Sử học và đại chúng: Không nhất thiết tạo ra sự đối lập giữa hàn lâm và đại chúng
Mới đây, chúng tôi đã đề cập tới hiện tượng những người yêu sử, nhà nghiên cứu “nghiệp dư” truyền thông lịch sử đến cho đại chúng theo nhiều cách giản dị, hấp dẫn và sinh động hơn, tuy nhiên họ vẫn vấp phải luồng tranh cãi không ngớt - khi nỗ lực truyền thông nhưng lại thiếu nền tảng kiến thức khoa học. Chẳng hạn, tâm điểm gần đây là tranh cãi xoay quanh cuốn “12 khúc tráng ca” của Dũng Phan hay dự án “Sử Hộ Vương” của Phạm Vĩnh Lộc với các thiết kế được cho là “báng bổ” nhân vật lịch sử hoặc có sự sai lệch (mặc dù cả hai đều tin rằng những gì họ làm đã được đảm bảo là chuẩn mực bởi các kiến thức từ sách vở họ tìm hiểu hay chính sự “ủng hộ” từ các nhà sử học). Chúng tôi tiếp tục thảo luận vấn đề này với nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm, ĐH Sư phạm Hà Nội về mối quan hệ của đại chúng với sử học và có lối thoát nào cho sự chênh lệch nhận thức hay không?
Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm.
Anh nhận xét thế nào về mối quan hệ giữa nhà sử học với đại chúng tại Việt Nam hiện nay? Hướng đi nào cho các nhà sử học để các công trình sử học đến gần hơn với đại chúng?
Lịch sử có nhiều chức năng, tốt có, xấu có tùy vào mục tiêu của người sử dụng (cũng như các công cụ hằng ngày chúng ta vẫn dùng, từ con dao, cái búa…). Khác với nhiều khoa học, nghiên cứu lịch sử không phải là độc quyền của một nhóm người chuyên sâu (gọi là sử gia). Một bác cựu chiến binh, nhân lúc về hưu nhàn rỗi ít có khả năng mua sách toán về để bắt đầu nghiên cứu toán học, nhưng rất nhiều bác đã mua các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục… và bắt đầu nghiên cứu lịch sử. Thậm chí nhiều bác xuất bản đều đặn, có ảnh hưởng hơn các sử gia chuyên nghiệp. Là một người tìm hiểu và dạy sử, tôi thấy điều đó là tín hiệu tốt cho việc tạo dựng truyền thống, giữ gìn bản sắc, nâng cao tri thức xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, sự ‘’bùng nổ’’ của nền sử học – tạm gọi là phi quan phương này cũng phản ánh những nhu cầu mới của sự thực hành tri thức lịch sử trong xã hội Việt Nam đương đại, nơi mà dường như vẫn còn một bức tường giữa các giảng đường đại học và nhu cầu tri thức lịch sử có tính ứng dụng của xã hội. Nhiều người cho rằng khoảng cách giữa hai thế giới này phản ánh sự ‘’khủng hoảng’’ hay yếu kém của các sử gia.
Tôi không nghĩ như thế. Nếu các bạn đọc một cách nghiêm túc các công trình sử học chuyên nghiệp, có rất nhiều thành tựu mới, nhiều nghiên cứu công phu, bài bản. Thành tựu của các thế hệ đi trước giờ đang được tiếp nối bởi các nhà nghiên cứu trẻ, đào tạo tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng và có nhiều ý tưởng.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Có lẽ nằm ở cách tiếp cận, cách thể hiện, và cách truyền đạt tri thức nghiên cứu. Các truyền thống viết sử của Việt Nam không hướng đến công chúng vì đó là sử cung đình, dành cho vương triều và một nhóm nhỏ những người thực hành chính trị. Sử học vì thế được sử dụng như một phần của các dự án chính trị của giới tinh hoa nhiều hơn là để truyền bá tri thức, hướng tới quần chúng… Phải tới thời hiện đại, đặc biệt trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, lịch sử mới được sử dụng như một cách thức tập hợp dân chúng, xây dựng bản sắc ở tầm rộng chứ không phải dành cho nhóm đặc quyền. Sẽ mất thời gian để các sử gia thay đổi cách tiếp cận, tìm kiếm các hệ hình và cách biểu đạt mới, cũng như xác lập vai trò nghề nghiệp mới thông qua việc đưa sản phẩm của mình tới công chúng, hướng tới nhu cầu của công chúng. Sự chuyển dịch của xã hội Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua đa dạng hóa thị trường “của lịch sử và các sử gia đúng là đang loay hoay để tìm cách thích ứng với “nền kinh tế thị trường” của tri thức này.
Nhiều hình thức mới đưa lịch sử đến gần đại chúng hơn như thiết kế sáng tạo, vẽ lại các sự kiện lịch sử bằng tranh. Sách “Lĩnh Nam chích quái” do NXB Kim Đồng phát hành được trình bày ấn tượng và thu hút người đọc nên đã “cháy hàng”.
Trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa giới hàn lâm với đại chúng, các nhà sử học có ưu điểm và hạn chế nào?
Có lẽ không nên tiếp cận từ góc độ ưu điểm hay hạn chế, cũng không nhất thiết tạo ra một sự đối lập giữa giới hàn lâm và đại chúng. Không có một ranh giới cụ thể nào phân chia tri thức này thuộc về hàn lâm, tri thức kia thuộc về đại chúng. Trước hết phải xác định rõ rằng dù là tri thức của ai đi nữa, để được gọi là ‘công trình nghiên cứu lịch sử’, chúng cần tuân theo các nguyên tắc của nghiên cứu khoa học. Trận đấu bóng đá, dù là giải nghiệp dư hay giải chuyên nghiệp đều theo các luật chơi chung. Các nỗ lực đưa tri thức ra đại chúng thực ra không phụ thuộc vào hàn lâm/ chuyên nghiệp hay không chuyên mà yếu tố cốt lõi là tìm kiếm cách thức và phương tiện phù hợp để công chúng có thể tiếp nhận, để những người không chuyên sử tìm thấy sự ‘’liên quan’’ của những câu chuyện quá khứ đối với cuộc sống của họ. Con người quan tâm đến quá khứ không phải vì tò mò. Họ tìm kiếm sự hấp dẫn của sử không phải từ những khái niệm hay lí thuyết tiếp cận phức tạp. Họ tìm kiếm những câu chuyện về số phận con người, về cách thức thế hệ trước đã thành công hay gục ngã ra sao trước thách thức của thời đại mình. Đây chính là cách ngắn nhất để kết nối quá khứ với trái tim của người đọc.
Bộ phim hoạt hình cho trẻ em “Con rồng cháu tiên” được nhà sử học Dương Trung Quốc cố vấn, nội dung đã nhận được phản hồi tích cực của khán giả.
Một điểm khá thú vị hiện nay là sự thay đổi của công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng cách thức công chúng thưởng thức lịch sử. Chúng tạo ra nhiều kênh khác nhau để tri thức về quá khứ lan vào cuộc sống. Về điểm này thì những người ‘’hàn lâm’’ dường như hơi ‘’chậm chân’’ so với những người bên ngoài. Họ làm truyền thông tốt, ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, sống động và nắm bắt các “thị hiếu tiêu dùng lịch sử” của khách hàng. Vì thế, trong nhiều trường hợp, sử của họ ‘’đắt hàng hơn’’ của giới hàn lâm. Thực tiễn trở nên phong phú khi có nhiều người trẻ mong muốn đưa tri thức lịch sử mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Qua nhiều dự án, họ đã cố gắng phục cổ, thậm chí làm mới, làm mềm hóa tri thức lịch sử. Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn thấy thiếu vắng của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong những dự án như thế này. Anh cho rằng vai trò hay chỗ đứng của giới chuyên môn, hàn lâm nên được định hình ra sao trong làn sóng biến đổi này?
Đây là một vấn đề thú vị và tôi nghĩ có nhiều lí do để giải thích. Hơi lạc đề một chút, có vẻ như (có vẻ thôi nhé) truyền thống về các trí thức công, các chuyên gia, về vai trò của tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam khá mờ nhạt. Cái này chỉ là cảm nhận cá nhân. Và điều này, tôi nghĩ ảnh hưởng đến văn hóa ‘’hành đạo’’ của các trí thức, và chuyên gia ở Việt Nam chăng. Điểm thứ hai là khoa học: từ lí thuyết đến ứng dụng có độ trễ về mặt thời gian, ngay cả khoa học tự nhiên cũng thế, chứ đừng nói đến khoa học xã hội. Để ‘’ứng dụng’’ được một tri thức/ vấn đề lịch sử (khoa học xã hội) còn là một câu chuyện khác nữa.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi rất nhanh chóng, và chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của nhiều trí thức trẻ, có uy tín và bản lĩnh, ‘’dấn thân’’ theo đúng nghĩa của từ này để trở thành những người truyền bá tri thức cho công chúng theo nhiều cách thức khác nhau, nhiều kênh khác nhau, không chỉ là con đường học thuật. Các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu luật, Hán Nôm, lịch sử, chính trị học, xã hội học, giáo dục học… Trong làn sóng đó, chắc chắn sẽ có các chuyên gia sử học với mong muốn đưa tri thức lịch sử và ứng dụng của chúng vào các vấn đề của xã hội đương đại. Đây sẽ là quá trình lâu dài nhưng xu thế của nó là không đảo ngược. Ở đó, luôn có chỗ đứng của giới chuyên môn.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!