Cần đưa đặc quyền vào khung lập pháp

Đặc quyền được hiểu là quyền của một người được làm một việc hoặc hưởng một lợi ích mà người khác không được phép làm, không được phép hưởng. Chẳng hạn, trong trường hợp nhiều người điều khiển xe cùng muốn băng qua ngã tư, thì người nào đi theo hướng có đèn xanh được quyền đi qua, người nào đi theo hướng có đèn đỏ phải dừng lại và chờ đợi; thế nhưng, người có đặc quyền được miễn tuân thủ quy tắc đó và được phép vượt qua ngã tư, bất kỳ lúc nào và bất kể đèn xanh hay đỏ.


Trong xã hội trọng pháp, mọi công dân, trên nguyên tắc, đều hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo các điều kiện và cách thức giống nhau. Bởi vậy, đặc quyền, do tính chất phân biệt đối xử gắn liền với nó, thực sự là một phá cách, ngoại lệ đối với các nguyên tắc được thiết lập trong luật cơ bản.   
Sự thừa nhận đặc quyền trong xã hội có tổ chức được lý giải bởi nhu cầu ưu tiên bảo vệ một lợi ích chính đáng trong trường hợp lợi ích được bảo vệ xung đột với các lợi ích chính đáng khác. Ví dụ, khi cho phép xe cứu thương, cứu hỏa vượt đèn đỏ trong quá trình thực hiện việc cứu người, chữa cháy, luật phải buộc người điều khiển xe di chuyển theo hướng có đèn xanh hy sinh quyền của mình, dừng lại để nhường đường và, do đó, có thể sẽ bị chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch riêng. Song, việc triển khai trễ vài phút một kế hoạch thường chỉ gây thiệt hại nhỏ, trong khi chậm cứu thương, chữa lửa, thì thiệt hại nhân mạng, nhà cửa lớn hơn nhiều. Bởi vậy, không ai có khả năng nhận thức bình thường mà lại tranh cãi về việc thiết lập đặc quyền vượt đèn đỏ của người điều khiển xe chữa lửa, cứu thương thực hiện công vụ.  
Quyền (và nghĩa vụ) của chủ thể trong cuộc sống pháp lý được ghi nhận trong các quy tắc mang tính nguyên tắc; để bảo đảm tiêu chí công bằng, những quy tắc này phải được thông qua theo các thể thức thảo luận và biểu quyết dân chủ tại cơ quan lập pháp, nghĩa là được chứa đựng trong các văn bản luật. Thế thì, cũng chỉ cơ quan đại diện dân cử mới có thẩm quyền thừa nhận các ngoại lệ đối với nguyên tắc do mình thiết lập, thể hiện thành các đặc quyền. Trao quyền thiết lập đặc quyền cho cơ quan khác cũng có nghĩa là thừa nhận khả năng cơ quan khác vô hiệu hóa thẩm quyền xây dựng nguyên tắc của cơ quan đại diện dân cử. Điều đó trái với các nguyên tắc cơ bản chi phối sự tổ chức và vận hành của nhà nước pháp quyền.
Vả lại, cần thấy rằng giải quyết xung đột giữa các lợi ích chính đáng để tạo ra đặc quyền là công việc đặc biệt tế nhị của người làm luật, đòi hỏi thái độ khách quan, công tâm, sòng phẳng trong việc cân phân các lợi ích trái ngược, từ đó xác định lợi ích cần được ưu tiên bảo vệ.
Một cách hợp lý, người làm luật trước hết phải lắng nghe các ý kiến bênh vực cho các lợi ích khác biệt, được các nhóm đại diện đưa ra, sau đó phải quyết định lựa chọn trên cơ sở lương tri, đạo lý, lẽ phải. Được thông qua bằng biểu quyết dân chủ, đặc quyền được thiết lập theo ý chí của số đông và được luật biến thành ý chí chung của tất cả. Lồng đặc quyền trong văn bản pháp quy của cơ quan lập pháp cũng đồng thời mang ý nghĩa của việc tất cả mọi người tự nguyện từ bỏ các quyền lợi bình thường của mình, vì lợi ích bất thường, nhưng thực sự chính đáng, của người hưởng đặc quyền. Điều đó cần thiết để đặc quyền trở nên minh bạch và được toàn xã hội tôn trọng bằng ý thức tự giác của các thành viên. 
Ở Việt Nam, Quốc hội hoạt động không chuyên nghiệp và không thường xuyên; bởi vậy, quyền xây dựng pháp luật được chia sẻ giữa cơ quan lập pháp và hệ thống hành pháp. Tất cả các văn bản luật (trên thực tế cũng do các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp soạn thảo) đều chỉ có những quy định rất chung; cụ thể hóa các quy định ấy, thành các giải pháp được áp dụng cho các trường hợp đặc thù, là việc của Chính phủ và các bộ. Với quyền hạn rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, hệ thống hành pháp có điều kiện kiểm soát, chi phối sự ra đời và vận hành của các quyền và cả các đặc quyền.  
Đặc biệt, các đặc quyền có giá trị vật chất và gắn với chức vụ công được ghi nhận chủ yếu trong các văn bản lập quy, chứ không phải trong luật. Một trong những ví dụ điển hình là đặc quyền của công chức cao cấp trong việc sử dụng hoặc xác lập quyền sở hữu đối với nhà công vụ, được thiết lập bằng một nghị định Chính phủ.    
Đối với người thụ hưởng đặc quyền, thuận lợi của việc ghi nhận đặc quyền trong văn bản lập quy của cơ quan hành pháp là hiển nhiên: các văn bản loại này được soạn thảo và ban hành theo các thủ tục, thể thức mà trong đó không có vai trò góp ý, phản biện chính thức của người dân cũng như của đại biểu dân cử. Thuận lợi này được nhân đôi trong khung cảnh pháp lý Việt Nam do việc kiểm tra tính hợp hiến, hợp luật của văn bản lập quy được thực hiện theo một cơ chế mang tính chất nội bộ, khép kín: cơ quan cấp trên trong tôn ti trật tự hành chính kiểm tra văn bản lập quy của cơ quan cấp dưới. Với cơ chế đó, người dân chỉ đóng vai trò người thứ ba, quan sát, chờ đợi; người dân không thể chủ động làm gì, mỗi khi bức xúc trước việc thụ hưởng một đặc quyền ghi nhận trong một văn bản lập quy được cho là không hợp hiến hoặc không hợp pháp. 
 Điểu nguy hiểm nữa là thói quen coi đặc quyền như là cái gì đó tất nhiên gắn với quyền lực và trở thành tiêu chí phân biệt giữa người nắm quyền lực công với người dân thường, là dấu hiệu đặc trưng của địa vị xã hội cao, của trọng trách nhà nước. Thói quen ấy, phát triển trong điều kiện việc tạo ra đặc quyền nằm trong tay hệ thống hành pháp, trở thành nguồn “động lực” thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống bảo vệ đặc quyền thành một lá chắn kín kẽ, bảo đảm vô hiệu hóa sự công kích xã hội và pháp lý từ bên ngoài.       
Chừng nào việc đặt cơ sở pháp lý cho các đặc quyền chưa thuộc về cơ quan lập pháp một cách trọn vẹn và được thực hiện theo một lộ trình minh bạch, thì chưa thể nói đến công bằng xã hội. Mà, nếu pháp luật không đảm đương được vai trò bảo đảm công bằng xã hội, thì việc tự giác tuân thủ pháp luật của người dân chỉ là chuyện xa vời.


Nguyễn Ngọc Điện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)