Yoko Tawada  và cuộc sinh nở của ngôn từ

Tôi muốn thử nhìn bằng con mắt của loài nhện”, một nhân vật của nữ nhà văn đương đại lừng lẫy của Nhật Bản, Yoko Tawada nói trong Hiến Đăng Sứ, anh kể về một thời mình từng ham muốn với những bức tượng điêu khắc Hy Lạp, những con người với thân hình hoàn hảo, thế rồi một ngày kia, anh bỗng ước ao hóa được thành một loài khác, như là nhện.

Người đối thoại với anh, nhân vật chính của tiểu thuyết, Yoshiro, một cụ ông hơn trăm tuổi, cũng đồng ý với anh rằng mặc dù trước đây con người thường khinh rẻ các loài động vật bậc dưới, nhưng có lẽ chính con người đang tiến hoá đến gần loài nhện.

Thế giới gì mà con người lại ao ước làm con nhện?

Câu trả lời không được Tawada tiết lộ ngay, thoạt nhiên ta chỉ nhìn thấy hình như thế giới này có chút gì đó lạ thường, một thế giới mà những chiếc bánh mì Anh hay Pháp chỉ còn lại trong ký ức, và khi nhắc đến những từ ngoại lai du nhập từ nước ngoài, người ta bỗng nhiên phải nhỏ giọng lại, một thế giới mà lũ trẻ con thì thiếu canxi, ốm yếu, còn người già sống hơn thế kỷ vẫn còn khỏe mạnh, một thế giới đã lâu không còn bóng dáng những loài động vật, trừ những con chó thuê và xác mèo chết.

Lấy bối cảnh ở một nước Nhật phản địa đàng bị cắt đứt khỏi thế giới xung quanh như thời kỳ Edo bế quan tỏa cảng, và siêu cường công nghệ một thời giờ đây tẩy chay đồ điện – máy hút bụi, máy giặt, đến cả những chiếc dây điện kèm phích cắm cũng gần tuyệt chủng và ném thẳng xuống biển làm nhà cho cá, còn Tokyo thịnh vượng ngày nào chỉ còn lại những khu nhà tạm cùng những khu chợ khan hiếm thức ăn đến mức người ta trồng cả những cây gừng đằng sau nhà xí công cộng, thế mà Hiến Đăng Sứ giữ không tạo nên một bầu không khí kinh hoàng hay sợ hãi. Ngược lại, cuốn tiểu thuyết này dịu dàng, đầy chất thơ, như thể nó đang cố gắng bù trừ cho những cái đẹp đã mất mát nơi thế giới trong lòng nó – một thế giới đã bị tước đoạt đi tuổi trẻ, tuổi trẻ chỉ còn đồng nghĩa với sự yếu nhược và bại liệt của thể xác, để lại người già tự lèo lái cái phế tích của xã hội mà chính họ đã làm ra.

Người cụ cố Yoshiro ở tuổi 107 vẫn còn phải nuôi đứa chắt Mumei ốm yếu. Lòng yêu thương của Yoshiro đôi khi gợi nhớ cho ta nhân vật những người ông, người cha già trong các bộ phim của Yasujiro Ozu. Cuốn tiểu thuyết như được dãn ra với tốc độ andante bằng những cảnh Yoshiro chăm sóc Mumei, như khi ông cắt một trái cam, cắt cây bắp cải, ngưu bàng mà ông gọi là “băm nhỏ rừng sợi thực vật” mà đứa chắt không thể tự cắn đứt; hay khi ông đi theo đứa cháu khập khiễng bước đi, khấp khởi về một ngày nào đó khi loài người bò trên mặt đất như bạch tuộc thì nhất định chắt mình sẽ thành vận động viên Olympic.

Đọc Hiến Đăng Sứ cũng là một trải nghiệm như ngồi vớt những miếng đậu vỡ của cái đẹp giữa một thế giới không thể ảm đạm hơn được nữa.

Một cảnh đẹp không kém khác, lần này có sự xuất hiện của cả cụ bà Marika, người vợ đã chia xa của Yoshiro, bà đến thăm hai cụ chắt, cùng họ ăn một nồi lẩu, và “Khi gắp phải tôm hay nấm khiêu vũ là những thứ họ thường không ăn, Yoshiro và Marika rũ bỏ những ký ức bất hạnh về ô nhiễm, dùng lưới vớt những kỷ niệm vui vẻ, dù những kỷ niệm ấy như những miếng đậu hũ non vỡ vụn giữa những chiếc đũa mà rơi xuống, họ vẫn nhẫn nại múc lên, cho vào bát, thưởng thức từng mảnh vỡ nóng hổi như không chịu từ bỏ.” Đoạn văn của Yoko Tawada nghi ngút hình ảnh và ý thơ, và dường như đọc Hiến Đăng Sứ cũng là một trải nghiệm như ngồi vớt những miếng đậu vỡ của cái đẹp giữa một thế giới không thể ảm đạm hơn được nữa. Này đây, trong thế giới chẳng còn động vật, vẫn còn một cụ ông mơ thấy cháu mình làm nhà nghiên cứu về sinh vật. Này đây, trong thế giới mà 10 đứa trẻ sinh ra thì 9 đứa trẻ chết trước khi trưởng thành, vẫn có những cơn cảm nắng của những thiếu niên 15 tuổi, vẫn có khao khát được chạm chân vào sóng của cậu bé ngồi xe lăn. Thật kỳ lạ khi một cuốn sách có thể cùng một lúc, vừa bi quan một cách siêu thực mà cũng vừa đẹp đẽ một cách siêu thực.

Yoko Tawada, một trong những nhà văn Nhật Bản đặc sắc nhất ngày nay, một ứng viên cho Nobel cạnh tranh cùng người đồng hương Haruki Murakami, như mọi người Nhật khác, có một niềm ám ảnh với thiên tai, thảm họa, sự xóa sổ giống loài. Ngoài Hiến Đăng Sứ về một Nhật Bản hậu thảm họa không tên, tất cả các truyện ngắn và tiểu phẩm kịch được dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên và Nguyễn Thị Ái Tiên tuyển lựa in cùng bản tiếng Việt Hiến Đăng Sứ do NXB Phụ nữ phát hành cũng đều có hạt nhân là thảm họa: động đất, tai nạn hạt nhân, nổ lò phản ứng, đại hồng thủy – những sự kiện đáng ra phải khiến con người không thể đối xử với cuộc đời mình như xưa được nữa.

Thảm họa là sự “reset” một thế giới mới, nhưng thế giới thì mới quá nhanh còn con người vẫn vướng mắc trong những khổ nạn cũ: con thuyền Noe trong vở kịch tương tác Tháp Babel của các loài vật đã không có chỗ cho con người bởi con người thời tận thế vẫn cứ đinh ninh có tiền thì sẽ mua được vé – nhưng tạo hóa cần gì tiền?; trong Bên kia bờ hạnh phúc, vị chính trị gia sau khi một phi công đâm phải nhà máy hạt nhân, đã bước lên con tàu tị nạn sang nước ngoài rồi mà vẫn còn canh cánh trong lòng, sợ rằng một ngày kia, quá khứ chính khách của mình sẽ bị phanh phui và trả đũa.

Cũng có đôi khi, thảm họa không chỉ rung lắc địa cầu mà còn rung lắc cả lòng người nữa – như trong Vi đà hộ pháp ở bất cứ đâu, trên chiếc xe bus chạy trốn khỏi cơn động đất, hai người phụ nữ quen trong một lớp học ikebana đã làm tình với nhau – một hoạt cảnh mà trong phút chốc như lọt ra khỏi vũ trụ đương nhiệm để rớt vào một khe không thời gian khác. Lồng trong cảnh làm tình xác thịt ấy là một cảnh làm tình khác, cuộc làm tình của ngôn ngữ, với hàng tá những trò chơi chữ dựa trên các bộ trong ký tự Kanji của tiếng Nhật khiến khán giả chóng mặt và choáng ngợp.

Nếu có gì đó mà Tawada còn quan tâm hơn cả những thảm hoạ thì hẳn là ngôn ngữ. Là một nhà văn Nhật sống ở Berlin, thực hành viết cả tiếng Nhật và tiếng Đức, văn chương của bà luôn là cuộc khám phá không ngừng nghỉ những ý niệm về ngôn từ, thậm chí những thảm hoạ đôi khi như cơn co giật tử cung cho cuộc sinh nở ngôn từ diễn ra. Bà đã tưởng tượng ra cả một thế giới nơi các loài vật lên ngôi và chúng quyết chọn ra – không phải một thủ lĩnh như xã hội người – mà là một biên dịch viên “quên lợi ích cá nhân” và “xâu chuỗi những ý tưởng bất hòa”, “tìm kiếm sợi tơ hồng” và “đặt tên cho những mong ước chung”. Phải chăng với bà, sự trao đổi và dịch chuyển ngôn ngữ có khả năng hòa giải thế giới?

Quay lại với Hiến Đăng Sứ, có một chi tiết khi cậu bé Mumei đau ốm say mê một cuốn sách tranh minh họa về các loài động vật, và mặc dù đó đều là những sinh vật đã không còn hiện hữu trên thế gian nữa, nhưng những cái tên của chúng, nhưng ngôn từ mà một thuở con người đã đặt ra cho chúng vẫn mê hoặc cậu. Ngôn từ không chỉ là cái vỏ bọc của một sự vật, ngôn từ là nấm mộ chí để dù sự vật ấy có chết đi, vẫn còn ngôn từ như sự chỉ dấu mong manh về kiếp sống xa xưa của nó.

Khởi thủy là lời. Có lẽ ngôn từ là niềm hy vọng duy nhất, để từ ngôn từ, một lần nữa thế giới được sinh ra, thế giới mà một thời cũng đã từng tươi đẹp. □

Tác giả

(Visited 73 times, 1 visits today)