Chúng tôi mong nhận được thông tin toàn diện, tin cậy về hoạt động KH&CN từ báo chí

Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, GS TS Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên chuyên trách Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội, một trong những đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến và câu hỏi chất vấn sắc sảo tại nghị trường Quốc hội, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đã trả lời phỏng vấn Tia Sáng về vai trò của báo chí, nhất là báo chí khoa học trong công cuộc chấn hưng đất nước.


Xin chúc mừng ông được sự tín nhiệm cao của cử tri (70,5%) trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII.
Xin cảm ơn anh. Với kinh nghiệm tích lũy được từ khóa XI, trong nhiệm kỳ này, tôi sẽ gắng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà cử tri đã tin cậy giao phó.

Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, hầu như vấn đề khoa học và công nghệ – một trong những quốc sách hàng đầu – không được bàn thảo, chất vấn. Trong khi đó, theo đánh giá của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, khoa học công nghệ và giáo dục là 2 lĩnh vực chưa thành công trong công cuộc đổi mới vừa qua. Theo ông, vì sao?
Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri. Mà như anh đã biết, bên cạnh những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xã hội ta còn tồn tại nhiều vấn đề được cử tri ưu tiên quan tâm hơn như chống tham nhũng, lãng phí, quy hoạch đất đai, đảm bảo đời sống nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hạn chế tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, vệ sinh an toàn thực phẩm,… Những hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, gây bức xúc trong dư luận cử tri. Vì vậy, tại nghị trường Quốc hội, không còn mấy thời gian để bàn thảo những vấn đề phát sinh, có tính thời sự trong hoạt động khoa học-công nghệ. Còn những vấn đề cơ bản như ban hành các luật và pháp lệnh tạo hành lang pháp lý cho cho hoạt động khoa học-công nghệ thì đã được Quốc hội dành không ít thời gian bàn thảo, giải quyết.

Phải chăng, còn một nguyên nhân quan trọng nữa là các cấp chính quyền và đại biểu Quốc hội chưa thực sự quán triệt tư tưởng của Đảng coi khoa học – công nghệ là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước?
Đúng là hiện nay không ít cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến vai trò của KH&CN. Không ít công trình, dự án, chính sách, chế độ của Nhà nước rất cần được lấy ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học nhưng chỉ được xin ý kiến một cách hình thức, thậm chí là không. Chẳng hạn như sự phá sản của Đề án 112 có nguyên nhân quan trọng là không coi trọng ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin. Hay như trên báo Tia Sáng (số 11/2007), trong bài viết về những công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng nhiều việc đã triển khai không đúng với tinh thần của lễ kỷ niệm do không được đưa ra để các nhà khoa học bàn thảo. Gần đây nhất là việc lãnh đạo tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu không tham khảo ý kiến các nhà khoa học trước khi cho phép ngư dân khai thác cáp quang dưới biển,… Điều này một phần do nhận thức, một phần do tác động của hoạt động KH&CN đến sự phát triển kinh tế – xã hội bị “chìm khuất” trong hoạt động của các Bộ, ngành khác nên không phải ai cũng thấy một cách cụ thể. Thêm vào đó, báo chí, nhất là báo chí khoa học chưa làm tốt việc  tuyên truyền, quảng bá sâu rộng, toàn diện và trung thực mọi lĩnh vực của hoạt động KH&CN. Ví dụ, báo chí chỉ đề cập đến những hiện tượng tiêu cực, lãng phí trong tuyển chọn, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu, trong mua sắm trang thiết bị, trong sử dụng người tài,… nhưng chưa đề cập và lý giải một cách thực sự sâu sắc nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực, lãng phí đó. Hoặc trước những sáng kiến kỹ thuật của người nông dân, những thành công trong các cuộc thi sáng tạo của tuổi trẻ như Robocom, Trí tuệ Việt Nam, các kỳ Olympic Toán, Vật lý,… báo chí nhiều khi tuyên truyền rầm rộ, đề cao quá mức. Thậm chí có báo còn đăng tải những thông tin sai lạc, “phong” cho một nhà toán học của Việt Nam là “thiên tài thế kỷ 21”, hay ngợi ca trí tuệ Việt Nam qua một số “nhà khoa học hoang tưởng”. Trong khi đó, hầu như rất ít các bài viết về các nhà khoa học tài năng, tâm huyết, có những đóng góp thực sự cho đất nước. Theo tôi, ngay cả những nhà khoa học dù không có những công trình tầm cỡ nhưng tận tuỵ, đam mê làm khoa học cũng rất đáng được báo chí nêu gương.
Tôi được biết, ở nước ngoài, không chỉ những tạp chí khoa học như Science, Nature, Science et Vie,… mà những báo lớn như Time, National Courier, News Week,… đều có những trang chuyên đề vừa sâu sắc lại vừa dễ hiểu đối với đông đảo bạn đọc đề cập đến những vấn đề thời sự khoa học. Đó là điều mà báo chí của Việt Nam chưa làm được.

Vậy vì sao báo chí ta chưa làm được điều đó?
Có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo tôi, phần quan trọng phụ thuộc vào trình độ và tính chuyên nghiệp của người làm báo khoa học. Tôi được biết không chỉ ở phương Tây, mà ngay ở Trung Quốc, người làm báo khoa học có uy tín hầu hết đều xuất thân là các nhà khoa học có khả năng văn chương, có khiếu làm báo, thì ở ta phần đông người làm báo khoa học tốt nghiệp các trường đào tạo báo chí chung chung,…

Cũng có một nguyên nhân nữa cần phải nói đến là những người làm báo khoa học, nhất là biên tập viên và phóng viên ở các tạp chí khoa học gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp, khi tiếp cận với chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu, các phòng thí nghiệm “có vấn đề”…
Với Quy chế cung cấp thông tin mà Thủ tướng mới ban hành và bản lĩnh của người làm báo, tôi tin rằng nguyên nhân mà anh vừa nói sẽ được khắc phục.

Ông mong muốn điều gì đối với  báo chí khoa học của đất nước?
So với dân số trên 80 triệu, trong thời đại toàn cầu hóa, số lượng và chủng loại báo, tạp chí của Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT, của các viện nghiên cứu, trường đại học,… hiện có là quá ít; mặt khác hầu hết vẫn hoạt động bằng kinh phí của Nhà nước, ít được bạn đọc, thậm chí cả các nhà khoa học quan tâm do thiếu năng động, thiếu sâu sát và am hiểu mọi mặt đời sống khoa học của đất nước.
Theo tôi, Nhà nước cần quan tâm đầu tư vật chất và con người (đào tạo những người làm báo khoa học chuyên nghiệp) để hình thành hệ thống báo chí khoa học bao gồm nhiều loại tạp chí chuyên ngành, trong đó chú ý đến các loại tạp chí khoa học xã hội; báo chí phổ biến kiến thức cho mọi đối tượng: thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi,… đáp ứng được yêu cầu phát triển tiềm lực khoa học của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Riêng đối với Bộ KH&CN, tôi mong muốn sớm hình thành một tập đoàn báo chí khoa học mạnh, có uy tín về học thuật, hấp dẫn, được đông đảo bạn đọc đón nhận như báo Khoa học và Đời sống cách đây gần nửa thế kỷ.
Nhân đây, cũng xin chúc tạp chí Tia Sáng ngày càng phát triển để thực sự trở thành diễn đàn tin cậy của trí thức Việt Nam.

Xin cảm ơn GS và rất mong trong cương vị của mình, GS sẽ tạo điều kiện để tạp chí Tia Sáng có thể tham gia và tuyên truyền về các hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

PV (thực hiện)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)