Cần một cuộc du nhập khoa học mới

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết rất cần một bước đột phá về nhận thức trong giới khoa học và đại học về thực trạng đội ngũ khoa học để cấp thiết tiến hành một cuộc du nhập khoa học lần thứ hai nghiêm túc và bài bản hơn lần trước. Có như vậy khoa học & công nghệ mới có thể thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.


Khi bắt tay xây dựng miền Bắc sau chiến tranh vào những năm 1950-60, chuyên gia các nước XHCN đã được mời sang Việt Nam giúp ta đào tạo đội ngũ và xây dựng những cơ sở ban đầu trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở hầu hết các Bộ, ngành. Vươn lên nắm bắt khoa học từ nghèo nàn lạc hậu sau thế giới hàng trăm năm, các nhà lãnh đạo lúc ấy ý thức sâu sắc tầm quan trọng của một đội quân mới cho cuộc chiến đấu mới chống đói nghèo lạc hậu, đội quân làm khoa học chuyên nghiệp. Cho nên, mặc dù trong tình trạng chiến tranh, hàng vạn thanh niên ưu tú vẫn không phải vào quân ngũ mà lên đường xuất ngoại, ban đầu sang các nước XHCN, về sau cả các nước Tây Âu, có người còn được cắm lại lâu dài hàng nhiều năm sau.
Bằng hai con đường mời chuyên giađào tạo chuyên gia ở các nước tiên tiến, chúng ta đã bước đầu hình thành đội ngũ làm khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn… đi sau phương Tây, cũng đều du nhập khoa học theo cách này, và họ đã thành công. Nhưng thực hiện hai bước trên chưa đủ để khoa học được du nhập. Những bước nội địa hóa tiếp theo mới quyết định sự thành công và thất bại. Lực lượng tri thức du nhập từ bên ngoài theo nhiều kênh khác nhau phải đạt đến trình độ tự phát triển trên mảnh đất mới. Như nhiều hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, muốn tự phát triển theo kiểu phản ứng dây chuyền, lực lượng bên trong hệ thống phải đủ lớn mạnh để đạt đến cái gọi là khối lượng tới hạn, mà trong trường hợp này chính là mốc khởi đầu của một nền khoa học non trẻ, được thể hiện ở hai mặt sau đây.
Thứ nhất, lực lượng khoa học tinh hoa tuy chưa đông đảo như ở các nước tiên tiến, nhưng có thể nói chuyện ngang ngửa được với họ. Đây là đặc điểm chung của mọi lĩnh vực trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nhưng yêu cầu này còn gắt gao hơn trong KHCN. Không có giới tinh hoa này, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu về KHCN, một bi kịch không ai muốn thấy. Chấp nhận những chuẩn mực phổ quát trên thế giới về nghiên cứu khoa học là điều kiện tiên quyết để khi bước lên sân chơi quốc tế ta có thể nói chuyện ngang ngửa với đồng nghiệp.
Thứ hai là hình thành một hệ thống các cơ sở nghiên cứu nghiêm túc, bộ mặt khoa học của quốc gia, có đủ điều kiện nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nhân lực, trước hết là về một số ngành liên quan đến quốc kế dân sinh, sau đó mở rộng cho tầm nhìn xa hơn. Nếu những chuyên gia mang mảnh bằng từ các nước tiên tiến về trình làng mà không có điều kiện tiếp tục nghiên cứu khoa học, duy trì quan hệ quốc tế, trưởng thành lên để còn đào tạo ra những ê kíp mới, thì của cải bỏ ra để đào tạo họ xem như đổ xuống sông xuống biển. Nhưng có hệ thống các cơ sở nghiên cứu hiện đại vẫn chưa đủ, quan trọng hơn là môi trường học thuật lành mạnh. Phải không được lạm dụng bộ máy quản lý hành chính, có thế từ hoạt động KH&CN mới luôn nảy nở ra tinh hoa và tinh hoa được giao phó sứ mệnh lôi kéo đội ngũ KH&CN đi lên. Hệ thống hành chính có chức năng của nó, nhưng không thay thế được tổ chức nghề nghiệp làm khoa học vận hành theo cách riêng.
Chính sách trọng dụng nhân tài khoa học được thảo luận sôi nổi gần đây ở nước ta không gì khác hơn là hoàn thiện môi trường học thuật lành mạnh đó cho số đông, chứ không phải loay hoay tìm chế độ ưu đãi cho một số rất ít người được xem là kiệt xuất, nhưng biết đâu lại nhầm địa chỉ. Thiếu môi trường học thuật lành mạnh, hệ thống các cơ sở khoa học và đại học sẽ bị xơ cứng bởi cơ chế hành chính hóa, chẳng những vô hiệu quả, mà còn là mảnh đất nảy sinh ra bao nhiêu tiêu cực khác, như ta sẽ thấy trong phần sau. Nhiều nước kém phát triển đã rơi vào tình trạng này làm cho chính sách du nhập khoa học bị phá sản.

Thực trạng đội ngũ KH&CN
Chất lượng đích thực của đội ngũ làm khoa học theo hai tiêu chí trên là cơ sở để xem xét trình độ khoa học của nước nhà. Khi chưa đạt đến khối lượng tới hạn, đội ngũ chưa đủ chất lượng, khi đất nước chưa hình thành một nền khoa học lành mạnh, thì giáo dục và công nghệ – hai đầu ra của khoa học – chưa thể cất cánh, cụm từ KHCN là động lực phát triển vẫn chỉ là khẩu hiệu. Bởi vậy không nên tránh né việc đánh giá chất lượng đội ngũ nếu muốn tìm lời giải cho hiện trạng KHCN của đất nước. Mọi bản báo cáo thành tích sẽ trở nên tù mù bởi đủ sắc màu được tô vẽ nếu đội ngũ đang thực sự có vấn đề.
… Thế hệ đầu tiên trưởng thành từ cuộc du nhập khoa học lần thứ nhất, từng là tướng lĩnh một thời, giờ đây đã thành U-70, 80, hầu hết đều buông tay gác kiếm. Không thể phủ nhận sứ mạng của họ trong việc đào tạo ra bao nhiêu thế hệ kế cận có tri thức khoa học công nghệ, giúp ích cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nhưng nếu xét tác động của KHCN đến kinh tế xã hội như di sản của toàn bộ công cuộc du nhập khoa học lần thứ nhất, thì như cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức thừa nhận trước Quốc hội:
“Nhìn chung, công cuộc đổi mới chưa thành công trong giáo dục và KHCN. Hai lĩnh vực này còn nhiều mặt yếu kém… tách rời nhau, ít gắn kết với sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội”.
Trong các báo cáo chính thức của những cơ quan quản lý khoa học, những yếu kém thường chỉ nói ra cho có lệ, đằng sau hàng loạt thành tích, khác hẳn với nhận định của vị cựu Thủ tướng. Nếu hòa trộn thành tích và yếu kém trong các bản báo cáo đó lại với nhau, ta sẽ được bức tranh về thực trạng KHCN nước nhà như sau: “Việt Nam có một đội ngũ KHCN không xoàng (thành tích nhiều!), nhưng… khổ thân cho họ!…, họ chưa biết, thậm chí không chịu… gắn kết nghiên cứu với sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng đang kìm hãm tính sáng tạo của họ”.
Bắt mạch thấy thế, kê toa ắt phải có những thần dược giúp kích thích, cạnh tranh…, mà trên thực tế đã dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy chạy, bất chấp chuẩn mực, rối loạn kỷ cương, hiếm thấy ở các nước khác. Giá như những nhà lãnh đạo chịu giả dạng đi vi hành để nhận ra chuyện bếp núc này ở các cơ sở thì tốt biết mấy! Khoa học Việt Nam có nguy cơ bị sốc thuốc bởi cho uống quá liều mà chưa khám kỹ thể trạng của bệnh nhân, tức là chất lượng thật sự và môi trường làm việc của đội ngũ khoa học.
Theo thống kê của ISI, Thomson Scientific, trong mười năm qua số bài báo quốc tế (article) dùng nguồn nội lực, có địa chỉ thuần tuý Việt Nam, vẫn dẫm chân tại chỗ quanh con số 80 bài/năm, chủ yếu là về Toán và Vật lý lý thuyết. Chưa đầy một nửa số bài báo quá ít ỏi đó lại phân bố trên nhiều ngành KHCN, xã hội nhân văn, đủ thấy chất lượng quá yếu kém của các hướng nghiên cứu phục vụ trực tiếp quốc kế dân sinh như thế nào (thông tin chi tiết xin xem một số bài gần đây được lưu trữ trên website của Tia Sáng, Hoạt động Khoa học và VietnamNet).
Thậm chí, năm 2006 các nhà khoa học chúng ta chỉ gửi đi có 72 bài dùng nguồn nội lực. Sao không đau lòng khi đem con số này so với 332 bài của chỉ riêng một trường Đại học Chulalongkorn làm ngay trên đất Thái Lan. Thế mà người Thái chưa dám nghĩ rằng giới tinh hoa của họ có thể nói chuyện ngang ngửa với đồng nghiệp trên thế giới. Vậy câu hỏi đặt ra: chúng ta, hay người Thái, đi nhầm đường?
Từ hơn ba năm nay, khi những bằng chứng cụ thể này về tình trạng đội ngũ của chúng ta được đưa lên báo chí và các cuộc hội thảo, những người có trách nhiệm vẫn không động tĩnh gì. Những tiếng nói phản hồi đây đó thậm chí còn cho thấy ngược lại: “ta có cách của ta!”. Trong một cuộc hội thảo hoành tráng của giới khoa học gần đây, trước những thông tin đau lòng trên, một vị nhạc trưởng của chúng ta chẳng những không hề bị sốc, mà còn phấn khích mới lạ: “…Tôi tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài thấy họ cũng thường thôi!…, trình độ khoa học của chúng ta không kém họ đâu, ta chỉ kém tiếng Anh thôi!… Chúng ta sẽ tổ chức một nhóm phiên dịch các bài báo khoa học đăng trong nước ra tiếng Anh gửi sang, họ sẽ đăng tất mà!”.
Thế là từ nay cây đũa chỉ huy của vị nhạc trưởng này sẽ trỏ vào mấy người nhắc vở phía sau sân khấu để từ đó tiếng kèn trống được vang lên truyền đi khắp thế giới. Không thể không đau lòng khi liên tưởng đến bác phu xích lô trong khi gò lưng đạp xe trước chợ Bến Thành, vẫn hăng hái trò chuyện bằng tiếng Anh như người hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp cho ông Tây ngồi phía trước chiêm ngưỡng phố xá Sài Gòn. Dân ta sẽ nghĩ gì khi các vị học giả cao sang chót vót, chữ nghĩa phẩm trật đầy người, lại cứ ú ớ trước mấy ông Tây? Ai dám giao tay lái con thuyền WTO của đất nước này cho mấy vị?
Chờ xem vị nhạc trưởng ra tay thế nào, chỉ muốn nhắn nhủ một điều mà có khi ít người để ý. Muốn gửi một công trình đăng trên tạp chí quốc tế, nhà khoa học chẳng những phải biết tự lượng sức mình xem có lọt qua cổng mấy ông phản biện sừng sỏ trên thế giới không, mà còn phải thông thạo những nét tinh tế trong ngôn ngữ trình bày của riêng từng tạp chí. Ai sẽ huấn luyện kỹ năng này cho những người phiên dịch?
Ta du nhập khoa học từ các nước tiên tiến mà lại không chịu chấp nhận cái quan trọng nhất là chuẩn mực để kiểm định chất lượng. Bao nhiêu nhà khoa học của chúng ta sao có thể quên cái thời suốt ngày chạy đôn chạy đáo để tên mình sớm xuất hiện trên các tạp chí quốc tế mà còn kịp đóng dấu vào mảnh bằng tiến sĩ mang về trình làng. Nếu không quên, chúng ta hãy lên tiếng cho những người quản lý biết chuyện này đi!.
Hóa ra, việc không chấp nhận chuẩn mực quốc tế phổ quát đó chẳng những làm cho đội ngũ chúng ta ngày càng yếu kém, tự gạt mình ra bên lề cuộc chơi toàn cầu, mà tệ hơn, chính nó là nguyên nhân làm cho môi trường học thuật bị vẩn đục rất khó chữa, mà đây lại là tiêu chí quan trọng thứ hai được bàn đến trong phần đầu bài viết. Một khi cái rào cản chất lượng nghiêm túc bị tháo gỡ, một khi giới tinh hoa thực thụ bị tê liệt trước uy lực của các quan chức, ai có thể cản nổi người ta nhân danh khoa học xông lên vì danh, quyền và tiền trong cái cơ chế thị trường khốc liệt này? Thủ tướng vừa mới đây đã quyết định đình chỉ giữa chừng đề án chính phủ điện tử trên một tỷ đồng là một trong rất nhiều thí dụ của cái cơ chế xét duyệt đề tài khoa học mà lại phi khoa học đang phổ biến này.

Phải làm gì đây?
Phải du nhập khoa học lần thứ hai, nghiêm túc và bài bản hơn lần trước. Đội ngũ hiện nay không thể đảm nhận việc đào tạo hàng loạt tiến sĩ thứ thiệt mà các trường đại học đang rất cần. Bộ GD-ĐT ước tính chi ra 70 triệu USD hàng năm để đào tạo 1000 TS ở nước ngoài. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, ta sẽ đi lại con đường cũ. Cho nên, nhà nước cần đầu tư thêm 125 triệu USD hàng năm trong mười năm liền để xây dựng cơ sở đào tạo– nghiên cứu trong nước, và mời chuyên gia nước ngoài (chi tiết xem bài “Đào tạo hai vạn TS xịn” trên VietnamNet). Cộng hai khoản lại vẫn còn quá bé so với 2% ngân sách nhà nước dành cho KHCN. Nhưng nếu thành công, chương trình này sẽ tạo ra bước ngoặt thật sự cho sự phát triển kinh tế xã hội, đổi đời cho đại học và khoa học, và tránh cho đất nước khỏi thảm họa chỉ biết bán sức lao động giản đơn và của cải cha ông để lại để trở thành một thị trường béo bở cho hàng hóa và công nghệ lỗi thời của nước ngoài. Nên nhớ rằng thành quả của chương trình này không phải là những mảnh bằng mà các ông nghè sẽ mang ra trình làng. Có mảnh bằng mà thiếu mảnh đất làm khoa học, thiếu niềm đam mê, thiếu những cơ sở nghiên cứu tầm quốc tế ở các trường đại học, thiếu môi trường học thuật lành mạnh thì… Ta vẫn cứ là Ta! 
Cho nên rất cần một bước đột phá về nhận thức trong giới khoa học và đại học. Vật cản lớn nhất có khi lại là mấy thứ cân đai áo mão đầy ánh hào quang đang bó chúng ta lại, khiến công chúng không nhận ra ta là ai. Nên nhanh chóng cởi bỏ mấy thứ lỉnh kỉnh này. Vừa sòng phẳng, vừa đạo lý, đúng bản chất của người trí thức.

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)