Tái hiện 100 ngày chống dịch đầu tiên

Mỗi công trình nghiên cứu đều ẩn chứa “số phận” riêng của mình, có công trình dù mang giá trị tiên phong nhưng lại ít được cộng đồng khoa học chú ý nhưng cũng có công trình mà ngay ở dạng tiền ấn phẩm đã thu hút và mang giá trị thực tiễn lớn.


Áp dụng các biện pháp cách ly, kiểm tra thân nhiệt ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.Nguồn: Báo Người lao động.

The First 100 Days of Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 (SARS-CoV-2) Control in Vietnam” (100 ngày đầu tiên kiểm soát virus họ corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2) ở Việt Nam), bài báo khoa học của PGS. TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương NIHE) và cộng sự, ứng viên giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 là công trình được nhiều trích dẫn và mang giá trị thực tiễn. Không chỉ được xuất bản trên Clinical Infectious Diseases – một tạp chí có hệ số ảnh hưởng là 8,886, xếp hạng 9/148 tạp chí ngành miễn dịch học, hạng 2/78 tạp chí về các bệnh truyền nhiễm – nội dung của bài báo còn giúp định hình chính sách ứng phó của Việt Nam với COVID-19 và hơn nữa, giúp chứng minh một cách thuyết phục trước những cái nhìn đầy nghi hoặc ẩn chứa câu hỏi của quốc tế “Vì sao Việt Nam có thể ứng phó thành công ở giai đoạn đầu đại dịch”?

Ứng phó thế nào trong nguy nan?

Ở năm thứ ba của đại dịch tại Việt Nam, khi hơn 200 triệu liều vaccine đã được tiêm và thông điệp 5 K đã trở thành quen thuộc, hẳn nhiều người không muốn nhớ lại những thời khắc âu lo, thậm chí hoảng loạn, giữa những làn sóng lây nhiễm đầu tiên do virus SARS-CoV-2 gây ra. Quả thật vào thời điểm đó, virus và hành vi lây truyền của nó vẫn còn là một ẩn số, ngay cả với nhà chuyên môn, khiến người ta có cảm giác như phải chống lại một kẻ thủ ác vô hình.

Nhìn lại những ngày đầu này, PGS. TS Phạm Quang Thái, người giữ vai trò tổ phó tổ Thông tin phản ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cho biết, tuy chỉ chiếm một thời lượng nhỏ trong toàn bộ quá trình chống dịch từ năm 2020 đến nay nhưng thời kỳ 100 ngày đầu của đại dịch ở Việt Nam giữ một vai trò quan trọng: nó giúp trả lời những câu hỏi rất căn bản và có giá trị tới hiện tại, ví dụ như cần ứng xử ra sao để tránh bị lây nhiễm. “Khi đó, qua nhiều kênh thì chúng tôi được biết Trung Quốc đang phải vật lộn với dịch. Nếu Trung Quốc mà còn như vậy thì chả sớm hay muộn, mình cũng rơi vào hoàn cảnh này”, PGS. TS Phạm Quang Thái nhớ lại. “Qua những cuộc họp chuyên môn ở quy mô rất nhỏ, xét những tình huống nguy kịch theo y văn của Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy phải ngay lập tức thi hành các biện pháp phòng chống như với SARS để phòng chống dịch, thậm chí còn làm kỹ hơn cả hồi ứng phó với SARS năm 2003”.

Dù đã thấy nguy cơ dịch xâm nhập toàn cầu nhưng phải đến trung tuần tháng 1/2021, những bằng chứng đầu tiên về bệnh dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, sau trường hợp hai bố con người Trung Quốc từ Vũ Hán tới Nha Trang và TP.HCM – trường hợp người lây cho người đầu tiên ở ngoài biên giới Trung Quốc với những triệu chứng điển hình, và trường hợp hai công nhân đi tập huấn ở Vũ Hán trở về xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – một người bị lây nhiễm nhưng không triệu chứng. Dưới góc độ dịch tễ học, đây là những bằng chứng quý giá để các nhà chuyên môn tập trung tìm hiểu về đặc tính của virus, vốn vẫn được hiểu một cách mù mờ. “Lúc đó chưa ai biết một cách rõ ràng cả”, PGS. TS Phạm Quang Thái lý giải nguyên nhân vì sao, mình và nhóm nghiên cứu quan tâm “nhặt nhạnh”, ghép nối từng chi tiết một từ các trường hợp mắc bệnh. Rất có thể, câu trả lời sẽ được phát lộ từ đó. “Là người của tổ thông tin phản ứng nhanh, chúng tôi may mắn được tiếp cận với rất nhiều thông tin từ hai ổ dịch lớn lúc đó là Sơn Lôi và Bạch Mai”, anh nói. Thông thường, tổ thông tin có trong tay kết quả xét nghiệm vào cuối ngày, khoảng 9 đến 10 giờ đêm, thậm chí 12 giờ đêm. “Ban ngày không có kết quả xét nghiệm, trống thời gian từ 9 giờ sáng đến ba giờ chiều. Lúc đó mình tập trung suy nghĩ nên làm gì tiếp theo để định hướng và dự báo là ngày mai, tuần tới, tháng tới thì khả năng dịch sẽ diễn ra như thế nào. Trong số những việc mình nghĩ nên làm, có một việc là tổng hợp các thông tin, càng nhiều và càng chi tiết càng tốt, rồi phân tích”.

Trong vòng 100 ngày, kể từ thời điểm ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, PGS. TS Phạm Quang Thái và cộng sự đã có đủ số liệu cho công bố. Tình huống của Sơn Lôi và Bạch Mai, đặc biệt là Bạch Mai với việc loang dịch ra rất nhiều tỉnh thành, đã đem lại rất nhiều thông tin hữu ích. Nền tảng cơ bản cho một bài báo đã có. Anh cho rằng, trong giai đoạn đầu tiên ấy, ngay cả thế giới cũng rất cần những bằng chứng và số liệu về đặc điểm lây truyền của virus bởi “ở tâm dịch Trung Quốc lúc đó, thông tin vẫn còn bị hạn chế. Mình cũng cần công bố thông tin của Việt Nam và khi đó, nó cũng góp phần vào hoạt động chung của toàn cầu trong phòng chống dịch”.

Tuy nhiên, để có một bài báo được Clinical Infectious Diseases chấp nhận thì nội dung không chỉ dừng ở mô tả. “Nếu lúc đó mình chỉ hài lòng với những phân tích số liệu ban đầu thì bài báo sẽ rất nông, chất lượng chỉ vừa phải. Qua trao đổi với các chuyên gia trường Đại học Oxford, trong đó có những người rất giỏi về mô hình tính toán như TS. Marc Choisy, ông thầy từng hướng dẫn nghiên cứu sinh mình, ý tưởng viết một bài báo với những luận giải chặt chẽ và mở rộng vấn đề đã hình thành”, anh nói.


PGS. TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ TW). 

Việc tái hiện một bức tranh khá hoàn chỉnh về việc ứng phó sự lan truyền của bệnh dịch với những tham số dịch tễ học theo không gian và thời gian đã cho thấy hiệu quả của chính sách phản hồi – từ việc cần cách ly tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm PCR, truy vết tiếp xúc gần vì có những người không có biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn lây nhiễm… đến việc cần đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách tiếp xúc… Ở thời điểm “mỗi quốc gia chống dịch theo một kiểu và hiệu quả rất khác nhau”, ngay từ lúc là tiền ấn phẩm thì công trình mô tả tỉ mỉ tác nhân gây bệnh với những phát hiện mới và lý giải thuyết phục về chính sách chống dịch dựa trên bằng chứng như vậy đã nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng quốc tế. Sau đó, bài báo đã nhận được 66 lượt trích dẫn1.

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, ngay cả người trong cuộc không ngờ rằng tác động của bài báo này còn vượt khỏi phạm vi chuyên môn.

Bằng chứng chống dịch thành công

Thông thường, để các nhà khoa học thấy được những ứng dụng từ công trình nghiên cứu của mình, cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên trong trường hợp ngành y và trong đại dịch, ứng dụng đã đến rất sớm, thậm chí ngoài mong đợi. Với câu chuyện 100 ngày đầu chống dịch ở Việt Nam, PGS. TS Phạm Quang Thái cho biết, những đề xuất về đặc điểm dịch tễ, phương thức lây truyền của tác nhân gây bệnh, khung thời gian cách ly…, đã được báo cáo lên Ban chỉ đạo quốc gia và áp dụng ngay trong suốt quá trình chống dịch và đã chứng thực hiệu quả trong việc khống chế các ổ dịch trong thời điểm Việt Nam chưa có vaccine.

Hiệu ứng lan tỏa của công trình, trên thực tế, còn lớn hơn thế. “Công trình đã chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam ra thế giới. Kết quả về lây truyền không triệu chứng cũng như biện pháp phòng chống dịch ngay lập tức được WHO, CDC Mỹ chú ý và sử dụng để đưa ra khuyến cáo về các biện pháp kiểm soát dịch cho các quốc gia trên thế giới”, anh nói và lý giải, “nó góp phần trả lời rất nhiều câu hỏi như tốc độ lây lan của dịch như thế nào, phụ thuộc vào các chính sách gì? Ví dụ như chính sách đóng cửa biên giới, chính sách cô lập và cách ly ổ dịch có giá trị gì? Lúc đó nhiều quốc gia chưa thực sự rõ việc áp dụng nó mang lại giá trị gì không”.

Một trong những điểm khiến anh và cộng sự cảm thấy hài lòng là việc phát hiện ra sự nguy hiểm của lây nhiễm không triệu chứng mà ban đầu chưa được giới chuyên môn nhận biết một cách rõ ràng. Như những nấc thang hiểu biết về COVID, ban đầu người ta chủ yếu cho rằng bệnh chỉ lây truyền từ động vật sang người, sau đó nhận định là lây truyền được từ người sang người nhưng tỉ lệ thấp. “WHO còn cho rằng cứ 5 người nhiễm bệnh thì chỉ có 1 người tiếp tục làm lây nhiễm và người không có triệu chứng thì không lây truyền cho người khác”, PGS. TS Phạm Quang Thái nói. Cách hiểu này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phòng dịch: tại sân bay hay biên giới, người ta chỉ áp dụng biện pháp sàng lọc bằng máy quét hồng ngoại, kiểm tra nhiệt độ hoặc dựa vào triệu chứng nên đã bỏ lọt rất nhiều người nhiễm như trường hợp gây ra ổ dịch tại Sơn Lôi, Bạch Mai, Ninh Thuận, Hạ Lôi…, qua đó dẫn tới khả năng lan truyền thứ phát sau khi người nhiễm ra khỏi khu cách ly. “Tỉ lệ cao của các trường hợp phát triển các triệu chứng sau khi được cách ly (73,9%) hoặc không phát triển triệu chứng (43%) đã nhấn mạnh vào một trong những thách thức chính của việc kiểm soát SARS-CoV-2 và thế mạnh trong cách tiếp cận của Việt Nam. Các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm đã được nhận diện và cách ly trên nguy cơ lây nhiễm về mặt dịch tễ hơn là dựa vào những biểu hiện triệu chứng. Nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, truy vết tiếp xúc tỉ mỉ, rất có thể những trường hợp như vậy đã âm thầm lây truyền virus và ảnh hưởng đến các nỗ lực kiểm soát khác”, bài báo phân tích.

Do đó, PGS. TS Phạm Quang Thái cho biết, không phải không có phần tự hào: “Kết quả của nghiên cứu đã góp phần thay đổi thực hành chống dịch, trong đó điều chỉnh các chiến lược về sàng lọc và xét nghiệm trước khi ra khỏi khu cách ly. Với sự chặt chẽ như vậy trong chống dịch, Việt Nam đã giữ được an toàn trong suốt năm đầu tiên của đại dịch”.

Vào thời điểm đó, rất nhiều nghi ngờ giới quan sát quốc tế đặt ra là làm sao Việt Nam, một quốc gia thậm chí còn rất khó khăn trong việc chấp hành luật giao thông và lại giáp biên giới với Trung Quốc – điểm xuất phát của dịch bệnh, lại có thể kiểm soát được dịch?2 Việc xuất bản một bài báo liên quan đến cách thức chống dịch trên một tạp chí khoa học uy tín có bình duyệt là một trong những lời giải thích rõ ràng và thuyết phục nhất. Nhìn nhận lại tình huống này, PGS. TS Phạm Quang Thái cho rằng, “khi có được những kết quả hay thì không có lý do gì mà lại không xuất bản. Nếu không xuất bản thì đó là một thiệt thòi không phải chỉ về mặt chuyên môn đâu mà còn là thiệt thòi bởi thế giới không biết Việt Nam mình chống dịch thành công như thế nào, cán bộ y tế cũng như toàn hệ thống đã phải vất vả ra sao. Đấy là động lực để chúng tôi xuất bản”.


Ảnh VOX chụp vào ngày 10/2/2021 cho thấy ai cũng chấp hành việc đeo khẩu trang.

Dù bài báo này đã thuyết phục được giới chuyên môn nhưng giới truyền thông vẫn còn cảm thấy có những điểm cần làm rõ. Đó là lý do phóng viên các hãng thông tấn, báo chí như BBC, CNN, Washington Post, Reuteur… đã phỏng vấn PGS. TS Phạm Quang Thái cũng như những thành viên khác của nhóm nghiên cứu về cách thức chống dịch của Việt Nam, ngay sau khi bài báo được đưa lên Medrxiv vào tháng 5/2020. “Sự ứng phó có tổ chức khiến những quyết định được áp dụng ở quy mô quốc gia được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không gây nhiều tranh cãi”, giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu lâm sàng Oxford tại TP.HCM và một trong số các tác giả nghiên cứu, trả lời Reuteur3 và sau đó là CNN. “Nỗ lực truy vết của Việt Nam rất tỉ mỉ, không chỉ với những người tiếp xúc trực tiếp (F1) mà còn với những người tiếp xúc gián tiếp (F2, F3…). Đó là một trong những cách thức phản hồi độc đáo của họ. Tôi không nghĩ có quốc gia nào lại thực hiện cách ly ở mức độ này”4.

Không chỉ là một trong những tác giả của bài báo, PGS. TS Phạm Quang Thái còn là cán bộ của NIHE, một viện nghiên cứu giữ vai trò chủ chốt trong phòng chống đại dịch ở Việt Nam, nên cũng được báo chí quốc tế đặt câu hỏi về bí quyết chống dịch. “Sử dụng truy vết tiếp xúc, chúng tôi xác định địa điểm của mọi người và yêu cầu họ ở nhà và nếu có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, có thể đến các trung tâm y tế để xét nghiệm miễn phí”, anh trả lời CNN. Việc mọi người chấp hành nghiêm túc những quy định phòng chống dịch, theo quan điểm của anh là do “người dân đã hiểu về sự nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm hơn nhiều người sống ở các quốc gia hoặc giàu có hơn hoặc không mấy khi phải đối mặt với bệnh truyền nhiễm – châu Âu, Anh hoặc Mỹ. Mặt khác, chính phủ cũng hiểu được những điều cần được áp dụng một cách nghiêm ngặt và hướng dẫn cách ngăn ngừa sự lây truyền của dịch bệnh”4.

Trả dịch tễ về đúng vị trí

Làm ra được một công trình có ý nghĩa thiết thực như thế này là niềm vui vô cùng lớn của người làm nghiên cứu dịch tễ. Nó còn giúp củng cố thêm những điều đã nằm lòng, “nghiên cứu là phải hợp tác và chia sẻ, không ai có thể làm một mình. Sự cởi mở đem đến những giá trị lớn hơn ban đầu bởi dựa trên một đống số liệu ban đầu, nhiều người cùng làm thì kết quả hay hơn nhiều”, PGS. TS Phạm Quang Thái nói.

Dĩ nhiên, việc hợp tác với những đồng nghiệp ở nhiều tổ chức khác nhau, và chuyên ngành khác nhau không phải bao giờ cũng dễ dàng. “Các bạn có thế mạnh là công cụ tính toán có thể đưa rất nhanh những cách thức lý giải vấn đề nhưng liệu nó có đúng về mặt dịch tễ hay sinh học hay không? Vậy là phải giải thích về mặt dịch tễ là khi đó, tải lượng virus thế nào, người mắc ở giai đoạn nào của lây nhiễm, người đó có thể lây cho người khác trong bao nhiêu lâu…”, anh chia sẻ. Công việc của những chuyên gia dịch tễ, trong trường hợp như thế này, là định hướng và trao đổi với từng nhóm nhỏ. “Thậm chí, ông thầy Marc Choisy của mình ngày nào cũng hỏi ‘số liệu này có nghĩa là gì?’, ‘tại sao phân tích thế là không được?’… Mình phải giải thích là làm như thế thì không đúng về mặt sinh học” (Marc Choisy là một nhà toán sinh học quan tâm đến mô hình hóa các động lực lây truyền của bệnh truyền nhiễm).

Với một công trình có nhiều cách tiếp cận, không ai có thể tự làm được từ A đến Z trong một chuỗi công việc thiết kế – thu thập số liệu – phân tích số liệu – phiên giải ý nghĩa – đặt ra khuyến nghị chính sách, PGS. TS Phạm Quang Thái cho biết. “Mỗi người một việc, tất cả cùng chia sẻ. Nói chung phải ngồi với nhau hàng ngày hàng giờ. Đó là một vòng lặp liên tục trong nhiều tháng, cuối cùng mới ra được bài báo”, anh nói.

Trong hai năm 2020 và 2021, ngoài công trình này, anh và cộng sự còn có nhiều bài báo khác phản ánh những phát hiện khác nhau của từng giai đoạn chống dịch và những khía cạnh khác nhau của dịch bệnh. “Có lẽ, nếu nhìn vào đại dịch thì một trong những điều quan trọng có thể rút ra là vai trò quan trọng của những hiểu biết về dịch tễ. Lúc khởi đầu đại dịch, chúng ta chỉ có những hiểu biết về dịch tễ với việc áp dụng khẩu trang và chính sách cách ly, truy vết…, và khi có vaccine rồi thì vẫn cần giám sát dịch tễ với thông điệp 5K”, anh đề cập đến vai trò của lĩnh vực mình theo đuổi đã nhiều năm.

Có phải đại dịch khiến người ta mới thấy được giá trị của lĩnh vực này? “Ồ làm dịch tễ không chỉ với mỗi bệnh truyền nhiễm đâu mà các bệnh khác cũng phải cần vì mọi phương pháp dịch tễ vẫn được áp dụng vào để tìm ra tác nhân gây bệnh. Dịch tễ liên quan đến nhiều ngành khác nhau vì tìm hiểu về virus vi khuẩn, hay làm điều trị, thử nghiệm vaccine cũng phải hiểu dịch tễ. Nếu có tư duy dịch tễ thì có thể phát hiện vấn đề nhanh hơn”, anh nói.

Dường như chia sẻ về chuyên ngành mình gắn bó là niềm vui của bất kỳ nhà nghiên cứu nào nhưng với những người làm dịch tễ như PGS.TS Phạm Quang Thái còn mang một ý nghĩa khác. “Y học dự phòng được xác định quan trọng đã lâu nhưng sự quan tâm thiếu hợp lý trong nhiều năm cũng khiến nhiều thứ nó cứ bị chệch choạc đi. Do đó, tôi hy vọng trong những năm tới, y học dự phòng sẽ không bị bỏ quên nữa”.

Nếu có nhiều kinh phí đầu tư thì số người làm dịch tễ sẽ tăng lên ư? “Tôi không chắc lắm nhưng kỳ thực là làm dịch tễ thì không được nhiều kinh phí như các lĩnh vực khác nên chắc chắn một điều là không có đam mê thì không làm được”, anh trả lời như một xác quyết về con đường mình đã chọn. □

——————-

1. https://academic.oup.com/cid/article/72/9/e334/5879764

2. http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Vi-sao-Viet-Nam-chong-dich-Covid19-thanh-cong-26751

3. After aggressive mass testing, Vietnam says it contains coronavirus outbreak | Reuters

4. https://edition.cnn.com/2020/05/29/asia/coronavirus-vietnam-intl-hnk/index.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)