Chuyện ông Chu An

Ông Chu An thuộc thế hệ 9X của thế kỉ thứ mười ba. Ông sinh năm 1292, đời nhà Trần. Mãi sau này người ta mới quen gọi Chu An là Chu Văn An, bởi vì cái tước Văn Trinh Công mà ông đã được triều đình phong cho.

Ông Chu An là người mê muội đưa Khổng giáo vào xứ Việt, nơi vốn thấm đẫm đạo Bụt trong những thế kỉ trước đó. Ông đào tạo được một số nhà Khổng học có tiếng.

Thời của Chu An sống là cuối đời nhà Trần, xã hội được xem là nhộn nhạo. Chu An tin rằng cái Khổng học là hay, cái xã hội là dở. Ông nhọc công ép xã hội vào cái học của ông, thấy mãi mà không được.

Không được việc, ông điên tiết, muốn dùng bạo lực cho nhanh lên.
Ông dâng sớ, đòi chém các quan nhũng nhiễu, gọi là sớ đòi chém bảy quan. Sớ không được dùng, ông bỏ việc, đi ẩn, dạy học.



Ông Chu An thất chí, ông về ở ẩn và dạy cái gì?

Ông lại dạy Khổng học cho học trò, để rồi học trò học thuộc lòng đạo Khổng chứ không được cãi, rồi lại ra làm quan. Có trò thì tử tế, có trò thì không. Trò không tử tế mà đến nhà ông, thì bị ông la hét, không cho vào.

Xã hội bí bách, ông không tìm cách thay đổi tư tưởng của mình, không tìm cách học hành tìm hiểu cùng mọi người để đạt đến những mở mang hiểu biết mới, và những đổi thay cách thức tổ chức hoạt động đời sống xã hội cho hiệu quả hơn. Không. Ông tin rằng, chân lý tuyệt đối đã ở trong ông rồi, ông chỉ là thày, ông không phải học ai nữa. Nếu ông không thi công được, thì ông bỏ thi công, nhưng ông làm thày, để đào tạo ra những người thi công Khổng học khác.

Cái may mắn cho Chu An là ông được nhiều sĩ phu xã hội kính trọng. Nhưng cũng có thể chính những tiếng vỗ tay đó đã hại ông, làm ông càng đắc chí, nhất định không chịu xem lại tư tưởng của mình và của xã hội.

Cái may mắn cho Chu An, là rồi triều đình cũng để ông yên.



Ông Chu An và những người mê mẩn thuyết chém đầu của ông còn gặp một cái may lớn hơn nữa.

Gặp may lớn vì cái sớ đó không được thực hiện, thành ra người ta cứ ngây ngất tưởng như là “nếu chém bảy viên quan nọ, thì xã hội đã đâu vào đấy cả rồi.” Con cá trượt là con cá to.

Bạo lực không thay đổi được tư tưởng, nhiều khi còn càng củng cố cái tư tưởng thâm căn cố đế là khác.

Không phải như thế.

Cải cách xã hội là việc thảo luận xây dựng và vận động áp dụng bằng được một hệ thống qui tắc mới cho sinh hoạt xã hội, để cho đời sống xã hội trở nên hợp lý hóa hơn, để cho nền pháp quyền trở thành cái đồng hồ công lý bên trong sâu thẳm của xã hội, nó gõ nhịp làm cho xã hội vận hành ngày càng trơn tru hơn, nền nếp hơn. Cải cách xã hội không phải là triệt phá, mà là tạo dựng nên được một cuộc chơi mới, trong đó mỗi người tìm lại được một vai trò tích cực và đáng trân trọng của mình trong cuộc chơi mới này, với những cơ hội ngày càng được bình đẳng hóa dần cho những thế hệ tiếp sau. Cải cách xã hội không phải là lật đổ được nhau, mà để hợp tác được với nhau.

Xin lỗi ông Chu An, nói như thế, quá bằng đánh đố cả cái thế hệ 9X của thế kỉ thứ mười ba ạ! Thưa ông Chu An, thế hệ 9X của thế kỉ thứ hai mươi còn đang lúng túng chán đây ạ.

Nói như thế, là để nhìn chuyện Chu An, mà con người chúng ta hôm nay nhất định quyết đoán nhìn tới việc tổ chức lại đời sống của xã hội hôm nay, cho thoáng đãng, tự do, bền chắc, nhân ái, phát triển.

Ông Chu An mà còn sống đến ngày hôm nay, đã gọi là ước, thì cứ ước thôi, có lẽ ông đã xin lại cái sớ nọ, cất kĩ sớ đi, và thành người vận động không mệt mỏi các chí sĩ đồng bào công cuộc cải cách triệt để tư tưởng, cải cách phóng khoáng đời sống, cải cách mênh mang tình người.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)