Nguyễn Huy Thiệp và tôi
Tôi bắt gặp cái tên Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên khi đang là giảng viên tiếng Anh tại Đại học Tổng hợp Hà Nội vào mùa xuân năm 1990 trong những năm tháng cao điểm của thời kì Đổi mới.
Peter Zinoman (bìa phải) và Nguyễn Huy Thiệp, 1998. Ảnh: Peter Zinoman
Mặc dù tôi được chương trình Những người tình nguyện ở châu Á của Đại học Stanford trả lương, Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn tài trợ thêm cho tôi dưới dạng những tiết học tiếng Việt miễn phí do một cán bộ trẻ của phòng Quan hệ Quốc tế giảng dạy. May mắn thay, người phụ trách tôi, anh Phan Quang Minh, một con người có chính kiến và lý tưởng ở tuổi 20 vừa trở về từ Liên bang Xô viết, tận dụng những giờ lên lớp để giới thiệu với tôi nhiều mối quan tâm của anh về thời kỳ Đổi mới, trong đó có những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.
Có lẽ vì biết rằng tôi là nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, một trong những bài giảng đầu tiên anh dạy tôi là “Vàng lửa”, truyện ngắn lịch sử đầy tranh cãi của Nguyễn Huy Thiệp, từng làm dấy lên một làn sóng cả tấn công dữ dội lẫn bảo vệ nhiệt thành trên báo chí Việt Nam. Tính xét lại lịch sử, ngôn ngữ lạnh lùng và sự kì dị trong cấu trúc truyện (nó có ba cái kết) cũng như niềm đam mê nhiệt thành mà anh Minh dành cho nó đã cuốn hút tôi. “Anh có tin được những gì Nguyễn Du nói ở đây không?” Minh cao giọng thốt lên. Bị ấn tượng bởi câu chuyện và thôi thúc muốn nâng cao khả năng tiếng Việt của mình, tôi dịch truyện ngắn này sang tiếng Anh và gửi nó cho một tạp chí học thuật nhỏ kèm với một lời giới thiệu dài; đó là công bố học thuật đầu tiên của tôi.
Ngay trước khi 18 tháng làm việc tại Đại học Tổng hợp Hà Nội của tôi kết thúc, một giảng viên tại trường, đồng thời là một nhà viết văn nghiệp dư (anh Phạm Hải Vân), biết đến bản dịch của tôi và ngỏ lời giới thiệu tôi với Nguyễn Huy Thiệp, người mà anh ấy cũng có chút quen biết. Bởi vậy, vào tháng một năm 1992, tôi dành một buổi chiều ngồi với nhà văn dưới bóng bức tượng Phật khổng lồ mà ông mới dựng lên ở sân trước nhà trong một ngôi làng ngoại ô ở rìa quận Thanh Xuân.
Trở về Mỹ, tôi đến một tiệm sách của người Việt hải ngoại ở Trung tâm Eden, phía Bắc bang Virginia và mừng rỡ khi thấy tiệm sách có bán những bản in lậu các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Chủ hiệu sách giới thiệu tôi với một nhóm những trí thức người Mỹ gốc Việt – trong đó có Trương Hồng Sơn (Trương Vũ)1 và Trần Quí Phiệt2– những người đang nghiên cứu sát sao về diễn tiến của thời kì Đổi mới. Cùng với họ và nhà sử học của Đại học Harvard, Hồ Tài Huệ Tâm, tôi tổ chức một phiên thảo luận về văn học thời kì Đổi mới tại Hội thảo thường niên của Hiệp hội nghiên cứu châu Á học và ở đó tôi thuyết trình bài nghiên cứu của mình về Vàng lửa.
Mùa hè sau đó, tôi trở lại Hà Nội với ý tưởng sẽ cùng người vợ tương lai của tôi, một người Hà Nội, là Nguyễn Nguyệt Cầm, phỏng vấn một số nhà văn thời kì đổi mới. Do ảnh hưởng gia tăng từ sự sụp đổ của khối các nước xã hội chủ nghĩa, khi đặt chân xuống Hà Nội vào mùa hè năm 1993, tôi cảm thấy không khí đổi mới về tư tưởng trở nên dè dặt hơn, những xu hướng cấp tiến bị đặt trong vòng kiểm soát. Trong bầu không khí bức bối đó, dù Nguyễn Huy Thiệp miễn cưỡng đồng ý trả lời phỏng vấn, nhưng dự án này đã tan tành trước cả khi kịp bắt đầu. Năm sau đó nữa, tôi lại trở lại Hà Nội để điều hành một chương trình trao đổi sinh viên Mỹ ở Hà Nội và hoàn thành luận án tiến sĩ của mình.
Để giải tỏa căng thẳng của việc viết luận án, tôi thực hiện vài dự án liên quan đến Nguyễn Huy Thiệp trong năm đó (1994-1995) ở Hà Nội bao gồm dịch thêm hai truyện ngắn nữa: Phẩm tiết và Kiếm sắc. Đáp lại một bài báo ngắn có tiêu đề “Tại sao tôi dịch truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Anh” của học giả người Úc Greg Lockhart, tôi viết một tiểu luận dài “Giải phân loại (declassifying) Nguyễn Huy Thiệp”, phủ nhận phân loại của Lockhart xếp Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam theo chủ nghĩa hậu hiện đại. Tầm quan trọng thực sự trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, như tôi đề xuất trong tiểu luận, nằm ở sự cắt nghĩa táo bạo về chính trị và văn hóa thời hậu Xô viết (late-communist) của Việt Nam hơn là sự liên hệ của nó với một xu hướng đang phai tàn của văn học toàn cầu. Khi viết tiểu luận này, ngoài những gì tôi đọc về các tác phẩm hư cấu của Nguyễn Huy Thiệp, tôi bổ sung một khảo sát rộng về những diễn ngôn phê bình đa quốc gia về ông và càng hiểu hơn ảnh hưởng sâu sắc và bao quát của ông đối với khung cảnh văn hóa Việt Nam thời kì đó. Sống ở Hà Nội, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể thảo luận trực tiếp với nhà văn về những dự án của mình. Cầm và tôi năm ấy trở nên thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp và ông ấy dự đám cưới chúng tôi vào tháng 12 năm 1994.
Sau khi chuyển nhà đến Berkeley để nhận công việc tại Đại học California, Cầm và tôi dành thời gian với Nguyễn Huy Thiệp trong chuyến tới thăm Mỹ lần đầu của ông, do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ vào năm 1996. Chúng tôi gặp ông ở New York, nơi ông đồng ý ngồi tham gia cuộc phỏng vấn mà chúng tôi trì hoãn đã lâu; sau này, tôi đã xuất bản nó trên Tạp chí Việt học. Chúng tôi cũng du lịch với ông và một nhóm nhỏ những người đi cùng trong một tuần ở Manhattan, trong đó có một đêm đáng nhớ khi ông đọc tác phẩm của mình, do nhà thơ Philadelphia Linh Đinh phiên dịch, tại quán Nuyorican Poet Café thời thượng ở Alphabet City.
Ít lâu sau, vào năm 1998, tôi mời Nguyễn Huy Thiệp sang tham gia một chuyến tới bờ Tây nước Mỹ. Ở Berkeley, buổi nói chuyện của ông bị một nhóm người Mỹ gốc Việt chống cộng sản cực đoan phản đối ầm ĩ. Họ tấn công ông một cách vô lí vì coi ông như một “tay sai” đến từ Hà Nội. Họ vẫy các băng rôn khẩu hiệu: “Đả đảo Nguyễn Huy Thiệp!”
Cuối chuyến đi đó, tôi tháp tùng Nguyễn Huy Thiệp tới khu Little Saigon ở Quận Cam, nơi chúng tôi gặp gỡ những nhà lãnh đạo văn hóa của cộng đồng, trong đó có những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự kính cẩn và đôn hậu mà ông thể hiện đối với nhà văn miền Nam nổi tiếng nhưng đã cao tuổi Võ Phiến hay cách ông ngay lập tức tâm đầu ý hợp với nhạc sĩ xuất sắc Phạm Duy. Tên tuổi của Nguyễn Huy Thiệp đang ở đỉnh cao; thời điểm đó cách lần đầu xuất bản Tướng về hưu chỉ vừa hơn một thập kỉ. Lúc đó ông rất gần với một ngôi sao nhạc rock của văn học của Việt Nam.
Trong suốt 20 năm kể từ chuyến đi California năm đó, Cầm và tôi vẫn tới thăm Nguyễn Huy Thiệp trong tất cả những lần về Việt Nam hằng năm của chúng tôi. Mặc dù thi thoảng chúng tôi mới tới nhà ông để thăm vợ ông, bà Trang, chúng tôi gặp ông thường xuyên hơn ở Café Nhân ở Hàng Hành cùng với người bạn thân của ông, Bảo Sinh, ông vua chó mèo ở Hà Nội. Phong độ của Nguyễn Huy Thiệp xuống dốc trong suốt hai thập kỉ đó khi năng suất của ông bắt đầu giảm và những tác phẩm mới của ông không còn tạo được tiếng vang như những tác phẩm thời kì cuối những năm 1980 đầu những năm 1990. Ông chỉ còn là một biểu tượng buồn trong những năm cuối đời, chìm đắm trong quá khứ và không giấu sự chua chát khi nói về hào quang dần vụt tắt của mình.
Nhưng với tôi và gia đình tôi, Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn là một con người vô cùng tử tế và đầy quan tâm, một nhà văn vĩ đại và một người bạn đích thực. Chưa gì chúng tôi đã nhớ ông rồi. □
Hảo Linh dịch
Nguyễn Nguyệt Cầm hiệu đính
—-
*GS giảng dạy lịch sử Đông Nam Á tại Đại học University of California, Berkeley (UC Berkeley), người sáng lập tạp chí Việt Nam học Journal of Vietnamese Studies.
1Trương Vũ từng là chủ biên tạp chí Việt Nam học The Vietnam Review và chủ biên tuyển tập The other side of heaven gồm các truyện ngắn thời hậu chiến của các nhà văn Việt Nam.
2Trần Quí Phiệt là giáo sư nghiên cứu và giảng dạy về văn chương Hoa Kỳ tại Đại học Schreiner, Mỹ.