Các nhân tố quan trọng trong cuộc chiến với tham nhũng
Tham nhũng là một trong những vấn nạn lớn nhất đối với xã hội loài người. Mỗi năm, thế giới đã mất hàng nghìn tỉ đô la vì tham nhũng, chiếm khoảng 3% GDP của các quốc gia1. Bài viết này sẽ xác định thế nào là tham nhũng cũng như đưa ra các nhân tố chính trong việc đảm bảo phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Theo cách hiểu đơn giản nhất, tham nhũng là “sự lạm dụng quyền lực công” phục vụ cho “lợi ích tư”2.
Tham nhũng được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như nhận hối lộ, nhũng nhiễu vì vụ lợi, gian lận, biển thủ, dành ưu ái cho bà con thân thuộc… “Lợi ích tư” (vụ lợi) có thể là tiền, vật có giá trị, lời hứa thăng chức, lời hứa cho con cháu đi du học…
A được coi là tham nhũng khi có hành vi nhận, đồng ý nhận hoặc đề nghị nhận bất kỳ lợi ích nào cho A hoặc bất kỳ người nào vì một việc đã làm hoặc sẽ làm trong khả năng quyền hạn của A3.
Do vậy, suy cho cùng tham nhũng chính là sự lạm quyền. Chống tham nhũng là chống lạm quyền.
Nhà nước pháp quyền (the rule of law), Tính minh bạch (transparency) và Trách nhiệm giải trình (accountability) là những phần không thể thiếu trong việc đẩy lùi sự lạm quyền, tham nhũng. Bởi chính các nhân tố này mới giúp các hình phạt của Bộ luật hình sự áp dụng đối với tham nhũng, chứ tăng lương chỉ là kêu gọi “lương tâm” mà không có chế tài.
Các nhân tố quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng
Nhà nước pháp quyền (The rule of law)
Nhà nước pháp quyền giữ vai trò trung tâm trong các thiết chế dân chủ. Tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án…) phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
Ba yếu tố tạo nên nhà nước pháp quyền, đó là (1) Tính tối thượng của luật pháp cũng như không có cơ hội cho sự chuyên quyền, (2) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, (3) Hiến pháp như một phần không thế thiếu trong hệ thống pháp luật4.
Các nhân tố này đóng vai trò trong việc bảo vệ lợi ích công cộng, đảm bảo quyền lợi cá nhân cũng như trừng phạt những kẻ lạm quyền. Uslander chỉ ra rằng nơi nào nhà nước pháp quyền yếu, nơi đó càng nhiều tham nhũng5.
Để nguyên tắc nhà nước pháp quyền được thực thi, các quan tòa phải hoàn toàn độc lập khi xét xử mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là bởi các chính trị gia, lãnh đạo của nhánh hành pháp. Thực ra, tham nhũng phổ biến nhất ở nhánh hành pháp (chính phủ).
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia, nhánh hành pháp thường “lấn lướt” lập pháp, do vậy tòa án độc lập để soi xét hành vi nhánh này là hết sức quan trọng.
Ở Mỹ, Tổng thống (người đứng đầu chính phủ-nhánh hành pháp) chi phối Nghị viện thông qua các Nghị sỹ cùng đảng (Đảng của tổng thống thường có nhiều ghế hơn các đảng phái đối lập). Nhưng nếu có hành vi lạm quyền, tham nhũng của Tổng thống hay các quan chức chính phủ thì sẽ chịu sự phán xử của các quan tòa độc lập.
Nhiều nước ở khu vực Sahara, Châu Phi, các lãnh đạo của chính phủ có quyền lực tối thượng, họ chi phối hoạt động của các quan tòa. Do vậy tham nhũng được xem như “đại dịch” khắp mọi nơi, và nhà nước được lập nên như cơ hội làm giàu của một số cá nhân lãnh đạo hơn là vì lợi ích người dân6.
Tính minh bạch (Transparency)
Minh bạch được hiểu là người dân được quyền tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời từ phía chính quyền bao gồm thông tin về xã hội, kinh tế và chính trị7.
Để đảm bảo tính minh bạch được thực thi có hiệu quả, (1) các văn bản pháp luật và các chính sách phải được công khai, (2) đảm bảo tính công bằng, hợp lý, nhất quán trong các văn bản pháp luật, (3) phải thông báo các văn bản pháp luật và các sửa đổi đến các bên có liên quan.
Tính minh bạch giúp người dân “biết, bàn và kiểm tra” các hoạt động và chính sách của chính quyền. Thông qua đó, sẽ phát hiện ra sự lạm quyền, tham nhũng cũng như sự yếu kém trong quản lý nhà nước.
Mặc dù nhánh hành pháp (chính phủ) nhận thức được tầm quan trọng của tính minh bạch nhưng vì các áp lực chính trị và tính quan liêu nên nhánh này thường kiểm soát thông tin theo ý muốn của họ. Các quy định pháp luật được thông qua bởi cơ quan lập pháp sẽ ngăn cản sự lạm quyền này cũng như giúp người dân nhận thức rõ về quyền được biết thông tin này. |
Tính minh bạch còn yêu cầu các nhân viên cơ quan công quyền phải minh bạch các tài sản của họ. Điều đó sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Ngoài ra, điều đó cũng giúp người dân quan tâm hơn đến các vấn đề của quốc gia, thúc đẩy thảo luận công khai, tạo ra sức mạnh trong việc đấu tranh với tham nhũng. Cũng chính vì vậy, các quan chức trong cơ quan công quyền luôn sợ hãi bị phát hiện nếu có hành vi tham nhũng.
Quyền tiếp cận thông tin của công dân cần được đảm bảo bằng các quy định của pháp luật, cũng như các cơ chế bảo vệ quyền này được thực thi trên thực tế là thiết yếu.
Mặc dù nhánh hành pháp (chính phủ) nhận thức được tầm quan trọng của tính minh bạch nhưng vì các áp lực chính trị và tính quan liêu nên nhánh này thường kiểm soát thông tin theo ý muốn của họ. Các quy định pháp luật được thông qua bởi cơ quan lập pháp sẽ ngăn cản sự lạm quyền này cũng như giúp người dân nhận thức rõ về quyền được biết thông tin này.
Trách nhiệm giải trình (Accountability)
Trách nhiệm giải trình là một trong những tiêu chí cơ bản để thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền. Người giải trình có thể chịu các hậu quả pháp lý như bỏ phiếu tín nhiệm, từ chức…
Trách nhiệm giải trình góp phần quan trọng thúc đẩy bộ máy chính quyền hoạt động có hiệu quả, giảm tham nhũng bởi nó cho phép trừng phạt các chính trị gia đã ban hành các chính sách kém hiệu quả, không hợp lý.
Thông thường, trách nhiệm giải trình được thực hiện thông qua sự ủy nhiệm của người dân cho các dân biểu để yêu cầu nhánh hành pháp chịu trách nhiệm về hoạt động và các chính sách. Nói cách khác, các cơ quan của chính phủ phải công khai chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện sự ủy thác và việc chi tiêu ngân sách.
Trách nhiệm giải trình duy trì tính chịu trách nhiệm của chính phủ và thúc đẩy các nhân viên cơ quan công quyền cam kết với những lời hứa của họ.
Ngoài ra, báo chí và cam kết của các lãnh đạo cấp cao cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh với tham nhũng.
Báo chí cần đưa tin nhanh chóng, trung thực về các hành vi tham nhũng. Để báo chí hoạt động có hiệu quả, sự cần thiết phải sự đa dạng truyền thông như tạp chí, các trang internet…
Với các cam kết của các lãnh đạo cấp cao, những cuộc phỏng vấn hay thăm dò có thể được sử dụng để phát hiện các vụ án tham nhũng của cấp dưới8.
Nhà nước pháp quyền, tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm giải trình được xem như là những yếu tố cốt lõi giúp giảm tham nhũng.
Các nhân tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau. Chẳng hạn như, tính minh bạch sẽ giúp cải thiện trách nhiệm giải trình bởi vì nếu không có sự tiếp cận thông tin chính xác, rõ ràng, kịp thời thì thật khó để xác định các cam kết của những người trong bộ máy chính phủ đã được thực hiện hay chưa.
—
* Đại học Victoria, New Zealand
1 Nwabuzor A, Corruption and Development: New Initiatives in Economic Openess and Strengthed Rule of Law, (Journal of Bussiness Ethics, 2005), trang 1.
2 Yassin El-Ayouty, Combating Corruption for Development: The rule of Law, Transparency and Accountability, trang 3.
3 Luật Hình sự New Zealand 1961, Phần 6. New Zealand được xếp là nước ít tham nhũng nhất thế giới (theo Tổ chức minh bạch thế giới, năm 2011).
4 Botchway F, Good Governance: The Old, the New, the Principles, and the Elements, (HeinOnline, 2000), http://heinonline.org.
5 Uslaner E, Corruption, Inequality, and the Rule of Law, (Cambridge University Press, New York, 2008) trang 227.
6 Yassin E, Combating Corruption for Development: The rule of Law, Transparency and Accountability (Green Publishing Group, 2003), trang 8.
7 Kolstad I, Wiig A, Is Transparency the Key to Reducing Corruption in Resource-Rich Countries? (World Develoment, 2009) tại [2].
8 The World Bank (1999) Assessing political commitment to fighting corruption, trang 2.
9 Lederman D, Loayza N, Soares R, Accountability and Corruption – Political Institutions Matter (2001) trang 8.