Nỗi sợ bóng tối

“Nào, thưa giáo sư, thế ba cái thứ vớ vẩn về quái vật trong bóng tối là thế nào?”

“Tôi cam đoan với ông đó không phải chuyện vớ vẩn đâu, Đại tướng.”

“Thôi được rồi, vậy làm cho tôi tin ông đi.”

 “Như ngài đã biết, thưa ngài, từ lâu các nhà thiên văn học đã khám phá ra rằng Vũ trụ chứa một dạng vật chất khác hoàn toàn với các dạng vật chất thông thường.”

“Cái gì đó liên quan đến hấp dẫn đấy phỏng?”

“Phải, theo một nghĩa nào đó thì đúng như vậy. Quá nhiều, quá nhiều hấp dẫn đã được tạo ra bởi chỉ riêng vật chất thông thường. Chắc chắn phải có một dạng vật chất vô hình nào đó khác, mà chúng tôi gọi là vật chất tối1. Chúng tôi cũng cho rằng thành phần tạo nên nó là cái gì rất đơn giản thôi. Có thể là một loại hạt kì lạ, hoặc có thể là sự phân tán của các lỗ đen cực nhỏ được tạo ra trong những thời điểm sơ khai của Vũ trụ.”

“Rồi rồi, mấy chuyện về lịch sử cổ đại thế là đủ rồi. Thế có cái gì mới mẻ hơn không?”

“Cách đây không lâu, chúng tôi bắt đầu khám phá ra… sự đông tụ của một chất ít đậm đặc hơn lỗ đen nhưng đậm đặc hơn bất cứ vật chất thông thường nào.”

“Tuyệt đấy. Anh nói gì cơ, sự đông tụ ấy à?”

“Vâng, những sự đông tụ. Điều này cho chúng tôi thấy vật chất tối không chỉ có một dạng hạt đơn nhất. Có nhiều loại hạt tối khác nhau, cũng như với trường hợp vật chất bình thường vậy. Chúng đang tương tác với nhau qua các lực lạ lùng của tự nhiên, những lực ấy không ảnh hưởng gì tới chúng ta nhưng lại định hình nên những cấu trúc phức tạp của vật chất tối. Đó là cả một vùng tăm tối, tồn tại song song với vùng tồn tại của chúng ta.”

“Xin ông hãy đi thẳng vào vấn đề đi nào.”

“Chúng tôi đã khảo sát một số hiện tượng đông tụ bằng máy dò hấp dẫn mới nhất. Và gần đây, bằng một số máy, chúng tôi đã tìm ra… vài thứ. Mấy thứ di chuyển vòng quanh.”

“Cái gì mà thứ nọ thứ kia, rồi lại còn đông tụ. Đáng sợ quá đi mất nhỉ.”

“Những thứ có sự sống, thưa ngài.”

“Đấy. Đó là phần tôi cảm thấy khó nuốt nhất đấy. Ông chắc chắn đấy chứ?”

“Tôi khá chắc đấy. Chúng di chuyển theo những cách mà vật chất vô tri không thể thực hiện được. Chúng tôi đã từng xem chúng đi săn. Ăn uống. Kết đôi. Và sinh sản.”

“Tôi hiểu rồi. Tôi hiểu rồi. Và tất cả những điều này đang diễn ra trong vô hình, song song với thế giới của chúng ta? Vậy bây giờ, ngay chỗ tôi với ông ngồi đây, đang có những vật chất tối giao phối với nhau đấy hả?”

“Chà…về nguyên tắc thì thế, nhưng chúng có vẻ như bị giới hạn trong một lần đông tụ duy nhất thôi, tôi dám chắc là không có cái nào ở đây lúc này cả.”

“Tôi nhẹ cả người đấy, ông bạn. Dù vậy, nó đúng là một ý tưởng khó chịu đấy, mấy người nhạy cảm quá mức chắc khó mà chấp nhận một chuyện như thế. Tôi cam kết sẽ giữ bí mật tất thảy vụ này. Nhưng nó có liên quan gì đến quân đội không? Nếu có bất cứ một mối đe dọa quân sự nào từ hoạt động tình dục của đám vật chất tối, tôi chắc chắn sẽ không bỏ qua đâu.”

Nỗ lực giao tiếp với “kẻ khác” ngoài vũ trụ: TS. ngôn ngữ học Louise Banks cầm tấm biển có viết chữ Human (loài người) để giơ ra trước những sinh vật ngoài hành tinh đầy bí ẩn trong phim Arrival.

“Ồ, không, không phải như thế, thưa ngài. Chúng cũng có công nghệ riêng của chúng.”

“Cái gì?”

“Công nghệ, thưa ngài. Tất nhiên công nghệ của chúng không tinh vi phức tạp được như chúng ta. Mà ở dạng sơ khai nguyên thủy.”

“Thế nếu chúng còn sơ khai, thì có gì mà phải lo chứ?”

“Vấn đề duy nhất là, các lực tự nhiên thuộc vùng tối hóa ra lại có sức mạnh đáng lo ngại. Chúng mạnh hơn rất nhiều so với những lực chúng ta có trong tay.”

“Nhưng chính ông từng nói các lực tối không thể ảnh hưởng gì đến chúng ta kia mà?”

“Chúng không thể tác động trực tiếp. Nhưng vấn đề nằm ở hấp dẫn. Hấp dẫn là thứ ảnh hưởng đến cả vật chất thông thường và vật chất tối. Chính thông qua hấp dẫn mà chúng ta nhận biết được sự tồn tại của chúng đấy, ngài nhớ chứ. Vì vậy, rất có thể, bằng cách sử dụng những lực ngoài hành tinh dữ dội của mình, các sinh vật này có thể tạo ra các loại vũ khí sử dụng lực hấp dẫn. Những vũ khí ấy có thể giết chết chúng ta. Chẳng hạn, chúng có thể tạo ra những lỗ đen ở những nơi bất lợi với chúng ta.”

“Bất lợi ấy hả? Ừm, tôi hiểu. Nhưng liệu chúng có biết tới sự tồn tại của chúng ta không?”

“Rất tiếc, tôi phải nói là có, thưa ngài. Gần đây chúng đã phát triển các máy đo hấp dẫn khá hiệu quả của riêng mình, và chúng nhận diện được hoạt động của một trong những máy bay không người lái của chúng ta. Chà, chúng phản ứng cũng dữ dằn đấy. Có một chuyển động bám theo sự rút lui của chiếc máy bay không người lái một khoảng khá xa đấy.”

“Ôi trời, người chịu trách nhiệm điều khiển cái máy bay ấy đã bị xử lí rồi chứ?”

“Tất nhiên.”

“Tốt. Vậy thực sự thì chúng ta có cần hành động gì lúc này không? Tất cả những điều này đều dựa trên một chuỗi suy đoán phải không – rằng những sinh vật này có thể phát triển vũ khí, rằng chúng có ý chí riêng, rằng chúng sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng ông cũng nói rằng chúng bị giới hạn trong một, ờ, sự đông tụ duy nhất hả?”

“Đúng, thưa ngài.”

“Vậy lãnh thổ của chúng ta có quy mô lớn hơn của chúng nhiều bậc hay sao?”

“Đúng thế, nhưng chúng đang bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Một số sinh vật đã lan ra sống ở những quỹ đạo xung quanh không gian gốc. Thời điểm để tiệt trừ sự lan tràn này phải là ngay sau khi phát hiện ra nó chứ không phải đợi tới lúc chúng đã trở thành bệnh dịch. Chúng ta không thể biết được suy nghĩ của chúng, nên sẽ hợp lí khi coi đó là sự thù địch.”

“Ờ nhưng mọi nguy cơ đều còn rất nhỏ đúng không?”

“Rất rất nhỏ, thưa ngài. Nhưng không phải là không có. Và hãy thử so sánh nền văn minh vĩ đại của chúng ta với dạng thức sống nhỏ bé, biệt lập, và rõ ràng là thấp kém của chúng… hừm, tôi chắc chắn chúng ta biết được đâu là lựa chọn tất yếu.”

“Thế thì, ông có gợi ý gì không?”

“Chúng ta có thể triển khai một loại vũ khí tấn công được vật chất tối. Chỉ cần một thứ vũ khí nhỏ thôi, thậm chí nhỏ hơn bộ phận phụ của tất cả các loài sinh vật này. Là đủ để xóa số tất cả chúng.”

“Ông đang nói về một cái lỗ đen ấy à?”

“Phải, nếu ngài có bất kì nỗi lo lắng nào, tôi có thể đảm bảo rằng mọi thứ sẽ kết thúc nhanh thôi. Ngay cả mấy cá thể sống trên quỹ đạo cũng có thể bị tiêu diệt ngay lập tức chỉ bằng một vụ nổ phóng xạ.”

“Tôi hiểu rồi. Chà, việc lắp ráp một lỗ đen nhỏ tại chỗ chẳng khó khăn gì, cũng chả xi nhê gì tới ngân sách. Nhưng có vẻ chơi thế thì không được đẹp lắm nhỉ. Chưa kể tới những thứ khác, chúng ta sẵn đã có lợi thế về trọng lượng, phải không?”

“Đúng thế, thưa ngài. Vật chất thông thường có trọng lượng gấp năm lần vật chất tối. Tôi nghĩ điều này sẽ củng cố khả năng sinh tồn của chính chúng ta.”

“Tôi nghĩ là cần phải hành động thôi. Tôi sẽ cho gọi công binh ngay.”

“Cảm ơn ngài. Bộ phận của tôi đã bắt đầu tìm kiếm kĩ càng khắp Thiên hà để truy vết bằng được cái đám này. Chúng tôi sẽ sớm cam đoan rằng bóng tối đã bị quét sạch”.□

———

Lời bình của người dịch:

Có lẽ có thể đặt Nỗi sợ bóng tối, truyện sci-fi về sự sống ngoài vũ trụcủa Stephen Battersby vào trường liên tưởng của con người về các giả thiết và khả năng gặp gỡ với những dạng thức sự sống ngoài Trái đất. Nói như Gwyneth Jones trong The Cambridge Companion to Science Fiction, sự hình thành và những chuyển đổi trong hình dung về “người ngoài hành tinh” (alien) trong truyện viễn tưởng phản ánh những thay đổi và phát triển trong thế giới thực. Cũng như Jones chỉ ra, từ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 đã bắt đầu có sự suy đoán nghiêm túc theo học phái Darwin về sự sống và sinh thái trên những hành tinh khác, những dự phóng này có sự chuyển hóa một cách gay cấn hơn vào tác phẩm The War of the Worlds (Chiến tranh giữa các hành tinh, 1898) của H. G. Well. Cũng từ tác phẩm này, người ngoài hành tinh chính thức được hình dung như một địch thủ, và từ đó, được xác định là kẻ thù nguy hiểm của “chúng ta” (con người). 

Đặt vào dòng mạch này, Nỗi sợ bóng tối của Stephen Battersby gần như là một câu hỏi đầy trăn trở về tính bạo lực trong hình dung cũng như trong cách con người hành xử lại với những tồn tại sống ngoài vũ trụ khi giả tưởng về cuộc gặp gỡ/chạm trán với các sinh thể ngoài Trái đất. Và câu trả lời của Battersby là, dường như việc chấp nhận sự khác biệt của cái/kẻ “khác”, trân trọng sự bí ẩn và tính khác biệt của những tồn tại mà chính mình chưa hiểu được vẫn chỉ là một mộng tưởng xa vời. Thay vào đó, muôn đời những phản ứng từ thế giới con người vẫn chỉ xoay quanh những diễn giải mang tính nhị nguyên thù nghịch về chúng ta/chúng nó, nhìn mọi sự sống khác mình như là kẻ thù.

Truyện ngắn này, bởi thế, gợi nhớ đến bộ phim điện ảnh giả tưởng đình đám Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn, 2016) của Denis Villeneuve. Trong phim này, sự hiện diện của một đĩa bay bí ẩn lơ lửng giữa không trung và những dạng thức sống khác lập tức bị diễn giải như là “cuộc đổ bộ” đầy thách thức và khiêu chiến. Trong khi những người ngoài hành tinh chỉ ở đó, lặng lẽ quan sát chúng ta, lặng lẽ ngắm nhìn đời sống con người, thì từ phía đối nghịch, con người liên tục đặt câu hỏi về mục đích xâm chiếm, về vũ khí kháng cự, cho tới khi chiếc tàu không gian kia biến mất. 

Nhưng truyện ngắn của Battersby có chút gì tuyệt vọng hơn, bởi nếu như trong Arrival vẫn còn có thể thấy được một nỗ lực giao tiếp và thấu hiểu dù nhỏ nhoi về thế giới của “kẻ khác” đến từ vũ trụ (nhân vật nữ chính đồng thời là nhà ngôn ngữ học đã cố gắng tìm cách giao tiếp trong sự thân thiện và chào đón chân thành, cuối cùng cô được các sinh thể ngoài hành tinh dạy cho ngôn ngữ của riêng họ); thì ở đây, không có một sự giao lưu cá nhân nào, không một nỗ lực hiểu nào được thực hiện. 

Tất cả bị rút giảm thành những quyết định tấn công, tiêu diệt, và chế tạo vũ khí từ những thiểu số nắm quyền lực cao nhất (với nhà khoa học đại diện cho quyền lực tri thức, và vị tướng đại diện cho quyền lực quân sự). Thủ tiêu bóng tối, ở đây, còn là thủ tiêu đi sự bí ẩn và sự quyến rũ mà nó mang, và thủ tiêu đi cả những cơ hội gặp gỡ và thông hiểu. 

Stephen Battersby
Đặng Hà dịch
Nguồn: Nature doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-03002-9

——

Chú thích

1 Vật chất tối là một loại vật chất giả thuyết trong vũ trụ, mà thành phần cấu thành nên nó vẫn còn gây tranh cãi. Nó được cho là chiếm khoảng 85% tổng khối lượng của vũ trụ, và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của vũ trụ. Vật chất tối được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1933 bởi nhà thiên văn học Fritz Zwicky, khi ông nghiên cứu các thiên hà trong cụm thiên hà Coma. Ông nhận thấy rằng các thiên hà trong cụm này di chuyển với vận tốc quá lớn so với khối lượng của chúng, điều này chỉ có thể giải thích được nếu có một loại vật chất vô hình nào đó đang tác động lực hấp dẫn lên chúng. Kể từ đó, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều bằng chứng khác ủng hộ sự tồn tại của vật chất tối. Ví dụ, nhiều quan sát về các thiên hà quay quanh các lỗ đen siêu khối lượng cho thấy rằng những thiên hà này nằm cách xa lỗ đen hơn so với những gì được dự đoán dựa trên khối lượng của lỗ đen. Điều này cũng chỉ ra rằng có một loại vật chất vô hình nào đó đang tác động lực hấp dẫn lên các thiên hà. Tuy nhiên, bản chất của vật chất tối vẫn là một bí ẩn. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về thành phần của vật chất tối, nhưng vẫn chưa có giả thuyết nào được chấp nhận rộng rãi.

Bài đăng Tia Sáng số 1/2024

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)