21 bài học cho thế kỷ XXI (phần 2)

Những vấn đề thời sự chính trị cũ được viết lại trong những phần sau của cuốn sách với cách nhìn rộng xuyên suốt lịch sử loài người trong hàng triệu năm, thậm chí của sinh quyển hàng tỷ năm. Harari đã tiếp tục đưa ra những thảo luận đặc sắc và đáng suy nghĩ trong thời đại mới này.


Thách thức chính trị

Cộng đồng lớn nhất thế giới

Con người ngày nay ít tham gia vào các hội nhóm (offline) hơn trước đây mấy chục năm, thật vậy. Thế nên một dự án mà Mark Zuckerberg khởi động vào năm 2017 để khuyến khích người dùng tham gia các nhóm (Group) nhiều hơn đã có kỳ vọng kết nối xã hội. Nhưng đến nay, kết quả của nó có vẻ không rõ ràng. Kết nối nhiều hơn, tham gia nhiều nhóm hơn nhưng tất cả đều trên mạng.

Cái mà con người cần hơn bây giờ là kết nối với những trải nhiệm của chính mình. Thay vì tận hưởng những trải nghiệm của bản thân, ví dụ như khi leo lên một đỉnh núi, thì ta lại dành nhiều thời gian trên đỉnh núi đó để đợi những lượt thích từ bạn bè trên mạng hơn là phải ngắm nhìn xung quanh. Kết nối nhiều trên mạng khiến chúng ta mất đi kết nối với cơ thể, giác quan và môi trường vật lý xung quanh mình, và chắc chắn làm giảm cả những mối quan hệ thân thiết khác.

Văn minh nhân loại đang hội tụ

Trong tự nhiên, tinh tinh vẫn sống theo bầy và khỉ đột thì luôn xây dựng một nhóm đơn lẻ chỉ có một khỉ đực duy nhất với các khỉ cái khác. Điều này đã được ghim vào gene và chúng sẽ không thay đổi trong hàng ngàn hay hàng triệu năm tới. Nhưng con người thì lại thay đổi hệ thống xã hội liên tục. Lấy ví dụ người Đức, chỉ trong chưa đầy 100 năm của thế kỷ 20, họ đã tự tổ chức thành sáu hệ thống xã hội khác nhau: Đế chế Hohenzollern, nền cộng hòa Weimar, Đệ tam Quốc xã, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức và nước Đức thống nhất. Con người có thể dễ dàng thay đổi và thích ứng như vậy đó.

Hay nói đến liên minh châu Âu, khi Hiến pháp chung châu Âu tuyên bố rằng nó lấy cảm hứng và kế thừa các giá trị dân chủ, tự do và pháp quyền từ thời dân chủ Athens 2.500 năm trước. Có thực vậy không? Nền dân chủ Athens chỉ tồn tại như một thí nghiệm miễn cưỡng trong hơn 200 năm ở một góc nhỏ của bán đảo Balkan, còn châu Âu hơn hai mươi lăm thế kỷ qua thì đầy rẫy những chiến tranh và độc tài, như Sparta hay Julius Caesar, những đoàn Thập tự chinh hay chủ nghĩa thực dân, Tòa dị giáo và buôn bán nô lệ, hay các cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất. Thực tế thì văn minh châu Âu sẽ là bất cứ thứ gì mà người châu Âu nghĩ về nó, ở mỗi thời điểm. Nếu như vào năm 1618, người châu Âu bị ám ảnh bởi sự khác biệt giáo lý tí xíu giữa Cơ Đốc và Tin Lành đến nỗi sẵn sàng chém giết và sát hại, thì vào năm 1940 họ lại bất đồng về chủ nghĩa chủng tộc và đấu tranh cho nó. Còn đến những năm 2018 này thì họ không phải bất đồng lớn ở màu da hay giáo lý, mà là vấn đề nhập cư, Liên minh châu Âu và các hạn chế của chủ nghĩa Tư bản.

Thực chất chúng ta đang tiến đến một nền văn minh giống nhau đến không ngờ. Các quốc gia giờ đây đều được tổ chức với chính phủ, quốc hội và tòa án, hầu hết là thành viên của Liên Hợp Quốc, có quốc kỳ và quốc ca mà, nếu dịch lời sẽ khó mà phân biệt bài hát của nước nào với nước nào. Nền văn minh duy nhất này sẽ phải cùng nhau giải quyết những vấn đề chung nhất mang tính toàn cầu.

Chủ nghĩa dân tộc

Đứng trước những vấn đề đó thì chủ nghĩa dân tộc có vai trò gì? Thực chất là rất hạn chế. Nhìn vào gốc tự nhiên, dù con người là một sinh vật xã hội thì gene của nó đã được ấn định qua hàng trăm nghìn năm chỉ để sống trong các cộng đồng nhỏ mật thiết với không quá vài chục người. Các dân tộc thì mới chỉ tồn tại vài ngàn năm gần đây, như mới sáng hôm qua nếu so với chuỗi ngày dài săn bắn hái lượm. Và người ta chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng khoa học nào về dân tộc tính trong gene của ai cả.

Nhưng điều đó không có nghĩa các khái niệm dân tộc hay quốc gia có gì sai cả. Ngược lại nó rất cần thiết để con người hợp tác trên diện rộng để chung sống tốt hơn và tạo ra những thành quả vĩ đại. Vấn đề chỉ là không có dân tộc nào là thượng đẳng hơn dân tộc nào khác. Và ngày nay chúng ta không thể chỉ nghĩ đến dân tộc mình mà mặc kệ những dân tộc khác.

Bởi vì các thách thức mà nhân loại phải đối mặt đã vượt quá tầm của bất kỳ dân tộc nào. Chiến tranh hủy diệt, biến đổi khí hậu hay đứt gãy công nghệ (bài 1) đã và đang đe dọa nhân loại mà chỉ có sự hợp tác của các quốc gia, dân tộc mới có thể vượt qua được. Nếu như hai thử thách đầu tiên đã được nói đến nhiều, nó ảnh hưởng đến thể xác của nhân loại, nhưng chúng chỉ có tầm mức vài thế kỷ còn thử thách đứt gãy công nghệ lại có tác động sâu sắc hơn nhiều. Lần đầu tiên sau bốn tỷ năm sự sống hữu cơ tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên ngày nay con người đang hướng vào một kỷ nguyên của sự sống vô cơ được thiết kế thông minh xác định trước. Nó khiến cho trí tuệ và ý thức bị tách rời, các cảm xúc và cấu kết xã hội bị đứt gãy. Khi đó thì chủ nghĩa dân tộc Israel, Nga hay Pháp cũng chẳng thể đem lại giải pháp nào cả.

Rosa Parks đã can đảm ngồi xuống một chiếc ghế xe buýt chỉ dành riêng cho người da trắng tại một chuyến xe Montgomery vào năm 1955. Nguồn: Getty Images

Tôn giáo

Vai trò của tôn giáo cũng đã giảm đi nhiều. Nếu như trước dây để làm nông nghiệp hay chữa bệnh việc cầu mong thánh thần là điều không thể thiếu thì ngày nay hầu hết không còn. Vai trò của tôn giáo có lẽ chỉ thu hẹp lại vấn đề tinh thần.

Các tôn giáo nếu có ảnh hưởng lên các vấn đề chính trị hay xã hội thì chỉ là vỏ bọc. Ví dụ như nếu lãnh tụ tối cao Khamenei cần đưa ra một quyết định gì về kinh tế thì các chuyên gia kinh tế sẽ hoạch định giống như các nước khác, để sau đó Khamenei sử dụng các quyền hạn tôn giáo đóng gói các chính sách khoa học dưới lớp vải của các lời huấn thị trong kinh Quran.

Trong thế kỷ 19 và 20, các triết gia Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo và Cơ Đốc giáo đã phê phán nhiều lần chủ nghĩa vật chất hiện đại, chủ nghĩa tư bản vô hồn thì rốt cuộc sau hàng chục năm, các quốc gia của họ vẫn vận hành những nền kinh tế na ná như nhau. Chưa nói đến những thách thức mang tính toàn cầu ở trên.

Tuyệt vọng và hy vọng

Chiến tranh

Nhìn lại về chiến tranh có thể nói rằng chúng ta đang ở trong những thập kỷ hòa bình nhất trong lịch sử. Nếu ở trong các xã hội nông nghiệp thời kỳ đầu bạn sẽ thấy 15% dân số chết do bạo lực. Ngay trong thế kỷ 20 với những cuộc chiến tranh hiện đại, con số này là 5% thì ngày nay bạo lực chỉ chiếm có 1% nguyên nhân tử vong. Những căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới làm ta lo lắng nhưng thực chất khả năng xảy ra chiến tranh hiện nay rất thấp.

Nguyên nhân bởi vì kết quả có được từ chiến tranh ngày nay không còn như xưa, năm 2018 khác hẳn 1914. Cụ thế vào năm 1914, các giới tinh hoa khắp địa cầu bị lôi cuốn vào cuộc thế chiến thứ I vì những lợi ích rõ ràng về kinh tế và quyền lực chính trị. Trước đó, nước Anh chỉ mất có 57 lính trong trận Tel el-Kebir quyết định để xâm chiếm được Ai Cập, từ đó kiểm soát thung lũng sông Nile và kênh đào Suez. Đế chế Anh đã mở rộng thành đế chế lớn nhất lịch sử nhờ những cuộc chiến tranh nhỏ thành công như vậy. Các cường quốc châu Âu như Pháp, Ý hay Bỉ bắt chước người Anh, họ tràn vào Việt Nam, Libya hay Công. Khi đó nỗi sợ của họ không phải sự phản kháng của người bản xứ mà là ai đến trước. Hoa Kỳ thì sao, họ đã quá thành công với cuộc xâm lược Mexico vào năm 1846 để có được California, Nevada, Arizona, New Mexico, Texas rộng lớn và hàng loạt bang khác. Đã có 13.000 lính Mỹ chết để đổi lấy 2,3 triệu kilomet vuông.

Nhưng ngày nay cái giá cho những cuộc chiến như vậy là quá lớn. Các nước đều hiểu là lợi ích và thịnh vượng có thể kiếm được từ thương mại và công nghệ hơn vì chiến tranh. Iran trông thế thôi, thực chất là họ không dính vào cuộc chiến nào kể từ sau khi bị Iraq xâm lược năm 1981. Israel cũng vậy, cuộc chiến lớn nhất của họ đã kết thúc từ năm 1967 và họ đạt được thịnh vượng ngày nay dù có nhiều chiến tranh trong khu vực, chứ không phải nhờ chiến tranh. Có thể nói là việc Israel không bị hút vào cuộc nội chiến Syria là thành tựu vĩ đại nhất của Thủ tướng Bẹnamin Netanyahu. Bởi nếu muốn, lực lượng tự vệ Israel có thể chiếm Damacus chỉ trong một tuần, hay chinh phục dải Gaza và xóa sổ chính quyền Hamas còn dễ dàng hơn. Nhưng họ đã tránh làm việc đó bởi hiểu rõ nó chẳng mang lại lợi lộc gì, dù bề ngoài các chính trị gia luôn có những lời lẽ hiếu chiến.

Thế nhưng cũng không nên đánh giá thấp nguy cơ chiến tranh cũng như đánh giá thấp sự ngu ngốc của loài người. Vào những năm 1930, các tướng lĩnh, đô đốc, nhà kinh tế và nhà báo Nhật đồng ý với nhau cần kiểm soát được Triều Tiên, Mãn Châu và vùng bờ biển Trung Hoa nếu không Nhật Bản sẽ phải chịu cảnh trì trệ kinh tế. Thực tế thì tất cả bọn họ đã sai, nước Nhật chỉ có được sự thần kỳ kinh tế sau khi thua trận và từ bỏ tất cả những vùng lãnh thổ trên. Saddam Hussein cũng đã tính toán thế nào để lao vào xâm lược Iran một cách điên cuồng năm 1981? Sự ngu ngốc đó của các chính trị gia vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Khiêm nhường

Phần lớn các dân tộc lớn đều coi mình là cái nôi của văn minh nhân loại. Người Hy Lạp cho rằng lịch sử chỉ bắt đầu với Homer, Sophocles, Plato ở quanh kinh thành Athens, Sparta, Alexandria. Những người theo dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa thì cho nhà Hạ, nhà Thương mới là khởi thủy của lịch sử và những thành quả gì của người phương Tây, người Hồi hay người Ấn chỉ là những bản sao của những phát kiến bắt nguồn từ Trung Hoa. Người Hồi giáo thì cho rằng những gì diễn ra trước nhà tiên tri Muhammed là không đáng kể và từ khi kinh Quran được mặc khải, quốc gia họ sẽ là những nơi tốt đẹp nhất và họ cần phải lan tỏa hào quang đó. Cũng vậy người Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga cũng đã coi mình là văn minh phát triển và đi khai hóa những vùng đất mông muội khác.


Trong thế kỷ 21 với những phương tiện kết nối, con người lại cảm thấy bất an hơn. Nguồn: http://dazomedia.com/ 

Thực sự thì không phải như vậy, không có quốc gia, dân tộc nào tồn tại khi con người ngừng cuộc sống di cư và sống cố định một nơi. Nếu có cái gọi là nguồn gốc nhân loại thì đó chỉ có thể là những hang đá ở châu Phi thời đồ đá. Kể từ đó đạo đức, nghệ thuật, tinh thần và sáng tạo đã là những khả năng phổ quát và ăn sâu vào ADN của mọi con người. Ngay cả những tôn giáo với rao giảng đạo đức cũng thường quá đề cao mình. Người Israel thường dùng cụm từ “ba tôn giáo vĩ đại” để chỉ Cơ Đốc giáo (2,3 tỷ tín đồ), Hồi giáo (1,8 tỷ tín đồ) và Do Thái giáo (15 triệu tín đồ), thực chất là còn ám chỉ đến khởi nguồn duy nhất là Do Thái giáo, là tôn giáo đầu tiên rao giảng các quy tắc đạo đức phổ quát. Như thể loài người trước Abraham và Moses là mông muội và đạo đức chỉ có sau Mười Điều Răn. Điều này là vô căn cứ và xấc xược vì từ thời kỳ Đồ Đá các bộ tộc cũng đã có các quy tắc đạo đức của mình. Hơn thế nữa, các minh chứng khoa học đã chỉ ra rằng nhân tố đạo đức có gốc rễ sâu xa cả trước khi loài người ra đời. Tất cả các loài thú có tính xã hội như chó sói, cá heo và khỉ đã có các quy tắc đạo đức thích nghi với tiến hóa để tăng cường hợp tác nhóm. Ví dụ như chó sói có quy tắc là nếu con nào cắn đối thủ khi đã nằm ngửa ra và đầu hàng thì cả bầy sẽ không chơi với nó nữa. Ở bầy tinh tinh, con đực đầu đàn sẽ không lấy ăn một quả chuối của những con yếu hơn.

Sự khiêm nhường của mỗi con người, dân tộc, quốc gia hay tôn giáo hiện giờ có lẽ là điều cần thiết hơn cả.

Chúa

Và trong các sự khiêm nhường, con người thường tỏ ra cung kính trước Chúa nhưng cũng rất hay nhân danh Chúa để chèn ép người khác. Sở dĩ như vậy bởi vì có hai cách định nghĩa về Chúa. Cách thứ nhất là khi chúng ta nghĩ đến những bí ẩn vũ trụ lớn nhất mà con người không giải thích được và đưa vị Chúa bí ẩn này ra là người tạo tác và thấu hiểu tất cả những bí ẩn đó. Ví dụ như vì sao định luật hấp dẫn lại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai vật thể? Vì Chúa định ra thế. Còn nếu Ngài không muốn mà chuyển sang, ví dụ tỷ lệ nghịch với lập phương khoảng cách chẳng hạn, thì vũ trụ này sẽ biến đổi ngay lập tức.

Nhưng người ta lại có một Chúa khác, người đề ra các luật lệ nghiêm khắc và thế tục. Các luật lệ này được ẩn trong những bộ sách sang trọng, giải thích chi tiết nhất những gì Ngài muốn và không thích, ví dụ như về phụ nữ được mặc áo cộc tay hay quan hệ tình dục đồng giới, uống rượu vang mỗi tối thứ Sáu hay tham gia cuộc Thập tự chinh. Và người ta thường nói về Chúa bắt đầu với vị Chúa thứ nhất, về những bí ẩn mà con người không (chưa) giải thích được như vì sao có Vụ Nổ Lớn, để ai cũng phải kính phục và nghe theo, rồi ngay sau đó đánh tráo lá bài với vị Chúa thứ hai và viện dẫn ra hàng loạt các điều luật ghi trong sách thánh.

Không phải là những điều ghi trong sách thánh là sai, mà nó thực sự chẳng khác với các luật lệ của nhà nước và tổ chức thế tục là bao. Ví dụ một trong những điều răn là không ăn trộm thì luật pháp nhà nước cũng có mà. Thế nên không cần và không nên nhân danh Chúa ở đây. Kể cả những điều luật về đạo đức mà luật pháp không quy định, ví như phải giúp đỡ người hoạn nạn, thì các vị thần và đấng tối cao cũng chỉ là một trong những độc lực tạo cảm hứng, và không bắt buộc. Như đã nói trong chương trước, đạo đức ở một số dạng là tự nhiên và đến cả một số loài thú có tính xã hội cũng đều có các quy tắc đạo đức riêng.

Thế nhưng đôi khi con người có thể tránh được những hành vi sai trái với người khác thì lại không thể ngừng làm đau hay tổn thương bản thân mình. Có lẽ khi đó Chúa là người cần có nhất vì Người có thể mang lại sự bình an trong tâm trí bạn.

Chủ nghĩa thế tục

Ở một đầu kia có những người tin vào Chủ nghĩa thế tục, tức là không tồn tại và không cần thiết phải có các thế lực siêu nhiên. Thay vào đó, trí tuệ và đạo đức là những thành quả và di sản tự nhiên của xã hội loài người. Những người thế tục tin vào khoa học, những bằng chứng và thống kê, họ tôn trọng tự do và hạn chế trao quyền lực tối thượng cho bất cứ văn bản, thể chế hay lãnh đạo nào. Những người thế tục ngưỡng mộ Galileo Galilei, người dám đặt câu hỏi nghi ngờ Trái đất nằm bất động ở tâm vũ trụ; họ ngưỡng mộ đám đông thường dân đã tràn vào ngục Bastille năm 1789 và lật đổ thể chế bạo ngược của Louis XVI; họ ngưỡng mộ Rosa Parks, người đã can đảm ngồi xuống một chiếc ghế xe buýt chỉ dành riêng cho người da trắng.

Trên thực tế lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng xã hội với những con người dũng cảm, thừa nhận ngu dốt và đặt các câu hỏi khó đã thịnh vượng và hòa bình hơn so với những xã hội ở đó con người phải tuân thủ những câu trả lời duy nhất không được bàn cãi. Những người thế tục cũng tôn trọng trách nhiệm, không ỷ lại hay chờ đợi những nhiệm vụ cho thế lực tối cao nào. Trên thực tế thì những người thế tục lại là những người đặt mục tiêu trách nhiệm và đạo đức quá cao và hầu hết mọi người đơn giản là không thể (lúc nào) cũng đáp ứng được. Và đôi khi vì quá tin vào những quan sát khách quan mà họ lại trở nên cứng rắn thành một giáo điều. Ví dụ như những nhà tư bản luôn nói “thị trường tự do và phát triển kinh tế là kim chỉ nam duy nhất” bất chấp thực tế hiện nay. Các cuộc khủng hoảng hay hệ quả của sự phát triển vẫn được coi là những “cơn sốt vỡ da” và mọi thứ sẽ tốt hơn khi tăng trưởng hơn chút nữa.

Họ cũng ủng hộ đến cuồng tín những giá trị tự do và nhân quyền, quyết mang chúng đến những nơi tối tăm như Iraq, Afghanistan hay Công và tin rằng các cuộc tổng tuyển cử sẽ biến những nơi này thành những xã hội như Đan Mạch. Quyền con người được mặc nhiên công nhận ngay từ khi con người sinh ra, nhưng nếu bạn định nghĩa mình là “cá nhân sở hữu các quyền tự nhiên không thể xâm phạm”, bạn không biết mình thật sự là ai và không hiểu các lực lượng lịch sử đã định hình xã hội này. Những quyền đó sẽ còn bối rối hơn nữa khi trí tuệ nhân tạo, sự sống nhân tạo cũng tham gia đòi hỏi các quyền của mình. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và khiêm nhường hơn về khả năng của con người. □

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)