Có nên tổ chức lễ phản biện luận án tiến sĩ ?
Mới đây có vài đề nghị nên thay đổi khâu bảo vệ luận án tiến sĩ rất thiết thực và cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh giá một luận án tiến sĩ không nên và không thể nào chỉ giới hạn vài giờ trong một buổi lễ phản biện mang nhiều hình thức màu mè hơn là thực chất khoa bảng. Theo tôi, không cần tốn công sức và tiền của để tổ chức lễ phản biện, mà nên gửi luận án đến các chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài, để bình duyệt một cách công bằng và nghiêm chỉnh hơn.
Cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu. Để phát triển và mở rộng tri thức, nghiên cứu sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm. Trong khoa học, người ta dùng cụm từ “nghiên cứu” để nói đến ý tưởng đó.
Trong các bộ môn khoa học, nghiên cứu cũng đồng nghĩa với thử nghiệm, nhưng nghiên cứu trong thực tế còn đi xa hơn là đơn thuần làm thử nghiệm – nó có nghĩa là diễn giải dữ kiện bằng cách đề ra mô hình hay lí thuyết, và am hiểu vấn đề một cách sâu rộng. Đối với y sinh học, nghiên cứu có nghĩa là phân tích và diễn dịch dữ kiện, là phát hiện cái mới trong một lĩnh vực nào đó, là hiểu tường tận vấn đề từ trong ra ngoài, từ A đến Z. Một nhà nghiên cứu phải phát hiện những phương pháp mới giúp cho việc điều trị bệnh nhân hay phòng chống bệnh tật. Các nhà nghiên cứu đi tìm những ý tưởng mới, trừu tượng, những cách tiếp cận mới, thuật mới, nguyên lí mới, hay cơ chế mới.
Là cơ hội để tiệc tùng |
Để hoàn tất chương trình tiến sĩ, mỗi nghiên cứu sinh phải trình bày kết quả nghiên cứu của mình trong một tài liệu khá dài và nghiêm chỉnh, thường được gọi là “luận án”. Nghiên cứu sinh phải đệ trình và bảo vệ luận án thành công trước khi được cấp bằng tiến sĩ .“Đệ trình” và “bảo vệ” ở đây bao gồm việc trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, hoàn tất luận án, và bảo vệ phương pháp làm cũng như kết quả nghiên cứu, chứ không nên hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ trả lời xong các câu hỏi trong buổi lễ phản biện.
Ở nước ta, có thông lệ trước khi tốt nghiệp, đại học tổ chức một buổi lễ phản biện luận án để thí sinh có thể trả lời các câu hỏi của hội đồng phản biện. Việc làm này, nói trắng ra, là rất hình thức, vì trong thực tế thí sinh đã biết mình sẽ tốt nghiệp, và buổi lễ chỉ là cơ hội để tiệc tùng (núp dưới danh nghĩa “phản biện”) mà thôi.
Tôi cho rằng một buổi lễ phản biện như thế là không cần thiết, tốn tiền của và thời gian cho thí sinh và trường đại học. Không thể nào đánh giá ý tưởng, phương pháp và kết quả nghiên cứu suốt 3 hay 4 năm một cách qua loa vài giờ như trong buổi lễ phản biện. Làm như thế chẳng những không công bằng cho thí sinh mà còn mang tính phường tuồng. Khoa bảng không phải là sân khấu nơi có người ca hát và vỗ tay, mà là môi trường trao đổi tri thức khoa học với mục tiêu đem phúc lợi lại cho xã hội.
Xin nói ngay rằng việc soạn và bảo về luận án chỉ là một khâu cuối cùng trong qui trình theo học tiến sĩ. Luận án, tự bản thân nó, không có gì quan trọng, nhưng những ý tưởng và nội dung được đúc kết trong quá trình nghiên cứu của luận án chính là cốt lõi, là một tiêu chuẩn để người ta thẩm định xem thí sinh có xứng đáng với học vị tiến sĩ hay không.
Tôi đề nghị một cách làm theo mô hình của các đại học Tây phương như sau. Sau khi nghiên cứu sinh đã hoàn tất luận án, hội đồng khoa bảng trường đại học yêu cầu giáo sư hướng dẫn bàn thảo với nghiên cứu sinh và đề cử 6 chuyên gia độc lập để bình duyệt luận án. Dựa vào danh sách này, trường đại học sẽ chọn và viết thư mời 3 người thẩm định, một trong 3 người phải là người nước ngoài, và hai người còn lại phải là người từ trường đại học khác hoặc khác khoa trong cùng trường. Ba người được chọn sẽ tiêu ra từ 3 đến 6 tháng để đọc và bình luận nội dung của luận án. Thẩm định của họ phải được viết trong 3 báo cáo chi tiết đánh giá từ ý tưởng, phương pháp, kết quả, kể cả cách trình bày. Trong báo cáo mình, mỗi người phải đề nghị hội đồng khoa bảng của trường một trong 4 lựa chọn như sau: (a) cấp bằng mà không cần phải sửa lại; (b) cấp bằng với điều kiện phải sửa luận án và thông qua khoa trưởng của phân khoa; (c) cấp bằng với điều kiện phải sửa luận án và thông qua hội đồng khoa bảng của trường đại học; và (d) bốn là không cấp bằng tiến sĩ.
Kinh nghiệm tôi cho thấy phần lớn các chuyên gia bình duyệt cho điểm (b) và (c), rất hiếm ai cho điểm (a) hay (d). Trong trường hợp đánh giá (b) và (c), nghiên cứu sinh phải tiêu ra một thời gian để sửa luận án và trả lời tất cả các phê bình hay đáp ứng từng yêu cầu một của ba người bình duyệt. Chỉ một điểm nhỏ mà thí sinh không đáp ứng cũng có thể gây ra rất nhiều phiền phức. Sau khi xem xét bình duyệt và trả lời của nghiên cứu sinh, cùng đề nghị của hội đồng khoa bảng, trường đại học sẽ quyết định cấp bằng hay không.
Xin nhấn mạnh một lần nữa: học tiến sĩ không phải chỉ để viết luận án. Thật là bất công cho thí sinh nếu phải tiêu ra 3 hay 4 năm miệt mài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một giáo sư, để cuối cùng bị đánh hỏng chỉ vì luận án không đạt yêu cầu hay không qua nổi buổi lễ phản biện!
Có thể xem đào tạo tiến sĩ theo một qui trình liên tục, thì luận án là giai đoạn cuối cùng của qui trình đào tạo. Nếu giai đoạn đầu (tức đề cương nghiên cứu) có vấn đề, hay giai đoạn hai (trong khi tiến hành nghiên cứu) không đúng phương pháp, thì luận án cũng chỉ là một đống chữ nghĩa vô dụng mà thôi. Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, xứng đáng với trình độ tiến sĩ, và phương pháp làm phải đúng. Quan trọng hơn nữa là trong lúc làm nghiên cứu, thí sinh nên công bố kết quả mình trên các tập san quốc tế có bình duyệt, và đó chính là thử lửa quan trọng của việc học tiến sĩ. Còn luận án chỉ là một hồ sơ ghi lại những gì đã làm, và mức độ lưu hành của luận án rất hạn chế. Có khi số phận của luận án chỉ quanh quẩn trong các kệ sách của thư viện, chẳng ai đọc và cũng chẳng ai biết nội dung đúng hay sai, chất lượng cao hay thấp.
Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, vấn đề không phải là cách thức tổ chức buổi “phản biện” luận án như thế nào, mà là đảm bảo qui trình đào tạo – ngay từ khâu thu nhận nghiên cứu sinh cho đến khâu thẩm định luận án – đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Không cần phải tổ chức một buổi lễ “phản biện” (thật ra hai chữ này cũng không chính xác), mà cần phải có một chính sách bình duyệt luận án vừa công bằng vừa nghiêm chỉnh.
——————
Châu Âu cũng có buổi lễ – không phải để “phản biện” – mà là ra mắt tiến sĩ, và nhân đó cho người ngoài vào hỏi han đôi ba câu. (Họ quan niện rằng nghiên cứu sinh làm tiến sĩ là tốn tiền của dân, và người dân có quyền chất vấn tân tiến sĩ).
Lễ phản biện tiến sĩ ở Việt Nam quá hình thức, không đi vào nội dung và nhiều câu hỏi rất… buồn cười. Lần đầu tiên dự một buổi phản biện như thế, tôi rất “sốc”. Người ta đưa phong bì, tôi tưởng là thư cảm ơn nên nói: “Có gì đâu mà cảm ơn, tôi chỉ làm nhiệm vụ thôi mà”. Họ chỉ cười. Về nhà, mở phong bì mới biết là tiền. Trời ơi, thật khó tin!
(Thư tác giả gửi Tòa soạn)