Công nghệ rau sạch không cần đất: Bao giờ tới tay người dân?
Sau hơn hai năm thử nghiệm, đề tài “Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao không dùng đất”- do PGS.TS Hồ Hữu An (Trường ĐH Nông nghiệp I HN) làm chủ nhiệm, đã được nghiệm thu. Công nghệ mới hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn, đã được mang đi trưng bày, giới thiệu ở nhiều chợ công nghệ từ Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An đến thành phố Hồ Chí Minh nhưng việc phổ biến công nghệ này đến với người dân vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.
Công nghệ mới trồng rau sạch không cần đất
Câu chuyện về rau sạch của TS Hồ Hữu An bắt đầu vào năm 1997 khi ông được Mỹ mời sang hợp tác nghiên cứu về một số vấn đề về Rau – Củ – Quả trong trong đó có vấn đề rau an toàn (cả công nghệ và chọn giống). Và “may mắn”, ông được giao nhiệm vụ quản lí công nghệ sản xuất và trực tiếp tham gia trồng Dâu tây theo công nghệ mới này. Gọi là công nghệ mới vì gieo hạt và trồng rau không dùng đất mà trồng hoàn toàn trong các thùng xốp hoặc trên các giá thể có sẵn trong nước nên không bị ô nhiễm các kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật có hại… tồn dư trong đất (các kim loại này rất khó xử lý, thường phải mất từ 10 – 20 năm mới phân giải) cho phép tiết kiệm được một khoản chi phí để xử lý các kim loại này. Bên cạnh đó ngăn chặn được các vi sinh vật có hại từ các nguồn phân chuồng, phân bắc, từ đất và nguồn nước ô nhiễm giải quyết tận gốc các nguyên nhân nhiễm bẩn rau, đảm bảo rau sạch. Cây được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa, vi lượng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển nên các giống phát huy được tiềm năng về năng suất và chất lượng.
Rau được trồng trong nhà có mái che, được tưới bằng hệ thống nhỏ giọt tự động hoặc bán tự động, vừa đảm bảo độ đồng đều vừa tiết kiệm nước, nhờ đó, các công việc nặng nhọc của người trồng rau được giải phóng. Công nghệ này còn cho phép tận dụng được những diện tích rất nhỏ (ban công, sân thượng…) tưởng chừng như không có khả năng canh tác tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, với công nghệ này, người trồng rau còn có khả năng trồng ổn định quanh năm (cả trong điều kiện trái vụ), nâng điều kiện canh tác lên 4-11 vụ/năm.
Về nước cuối năm 2000, quy trình công nghệ sản xuất rau an toàn tiếp tục được TS An hoàn thiện. “Ban đầu cũng bế tắc. Công nghệ quá hiện đại, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn. Nước mình lại ngheò”. Cuối cùng, ông cũng “Việt hóa” các thiết bị, chỉ có máy tưới nước tự động nhỏ giọt là chưa có mặt tại thị trường Việt Nam.
Năm 2002, đề tài “Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao không cần đất” được Bộ Khoa học và Công nghệ xét, đồng ý công nhận là đề tài cấp Nhà nước. Đầu năm 2003, TS An trúng thầu đề tài và tiến hành nghiên cứu trên bốn loại rau quả: cà chua, dưa leo, xà lách và súp-lơ. Hơn hai năm thử nghiệm, đề tài “Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao không cần đất” được nghiệm thu vào cuối năm 2005.
Cần người tiên phong
Theo TS An, công nghệ tuy mới nhưng hiện nay các thiết bị, nguyên vật liệu phần lớn cũng đã có ở trong nước; các nhà khoa học hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ; không phải thuê chuyên gia nước ngoài. “Công nghệ này rất phù hợp với Việt Nam, nó giải quyết tận gốc vần đề rau an toàn ở nước ta, vậy tại sao ta lại không áp dụng?” Đây cũng là câu hỏi mà TS An đang tìm cách giải quyết. Theo ông hiện nay chúng ta đang ra sức kêu gọi phải vận dụng công nghệ mới, phải đi tắt đón đầu nhưng nói thế chung quá. Công nghệ mỗi ngành có cái khác nhau, đi tắt đón đầu trong mỗi ngành cũng có con đường riêng. Nói công nghiệp hoá trong nông nghiệp là làm cho người nông dân “không còn phải dắt trâu ra đồng cày ruộng”, phải đầu tư, phải có kiến thức. Nhưng người nông dân của ta lại thiếu cả hai. “Đưa công nghệ cao vào thì khó khăn quá lớn”. Công nghệ mới không phải ai cũng biết, ngay cả cán bộ khoa học kỹ thuật cũng chỉ mới nghe nói, người dân càng mơ hồ nên vấn đề đưa khoa học vào càng khó. Ông cũng cho rằng hiện nay người nông dân làm chủ miếng đất của mình, tinh thần trách nhiệm được nâng cao, bất cứ công nghệ nào trước khi áp dụng vào cũng phải hoài nghi. Chính vì vậy mà cần có người tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới này. Khi thành công thì chắc chắn lúc đó tự người dân sẽ tìm đến công nghệ của mình.
Để giới thiệu công nghệ trồng rau không cần đất này, TS Hồ Hữu An đã đem đến tất cả các chợ công nghệ, tận dụng cơ hội để quảng bá tới bà con nông dân. Ông cùng cộng sự đã tham gia các Techmart ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh. Và trong số các bản ghi nhớ trị giá hàng mấy chục tỷ đồng của các Techmart ấy, có khi của ông cũng đã chiếm tới quá nửa. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở những biên bản ghi nhớ. Điều mà TS Hồ Hữu An và các cộng sự của ông mong muốn là chuyển giao công nghệ tới tận tay người dân, những mô hình trồng rau sạch sẽ ngày càng phổ biến và điều quan trọng là nỗi lo về rau không an toàn sẽ không còn nữa.
Chú thích ảnh trên cùng: PGS.TS Hồ Hữu An kiểm tra chất lượng cây cà chua được tạo ra từ công nghệ rau sạch.