Công bố quốc tế là nghĩa vụ của nhà nghiên cứu

Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của người dân. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cám ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lí của nhà nước.

Có hai loại báo cáo: một loại báo cáo mang tính hành chính, và một loại báo cáo mang tính khoa học. Báo cáo hành chính cho các nhà quản lí để trình bày tiến độ của công trình nghiên cứu và chi tiêu tài chính cũng như nhân sự trong quá trình nghiên cứu. Báo cáo khoa học nhắm đến cộng đồng khoa học quốc tế, mà trong đó nhà khoa học cẩn thận mô tả lí do làm nghiên cứu, phương pháp thực hiện, kết quả ra sao, và kết quả đó có ý nghĩa gì.
Bởi vì chỉ có nhà khoa học cùng chuyên môn mới có khả năng thẩm định giá trị của một công trình nghiên cứu, cho nên các báo cáo khoa học phải công bố trên các tập san khoa học có hệ thống bình duyệt (peer reviewed journal) nghiêm chỉnh. Hệ thống bình duyệt là một cơ chế khoa học nhằm loại bỏ các công trình nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn hay các trường hợp gian lận khoa học. Tuy hệ thống này không hẳn hoàn chỉnh, nhưng cho đến nay chưa có hệ thống nào tốt hơn, nên cộng đồng khoa học quốc tế vẫn phải dựa vào đó để duy trì chất lượng hoạt động khoa học. Nếu công trình nghiên cứu đạt tiêu chuẩn khoa học thì công trình đó sẽ được chấp nhận cho công bố; nếu công trình không đạt chuẩn mực khoa học thì sẽ bị từ chối. Tập san khoa học có uy tín càng cao, hệ thống bình duyệt càng gắt gao. Do đó, công bố báo cáo khoa học trên các tập san có bình duyệt nghiêm chỉnh là một yêu cầu cực kì cơ bản của hoạt động khoa học.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Giới làm nghiên cứu khoa học nói chung nhất trí rằng cái chỉ tiêu số 1 để đề bạt một nhà khoa học là dựa vào số lượng và chất bài báo khoa học đã công bố trên các tập san chuyên ngành.
Trên bình diện quốc gia, số lượng bài báo khoa học là một thước đo về trình độ khoa học kĩ thuật và hiệu suất khoa học của một nước, một dân tộc. Chính vì thế mà tại các nước Tây phương, chính phủ có hẳn một cơ quan gồm những chuyên gia chuyên đo đếm và đánh giá những bài báo khoa học mà các nhà khoa học của họ đã công bố trong năm.
Hiện nay, có thể nói thẳng rằng công suất và năng suất khoa học nước ta còn quá thấp so với với tiềm năng. Chúng tôi đã làm một phân tích thống kê và thấy trong thời gian 10 năm (1996 đến 2005) các nhà khoa học Việt Nam công bố được 3.456 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số này khi so sánh với các nước trong vùng cho thấy công suất khoa học ở nước ta thuộc vào hàng thấp nhất: chỉ bằng khoảng 1/5 số bài báo từ Thái Lan (n = 14.594), 1/3 Mã Lai (n = 9742), 1/14 Singapore (n = 45.633), và thấp hơn Nam Dương (n = 4.389) và Phi Luật Tân (n = 3901). Nếu (xin nhấn mạnh “nếu”) mức độ tăng trưởng số bài báo khoa học của Việt Nam như hiện nay, thì phải cần đến 60 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo khoa học của Thái Lan vào năm 2005!
Quan điểm cho rằng nghiên cứu ứng dụng không cần phải công bố quốc tế thì tôi phải nói là rất lạ lùng, nếu không muốn nói là rất sai lầm. (Tôi hi vọng rằng quan điểm này chỉ tồn tại trong nội bộ, vì nếu phát biểu trước đồng nghiệp ngoại quốc thì họ sẽ cười chúng ta không biết gì về hoạt động nghiên cứu khoa học.) Việc báo cáo kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế không phân biệt nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng. Nếu xem các ngành như y học, kĩ thuật, nông nghiệp, mô trường, công nghệ sinh học là “khoa học ứng dụng” thì trong thời gian 10 năm qua số bài báo khoa học ứng dụng chiếm trên 50% tổng số bài báo khoa học. Các nhà nghiên cứu khoa học ứng dụng ở nước ta đã công bố trên các tập san quốc tế từ hơn 5 thập niên qua; không nên nói rằng làm khoa học ứng dụng không cần công bố quốc tế. Nói ra không biết có quá to tát hay không, nhưng tôi nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ của nhà khoa học là nâng cao sự hiện diện, và qua đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế qua nghiên cứu khoa học; do đó viện dẫn một lí do không thuyết phục để nói rằng không cần công bố quốc tế thì vô hình chung nhà khoa học trở nên vô trách nhiệm với nước nhà.
Trong quá trình hội nhập thế giới, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học nước ta phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những chuẩn mực nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích nghiên cứu khoa học của nhà khoa học. Trong các chuẩn mực đó, công bố kết quả nghiên cứu — bất kể là nghiên cứu khoa học ứng dụng hay cơ bản — trên các tập san khoa học quốc tế là một yêu cầu, một tiêu chuẩn số một chẳng những cho nhà khoa học, kể cả nghiên cứu sinh tiến sĩ.

———–
*Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Australia

GS Nguyễn Văn Tuấn *

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)