Con đường- định hướng

Đến ngã ba, người lạ thường hỏi đường đi tiếp và thường được chỉ đi theo đường này! Đi theo đường này, một ví dụ mẫu mực về “Định hướng”: Một con đường có thật. Con đường bắt đầu từ ngã ba này, một nơi có thật. Con đường dẫn đến nơi kia, tuy không nhìn thấy bằng mắt trần, nhưng cũng là có thật. Nơi đi có thật trên thực địa, nơi đến có thật trong tư duy. Cái có thật trong tư duy đặc trưng cho trình độ văn minh thế kỷ XXI.

Nhớ lại thời đánh bắt – hái lượm, cái có thật hôm nay cũng là cái có thật ngày mai, cái có thật trên thực địa cũng là cái có thật trong tư duy. Đến thời nông nghiệp lạc hậu, cái có thật hôm nay (mạ) biến thành cái có thật ở cuối vụ (thóc) chỉ cách nhau mấy tháng, nên cũng chưa khác mấy với thời hái lượm, nhưng lại tạo ra một bước tiến đáng kể về tư duy: Từ thụ động (hái lượm) sang chủ động (trồng trọt).
Tư duy chủ động hình dung trong đầu cái sẽ có, dù là cái sẽ có để “phải sống đã” hay để “sống tốt hơn”. Trong mọi trường hợp, Cuộc sống thực bao giờ cũng sống bằng các sản phẩm vật chất. Xưa nay, thời nào cũng vậy, tư duy gắn liền với cung cách làm ăn, mà rút cục, thâu tóm vào quá trình làm ra sản phẩm.
Quá trình làm ra sản phẩm, ví dụ, hạt thóc, về bản chất, chính là quá trình phát triển tự nhiên (nội tại) của hạt giống. Để có được sự phát triển nội tại, hạt giống phải lấy thêm năng lượng vật chất từ bên ngoài: nước, phân, rồi đất đai, thời tiết… Theo rõi hàng ngàn vạn chu kỳ từ hạt giống đến hạt thóc, tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa rút ra một công thức định tính: nước – phân – cần – giống. Một nhân tố như nước, khi dùng vào quá trình sản xuất cần phải định lượng, lúc nào cần nước, cần bao nhiêu nước… thì phải trông chờ vào kinh nghiệm cá nhân, mà đáng tin hơn cả là kinh nghiệm của “lão nông tri điền”.

Xử lý bằng kinh nghiệm, tư duy căn cứ vào quá trình làm ra sản phẩm, cũng là quá trình phát triển tự nhiên  (nội tại) của sản phẩm, mà nhận ra các nhân tố cấu thành (cả định tính lẫn định lượng). Ngặt nỗi, không những bốn nhân tố cấu thành “nước – phân – cần – giống” mà còn có quá nhiều nhân tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nông (giá lạnh hay khô hanh, lũ lụt hay hạn hán…). Dẫu sao, tư duy phân giải quá trình sản xuất ra các nhân tố cấu thành (nước – phân –  cần – giống) cũng là một thành tựu có tính định hướng. Theo sự định hướng này, từ thế kỷ XVI, lịch sử bắt đầu cựa quậy, rồi vẫy vùng, và mãi đến thế kỷ XVIII, thì mới đủ sức làm nổi việc phân giải quá trình sản xuất ra các nhân tố cấu thành nó, ngay tại nó, không phụ thuộc vào ý chí cá nhân người phân giải. Đó là bản chất của một nguyên lý mới để tổ chức quá trình sản xuất làm ra một sản phẩm, gọi tắt là Công nghệ sản xuất. Còn phải tốn thêm hai thế kỷ nữa thì lịch sử mới vươn lên một tầm cao mới gọi là Công nghệ cao. Từ thế kỷ XVIII, lịch sử hiện thực được “định nghĩa” bằng nguyên lý sản xuất đại công nghiệp với công nghệ làm ra một sản phẩm tất yếu. Nhờ tính tất yếu ấy, ngày nay, để “định nghĩa” thế kỷ XXI, có thể chỉ dùng một công nghệ cao. Đã có công nghệ cao trong sản xuất vật chất, thì cũng một cách tất yếu như thế,  rồi sẽ có “Công nghệ cao” trong tất cả các lĩnh vực còn lại, trong đời sống xã hội, trong giáo dục.

Tất cả những gì đang có và sẽ có trong Cuộc sống thực hiện đại đều là các hình thái khác của tư duy. Sớm nhận ra đặc điểm ấy của tư duy, từ thế kỷ XIX, Mác nói rằng không những lý thuyết phải biến thành thực tiễn, mà thực tiễn cũng phải vươn lên cho ngang tầm lý thuyết.
Thực tiễn phải vươn lên cho ngang tầm lý thuyết diễn nôm như sau: cái “ngang tầm lý thuyết” rồi sẽ có trong thực tiễn thì ngay bây giờ “ đã có” trong tư duy. Nhờ vậy, tư duy hình dung (một cách lý thuyết) con đường từ cái hiện có (chỗ ngã ba đường) đến cái sẽ phải có (Đài độc lập – tự do – hạnh phúc). Ở đây, tư duy lý thuyết suông và tư duy biện chứng phân biệt nhau chỉ bằng một tiêu chí về con đường – định hướng. Con đường do tư duy biện chứng hình dung là con đường sản xuất vật chất, vận động theo lôgic nội tại, theo tiến trình phát triển tự nhiên của nó. Đành rằng quá trình sản xuất vật chất do con người tổ chức, nhưng nó vẫn độc lập với ý chí của con người. Hơn nữa, nó buộc ý chí phải tuân theo lôgic phát triển nội tại của sản phẩm. Chừng nào tư duy phát hiện ra lôgic nội tại của sự hình thành sản phẩm thì mới hòng tổ chức và kiểm soát được quá trình làm ra sản phẩm. Mỗi sản phẩm kết tinh trong bản thân mình toàn bộ quá trình sản xuất, với nghĩa đó, sản phẩm “đã có” ngay từ đầu, khi quá trình thực tiễn vừa khởi động.
Cái “đã có” từ đầu là “đã có” trong tư duy, nó là kẻ định hướng cho sự vận động thực tiễn. Trong nền sản xuất bằng công nghệ cao, sự định hướng hiện hình ra ở bản thiết kế. Như vậy, trong thực tiễn, Cuộc sống thực hiện đại tồn tại và vận động dọc theo mối quan hệ thiết kế-thi công, mà hình thái trực quan là sản phẩm.
Trong nền văn minh hiện đại, một chu kỳ vận động của Cuộc sống thực bắt đầu từ (1) sản phẩm (trong tư duy) – (2) thiết kế (trong tư duy) – (3) thi công (trên thực tiễn) – (4) sản phẩm (trên thực tiễn). Từ sản phẩm trong tư duy đến sản phẩm trên thực tiễn, Cuộc sống thực vận động một cách tự giác, theo định hướng từ đầu. Ngày nay, định hướng chuẩn xác nhất là định hướng bằng công nghệ cao, làm ra sản phẩm tất yếu với những đặc điểm mà tư duy hình dung từ đầu.
Ngọn sóng đã dậy lên trong sản xuất vật chất thì sớm muộn gì, với một tính tất yếu đanh thép, rồi cũng lan đến các lĩnh vực khác của Cuộc sống thực, – của đời sống xã hội, của giáo dục.
Sản phẩm tư duy thường được manh nha từ một ý tưởng mơ hồ. Ý tưởng này ngày càng hiện ra rõ dần, cụ thể hơn, thành một lý thuyết. Một lý thuyết nghiêm túc (không phải là lý thuyết suông, ảo tưởng) phải có nguồn gốc vật chất, dựa trên một cơ sở vật chất vững chắc, đủ sức tạo ra cho chính mình một hình thái thực tiễn (thường quen nói là lý thuyết có thể biến thành thực tiễn).
Nếu lý thuyết có thể biến thành thực tiễn thì tự nó đã có nghĩa là thực tiễn có thể vươn lên ngang tầm lý thuyết. Thế nên đặc điểm cơ bản nhất của nền văn minh hiện đại thế kỷ XXI là sự vận động tự giác, thực hiện bằng Công nghệ cao.
Công nghệ cao trong sản xuất vật chất là hình ảnh đáng tin cậy về con đường lý thuyết, cho đời sống xã hội và giáo dục đi tới một cách tự giác. Vậy nên, điều quan trọng mang tính quyết định là phải có con đường – định hướng, miễn là có, gần xa không quản ngại, cũng chẳng quan trọng gì rộng hẹp, dài ngắn, bằng phẳng hay gồ ghề… Định hướng xã hội chủ nghĩa biểu lộ tính tự giác của tư duy, manh nha từ một ý tưởng lý thuyết, nảy sinh trên cơ sở nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí thế kỷ XVIII.
Công nghệ sản xuất chẳng qua là một hình thái của tư duy. Nhìn lại tiến trình phát triển của tư duy, đáng chú ý nhất là hai bước chuyển nguyên lý:
Một, từ hái lượm sang trồng trọt, là bước phát triển từ thụ động sang chủ động. Tính chủ động ở trình độ này đặc trưng bởi tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa.
Hai, từ nông nghiệp lạc hậu sang đại công nghiệp, đặc trưng bởi tư duy khoa học, bởi tính tự giác khoa học.
Về học thuật, xem ra khó thuyết phục nhất nhưng cần phải thuyết phục và phải thuyết phục bằng được: Tư duy khoa học hiện đại dù phát triển đến cỡ nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng chỉ có thể phát triển từ sản phẩm của giáo dục nhà trường hiện đại, như cây đời phát triển từ hạt giống đem gieo.
Về mặt xã hội – chính trị, chẳng dễ gì thuyết phục nổi bằng ngôn từ, nhưng có thể thuyết phục bằng việc làm, bằng sự mẫn cảm tư duy: Con đường – định hướng xã hội chủ nghĩa xây dựng trên nền móng giáo dục nhà trường hiện đại. Cả lý thuyết lẫn thực tiễn xử lý nền giáo dục nhà trường hiện đại (cả thiết kế lẫn thi công) là sự thử thách một có một không hai đối với “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, dù xét về mặt học thuật hay xét về mặt xã hội – chính trị.

Hồ Ngọc Đại

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)