“Chuyện” con người khoa học Việt Nam

Để vạch ra chiến lược phát triển khoa học công nghệ tới 2020 từ khía cạnh XH&NV, tôi muốn đề cập tới mô hình hay hình ảnh con người khoa học ở nước ta. Bởi dù định hướng thế nào, chọn chiến lược nào, quản lý kiểu gì… thì chính những người khoa học là lực lượng sẽ thực thi. Vậy người khoa học ta là ai? Câu hỏi này đặt trước câu hỏi họ sẽ làm gì và làm như thế nào?

Con người khoa học hiện đại xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 với lớp người khoa học đầu tiên được đào tạo tại Pháp và các trường đại học đầu tiên ở Đông Dương. Hầu hết những người khoa học xuất chúng thế hệ đó đều đi theo con đường giải phóng dân tộc, sau trở thành những người khoa học đầu đàn qua hai cuộc kháng chiến. Sau đó chúng ta có người khoa học được đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN Đông Âu mà việc chọn lựa và đào tạo cho tới khoảng 1965 còn khá “chuẩn”. Khi đó theo quan điểm của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ta còn chọn được những người có tố chất, năng lực, đạo đức và chí hướng để đưa đi đào tạo và ở các nước bạn chưa có việc cấp “bằng Hữu nghị” cho các du học sinh Việt Nam như sau này khi chúng ta chạy theo số lượng và hình thức lấn át chất lượng và thực việc, hạ thấp tiêu chuẩn trong việc tuyển người đi học, trong đào tạo người khoa học và trong sử dụng người khoa học. Đồng thời là việc chúng ta cán bộ hóa (hành chính) người khoa học và quan lại hóa (quan liêu) người khoa học và công tác KHCN. Từ đó hình thành một “nhân sự” đa nhân cách người khoa học = người trí thức + người làm quan là một mẫu người hoàn toàn mới lạ và tất nhiên có nhiều điểm hoàn toàn khác với người khoa học bình thường trên thế giới.

Mô hình người khoa học “đa nhân cách” đó được triển khai trong mấy chục năm và dường như hiện nay có vẻ như càng trầm trọng hơn với các “cải cách”, với sự mở tràn lan các đại học (hàng tỉnh) và các ngành học mới… Tình trạng “dzỏm” về cả nhân sự, đề tài và kết quả nghiên cứu khoa học mà những người khoa học thực sự thường cảnh báo quả là đã đáng báo động từ lâu. Xin nêu ba thí dụ nhỏ: Sở KH&CN TP. HCM đặt hàng một viện của thành phố nghiên cứu đề tài “Khả năng chống ngập của các biện pháp và dự án chống ngập mà thành phố đang thực hiện, thi công” (với hàng loạt các lô cốt nổi tiếng trên đường phố-tin trên Tuổi trẻ). Ông Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động chủ trì một công trình nghiên cứu khoa học cấp Tổng liên đoàn – tức cấp Bộ. Đề tài là “Công tác Công đoàn Cơ sở”. Đề tài nghiên cứu khoa học này được Hội đồng khoa học của Tổng liên đoàn nghiệm thu với các phiếu cho điểm xuất sắc – Tin báo Lao Động). Bản thân tôi được mời làm phản biện cho một công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ của một viện kiến trúc với đề tài “Thực trạng kiến trúc Việt Nam” do một số TS và Ths kiến trúc làm. Bài viết gồm các phần gá lắp khác nhau khá lộn xộn trùng lặp, tài liệu trích dẫn phân lớn là các tham luận tại một hội thảo về “Thực trạng kiến trúc Việt Nam” do chính viện này tổ chức. Tất nhiên không có phát hiện hay lập luận khoa học nào trong công trình  này. Sau khi viết ra nhận xét góp ý phản biện. Tôi được đề nghị ghi vào phiếu nhận xét là “Đề nghị sửa chữa để nghiệm thu”. Tất nhiên công trình nghiên cứu khoa học này (cũng như vô số các đề tài nghiên cứu khoa học khác) đã được nghiệm thu, giải ngân mà tất cả các bên liên quan trong và ngoài cuộc đều biết và hiểu với nhau rằng nó chẳng liên quan gì tới nghiên cứu khoa học cả!

Trong cộng đồng một quốc gia thì cộng đồng khoa học và hoạt động khoa học luôn phải là trong sạch nhất, cao thượng nhất, đáng mơ uớc nhất của những con người dấn thân trí tuệ. Nay cộng động này cũng có không ít các tệ nạn xã hội như tham nhũng quan liêu, lừa dối, giả mạo và có khi cả tội phạm… như các lĩnh vực hoạt động khác. Không chỉ thiệt hại tiền của Nhà nước, không tạo được môi trường lành mạnh cho KHCN phát triển, mà mẫu người khoa học của ta còn đánh mất đi một hình ảnh, một ước mơ tốt đẹp dẫn đường cho các tâm hồn thanh thiếu niên hướng thượng, vươn tới những tầm cao trí tuệ mới. Không lạ khi rất hiếm thanh niên ngày nay ước mơ thành người khoa học.
Vì vậy, Chiến lược phát triển KHCN của Việt Nam khó có thể thành công nếu ta không triệt để thay đổi quan điểm về người khoa học và xây dựng một mẫu người khoa học bình thường, đúng nghĩa, thực chất.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)