Vùng đông bắc Việt Nam: Chưa đánh giá hết giá trị sinh thái của vùng đất ngập nước

Mặc dù có nhiều giá trị đóng góp gián tiếp nhưng giá trị sinh thái của vùng đất ngập nước ở Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn chưa được đánh giá hết và cần có một chính sách quản lý và khai thác hợp lý, theo gợi ý của các nhà khoa học.

Chính sách trồng rừng của Quảng Ninh đã giúp khôi phục diện tích rừng ngập mặn. Nguồn: Báo Môi trường.

Đó là một trong những kết quả đáng chú ý trong công bố “Economic valuation of wetland ecosystem services in northeastern part of Vietnam” (Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước ở vùng Đông Bắc Việt Nam) của nhóm các nhà nghiên cứu Đại học KHTN (ĐHQGHN), Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ĐH Công nghệ Sydney mới được xuất bản trên tạp chí Knowledge and Management of Aquatic Ecosystems.

Theo ước tính vào năm 2019, trên phạm vi toàn cầu, giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước (WES) vào khoảng 47 nghìn tỉ USD hằng năm. Hơn cả giá trị kinh tế, các dịch vụ hệ sinh thái còn có vai trò đem lại cải thiện chính sách với khu vực duyên hải, quản lý và giám sát với những nguồn lực định hướng các thay đổi sinh thái trong vùng đất ngập nước. Do đó, nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thử tìm hiểu WES ở vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm 7 vùng nghiên cứu: vùng Móng Cái – Đầm Hà, cửa sông Tiên Yên, huyện đảo Vân Đồn, vịnh Cửa Lục, Cẩm Phả, Quảng Yên và Văn Úc. Vì vai trò của các hệ sinh thái ngập nước với môi trường tự nhiên và đời sống kinh tế xã hội rất đa dạng nên thay vì sử dụng cách tiếp cận kinh tế thuần túy, họ sử dụng cách tiếp cận dịch vụ hệ sinh thái và phân tích những tương quan theo không gian và thời gian mà các dịch vụ do vùng đất ngập nước có thể mang lại. Qua đó, họ muốn giải đáp là việc ước tính giá trị mà các hệ sinh thái đất ngập nước mang lại cho con người ở vùng Đông Bắc có khả thi không? Giá trị chúng là gì? Các giá trị đó đã thay đổi như thế nào trong 20 năm qua và trong tương lai có thể thay đổi như thế nào?

Nhóm nghiên cứu đánh giá giá trị dịch vụ sinh thái theo hướng trực tiếp và gián tiếp, trong đó trực tiếp là 1) cá biển, 2) nuôi trồng hải sản, 3) nuôi chim biển, 4) lúa gạo, 5) nuôi ong, 6) du lịch và giải trí; gián tiếp là 1) bảo vệ khỏi thảm họa thiên nhiên, 2) lưu trữ carbon, 3) giá trị tối ưu (đo đạc mức sẵn sàng chi trả cho bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lực tự nhiên), 4) giá trị phi sử dụng, 5) tổng dịch vụ sinh thái.

Tổng giá trị WES của vùng đạt 392 triệu USD/năm, trong đó cao nhất là Quảng Yên 1880 USD/ha/năm, Cẩm Phả và Cửa Lục 1.440 USD/ha/năm. Thu nhập của người dân Quảng Yên và Cẩm Phả chủ yếu từ đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch nên mang giá trị WES cao nhất. 70% người dân được phỏng vấn cho biết, tuy hiệu quả kinh tế thấp của lúa thấp nhưng vẫn cần duy trì canh tác, song song với chuyển đổi cấu trúc mùa vụ, chuyển sang trồng cây ăn quả, rau củ hữu cơ. Đáng chú ý, nghề mới nuôi ong trong rừng ngập mặn đem lại thu nhập cao từ 5.000 đến 7.000 USD/năm.

Mặt khác, người dân đều nhận thức được lợi ích và giá trị của những vùng đất ngập nước đối với sinh kế, đồng thời nhận thức được việc khai thác quá mức cũng dẫn đến ô nhiễm. 65% người dân cũng biết vai trò của vùng đất ngập nước với các hiện tượng khí hậu cực đoan như ngập lụt, xói lở đất. Do hệ thống cửa sông ngắn và dốc ở Quảng Ninh, tốc độ dòng chảy cao, dẫn đến xói lở, làm gia tăng lượng bùn và đá, đặc biệt trong suốt thời kỳ lũ lớn.

Trên cơ sở bản đồ sử dụng đất từ năm 2000 đến 2019 và giá trị trung bình mỗi năm từ hệ sinh thái ngập nước, trong 20 năm, giá trị ESV thu được từ các diện tích đất nông nghiệp gia tăng từ 25 triệu USD năm lên hơn 40 triệu USD nhưng các hệ sinh thái nông nghệp suy giảm từ 73 triệu USD xuống 59 triệu USD; vùng rừng ngập mặn ở bãi triều được giữ vững do được tái phục hồi với 19 triệu USD; giá trị từ các thềm biển, bãi cuội sỏi, cát giảm gấp đôi trong khi diện tích nuôi trồng hải sản được mở rộng… Do đó về tổng thể, giá trị ESV của toàn vùng có thể bị suy giảm từ 390 triệu USD xuống 380 triệu USD.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, để tránh suy giảm ESV trong tương lai, cần có cải thiện các chỉ số giá trị gián tiếp để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt là hệ sinh thái ở các bãi triều, thềm biển, cửa sông, rừng ngập mặn, hướng đến sự cân bằng giữa bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)