ: học phí tăng gấp hơn 5 lần (105USD năm 2004 so với 574USD  năm 2018) trong khi học phí chiếm tỷ lệ hơn gấp đôi trong tổng nguồn thu của đại học (26% năm 2004 so với 55% năm 2017 – Hình 2).

Cơ cấu nguồn thu đại học tính đến 2017 cho thấy NNSN chiếm 22%, học phí chiếm 55% và 23% còn lại bao gồm tất cả các nguồn như nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các loại dịch vụ và các khoản cho tặng, tài trợ. Điều đáng nói là ở nhiều trường, học phí lên tới 60-65%, và từ năm 2017 đến nay với việc tăng học phí liên tục ở nhiều trường, tỷ lệ hiện nay được cho là còn cao hơn. Đặc biệt, trong 23% còn lại, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nhiều trường kể cả các đại học tốp đầu chỉ chiếm khoảng 5-7%, một con số rất rất khiêm tốn cho thấy các trường lệ thuộc quá nhiều vào đào tạo mà yếu kém về nghiên cứu. Cơ cấu tài chính như vậy rất thiếu bền vững cho các trường đại học, nhất là các đại học (định hướng) nghiên cứu.

Theo cơ quan Thống kê Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ, năm 2012, học phí ròng (đã khấu trừ hết các khoản hỗ trợ, học bổng…) chiếm trung bình 26% trong cơ cấu tài chính của các đại học công lập Mỹ. Tỷ lệ nguồn thu từ học phí so với từ các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là tương đối cân bằng (xem tỷ lệ các nguồn thu của bốn đại học nghiên cứu công lập  trong Hình 3). Đối với các trường đại học của Úc, tổng nguồn thu học phí chiếm 44.6% tổng nguồn thu, trong đó học phí từ sinh viên quốc tế chiếm 26.4% và sinh viên bản xứ chỉ chiếm 18.2%.

Việc tiếp tục nâng học phí và nâng theo nhu cầu và nguyện vọng của các trường khiến cho họ lệ thuộc càng thêm lệ thuộc vào đào tạo, càng thêm thiếu động lực để phát triển nghiên cứu, công nghệ và đối mới sáng tạo. Nếu muốn phát triển đại học nghiên cứu hay định hướng nghiên cứu, cần phải có chính sách cân đối các nguồn thu từ đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.


Bảng 1: So sánh về mức tài trợ ngân sách cho GDĐH và Mức độ phụ thuộc vào đóng góp từ gia đình (Nguồn: WB, 2020). (Chi phí đơn vị – unit cost là chi phí CSGD phải bỏ ra để cung cấp dịch vụ giáo dục).

Chưa dừng ở đó, mức đầu tư (tỷ trọng trên GDP) cho giáo dục sau phổ thông của Việt Nam và mức đóng góp của người học ở các trường công lập (tỷ trọng học phí trong tổng chi phí đơn vị) cũng cho thấy những bất cập khi đối sánh tương đối với các quốc gia khác. Việt Nam nằm trong nhóm có mức chi học phí cao nhất (chiếm trên 40% tổng chí phí đơn vị) trong khi mức đầu tư của nhà nước thấp nhất (0.33% GDP) (Bảng 1). Điều này có nghĩa rằng, chúng ta đang đổ gánh nặng chi phí học sau phổ thông sang gia đình.

Thiếu cơ chế và trách nhiệm giải trình với người học

Các thảo luận cũng như kiến nghị, đề xuất từ CSGD về tăng học phí thường thiếu vắng các cam kết về chất lượng và trách nhiệm giải trình đi kèm.

Mặc dù chính sách gắn tự chủ toàn diện với tự chủ tài chính, cắt nguồn ngân sách cho chi thường xuyên cần phải đánh giá và xem xét, có thể nói đó là một cơ chế cho phép các trường tự chủ tài chính thực hiện một phần trách nhiệm giải trình với nhà nước. Tuy nhiên trách nhiệm giải trình với người học, với phụ huynh, và với xã hội về chất lượng đào tạo còn để ngỏ.

Câu hỏi chính đáng mà bất cứ người dân nào cũng có thể đặt ra là: Học phí tăng bao nhiêu là đủ và đáp ứng được yêu cầu của CSGD? Phần học phí gia tăng sẽ được sử dụng như thế nào? CSGD có cam kết, đảm bảo chất lượng giáo dục sẽ tăng và tăng tương ứng với mức tăng học phí? Và cơ chế nào để xã hội giám sát việc thực hiện các cam kết của CSGD?

Theo người viết, với tình trạng tỷ trọng học phí chiếm trên 55% và việc tăng học phí đồng loạt trong ba năm trở lại đây, trước khi tiếp tục gỡ trần và mở cửa cho các trường đại học tiếp tục tăng học phí, cần phải thảo luận và đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên để ngăn chặn việc ‘tăng đại’ học phí.

Gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục sau đại học

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (2020), các công cụ hỗ trợ tài chính hiện có (học bổng, miễn/giảm học phí và cho vay sinh viên) chưa thực sự phát huy hiệu quả” và “bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục sau phổ thông ngày càng giãn rộng giữa các nhóm thu nhập và dân tộc”.   

Điểm cốt yếu tại thời điểm này là nghiên cứu, đề xuất, thí điểm các chương trình tín dụng sinh viên, các chương trình học bổng toàn phần và các dạng thức hỗ trợ một phần sao cho đúng đối tượng và hiệu quả, để cải thiện tiếp cận giáo dục sau phổ thông cho nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp, các nhóm yếu thế và các nhóm dân tộc ít người. Nếu tiếp tục tăng học phí, kể cả duy trì trần học phí ở khung cao hơn, mà chưa có các chương trình hỗ trợ hiệu quả sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa các nhóm hộ gia đình có mức thu nhập khác nhau.


Hình 3: Nguồn thu của một số trường đại học, năm tài chính 2015 (Nguồn: American Academy of Arts & Sciences, Public Research Universities: Changes in State Funding, Cambridge, Mass.: American Academy of Arts & Sciences, 2015).

 

Kết luận

Đóng vai trò chính yếu và chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo trước tiên là CSGD, với toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, quản lý, hành chính, giảng dạy, chứ không phải là người học. Mọi thảo luận về chất lượng và đổi mới giáo dục sau phổ thông, gồm đại học và giáo dục nghề nghiệp, đều cần phải lấy tâm là năng lực của CSGD và năng lực của đội ngũ trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu. Học phí và động lực của người học hiển nhiên là quan trọng, nhưng cả hai yếu tố vệ tinh này được quyết định bởi nhiều vấn đề trong đó phần lớn chính bởi năng lực của CSGD và đội ngũ giảng viên. Không thể tách rời câu chuyện về tăng học phí với năng lực của nhà trường và trách nhiệm của họ đối với chất lượng giáo dục.

Các gia đình trả tiền cho chương trình học, nhưng họ không có tiếng nói trong các quyết sách liên quan đến đào tạo và quyền lợi của người học không được đặt lên trước. Người học sẵn sàng trả tiền cho một trải nghiệm giáo dục xứng đáng, kể cả bằng vay nợ. Việc của các CSGD là đảm bảo sản phẩm giáo dục họ cung cấp là ‘đáng đồng tiền bát gạo’ mà người dân chi trả. Học phí là một sợi dây ràng buộc giữa người học/gia đình và CSGD nhưng không phải là duy nhất để các CSGD có thể ‘tăng đại’ theo ý muốn.

Do vậy, việc gỡ bỏ khung trần học phí đại học, cho bất cứ đối tượng nào, cần hết sức thận trọng.

——

1 Do tác giả tính toán dựa trên số liệu từ Báo cáo OECD 2020, Education at a Glance và Ngân hàng Thế giới; là tỷ lệ giữa học phí đại học công lập dành cho dân bản xứ trên GDP bình quân đầu người năm 2018.

Tài liệu tham khảo

Dilip Parajuli, Võ Kiều Dung, Jamil Salmi, và Trần Thị Ánh Nguyệt (2020). Nâng cao Hiệu quả Giáo dục Đại học tại Việt Nam: Các ưu tiên chiến lược và lựa chọn chính sách. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tại: https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/33681/Improving-the-Performance-of-Higher-Education-in-Vietnam-Strategic-Priorities-and-Policy-Options.pdf?sequence=1&isAllowed=y
National Center for Education Statistics, IPEDS Analytics: Delta Cost Project Database 2000–2012. Available at: https://nces.ed.gov/ipeds/deltacostproject/

Tác giả