Những nhược điểm của giáo dục tinh hoa Mỹ (Kỳ I)
Những trường đại học hàng đầu của Mỹ đã quên mất rằng lí do chúng tồn tại là để tạo ra trí tuệ chứ không phải công ăn việc làm.
Tôi đã không nhận ra những lỗ hổng trong giáo dục của mình cho tới khi 35 tuổi. Đó là khi hệ thống đường ống của căn nhà tôi mới mua cần được sửa chữa, và người thợ nước đang đứng trong căn bếp. Anh ấy ở đó, một người thấp đậm với chòm râu dê, đội mũ thể thao Red Sox, giọng nói đậm đặc thổ âm vùng Boston. Tôi chợt nhận ra mình chẳng biết nói gì với một người như vậy. Kinh nghiệm của anh ta xa lạ với tôi, những giá trị của anh tôi chẳng thể đoán định, còn giọng nói tiếng địa phương kia thật bí ẩn, đến nỗi tôi không biết làm sao để chuyện trò xã giao vài phút trước khi anh bắt tay vào việc. Mười bốn năm giáo dục bậc cao và một mớ bằng cấp Ivy League1, và tôi đứng đó, người cứng đơ và đần thộn. “Thiểu năng Ivy”, một người bạn tôi gọi triệu chứng này như vậy. Tôi có thể trò chuyện với mọi người từ các nước khác, bằng những ngôn ngữ khác, nhưng lại không thể nói chuyện với người đàn ông đang đứng trong chính căn nhà mình.
Chẳng hề ngạc nhiên khi tôi phải mất nhiều năm tháng mới nhận ra được mức độ khiếm khuyết trong giáo dục của mình, bởi giáo dục tinh hoa chẳng khi nào dạy cho bạn về sự khiếm khuyết của nó. Hai mươi tư năm ở Yale và Columbia đã cho tôi thấy, đại học tinh hoa không ngừng khuyến khích sinh viên tự mãn vì đã được tuyển vào trường và hân hoan vì những triển vọng tốt đẹp sau khi tốt nghiệp. Quả thực, những lợi thế của giáo dục tinh hoa là không thể phủ nhận. Bạn học cách tư duy, ít nhất theo một số cách nhất định, và bạn tạo được các mối quan hệ cần thiết để lập bệ phóng vào đời với nhiều phần thưởng được xã hội tôn vinh. Với những thuận lợi như vậy, thật khó để nhận ra rằng giáo dục tinh hoa tuy tạo ra một vài cơ hội nhưng đồng thời hủy đi những cơ hội khác, phát triển một số kỹ năng nhưng đồng thời cũng làm què cụt những kỹ năng khác.
Tự mãn và tự cô lập
Nhược điểm đầu tiên của giáo dục tinh hoa, như tôi nhận ra trong căn bếp ngày ấy, là nó khiến bạn bất lực trong việc nói chuyện với những người không giống mình. Các trường tinh hoa tự hào về sự đa dạng thành phần người học, thế nhưng sự đa dạng đó hầu như chỉ là vấn đề chủng tộc/sắc tộc. Những trường này phần lớn là ngày càng đồng nhất đơn điệu về tầng lớp. Hãy đến các khu sân bãi trong trường và bạn sẽ hứng thú vì thấy con cái của những doanh nhân và giới chuyên gia da trắng học tập và vui chơi bên cạnh con em của những doanh nhân và giới chuyên gia da đen, gốc Á, hay Latin. Mặt khác, những trường này có xu hướng nuôi dưỡng tư tưởng tự do, chúng khiến sinh viên rơi vào thế kẹt, khi mà một mặt chúng đề cao chủ trương đứng về phía tầng lớp lao động, mặt khác lại khiến người ta không thể đồng cảm để có một cuộc nói chuyện đơn giản với những người thuộc tầng lớp này. Hãy xem hai ứng viên Tổng thống gần đây nhất của Đảng Dân chủ, Al Gore và John Kerry: một từ Harvard và một từ Yale, những người nghiêm túc, lịch thiệp, trí tuệ, và cả hai đều không thể giao tiếp với phần đông cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Nhưng vấn đề không chỉ là tầng lớp. Nền giáo dục mà tôi trải qua còn dạy tôi tin rằng những người không học ở Ivy hoặc một trường cùng đẳng cấp thì không đáng nói chuyện cùng, dù cho họ thuộc tầng lớp nào. Tôi được trao một thông điệp hiển nhiên rằng những người đó kém cỏi hơn mình, rằng chúng tôi là những người “giỏi nhất và thông minh nhất”, như cách nói phổ biến ở các trường Ivy, và những người khác thì không giỏi bằng, ít thông minh hơn. Tôi học gật đầu một cách thông cảm và hiểu biết “à” khi mọi người nói với tôi rằng họ theo học ở một trường ít danh giá hơn. Tôi chưa bao giờ được học rằng có những người khôn ngoan không theo học đại học tinh hoa, mà lí do chính là vì họ thuộc giai cấp khác. Tôi chưa bao giờ được học rằng có những người khôn ngoan mà không hề học đại học.
Thật khó để nhận ra rằng giáo dục tinh hoa tuy tạo ra một vài cơ hội nhưng đồng thời hủy đi những cơ hội khác, phát triển một số kỹ năng nhưng đồng thời cũng làm què cụt những kỹ năng khác. ——– Những cơ sở giáo dục tinh hoa được cho là cung cấp một nền giáo dục nhân văn, nhưng nhược điểm cơ bản của nền giáo dục tinh hoa là nó đã cô lập, tách bạn xa khỏi số đông con người trong xã hội. |
Tôi cũng chưa bao giờ học được rằng có những người khôn ngoan nhưng lại chẳng “khôn ngoan” [theo những tiêu chí đánh giá của các trường Ivy]. Trí thông minh mang tính xã hội, trí tuệ cảm xúc, và khả năng sáng tạo, hẵng tạm lấy 3 ví dụ như vậy, là những phẩm chất không được ưu tiên đúng mức trong việc đào tạo ở các đại học tinh hoa. Vậy nên ngày nay, dù các đại học tinh hoa mong muốn tuyển thêm vào trong lứa sinh viên mới một vài người có triển vọng làm diễn viên hay nghệ sĩ violin, thì trong thực tế họ chỉ chọn lựa và phát triển một kiểu tiềm năng trí tuệ duy nhất: kỹ năng phân tích. Tuy đặc thù này cũng khá phổ biến ở tất cả các đại học khác, nhưng ở các trường tinh hoa sinh viên (cũng như hội đồng giảng dạy và giám hiệu) sở hữu kiểu thông minh này ở một mức cao hơn, và có xu hướng phớt lờ giá trị của những dạng trí tuệ khác.
Tôi có người bạn đã học ở một trường Ivy sau khi tốt nghiệp một trường trung học công vô cùng bình thường. Cô nói rằng một trong những giá trị của việc tới học một trường như vậy là nó dạy bạn tương tác và kết nối với những người yếu kém. Những cơ sở giáo dục tinh hoa được cho là cung cấp một nền giáo dục nhân văn, nhưng nhược điểm cơ bản của nền giáo dục tinh hoa là nó đã cô lập, tách bạn xa khỏi số đông con người trong xã hội.
Sự tầm thường đặc quyền
Nhược điểm thứ hai, hàm ẩn trong những gì tôi đã nói, là giáo dục tinh hoa nhồi nhét một ý thức sai lệch về giá trị cái tôi. Nhập học đại học tinh hoa, học tập tại đại học tinh hoa, và tốt nghiệp từ đại học tinh hoa, tất cả đều liên quan tới xếp hạng thứ tự các điểm thi SAT, GPA, GRE. Bạn học cách nghĩ về bản thân trong mối quan hệ với các con số này. Chúng không chỉ như thể định đoạt số phận bạn, mà còn như thể xác định danh tính và giá trị của bạn. Vấn đề là ở chỗ dường như người ta khuyến khích các sinh viên quên đi sự thật rằng những gì bài kiểm tra đánh giá chỉ là khả năng làm bài kiểm tra, tạo thành cách hiểu là sự vượt trội trong học thuật trở thành sự vượt trội theo nghĩa tuyệt đối, khi mà “giỏi hơn trong lĩnh vực X” bỗng đơn giản trở thành “giỏi hơn” theo nghĩa rộng.
Tự hào về trí tuệ và kiến thức của mình không có gì là sai. Nhưng cái sai khởi đầu từ sự tự mãn thiển cận và lời văn hoa chúc mừng trong những lá thư thông báo trúng tuyển mà những trường tinh hoa gửi tới bạn. Từ buổi ban đầu định hướng cho tới khi tốt nghiệp, thông điệp được ẩn chứa trong ngữ điệu và những cái nghiêng đầu, trong các hoạt động truyền thống của những ngôi trường cổ, trong bài viết đầu năm của sinh viên trên tờ báo trường, trong mọi bài diễn văn của lãnh đạo nhà trường. Thông điệp là: Chào mừng bạn tới câu lạc bộ. Và kết luận cũng rành rành: Bạn xứng đáng với mọi thứ mà bạn sẽ được hưởng nhờ hiện diện ở đây. Khi mọi người nói sinh viên tại các trường tinh hoa có ý thức mạnh mẽ về quyền lợi, ý họ là những sinh viên đó nghĩ rằng mình xứng đáng hưởng nhiều hơn những người khác bởi vì điểm SAT của họ cao hơn.
Một trong những sai lầm lớn nhất của giáo dục tinh hoa là nó dạy bạn nghĩ rằng các chỉ số đo sự thông minh và thành tích học thuật cũng là thước đo giá trị theo nghĩa đạo đức và siêu hình. Nhưng đâu phải vậy. Sinh viên tốt nghiệp các trường tinh hoa không đáng giá hơn những người trì độn, hay bất tài, hoặc thậm chí là những kẻ lười biếng. Những đau đớn của họ không nhức nhối hơn ở những người khác. Tâm hồn họ cũng không có trọng lượng hơn. Nếu theo đạo, hẳn tôi sẽ nói Chúa không yêu họ hơn. John Ruskin đã nói với một người thuộc giới tinh hoa, khi cố gắng chiếm đoạt những gì bạn có thể chiếm được, dẫu bằng sức mạnh của trí não hay sức mạnh của nắm đấm, thì kiểu gì cũng tệ như nhau.
Hệ quả không chỉ có vậy. Nền giáo dục tinh hoa không chỉ soi đường dẫn bạn vào tầng lớp thượng lưu, nó còn tập dượt bạn cho lối sống chung với đặc quyền. Tại những nơi như Yale, người ta có những quy định về hạn nộp bài vở và yêu cầu tham dự đầy đủ các buổi học, nhưng chẳng ai nghiêm túc trong việc chấp hành chúng. Luôn có khả năng gia hạn thời gian nếu như bạn yêu cầu, và nguy cơ mất tín chỉ vì cúp cua là hãn hữu. Nói cách khác, sinh viên ở những đại học như Yale có vô số cơ hội lần hai. Nhưng việc này không xảy ra ở những đại học bình thường, như Cleveland State, nơi một người bạn tôi học. Cô ta một lần bị điểm D ở một lớp mà trước đó cô luôn đạt điểm A, lý do chỉ vì nộp bài muộn giờ do vướng làm một ca phục vụ bàn.
Đó có thể là một ví dụ cực đoan, nhưng nó không đời nào xảy ra tại một trường tinh hoa. Sinh viên tại những trường như Cleveland State, không giống những nơi như Yale, không có một trung đội những người tư vấn, trợ giảng, trưởng khoa để trình bày lí do nộp bài muộn, giúp họ khi cần, nâng đỡ họ khi vấp ngã. Họ được nhận một nền giáo dục theo kiểu bán sỉ, từ một bộ máy quan liêu thản nhiên; nó không được thiết kế cho phù hợp với từng đặc thù cá nhân, và cũng không đi kèm với một đội ngũ những nhân viên giáo vụ niềm nở. Ở nơi này có rất ít cơ hội cho những sự tiếp xúc mà tôi thấy sinh viên của mình [ở các trường tinh hoa] nhận được hằng ngày – các lớp học thỉnh giảng với những người môi giới quyền lực, các bữa tối với những nhân vật quyền cao chức trọng. Cũng có rất ít những quĩ đặc biệt mà tại những nơi như Yale thì luôn thừa mứa: công tác phí, tài trợ nghiên cứu, thưởng hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi năm, khoa của tôi tại Yale trao hàng tá các giải thưởng tiền mặt cho tất cả mọi thứ từ bài luận của sinh viên năm nhất tới dự án của sinh viên năm cuối. Năm nay, chỉ tính riêng một khoa, con số này là hơn 90,000USD.
Sinh viên tại những trường như Cleveland State không thể đạt điểm A- nếu chỉ đơn thuần làm đầy đủ bài vở. Thời gian gần đây có khá nhiều lo ngại xung quanh chuyện lạm phát điểm chác. GPA (điểm trung bình môn) trung bình ở các trường công là 3.0, tương ứng điểm B; tại trường tư là 3.3, gần với B+. Còn tại phần lớn các trường thuộc hệ thống Ivy League, con số này là gần 3.4, trong khi luôn có những sinh viên không làm bài tập, hoặc những người tham gia những lớp khác xa chuyên ngành của họ (chỉ cho vui hoặc để đáp ứng yêu cầu phụ nào đó), hoặc chưa đạt chuẩn (vận động viên). Ở những trường như Yale, sinh viên tới lớp và học tập chăm chỉ kì vọng điểm từ A- trở lên. Và đa phần là họ đạt được điều này.
Sinh viên tại những trường như Cleveland State, không giống những nơi như Yale, không có một trung đội những người tư vấn, trợ giảng, trưởng khoa để trình bày lí do nộp bài muộn, giúp họ khi cần, nâng đỡ họ khi vấp ngã. |
Tóm lại, cách thức sinh viên được đối xử tại các trường đại học là một sự chuẩn bị sẵn cho vị trí xã hội họ sẽ nắm giữ sau khi ra trường. Ở những trường như Cleveland State, họ được đào tạo cho những vị trí đâu đó thuộc hệ thống tầng lớp trung lưu, nằm thấp sâu trong bộ máy quản lý [của các doanh nghiệp hay các cơ quan, tổ chức]. Họ bị bó buộc trong một cuộc sống có rất ít các cơ hội lần hai, không có sự gia hạn, rất ít hỗ trợ, cơ hội hạn hẹp – đó là cuộc sống hạng hai của những người bị giám sát và kiểm soát, cuộc sống của những hạn chót về thời gian hoàn thành công việc. Còn tại những trường như Yale, thực tế đương nhiên là điều ngược lại. Giới tinh hoa thích nghĩ rằng họ thuộc giới hiền tài, nhưng điều này chỉ đúng ở một chừng mực nhất định. Bước qua cánh cổng đại học là rất khó khăn, nhưng một khi đã vào trót lọt thì gần như chẳng có gì bạn làm khiến bạn có thể bị loại ra ngoài. Dù kém thảm hại về bài vở, hay hành động đạo văn tày trời, hay thậm chí đe dọa bắt nạt sinh viên khác… thì sẽ chẳng khiến bạn bị loại khỏi trường. Điều này thật kì khôi và không công bằng – nói cách khác, nó là cơ chế tự bảo vệ của một mạng lưới hệ thống mang tính truyền thống. Các trường tinh hoa nuôi dưỡng sự ưu tú, nhưng họ cũng nuôi dưỡng điều mà những cựu sinh viên Yale gọi là “sự tầm thường đặc quyền”. Điểm A đánh dấu sự ưu tú, còn A- là sự tầm thường đặc quyền. Điều này có nghĩa là, đừng lo, chúng tôi sẽ chăm sóc bạn. Dù có thể bạn không giỏi lắm, nhưng bạn đủ tốt ở mức chấp nhận được.
Ở đây, những gì xảy ra trong các trường đại học phản ánh cách thức vận hành của thế giới bên ngoài. Với giới tinh hoa, luôn có sự gia hạn – sự giải cứu, sự miễn tội, điều trị cải tạo – luôn có vô số kênh đối tác và các khoản thu nhập đặc biệt – những câu lạc bộ cao cấp, những hội thảo, thưởng cuối năm, lợi tức. Nếu Al Gore và John Kerry là đại diện cho sản phẩm đặc thù của nền giáo dục tinh hoa, George W.Bush lại đại diện cho một khía cạnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà vị Tổng thống này của chúng ta, đỉnh cao của sự tầm thường đặc quyền, từng học Yale. Thật vậy, sự tầm thường đặc quyền là một nguyên tắc vận hành bộ máy chính quyền của ngài, nhưng như vụ Enron và WorldCom cùng những vụ bê bối khác của sự sụp đổ bong bóng kinh doanh trên Internet cho thấy, đây cũng đồng thời là nguyên tắc đặc thù trong hoạt động của nền doanh nghiệp Mỹ. Khoản lương hậu hĩ trả cho các CEO kém cỏi là phiên bản của điểm A-. Những ai còn nhớ sự cao đạo mà Kenneth Lay thể hiện trước ý kiến cho rằng ông phải có trách nhiệm giải trình về những hành động của mình thì sẽ hiểu cơ chế tâm lý này – niềm tin rằng một khi bạn đã có chân trong câu lạc bộ, bạn sẽ được Chúa trao quyền để ở đó mãi.
Đóng cửa cơ hội khác
Ngoài cám dỗ hướng tới sự tầm thường, một trong những nhược điểm khác của giáo dục tinh hoa là cám dỗ ngả về sự an toàn ổn định. Khi giải thích tại sao phải làm lụng vất vả để dành cho con em mình sự giáo dục tốt nhất có thể, các bậc phụ huynh lúc nào cũng nói bởi vì nó mở ra các cơ hội. Thế còn các cơ hội đã bị đóng sập thì sao? Một nền giáo dục tinh hoa cho bạn cơ hội trở nên giàu có, nhưng đồng thời cũng tước bỏ cơ hội được không giàu. Vậy mà không giàu thực ra lại là một trong những cơ hội lớn nhất mà thanh niên Mỹ ngày nay may mắn được hưởng. Chúng ta sống trong một xã hội giàu có đến mức nó có thể cung cấp một mức sống tương đối ổn cho mọi tầng lớp mà ở những nước khác đang mấp mé ngưỡng nghèo, hoặc ít ra là bần cùng. Còn ở Mỹ, bạn có thể sống thoải mái khi làm một giáo viên, một người tổ chức cộng đồng, một luật sư dân sự, hoặc một nghệ sĩ – theo tất cả mọi nghĩa của từ thoải mái. Khi lựa chọn những công việc như vậy, đời sống của bạn không thể xa hoa, nhưng bạn vẫn có cơ hội được làm những điều mà bạn tin vào, những điều phù hợp với bạn, và điều mà bạn yêu thích được làm mỗi ngày.
Nhưng đó lại chính là những gì mà nền giáo dục tinh hoa tước mất. Làm sao tôi có thể là một giáo viên – đó chẳng phải sự phung phí cho nền giáo dục đắt đỏ mà tôi được hưởng ư? Có phải tôi đang quẳng đi những cơ hội mà cha mẹ tôi phải vất vả làm lụng để dành cho mình? Các bạn tôi sẽ nghĩ gì? Làm sao tôi có thể gặp các bạn cùng lớp tại buổi lễ kỉ niệm 20 năm, khi họ đều là những luật sư giàu có hay nhân vật quan trọng ở New York? Và câu hỏi đằng sau tất cả những điều trên là: Không phải tôi cao giá hơn thế sao? Vậy là tất cả các khả năng bị đóng lại, và bạn lỡ mất tiếng gọi thực sự từ trái tim.
(Xem tiếp kỳ sau)
Thanh Hiền lược dịch
———-
1 Ivy League: hệ thống tám viện đại học tư ở Đông Bắc Mỹ, bao gồm: ĐH Brown, ĐH Columbia, ĐH Cornell, ĐH Dartmouth, ĐH Harvard, ĐH Princeton, ĐH Pennysilvia, ĐH Yale. Những trường này thường gắn với sự vượt trội về học thuật, sàng lọc kĩ càng trong quá trình tuyển sinh và tầng lớp tinh hoa xã hội.