Triết lý của nhóm Cánh Buồm: Trồng người hiện đại

Lâu nay thỉnh thoảng lại nghe nói về “dạy chữ” và “dạy người” – hai điều được nêu ra coi như chưa ăn ý với nhau trong nền giáo dục phổ thông hiện thời. Để cho ngắn gọn, bài này đi thẳng vào cách hiểu và cách làm của nhóm Cánh Buồm với đề tài “trồng người” ở góc độ tổ chức cho con em tự học làm người. Như vậy để tránh sa đà vào những cuộc tranh luận nhiều thiện chí và cũng lắm ngẫu hứng rất khó tìm thấy lối ra.

1. Con người hiện đại

Con người mà nhóm Cánh Buồm mong muồn góp phần đào tạo cho xã hội, cho dân tộc là con người hiện đại không theo hệ Khổng-Nho, kể cả dạng Khổng-Nho đã “Việt Nam hóa”. Nói thế hoàn toàn không có nghĩa là Cánh Buồm chống lại những giá trị Khổng-Nho chân chính. Con người Nhân và Nghĩa, con người Trí và Dũng, con người trọng Lễ và trọng chữ Tín… con người nhập cuộc tu thân, tề gia, trị quốc … đó là những hình mẫu người đẹp, thời nào cũng phải kính nể. Chỗ khác nhau khi đặt mục tiêu đào tạo con người hiện đại thay cho con người Khổng-Nho không chỉ vì tính thời đại, mà còn vì phương cách tạo ra kiểu người chúng ta trông đợi – cách nào mù mờ khó thực hiện, cách nào tường minh dễ thực hiện.

Chúng tôi không coi chuyện trồng người như một nhánh riêng mang phẩm chất “giáo dục đạo đức”, nằm bên cạnh và được ghép vào với nội dung “hàn lâm”. Nhóm Cánh Buồm hiểu công việc đó theo cách khác: ngay trong cách học, ngay khi người học tự chiếm lĩnh các nội dung giáo khoa Cánh Buồm, mỗi bước tiến lên hàm chứa những thành tố thuộc cách tư duy và cách sống của con người hiện đại – học sách Cánh Buồm là học cách triển diễn, hiện đại hóa mình thành con người hiện đại.

Lấy thí dụ thứ nhất về việc học môn Văn. Cốt lõi giáo dục tư duy và tình cảm nghệ thuật qua môn Văn là tạo ra những con người biết đồng cảm với “nỗi đau nhân tình”, là biết thao tác với những cách tạo ra và nhào nặn hình tượng nghệ thuật, là biết cách biểu đạt tình cảm mình một cách tinh tế cả bằng “lời văn” lẫn không bằng lời văn. Đó chính là cách “trồng người” để con người có năng lực văn (do đó, có năng lực nghệ thuật). Trồng người-Văn-Nghệ thuật theo cung cách đó chính là đỡ đẻ cho ra đời con người hiện đại. Dĩ nhiên, con người hiện đại này càng khác xa con người tầm chương trích cú của lò giáo dục Khổng-Nho, mà hệ quả đương thời tệ hại nhất là nạn học giả và tôn sùng bằng cấp giả.

Lấy thí dụ thứ hai về việc học môn Ngôn ngữ. Cốt lõi của việc học tiếng mẹ đẻ ngay từ bậc tiểu học không phải là nhại lại những hành vi ngôn ngữ trẻ em đã khá thành thạo suốt sáu năm đời trước khi vào lớp Một. Con người đang hiện đại hóa chính mình từ khi vào lớp Một – đó là dùng khoa học ngôn ngữ để soi tỏ vào hiện tượng ngôn ngữ mẹ đẻ các em đã dùng từ khi lọt lòng mẹ và cảm nhận được ngay từ trước khi lọt lòng mẹ. Trồng người-ngôn-ngữ-học lúc này là tổ chức cho trẻ em làm lại những thao tác nghiên cứu ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp học, văn bản học sao cho các em biết dùng tiếng mẹ đẻ với ý thức ngôn ngữ học rõ ràng. Thật xa lạ với con người hiện đại khi học ngôn ngữ học tiếng Việt: nó không học theo lối nhặt nhạnh, năng nhặt chặt bị, như cách học đã có từ bao đời.

Và đây là thí dụ thứ ba về việc Giáo dục Lối sống ngay từ lớp Một cho con người đang trở thành hiện đại của nền giáo dục. Con người đó không thể là con người gian dối nói một đằng làm một nẻo. Vì thế, môn học Đạo đức cũng như môn Công dân Giáo dục đều là những tấm áo không vừa kích cỡ nó. Chưa kể, môn Đạo đức dẫu sao vẫn có hơi hướm Khổng-Nho với những lời khuyên vàng ngọc tuyệt vời của thầy giáo. Không chọn đào tạo con người Khổng-Nho, không chọn con đường giáo dục những công dân “quá độc lập”, nhóm Cánh Buồm chọn một nguyên lý cao hơn thế, cái nguyên lý chi phối cuộc sống cộng đồng mà từ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới một em bé sáu tuổi bắt đầu học lớp Một đều cần phải trau dồi: tinh thần và năng lực sống đồng thuận.

2. Tự làm ra chính mình

Theo Khổng-Nho, người ta nói đến nhân bất học bất tri lý, nhưng điều này hàm ý phải được người thầy dạy dỗ tử tế thì mới “nên thân người”. Người ta không ngần ngại công bố nhất tự vi sư bán tự vi sư từ đó mà có sự tôn sư trọng đạo, vì đơn giản là không thầy đố mày làm nên.

Ngày nay không thể như vậy! Nhóm Cánh Buồm có ý thức tạo ra một chương trình và một bộ sách giáo khoa tiểu học mang tên Em biết cách học thể hiện được tinh thần và phương pháp tự học – tự giáo dục. Dĩ nhiên, người thầy giáo sẽ phải là nhà tổ chức sự “tự vun trồng” theo hướng tự học – tự giáo dục. Vẫn “không thầy đố mày làm nên”, nhưng “thầy giáo” đây không còn là những cá nhân dạy học giỏi, mà là một nguyên lý tổ chức sư phạm để tổ chức việc “trồng người” theo những chỉ dẫn tâm lý học được thử thách.

3. Làm cách gì cho trẻ tự học được?

Hoạt động học – động cơ và ý thức

Dựa trên sự phân giải của nhà tâm lý học Nga Leontiev, điều cần tạo ra đầu tiên ở trẻ em bắt đầu đi học là một động cơ cho hoạt động học.

Xưa nay, những người yêu trẻ, những nhà văn yêu tuổi thơ học đường đã có biết bao áng văn thơ ca ngợi cái thuở ban đầu cắp sách đến trường. Anatole France nhớ “năm nào cũng như năm nào, khi lá ngoài đường rụng nhiều, khi những bữa ăn chiều đã phải lên đèn …” thì lại nhờ nhiều đến cậu bé tung tăng đến trường. Nhà thơ Thanh Tịnh cũng “Nhớ buổi dầu đi học” nhút nhát nép mình, kính nể nhìn các anh chị học trò cũ…

Bạn nghĩ gì về những em bé học trò lần đầu đến trường như thế? Thật đáng yêu, và cũng thật đáng tiếc ở một điều này: các em này chẳng có ý thức gì hết về sự bắt đầu chuyển hướng hoạt động của đời mình – em bắt đầu đi học. Các em vẫn đi học như một thói quen vào dịp “Ngày đưa con tới trường” hằng năm theo cha mẹ ông bà anh chị và bè bạn đến trường, các em chưa đi học như dấn thân vào một hoạt động mới cần nhận thức rõ trong ý thức của mình.   

Ta đừng chờ trẻ em có ngay từ đầu một ý thức và một động cơ tham gia vào hoạt động học mới mẻ của đời mình. Lại phải chờ những hành động học và thao tác học cụ thể sau này sẽ đẫn các em đến những thành tựu được các em trông đợi. Khi đó, hy vọng là động cơ học sẽ dần dần được củng cố rõ.

Và “trồng người” lúc này chính là tạo ra ở người học một ý thức về hoạt động học của đời học trò bắt đầu từ tiết học đầu tiên lớp Một trường phổ thông.

Hành động học rõ ràng và thao tác học mạch lạc

Ngay từ khi bắt đầu đi học trẻ em phải bắt đầu học lấy cái ý thức mình làm gì và làm để đạt mục đích gì và sau đó, đạt mục đích bằng phương pháp gì, thậm chí có khi còn học bằng kỹ thuật gì. Do vậy ngay từ trên bìa sách giáo khoa Cánh Buồm cho đến nội dung bên trong đã cho ghi rõ những điều thuộc về học gì, học bằng cách nào, học đến đâu là đạt yêu cầu theo quan điểm đó. Ví dụ với môn Văn, các vật liệu văn chương không dùng để tán tụng nhại lại, mà để học lấy tư duy và tình cảm nghệ thuật – với định nghĩa nghệ thuật là hành động tự mình tạo ra cái Đẹp. Vì thế kỹ thuật trồng người có năng lực Văn-Nghệ thuật là học lòng đồng cảm, rồi học các thao tác nghệ thuật như tưởng tượng, liên tưởng, sắp xếp, rồi ứng dụng được các thao tác nghệ thuật đó vào các thể loại nghệ thuật (âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, văn xuôi, thơ trữ tình, kịch).

Con người “nên người” tự tạo ra năng lực Văn-Nghệ thuật theo cách này sẽ khác hẳn con người nghe giảng về văn chương. Thật vậy, chỉ nghe giảng về thơ với lối nhấn nhá thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc thì học sinh không tưởng tượng nổi thế nào là “hội họa trong thơ” và “âm nhạc trong thơ”. Nhưng một khi đến với âm nhạc mà không chỉ dừng lại ở các nốt nhạc do re mi và bình luận về các đại tác gia âm nhạc mà thực sự sống trong các thao tác nghệ thuật với Nhạc rừng, với Làng tôi, với Lên đàng… ; một khi đến với hội họa bằng bàn tay mình khi bôi màu và cả khi nhào nặn những hình khối, mà không dừng lại ở những am hiểu “uyên bác” về các đại danh họa… khi đó ta sẽ có con người nên thân người hiện đại.

Với môn Tiếng Việt, sứ mệnh dạy con người hiện đại hóa đi theo cách dùng vật liệu tiếng Việt để học lấy những khái niệm cơ bản của Ngôn ngữ học, nhờ đó học sinh sẽ có năng lực ngôn ngữ ngày càng nảy nở nhờ dùng các thao tác nghiên cứu ngôn ngữ như đã được các nhà ngôn ngữ học thực hiện.

Năng lực ngôn ngữ của con người hiện đại sẽ không dừng lại ở cách học năng nhặt chặt bị kéo dài đã bao nhiêu đời! Năng lực ngôn ngữ sẽ biến hóa nhờ chế ngự Ngữ âm học, Từ vựng học, Cú pháp học, Văn bản học, và sự ứng dụng vào Các dạng hoạt động ngôn ngữ, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ của đời sống hằng ngày.

Với môn Giáo dục Lối sống, sự “nên người” được hình thành dần qua việc nhà trường và gia đình chung tay tổ chức cuộc sống hằng ngày của trẻ theo định hướng có ý thức về sự thực thi tinh thần đồng thuận.

Ngay từ lớp Một, đã phải học cách đi tìm sự đồng thuận giữa ba khối người trong tổ chức giáo dục mang hình thù ngôi trường – Giáo viên, Học sinh, Phụ huynh – thuyết phục ba khối người đó chấp thuận cho học sinh được sống tự chủ. Môn Lối tiếp tục cho học sinh “nên người” nhờ đi tìm sự đồng thuận trong cách sống của một cộng đồng ở dạng tổng quát nhất, theo định nghĩa: một cộng đồng cùng lao động bảo đảm cuộc sống, cùng hòa hợp về văn hóa bảo đảm đời sống tinh thần, và cùng biết cách tháo ngòi xung đột. Lối sống đó được học tiếp khi đi tìm sự đồng thuận trong cách sống của một cộng đồng ở hình thái một gia đình – cũng đòi hỏi lao động, văn hóa tinh thần, và tháo ngòi xung đột và nhận rõ sự phân biệt giữa đạo lý và pháp lý trong cuộc sống gia đình. Từ gia đình lên cộng đồng quốc gia sang cộng đồng loài người ta hoàn toàn hình dung được cách học đạo đức hoàn toàn mới khi con người hiện đại tự hình thành chính mình, tự tạo ra chính mình.

Phân biệt rõ Chơi và Học

Trong sách giáo khoa Cánh Buồm, nhiều trường hợp việc học diễn ra như là chơi trò chơi. Đó chỉ là những tình huống giả như trò chơi, còn thực chất vẫn phải là những tiết học dẫn con người đến nhận thức. Điển hình là hình thức trò chơi hết sức đắc địa các màn kịch nhỏ dùng được cho các môn học, Văn, Ngôn ngữ học, Lối sống, Lịch sử…

Khi chơi trò chơi, học sinh nhập thân vào cuộc sống thực, cho dù cuộc sống đó rất nhiều khi mang tính sách vở – con người phải nên thân người bằng sách, là nơi cô đúc kinh nghiệm sống của loài người, nhưng con người phải biến sách đó thành tài sản riêng, và chơi kịch chính là nhằm mục đích đó.

***

Quan điểm “nên người” là thành con người hiện đại, con người làm mà học – làm thì học (learning by doing), con người tự làm ra chính phẩm chất hiện đại của mình và điều quan trọng hơn cả, con người đã có một quy trình tự học – tự giáo dục triển khai qua những môn học do nhóm Cánh Buồm đề xuất với những cách tiến hành hoàn toàn dễ thực hiện.

Cách làm đó của Cánh Buồm cũng là cách làm hiện đại của nhà sư phạm hiện đại, nhà sư phạm biết cách tổ chức việc làm cho học sinh để chính các em nên người – con người hiện đại. Mới nghe có vẻ đao to búa lớn, nhưng hiện đại của nhóm Cánh Buồm chỉ khiêm tốn đơn giản chuẩn bị cho con em bậc tiểu học có chừng này thôi: các em học như thế nào thì các em nên người theo cung bậc ấy.

 

Tác giả