8 đặc điểm của văn hóa khoa học
Trước những kết quả nghiên cứu có vẻ khá hiển nhiên, chúng ta thường nói “Cái đó không làm nghiên cứu cũng biết”. Thói quen suy nghĩ kiểu “không làm nghiên cứu cũng biết” vô tình làm cho chúng ta thụ động, chỉ khoanh tay nhìn thế giới, mà không chịu khó tìm tòi và đào sâu suy nghĩ. Thói quen này còn là một hàng rào cản trở tiến bộ khoa học, bởi vì nói như thế là mặc nhiên công nhận một giả định rằng những gì mình biết là chân lí, không cần làm gì thêm. Vả lại, vấn đề không phải đơn thuần là biết hay không biết, mà là định lượng cái biết của mình bao nhiêu, biết như thế nào, biết từ đâu... Nói tóm lại, phải có một văn hóa khoa học trong học hành, hoạt động khoa học...
Theo định nghĩa của giới xã hội học, văn hóa bao gồm những qui ước, giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên. Hoạt động khoa học dựa vào một số qui trình, qui ước đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận và lấy làm chuẩn, và do đó hoạt động khoa học tạo nên văn hóa khoa học. Chẳng hạn như trong khi làm thí nghiệm, tất cả các dữ liệu liên quan đến phương pháp, số liệu, hình ảnh, hay nói chung kết quả đều phải được ghi chép cẩn thận trong nhật kí thí nghiệm, và nếu cần phải có một đồng môn kí vào nhật kí. Tất cả các kết quả phải được trình bày trong các buổi họp hàng tuần trước đồng nghiệp và được “soi mói” cẩn thận. Hay trong thực hành lâm sàng, bác sĩ phải trình bày những ca bệnh mình phụ trách trong buổi họp giao ban, để các đồng nghiệp khác bàn luận. Đó là một khía cạnh của văn hóa khoa học.
Giữa các quốc gia, văn hóa khoa học có thể khác nhau, nhưng theo tôi nó có những đặc điểm phổ quát mà đại đa số những người làm khoa học chấp nhận. Đó là:
Thói quen đặt câu hỏi. Đứng trước một sự kiện hay sự vật, người có văn hóa khoa học phải đặt câu hỏi tại sao, đào sâu suy nghĩ, và từ đó phát hiện vấn đề. Một khi đã phát hiện được vấn đề thì giải pháp để giải quyết cũng có thể theo sau. Chính vì thế mà có người nói trong khoa học, biết được câu hỏi, biết được vấn đề cũng có nghĩa là đã thành công 50% trong nghiên cứu. Nhưng ở nước ta, học sinh và sinh viên nào đặt vấn đề, tranh luận với thầy là bị phê bình ngay “con nít mới học vài ba chữ biết gì mà nói”, hay “không biết thì dựa cột mà nghe”, hay thậm chí “hỗn với thầy cô”. Trưởng thành trong môi trường thứ bậc trong học thuật như thế, không ngạc nhiên khi sinh viên của chúng ta ra ngoài du học tuy rất khá trong việc trả bài, học trong khuôn khổ của sách giáo khoa, nhưng khi học cao lên một bậc hay thoát ra ngoài sách vở thì họ rất lúng túng trong nghiên cứu khoa học, vì họ không biết cách đặt vấn đề và cũng thiếu tự tin để trình bày vấn đề.
“Nói có sách, mách có chứng”. Kiến thức mang tính kế thừa từ đời này sang đời khác. Thành ra, đối với người có tinh thần khoa học nghiêm túc, phát biểu có cơ sở và tài liệu tham khảo là điều đương nhiên. Mở bất cứ một sách giáo khoa hay thậm chí sách tham luận nào ở các nước Tây phương, chúng ta đều thấy phần tài liệu tham khảo dồi dào, ngay cả những thư từ trao đổi cá nhân cũng được trình bày cẩn thận với sự cho phép của đương sự. Cách làm việc này còn là một cách kế thừa di sản của người đi trước, và cũng là một cách ghi nhận công trạng của họ.
Nhưng rất tiếc là ở nước ta, văn hóa “nói có sách mách có chứng” này vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Có thể tìm thấy khá nhiều sách, bài báo khoa học ở Việt Nam không kèm theo một tài liệu tham khảo nào. Vì thế người đọc không biết tất cả những phát biểu trong sách, bái báo đó là phát kiến của tác giả, hay mượn của người khác mà không chịu ghi nhận.
Phải nói thêm rằng “nói có sách, mách có chứng” có nghĩa là dựa vào tài liệu tham khảo gốc mà người phát biểu phải có trong tay và từng đọc qua, không trích dẫn nguồn tài liệu hạng thứ, hay từ một nguồn nào đó mà người phát biểu chưa từng đọc qua. Trong khá nhiều bài báo nghiên cứu khoa học ở nước ta, nhiều tác giả có xu hướng trích dẫn không căn cứ vào tài liệu gốc, hệ quả là nhiều phát biểu rất sai lầm.
Tôn trọng sự thật khách quan. Làm khoa học là một hành trình đi tìm sự thật, khai hóa, truyền bá cái mà chúng ta gọi là “văn minh”, và vì thế khoa học đặt sự thật trên hết và trước hết, trước tất cả những định kiến cá nhân. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận.
Người viết bài này từng có một kinh nghiệm thú vị: khi phân tích mối tương quan giữa lượng đường trong máu và độ cholesterol trong máu, nhà nghiên cứu phát hiện một bệnh nhân với số liệu “trệch hướng” với mô hình, và đơn phương quyết định bỏ số liệu của bệnh nhân này để phân tích lại. Đây là một vi phạm nghiêm trọng. Trong hoạt động khoa học, tất cả những thất bại hay bất bình thường đều được khai thác, xem xét kĩ lưỡng để học hỏi thêm, để chúng ta phát hiện một cái mới thú vị khác. Thuốc viagra được phát hiện một cách tình cờ vì phản ứng của thuốc không nằm trong “dự kiến” của các nhà nghiên cứu là một ví dụ.
Làm việc và thực hành dựa vào bằng chứng khách quan. Trong khoa học, niềm tin và kinh nghiệm cá nhân không thể xem là khách quan, và không thể làm nền tảng để hành động, nếu những kinh nghiệm đó chưa qua thử nghiệm khách quan. Vì vậy, chúng ta phải hành xử và phán xét dựa trên cơ sở dữ kiện nghiên cứu được thu thập một cách khách quan, chứ không dựa vào cảm tính hay theo phong trào hay áp lực.
Người Việt chúng ta thường quen phát biểu theo kinh nghiệm cá nhân, niềm tin, thậm chí theo cảm tính. Chẳng hạn như năm ngoái, khi bệnh xơ hóa cơ delta bùng phát, một số chuyên gia phát biểu một cách khẳng định rằng (“theo kinh nghiệm của tôi”) nguyên nhân bệnh là do tiêm chích thuốc nhiều lần. Và có lẽ thói quen thực hành dựa vào bằng chứng khách quan đã làm thiệt thòi y học cổ truyền ở nước ta. Các thuật điều trị cổ truyền đã được thực hành qua hàng nghìn năm, nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Chúng ta vẫn còn tin và hành xử theo tin đồn, theo truyền thuyết, thậm chí theo những niềm tin dị đoan.
Hệ thống hóa những gì mình biết, không dấu diếm. Trong hoạt động khoa học, tất cả những giả thuyết, phương pháp nghiên cứu, phương pháp phân tích, kết quả, và ý nghĩa của kết quả đều phải được hệ thống hóa trong một báo cáo khoa học, và công bố cho toàn thế giới biết. (Tất nhiên, đôi khi vì quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia, một số phương pháp không được công bố). Đặc điểm “văn hóa mở” này rất quan trọng và có lẽ là một yếu tố thúc đẩy phát triển khoa học ở các nước Tây phương. Đọc lại những nghiên cứu khoa học đơn giản từ thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tôi không khỏi thầm khen những ghi chép cẩn thận (có khi cẩn thận đến từng dấu chấm và con số lẻ) của những nhà nghiên cứu thời đó, không có dấu diếm gì cả. Nhưng ở nước ta, “văn hóa giấu nghề” hình như vẫn còn tồn tại trong không ít nhà khoa học. Những câu chuyện về giáo sư cố tình không truyền hết kĩ năng cho sinh viên và nghiên cứu sinh ở nước ta đôi khi nghe qua rất khôi hài, nhưng rất tiếc là lại thực tế.
Trong hoạt động khoa học, báo cáo khoa học thường được gửi cho một tập san chuyên ngành để đồng nghiệp có cơ hội thẩm định, và nếu không có vấn đề, sẽ công bố để đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới biết được. trên bình diện quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học, của nước nhà. Nhưng ở nước ta, phần lớn các công trình nghiên cứu chỉ được công bố trong các tập san nội địa dưới hình thức bản tóm tắt hay không qua bình duyệt nghiêm chỉnh.
Dân chủ. Hoạt động khoa học là một môi trường dân chủ, hiểu theo nghĩa tất cả các phát kiến của nhà khoa học đều được đồng nghiệp bình duyệt nghiêm túc, và ngược lại, nhà khoa học cũng có cơ hội bình duyệt các nghiên cứu của đồng nghiệp mình. Dân chủ trong khoa học còn có nghĩa một mô thức (paradigm) nào đó được đa số cộng đồng khoa học chấp nhận, thì mô thức đó được xem là chuẩn để thực hành. Nhưng đến khi mô thức đó được chứng minh không còn thích hợp hay sai, thì vẫn theo tinh thần dân chủ, mô thức đó sẽ được thay đổi bằng một mô thức mới.
Tinh thần dân chủ khoa học còn có nghĩa là các nhà khoa học lớn và có kinh nghiệm phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trẻ, chứ không có tình trạng “cây đa cây đề” dùng uy tín cá nhân để lấn ép đồng nghiệp trẻ. Bất cứ ai từng đi dự các hội nghị khoa học ở các nước Tây phương đều thấy những nhà khoa học cao tuổi, những người mà chúng ta hay gọi là “cây đa cây đề” nghiêm chỉnh lắng nghe đồng nghiệp trẻ trình bày, hay trả lời nghiêm chỉnh những phê phán, phản biện từ đồng nghiệp trẻ đáng tuổi học trò hay con cháu mình. Rất tiếc ở nước ta vẫn còn khá nhiều giáo sư lâu năm tự cho mình cái quyền lên lớp giới trẻ mà không chịu lắng nghe hay đánh giá thấp ý kiến của giới trẻ. Có nhiều vị thậm chí không chịu tiếp cận một cái nhìn mới về một vấn đề cũ, và hệ quả là các trao đổi chỉ có một chiều, thiếu dân chủ, làm cho hoạt động khoa học mất hào hứng và tất nhiên là thiếu dân chủ.
Kế thừa. Điều đẹp nhất của văn hóa khoa học không chỉ là dân chủ mà còn mang tính kế thừa, chuẩn bị cho một thế hệ tiếp nối. Không có kế thừa, khoa học sẽ là đi vào bế tắc rất nhanh. Ở các nước phương Tây (như ở Úc nơi người viết bài này đang làm việc), người ta có những kế hoạch cụ thể, kẻ lập ra những ngân sách đặc biệt, để nuôi dưỡng thế hệ nghiên cứu khoa học trẻ, những người đã có học vị tiến sĩ và đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ. Ngân sách này được phân phối cho các trung tâm nghiên cứu có điều kiện và cơ sở vật chất để sử dụng các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và từng bước đào tạo họ thành những nhà nghiên cứu độc lập, những con chim đầu đàn. Ngoài ra, trong các hội nghị quốc gia, những “cây đa cây đề” thậm chí nhường những chức vụ và vai trò quan trọng cho giới trẻ đảm trách để chuẩn bị họ cho một tương lai kế thừa sự nghiệp của những người đang sắp về hưu.
Nhưng ở nước ta, việc chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp vẫn còn là một… ý nguyện. Nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản từ trong và ngoài nước vẫn chỉ là những cái bóng bên cạnh các “cây đa cây đề”, chưa được giao những trọng trách. Có người chờ đợi mòn mỏi, và không đủ kiên nhẫn (cũng không thể trách họ) nên đành phải tìm cách ra nước ngoài và khả năng quay về nước thật thấp. Hệ quả là ngày nay, chúng ta thường nghe đến tình trạng “lão hóa” trong đội ngũ nghiên cứu khoa học nước nhà. Theo thống kê năm 2000, chỉ có 15% thầy cô đại học có học vị tiến sĩ (một học vị cần thiết cho nghiên cứu khoa học độc lập), và trong số mang hàm giáo sư, phần lớn ở độ tuổi 60 – 65. Với một lực lượng yếu như thế, không ngạc nhiên chúng ta chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên trường quốc tế như là một tập thể.
Trách nhiệm xã hội. Bản chất của khoa học là nhân đạo, và vì thế hoạt động khoa học còn phải có trách nhiệm với xã hội. Người làm khoa học, nói cho cùng, cũng là một thành viên trong xã hội, chứ không thể nào đứng ngoài hay đứng cao hơn xã hội. Nhà khoa học phải thông qua các cơ chế dân chủ để truyền đạt tri thức, để có tiếng nói; không thông qua các cơ chế này là biểu hiện của sự kiêu ngạo. Mới đây, khi Việt Nam có dự án xây một nhà máy điện hạt nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã góp ý khá sôi nổi, và đó chính là một cách thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm khoa học. Trong thực tế, không phải lúc nào các nhà khoa học cũng thành công trong việc thuyết phục chính quyền, nhưng ai cũng nhất trí là nhà khoa học phải có trách nhiệm với xã hội, và lên tiếng là một điều cần thiết.
***
Trong thập niên vừa qua, văn hóa khoa học đã trở thành một “đề án” được thảo luận rộng rãi ở các nước Tây phương, và được xem là một yếu tố trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, trong thời kì hội nhập quốc tế như hiện nay, chúng ta rất cần phát triển một văn hóa khoa học như là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Theo đó phải dứt khoát đoạn tuyệt với hình thức chủ nghĩa (như hám bằng cấp, học hành tài tử hiện đang còn rất phổ biến trong người Việt). Thay vào đó là trang bị văn hóa tìm tòi cho mỗi học sinh khi họ cắp sách đến trường, trang bị cho họ tư duy ham hiểu biết, say mê sáng tạo, trọng phương pháp, sẵn sàng thích ứng với môi trường mới, dân chủ, và có ý thức trách nhiệm với xã hội và đồng bào, biết áp dụng tinh thần khách quan và khoa học vào mọi phương diện của đời sống cá nhân và xã hội, phải biết hợp tác, và ở một số người, biết lãnh đạo theo những nguyên tắc dân chủ văn minh.
Để đo lường trình độ văn hóa khoa học của một quốc gia, chúng ta cần phát triển những tiêu chuẩn khách quan để đánh giá qua những chỉ tiêu đầu vào (như số nhà khoa học, kĩ sư, chuyên gia; số trung tâm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh; đầu tư cho khoa học…), hoạt động (đào tạo, đề bạt, hiểu biết về khoa học trong công chúng, báo chí khoa học…), và đầu ra (bằng sáng chế, bài báo khoa học, thành tựu trong ứng dụng khoa học, thương mại hóa…).
Công trình “vớ vẩn”
Trong một lần nói chuyện về đề tài béo phì và sắc đẹp con người, người viết bài này đề cập đến một nghiên cứu ở Anh mà trong đó các nhà khoa học đo lường các chỉ số nhân trắc như chiều cao, vòng eo, vòng mông, cân nặng, và sử dụng các thuật toán thống kê để phát triển một mô hình định lượng “đẹp” dựa vào các đo lường trên. Đồng nghiệp và sinh viên trong cử tọa cười ồ lên và tỏ ra ngạc nhiên về ý tưởng mà họ cho là rất lạ lùng đó. Có người còn nói “Đúng là ở Tây phương người ta thừa tiền của để làm những nghiên cứu vớ vẩn”! Thực ra công trình nghiên cứu “vớ vẩn” đó có ứng dụng rất lớn trong y tế và thương mại. Nó không chỉ là phương tiện dành cho các thanh niên để đi tìm người bạn đời, mà còn là một cơ sở khoa học để các nhà sản xuất quần áo thời trang dựa vào đó mà phát triển những chuẩn mực thích hợp cho từng độ tuổi và giới tính của một quần thể, và qua đó họ có thể đánh giá được thị trường tiêu thụ ra sao.