Chính sách đằng sau làn sóng Hallyu

Khởi đầu là một cú sốc may mắn ngoài mong đợi, sau gần hai thập niên, Hallyu đã trở thành một nền công nghiệp văn hóa trị giá tỉ đô, và lan tỏa sự ảnh hưởng của Hàn Quốc trên quy mô toàn cầu. Vậy điều gì đứng đằng sau sự chuyển đổi đầy kinh ngạc ấy?

LTS: Phát triển một nền công nghiệp văn hóa xứng với tiềm năng, vị thế và có đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước là mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được phê duyệt vào năm 2016. Để đánh giá kết quả từ quá trình triển khai Chiến lược và đánh giá thực trạng phát triển từng lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, diễn ra vào ngày 22/12/2023.
Nhân dịp này, Tia Sáng giới thiệu một góc nhìn về Làn sóng Hàn Quốc, trường hợp thành công đầu tiên của một quốc gia phi phương Tây, nhằm trả lời các câu hỏi: điều gì làm nên sức mạnh lan tỏa của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc? bản sắc văn hóa hay chính sách của chính phủ? những gợi ý gì cho Việt Nam qua sự thiết kế chính sách của Hàn Quốc?

Làn sóng Hallyu đưa nền công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc lên dòng chủ lưu thế giới.

Nếu ai đó hỏi rằng, sự kiện văn hóa nào trong năm 2023 được lòng giới trẻ Việt Nam nhất, hẳn rất nhiều bạn cùng hét lên “Born Pink”. Hai đêm diễn cuối cùng của bốn ca sĩ BlackPink xinh đẹp quyến rũ trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, vào ngày 29 và 30/7 tại sân vận động Mỹ Đình, đã thu hút gần bảy vạn khán giả và hàng triệu, triệu cuộc bàn tán trên các trang mạng xã hội, kể từ khi có thông tin từ tài khoản mạng xã hội của BlackPink thông báo về đêm diễn này, ngày 26/6. Không phải ai cũng có thể bỏ tới 10 triệu đồng cho một tấm vé vào sân nhưng việc bốn nàng Hắc Hường, sau khi khuấy đảo sân khấu thế giới, chọn Hà Nội làm điểm kết tour diễn toàn cầu đã đủ khiến các cộng đồng fandom BlackPink ở Việt Nam phấn khích. Cộng đồng hâm mộ xôn xao “đu idol” (thần tượng) theo cách riêng, thuê màn hình LED ba mặt tiền với kích thước lớn trên tòa nhà TNR Tower, phủ sóng hình ảnh với xe buýt hai tầng chạy quanh quận Hoàn Kiếm, chuỗi 50 banner có hình ảnh treo dọc tuyến đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân… như báo Lao động đưa tin.

Sau hai đêm diễn Born Pink của BlackPink tại Việt Nam, trang thống kê về doanh thu các tour diễn của nghệ sĩ toàn cầu Touring Data đã công bố, doanh thu đạt được là 13,660 triệu USD, khoảng hơn 333,4 tỉ đồng. Con số ấn tượng này đã được đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa dẫn ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ngày 31/10 và cho rằng, nó đã tương đương với non nửa con số phấn đấu của ngành nghệ thuật biểu diễn vào năm 2030, theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ông cũng cho biết thêm, do chất lượng của sân vận động ở TP.HCM không đạt tiêu chuẩn, nếu không, với việc có thêm hai đêm diễn tại đây thì doanh thu của Born Pink sẽ bằng con số ngành nghệ thuật biểu diễn phấn đấu đến năm 2030. 

Không chỉ BlackPink, đại diện nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) qua các thế hệ như Super Junior, Girls’ Generation, BigBang, BTS…, hay đại diện của phim truyền hình Hàn Quốc (K-dramas) như Nàng Dae Jang Geum, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Hậu duệ mặt trời…, đại diện của phim điện ảnh Hàn Quốc (K-cinema) như Quái vật sông Hàn, Ký sinh trùng, Cô hầu gái… đều là một phần của nền công nghiệp văn hóa mà người ta vẫn gọi là Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu). Ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, Hallyu không thuần túy là sự hiển thị của trai xinh gái đẹp, các ca khúc ‘bắt tai’ hay những bộ phim hấp dẫn, nghẹt thở và mãn nhãn mà còn là sự lan tỏa xuyên quốc gia của văn hóa từ một quốc gia phi phương Tây, thể hiện qua ẩm thực, tiêu chuẩn của vẻ đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, hàng hóa tiêu dùng, tập quán xã hội và các thực hành khác của lối sống Hàn Quốc… “Trong lịch sử Hàn Quốc, chưa bao giờ nền văn hóa của chúng ta lại được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia như vậy”, một nhà nghiên cứu Hàn Quốc nhận xét vào năm 2007. 

Vậy đây có phải là nguyên nhân khiến chúng ta phải tập trung vào Hallyu và tìm hiểu điều gì làm nên sức mạnh của nó?

BlackPink biểu diễn hai đêm ở sân vận động Mỹ Đình. Nguồn: VTV.

Thành công không cần thiết kế

Với người Hàn Quốc, Hallyu có ý nghĩa như một biểu tượng khác của niềm tự hào quốc gia, sau “kỳ tích sông Hán” về phát triển kinh tế suốt ba thập niên, từ những năm 1970 đến những năm 1990. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc cho rằng, ở điểm khởi đầu, Hallyu xuất hiện như “một thành công không cần thiết kế”, ngụ ý đến nỗ lực từ dưới lên của những người làm trong ngành văn hóa đại chúng hơn là sự hỗ trợ từ trên xuống của chính sách. 

Trong quá khứ, văn hóa Hàn Quốc chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản, người ta có thể nhận thấy dấu ấn này trong các bộ phim truyền hình lịch sử của chính họ. Vào những năm hậu chiến, nền văn hóa Mỹ với nhạc pop, phim Hollywood, quan điểm thẩm mỹ…, qua nhiều kênh khác nhau, đã chiếm vị thế nổi trội ở Hàn Quốc. Mặt khác, do chưa tìm ra được một bản sắc nghệ thuật riêng, nên ngay trong suốt những năm 1980 và 1990, Hàn Quốc vẫn còn là cái tên vô danh trên bản đồ văn hóa toàn cầu. 

Những điều diễn ra ở Hàn Quốc giai đoạn đó phần nào tương tự Việt Nam hiện nay, khi các sản phẩm văn hóa trong nước phải chịu sức ép từ hai phía, giữa một bên là làn sóng nhập khẩu ồ ạt các chương trình truyền hình, phim truyền hình quốc tế, nhạc pop quốc tế và một bên là làn sóng chỉ trích về tính nghệ thuật và nguyên bản từ khán giả… Theo một số nhà nghiên cứu về Hallyu, vào thời điểm này, chưa có chính sách nào từ Chính phủ Hàn Quốc để bảo vệ sản phẩm văn hóa quốc gia như người ta tưởng nhầm. 

Vậy sức mạnh nào đưa K-dramas tự bứt lên, vượt qua lằn ranh chuyển đổi? Lúc đó, các vở opera xà phòng này của Hàn Quốc thường nhận về vô số chỉ trích bởi được xây dựng trên các câu chuyện nhạt nhẽo, dễ đoán với nội dung lặp đi lặp lại trong khi các chương trình truyền hình nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ lại vô cùng phổ biến với khán giả Hàn Quốc. Trước sức ép này, các công ty và nhà sản xuất truyền hình Hàn Quốc phải chấp nhận cùng bước vào một sự cạnh tranh khốc liệt, một cuộc chiến sinh tồn dạng Squid Game, nhằm gia tăng tỉ suất người xem.

Bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” là một trong những thành công vượt bậc của K-dramas.

Theo một nghĩa nào đó, cuộc vật lộn để sống sót này đã trở thành một trại huấn luyện đầy khắc nghiệt, nơi họ buộc phải áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, nội dung khác nhau và cách kể chuyện khác nhau trong sự hình thành những con đẻ nghệ thuật của mình. Một nhà sản xuất truyền hình và sở hữu một công ty chuyên về K-dramas, nói về cách làm của mình “Chúng tôi phải làm điều mà mình giỏi nhất như tạo ra nội dung với những câu chuyện của chính mình. Chúng tôi cần giới thiệu về cách người Hàn sống, cách người Hàn nghĩ thay vì chỉ tập trung vào tô điểm cho nhân vật chính”. Còn một thành viên hội đồng quản trị một công ty tư nhân về K-dramas khác cho rằng “Chúng tôi muốn tạo ra điều gì đó để thu hút nhiều khán giả hơn. Tôi không nghĩ những ý tưởng kiểu như ‘chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm này bởi vì nó đã được thử nghiệm ở Mỹ nhiều lần’ lại là ý tưởng tốt”. 

Sống sót qua quá trình thử nghiệm chật vật này là những siêu phẩm truyền hình như Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu (năm 2002), Nàng Dae Jang Geum (năm 2003)… với sức lan tỏa vươn ra ngoài biên giới Hàn Quốc và ngoài nhóm cộng đồng người gốc Á trên thế giới, chạm tới nhiều vùng đất khác nhau như châu Phi, Nga, châu Âu, Mỹ và cả các quốc gia đạo Hồi ở Trung Đông. Ở thời điểm đó, khi xem những bộ phim này trên sóng truyền hình, chắc hẳn người Việt Nam không ngờ là mình đã chứng kiến và tham gia vào sự hình thành của làn sóng Hàn Quốc. 

Tương tự với ngành truyền hình là nỗ lực tự thân của ngành âm nhạc. Cho đến cuối những năm 1980, nhạc pop Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường âm nhạc đại chúng Hàn Quốc và các chương trình âm nhạc trên đài phát thanh. K-pop đơn giản là không thể bắt nhịp được với âm nhạc phương Tây còn những người yêu nhạc nội thì có xu hướng coi thường nhạc pop nội. Thật khó hình dung ra buổi đầu của một K-pop như chúng ta biết ngày nay nhưng đúng là nhạc pop Hàn đã đi lên từ xuất phát điểm thấp như vậy. Có một lợi điểm mà một số nhà sản xuất âm nhạc đã tận dụng để vượt ra ngoài vòng luẩn quẩn của sự thiếu hấp dẫn, thiếu bản sắc và thiếu cạnh tranh, là thị trường tỉ dân ở Trung Quốc, lúc đó đang mở rộng hợp tác về kinh tế với Hàn Quốc. Một Trung Quốc đang tăng trưởng kinh tế và thực thi chính sách một con thực sự đóng vai trò quan trọng với Hallyu, khi tạo ra một thế hệ trẻ giàu có hơn, nhiều tự do hơn và cởi mở với văn hóa nước ngoài hơn. Hallyu đã làm được điều mà các làn sóng Mỹ và Nhật Bản thất bại, một phần nguyên nhân sâu xa là sự khác biệt về ý thức hệ của văn hóa Mỹ và những ký ức đau đớn về Nhật Bản trong quá khứ.

Hallyu, một kỳ tích khác bên sông Hán hay còn được ví là “một sự ngạc nhiên”, “một cú sốc may mắn không chờ đợi”, đã khởi sinh chủ yếu nhờ những nỗ lực từ bên dưới lên. 

Tuy nhiên, lợi thế này không phải là nguyên cớ trực tiếp tạo ra một Hallyu, và cụ thể hơn là K-pop, mà từ nỗ lực của một vài cá nhân đơn lẻ trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Một trong số những người tiên phong là Yun-ho Kim, chủ tịch công ty Woojeon Soft khi đưa K-pop vào Trung Quốc qua nhiều chương trình radio như Kênh âm nhạc Bắc Kinh, Kênh Giao thông, Kênh Âm nhạc thương mại… từ giữa những năm 1990. Khi nhận ra là nhạc dance Hàn có thể tìm được chỗ đứng ở đây, do khác biệt với thứ nhạc balad trữ tình của Hong Kong, Đài Loan, ông nghĩ cần nhấn vào nhịp phách và giai điệu sôi nổi để thu hút người nghe hơn là phần lời. Một người tiên phong khác là Soo-man Lee, CEO của SM Entertainment, từng là một ca sĩ có tiếng vào những năm 1970. Sau khi học về khoa học máy tính ở Mỹ về, ông lập một công ty giải trí và thực hiện điều tra thị trường về sở thích âm nhạc, cơ sở để ông tạo ra chương trình đào tạo các ca sĩ trẻ (idol), các nhóm nhạc mà các khán giả tuổi teen muốn xem. Lee đã làm việc cật lực để các nhóm nhạc Hàn như H.O.T, S.E.S, Shinhwa, Boa, Super Juniors, Girls Generation, Shinee, và EXO… xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc và lấy đó làm bước đệm cho các ngôi sao bước ra thế giới.

Hallyu, một kỳ tích khác bên sông Hán hay còn được ví là “một sự ngạc nhiên”, “một cú sốc may mắn không chờ đợi”, đã khởi sinh chủ yếu nhờ những nỗ lực từ bên dưới lên như vậy. 

Chuyển đổi vận may thành ngành công nghiệp văn hóa

Cơ sở đầu tiên cho một nền công nghiệp văn hóa đã xuất hiện trong hình ảnh của Hallyu nhưng làn sóng Hàn Quốc này vẫn tồn tại ở dạng sơ khai. Để có được sự phát triển toàn diện như chúng ta thấy thì Hallyu cần có sự hậu thuẫn quan trọng của chính phủ. Có rất nhiều quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu về vai trò của chính sách trong giai đoạn đầu của Hallyu, trong đó có không ít người đề cập đến những chính sách xuất khẩu văn hóa của chính phủ Kim Young-sam từ cuối những năm 1990, khi nhấn mạnh vào khái niệm “công nghiệp văn hóa”, “sự thịnh vượng văn hóa” và thành lập một văn phòng về công nghiệp văn hóa trực thuộc Bộ Văn hóa Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cũng nhiều người lưu ý đến Kế hoạch năm năm Thúc đẩy Công nghiệp văn hóa, Khung hành động Khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa, Cơ quan Thúc đẩy các nội dung văn hóa Hàn Quốc… được triển khai dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung, người vẫn được gọi là “tổng thống văn hóa”, trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2003.  

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các chính sách này vẫn chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sự bản địa hóa của các nội dung văn hóa Hàn Quốc như tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Hàn Quốc tham gia vào các triển lãm quốc tế, tổ chức các sự kiện trao đổi văn hóa, hỗ trợ sản xuất hậu kỳ các nội dung văn hóa. Sự lan tỏa và chiếm ngự ở quy mô rộng hơn của các nội dung văn hóa Hàn Quốc chỉ bắt đầu từ thời Tổng thống Roh Moo-hyun, giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2008, khi chính phủ lựa chọn công nghiệp văn hóa là một trong 10 ngành công nghiệp chiến lược cho tương lai Hàn Quốc và “Tầm nhìn chính sách cho ngành công nghiệp văn hóa để trở thành một quyền lực văn hóa” được loan báo vào năm 2003. Hai chính sách này đã đặt Hallyu vào nhóm nội dung chính sách lõi của quốc gia, qua đó tạo ra rất nhiều nhiệm vụ chính sách như phát triển các công nghệ hỗ trợ, chuyên nghiệp hóa sáng tạo văn hóa, mở rộng nền tảng nội dung văn hóa, mở rộng đầu tư và cải thiện môi trường phân bổ nội dung văn hóa, thiết lập cơ sở vùng cho công nghiệp văn hóa, mở rộng đường đến thị trương quốc tế, hợp tác quốc tế, xây dựng hành lang pháp lý và các hệ thống thể chế hỗ trợ công nghiệp văn hóa. Để theo đuổi chính sách này, chính quyền Roh Moo-hyun nhấn mạnh vào việc thành lập mạng lưới kết nối giữa chính phủ, các tổ chức, khối tư nhân và khối khoa học. 

Sự lan tỏa và chiếm ngự ở quy mô rộng hơn của các nội dung văn hóa Hàn Quốc chỉ bắt đầu từ thời Tổng thống Roh Moo-hyun, khi chính phủ lựa chọn công nghiệp văn hóa là một trong 10 ngành công nghiệp chiến lược cho tương lai và chính sách “Tầm nhìn chính sách cho ngành công nghiệp văn hóa để trở thành một quyền lực văn hóa”.

Quỹ Hàn Quốc về trao đổi văn hóa châu Á, nay là Quỹ Hàn Quốc về trao đổi văn hóa quốc tế, được thành lập vào năm 2003 để hỗ trợ việc xâm nhập vào thị trường quốc tế của các công ty văn hóa Hàn Quốc, đặt một ủy ban cố vấn về chính sách Hallyu trực thuộc quỹ này, gồm 25 thành viên là những nhân vật chủ chốt hoặc chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của công nghiệp văn hóa như truyền hình, điện ảnh, âm nhạc đồng thời cả các nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, luật… Ủy ban cố vấn sẽ nhận diện vị thế và vấn đề của Hallyu, qua đó thiết lập các biện pháp ứng phó ở cấp quốc gia với các vấn đề đó. Ví dụ, khi làn sóng bài Hàn Quốc xuất hiện ở một số quốc gia, Quỹ này thúc đẩy những trao đổi văn hóa hai chiều, trong đó có việc thiết lập Festival Bài hát châu Á vào năm 2004 – sau sự khai màn của ca sĩ Mỹ Tâm, đến nay các ca sĩ Việt Nam đã tham gia 12 kỳ festival. 

Chiến lược chiếm lĩnh thị phần quốc tế được Chính phủ Hàn Quốc phân chia theo các cấp độ: vùng ảnh hưởng sâu (Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, HongKong…) với các chuỗi cung cấp nội dung liên tục, tối đa hiệu quả kinh tế đi kèm với trao đổi hai chiều, bảo vệ bản quyền; vùng mở rộng theo chiều ngang (Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…) với việc hỗ trợ các công ty tư nhân xâm nhập thị trường, thúc đẩy hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc… đi kèm với tổ chức các sự kiện có ngôi sao Hallyu, phủ sóng thông tin về Hallyu…; vùng tiềm năng (châu Mỹ Latin, Trung Á, Trung Đông…) với lập nền tảng cho Hallyu, hỗ trợ công ty tư nhân tới thị trường tiềm năng thấp đi kèm hỗ trợ các nội dung văn hóa dễ được chấp nhận. Ví dụ vào năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp miễn phí các bộ phim K-dramas tới Trung Đông, châu Phi.

Quan điểm về công nghiệp văn hóa và xuất khẩu văn hóa tiếp tục được duy trì ở chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak khi coi đây là nhân tố làm gia tăng thu nhập bình quân đầu người Hàn Quốc lên 30.000 USD/năm và đặt mục tiêu trở thành cường quốc dẫn đầu về kinh tế sáng tạo. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc đã lập một ủy ban Thúc đẩy công nghiệp văn hóa gồm 11 bộ tham gia và đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để “tăng cường đầu tư của chính phủ và lĩnh vực tư để mở rộng đầu tư cho công nghiệp văn hóa, tạo thị trường mới thông qua sự hỗ trợ của chính phủ và thương mại hóa các nội dung thế hệ mới và nhận diện những nội dung cạnh tranh…” 

Làn sóng Hàn Quốc lan rộng khắp toàn cầu với người hâm mộ ở mọi nơi chốn.

Sự hỗ trợ của chính phủ để toàn cầu hóa công nghiệp văn hóa trong giai đoạn này là hoàn thiện chính sách, qua đó có thể cung cấp nhiều tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ những sản phẩm hợp tác với các quốc gia khác và khuyến khích đầu tư. Năm 2009, Quỹ Nội dung toàn cầu được thành lập với vòng tài trợ đầu tiên lên tới 123,6 tỉ won (40 tỉ từ chính phủ, còn lại từ tư nhân và quốc tế); năm 2015, con số này là 100 tỉ won.

Với các chính quyền tiếp theo, dưới quyền Tổng thống Park Geun-hye và Moon Jae-in, những chính sách được thực thi như thiết lập Ủy ban Hallyu 3.0 vào năm 2014, Đội đặc nhiệm Lập kế hoạch nội dung Hallyu vào năm 2015 nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác công – tư và củng cố mối quan hệ Làn sóng Hàn Quốc và các ngành công nghiệp để đa dạng hóa nội dung văn hóa ở quy mô toàn cầu; kế hoạch năm năm để thúc đẩy trao đổi văn hóa hai chiều nhằm gia tăng lượng fan hâm mộ từ 60 triệu lên 100 triệu vào năm 2022, qua đó mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu…, giải quyết các khủng hoảng quan hệ do làn sóng bài Hàn Quốc ở thị trường chính Trung Quốc… Chính quyền ông Moon Jae-in còn thiết kế chính sách Phương Nam mới, nhấn mạnh vào yếu tố con người với thúc đẩy du lịch, trao đổi văn hóa, cung cấp học bổng cho người nước ngoài, trao đổi chuyên gia lĩnh vực công và tư, hỗ trợ người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, xóa đói nghèo, phát triển hợp tác trong dịch vụ y tế, khuyến khích thương mại và đầu tư vào các quốc gia ASEAN… Tất cả là nhằm loại bỏ rào cản ngăn sự lan tỏa Hallyu ở cấp độ toàn cầu. Trong Kế hoạch thúc đẩy Hallyu mới vào năm 2020, sự hiện diện của làn sóng Hàn Quốc được tái định nghĩa là “Hallyu mới (Văn hóa Hàn)”.  

Những bài học chính sách

Từ một quốc gia bên lề dòng chảy văn hóa khu vực và thế giới, Hàn Quốc đã có một bước nhảy lượng tử, một sự chuyển biến đầy kinh ngạc với nền công nghiệp văn hóa đa dạng của mình để đường hoàng xuất hiện trong dòng chủ lưu của văn hóa toàn cầu, điều chưa một quốc gia phi phương Tây nào làm được. Bài học thành công của Hallyu đem lại nhiều gợi ý cho những quốc gia đi sau như Việt Nam. Tuy nhiên ở góc độ của mình, chúng ta học hỏi những bài học kinh nghiệm này như thế nào? có một công thức đúng cho tất cả không? 

Câu chuyện thành công của Hallyu cho thấy có ba điều kiện quan trọng cho một chuyển biến văn hóa. Thứ nhất, sự tự do biểu hiện là điều cốt lõi để nuôi dưỡng sáng tạo nghệ thuật. Thứ hai là sự cạnh tranh tạo động cơ cho nghệ sĩ phát huy sáng tạo, khiến họ có thể tạo ra kiệt tác. Thứ ba là sự hòa trộn của nhiều yếu tố văn hóa khác biệt khi kết hợp được ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, Mỹ, Nhật và một chút châu Âu.

Trước hết, câu chuyện thành công của Hallyu cho thấy có ba điều kiện quan trọng cho một chuyển biến văn hóa. Thứ nhất, sự tự do biểu hiện là điều cốt lõi để nuôi dưỡng sáng tạo nghệ thuật. Dưới thời chính quyền quân sự trước những năm 1990, văn hóa đại chúng bị kiểm soát theo nhiều cách nhưng nhạc dance lại là ngoại lệ khi không cho thấy có tín hiệu đe dọa nào với chính quyền. Nhờ vậy cộng đồng nhạc dance Hàn đã được phát triển tự do. Sự cải thiện của tình hình với K-dramas, K-movie sau năm 1992 cũng chỉ dấu tầm quan trọng của tự do biểu hiện. Thứ hai là sự cạnh tranh tạo động cơ cho nghệ sĩ phát huy sáng tạo, khiến họ có thể tạo ra kiệt tác. Thứ ba là sự hòa trộn của nhiều yếu tố văn hóa khác biệt khi kết hợp được ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, Mỹ, Nhật và một chút châu Âu. Tính chất lai là bản chất của Hallyu nhưng tinh thần Hàn là cốt lõi. Tính chất đa văn hóa và đa quốc gia trong quá trình trao đổi văn hóa có lẽ là cách hiệu quả nhất để lan tỏa.

Đặt cả ba điều kiện này vào một dòng chảy liên tục và nhất quán của chính sách phát triển văn hóa đi kèm với phát triển kinh tế, sẵn sàng cởi mở hấp thụ văn hóa bên ngoài của các đời tổng thống đã đem lại sự bền vững cho nền công nghiệp văn hóa tỉ đô và vị thế quốc gia. 

Tuy nhiên sự hợp thời và nhất quán của chính sách trong việc đảm bảo điều kiện cho phát triển công nghiệp văn hóa có phải sẽ là yếu tố đảm bảo thành công không? Rất tiếc là không thể khẳng định được điều này bởi thế giới văn hóa có vô vàn sự bất định, và lại không thể tránh khỏi nó. Paik Nam-june, một huyền thoại video art người Mỹ gốc Hàn từng nói “không có sự sáng tạo nào mà lại không có sự bất định”. Cảm xúc của con người mới là yếu tố quyết định số phận của nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung, nên đôi khi thật khó để đưa ra lời giải thích hoặc dự đoán một cách logic về nghệ thuật.

Mặt khác, khó có thể có được sự phát triển văn hóa và nghệ thuật khi nó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Tất cả những gì chính phủ có thể làm, trong trường hợp này, là loại bỏ những rào cản ngăn trở trên đường phát triển. Thông qua những thử nghiệm và bài học kinh nghiệm, sự tích lũy vốn văn hóa đến một lúc nào đó mới có thể chuyển thành sự thành công kỳ diệu như Hallyu.

Trong một bức thư gửi bạn vào năm 1956, nhà văn Somerset Maugham đã đề cập đến cái tên tiểu thuyết Mặt trăng và đồng sáu xu của mình “Nếu anh chỉ nhìn xuống mặt đất để tìm kiếm đồng sáu xu thì anh sẽ không bao giờ nhìn lên, và vì vậy để lỡ mặt trăng”. Có lẽ, phát triển văn hóa với những logic riêng của mình, cần có sự khuyến khích tinh thần tự do sáng tạo và vượt thoát khung khổ đã định hình để một ngày nào đó trở thành “mỏ vàng văn hóa”. Và đó sẽ luôn là câu chuyện của “mặt trăng và đồng sáu xu”. 

————————

Tài liệu tham khảo:

Jungsoo Kim. “Success without Design: Hallyu (Korean Wave) and Its Implications for Cultural Policy*”. The Korean Journal of Policy Studies. 2016.

Dal Yong Jin. “Cultural Production in Transnational Culture: An Analysis of Cultural Creators in the Korean Wave”. International Journal of Communication. 2021.

Butsaban Kamon. “The Hallyu policies of the Korean government”. Journal of Language and Culture. 2023.

Marissa Trunfio. “Hallyu and Soft Power: The Impact of the Korean Wave”. The Review of Korean Studies. 2009

Tác giả

(Visited 184 times, 1 visits today)