Chuyện công nghệ làm luật

Công nghệ làm máy tính, ô tô... của các nước tiên tiến là những công nghệ cao. Công nghệ làm luật của họ có vẻ cũng như vậy. Vấn đề là: tiếp thu công nghệ làm máy tính, ô tô... thật không dễ, tiếp thu công nghệ làm luật còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu công nghệ làm luật của họ để vận dụng vào việc làm pháp luật của Việt Nam.

Quy trình lập pháp phổ biến của thiên hạ thường có hai công đoạn: Công đoạn của chính phủ – hoạch định chính sách và dịch chính sách thành các quy phạm pháp luật; công đoạn của nghị viện – thẩm định chính sách và thông qua thành pháp luật. Đây là hai công đoạn với ý nghĩa khác nhau, không phải là một việc được làm hai lần.

Công đoạn của chính phủ không bắt đầu bằng việc tìm cách đưa các tên luật vào chương trình lập pháp, mà bằng việc nhận biết cuộc sống đang phát sinh vấn đề gì, từ đó nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và đề ra chính sách. (Đây thường là công việc mà các Bộ phải làm). Chính phủ sẽ xem xét và phê chuẩn chính sách được đề ra trước khi việc soạn thảo văn bản (dịch chính sách đã được phê chuẩn thành mệnh lệnh hành động) được bắt đầu. Ở Việt Nam ta, không ít trường hợp công việc này đang được tiến hành theo chiều ngược lại: việc soạn thảo văn bản xảy ra trước, việc trình Chính phủ xảy ra sau. Rủi ro của cách làm này là rất lớn. Nếu Chính phủ không chấp nhận chính sách được đề ra, mọi cố gắng soạn thảo sẽ trở nên vô ích. Đó là chưa nói tới tình trạng văn bản có thể được soạn thảo mà không có chính sách đi kèm. Hậu quả là không thể triển khai văn bản vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy thiếu một triết lý rõ ràng, một quy trình mạch lạc, càng nhiều cơ quan được thành lập, càng làm cho việc làm luật trở nên rối rắm, tốn kém  mà chất lượng thì chưa chắc đã được nâng lên. 

Thông thường các vấn đề về kỹ thuật soạn thảo văn bản, các vấn đề về chuyên môn là công việc của chính phủ chứ không phải công việc của nghị viện. Điều này không có nghĩa là nghị viện không tham gia vào khâu kỹ thuật văn bản. Tuy nhiên, các ủy ban của nghị viện mới có thể tham gia vào khâu kỹ thuật văn bản, chứ không phải là nghị viện ở phiên họp toàn thể.

Công đoạn lập pháp ở nghị viện các nước chia làm ba bước (còn gọi ba lần đọc), mỗi bước đều có nghĩa lý riêng, không phải là một việc làm ba lần cho kỹ.

Bước thứ nhất, chính phủ trình dự thảo văn bản của mình, trong đó lý giải tại sao vấn đề không xử lý được bằng những công cụ hiện có, do vậy cần đưa ra chính sách để giải quyết vấn đề. Trong bước này, nghị viện chỉ xem xét về việc có thật sự cần một đạo luật như thế không mà thôi.

Bước thứ hai, nghị viện thảo luận về chính sách do chính phủ đề ra sau khi các nghị sĩ đã nghiên cứu dự luật và tham vấn với cử tri. Nếu được thông qua, dự luật được chuyển đến ủy ban tương ứng. Bước thứ hai không chỉ là để thông qua chính sách, mà còn để gửi  thông điệp cho xã hội về chính sách có thể được ban hành, giúp cho  cử tri có thể tham gia ý kiến về dự luật. (Nếu các vấn đề về việc chính sách sắp được ban hành sẽ ảnh hưởng đến người dân như thế nào, ai được, ai mất không được tranh luận rõ tạị Nghị viện, thì người dân khó có thể đóng góp ý kiến).

Sau bước thứ hai, dự án luật sẽ được chuyển cho ủy ban tương ứng. Thông thường, tại ủy ban này, tất cả các vấn đề về câu chữ, kỹ thuật còn lại sẽ được hoàn thiện, sau đó ủy ban sẽ biểu quyết về dự luật và báo cáo trình ra nghị viện để kiến nghị thông qua hoặc không thông qua dự luật. Thông thường khi ủy ban đề nghị thông qua dự luật, nghị viện các nước sẽ thông qua ngay mà ít khi có thảo luận gì thêm.

Bước thứ ba, nghị viện chính thức thông qua dự luật. Giai đoạn này rất ngắn gọn.

Với quy trình lập pháp có các công đoạn mạch lạc như trên thì sản phẩm của nó là các văn bản pháp luật có chất lượng. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)