Công nghiệp hóa = Đô thị hóa?

Mười năm tăng tốc phát triển liên tục. GDP trên đầu người tiến tới sát mức 1000 USD cái ngưỡng mà nhiều chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện những vần đề nan giải mới, sẽ bộc lộ các khía cạnh không bền vững do tăng trưởng quá nóng. Một trong các biểu hiện rõ nhất là vấn đề của các đô thị.

Gần đây liên tục có các hội nghị, các cảnh báo, phản biện… về sự không bền vững khá toàn diện của các đô thị Việt Nam. Vấn đề quy hoạch đô thị trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết và là một vấn đề được công luận, dân chúng bàn bạc quan tâm nhiều nhất. Những tranh luận về mở rộng Thủ đô Hà Nội gấp 3,6 lần diện tích hiện nay ngay trên diễn đàn Quốc hội là một thí dụ tiêu biểu. Các đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại là hai nơi thấy rõ nhất các triệu chứng lâm sàng của bệnh thiếu bền vững. Hệ quả của các nét bút quy hoạch, các con số kế hoạch, màu sắc các dự án trên giấy, chữ ký các quyết định trong các căn phòng của các công sở, công ty, thiết chế tài chính… trước đây khá xa vời và trừu tượng với người dân nay đã hiện hình cụ thể, tiến sát tới cửa từng nhà, vào trong từng gia đình và uy hiếp cuộc sống hằng ngày của người dân đô thị: Khói bụi, ô nhiễm, úng lụt, tắc đường, rớt mạng, sốt giá các kiểu, chất lượng thực phẩm, bệnh dịch, giá thuốc và bảo hiểm y tế, giáo dục quá tải và lệch hướng, công nhân đình công, nông dân khiếu kiện, tệ nạn xã hội…vv và vv…

Đô thị hóa diễn ra khá tự phát, vừa làm vừa học, sai đâu sửa đấy, gồm các chuỗi các biện pháp tình thế hơn là chiến lược, chiến thuật khoa học bài bản dẫn tới thực trạng hỗn độn khó kiểm soát như hiện nay.

Việc trong một thời gian ngắn hàng chục triệu người nông dân, nông thôn, nông nghiệp phải “qua một đêm” trở thành người đô thị, người công nhân, người công nghiệp có vẻ như là việc quá sức với mỗi người trong số họ cũng như với chính quyền cùng giới doanh nghiệp.
Chính họ, những “nhân công giá rẻ” từng tạo ra một lợi thế cơ bản cho những năm tăng trưởng, đô thị hóa, công nghiệp hóa vừa qua là những người thiệt thòi nhất trong chia sẻ các lợi ích do tăng trưởng đem lại, cuộc sống của họ tích tụ đầy đủ nhất các yếu tố không bền vững của toàn nền kinh tế và xã hội. Mặt khác, đến cái ngưỡng này, cũng chính họ (và những người kế tiếp họ đang liên tục đổ về các thành phố) với các vấn đề của mình đặt ra các vấn nạn, các rào cản “mới” cho tăng trưởng mà nếu không giải quyết suôn sẻ, xã hội khó tiếp tục CNH, HĐH.
Đại bộ phận các sự không bền vững sinh ra và tồn tại ở đô thị. Nếu không giải bài toán đô thị hóa thì khó mà HĐH, CNH thành công. Phải chăng một nguyên nhân căn bản của không bền vững là song song, với chiến lược tăng trưởng, ngay trong lòng chiến lược tăng trưởng ta đã không có một chiến lược đô thị hóa tốt. Đô thị hóa diễn ra khá tự phát, vừa làm vừa học, sai đâu sửa đấy, gồm các chuỗi các biện pháp tình thế hơn là chiến lược, chiến thuật khoa học bài bản dẫn tới thực trạng hỗn độn khó kiểm soát như hiện nay. Đô thị hóa bị CNH lôi đi chứ không tự đi bằng đôi chân của mình. Thí dụ cụ thể nhất cũng là hai thành phố lớn nhất, tập trung 1/8 dân số cả nước. Đến nay vẫn không ai biết Hà Nội và TP HCM là thành phố kiểu gì, quy họach ra sao. Được chỗ này thì hỏng chỗ kia, được việc này lại hỏng hai ba việc khác. Các khu phố, khu đô thị… phát triển không như chính quyền và các nhà hoạch định mường tượng. Những chuyện cơ bản nhất như trung tâm ở đâu, có các thành phố vệ tinh các vành đai, khu đệm, ngoại thành hay không, nếu có thì chúng ở đâu, sẽ ra làm sao… cũng vẫn liên tục được tranh cãi với hình ảnh hết sức mù mờ. Nhà đất và giao thông tất nhiên là hai chuyện đầu tiên của một đô thị. Hai chuyện đó không “xong” thì không có đô thị đúng nghĩa. Thị trường nhà đất nóng lạnh thất thường, giá trên trời, lãng phí và tham nhũng vô hạn. Đại bộ phận dân cư vẫn chật vật về nhà ở. Hạ tầng cơ sở “xập xệ”, yếu kém và quá tải nghiêm trọng. Thêm nữa, hai “biểu tượng quốc gia” của nước ta thời đô thị hóa là nhà ống và xe máy. Tôi không rõ trong lịch sử và trên thế giới nơi nào đô thị hóa nhờ đôi song mã này không? Tôi dám tin rằng không giải quyết được hai chuyện nhà ống và xe máy thì hoặc là chúng ta sẽ thất bại ê chề trong việc đô thị hóa, hoặc ta sẽ sinh ra một dạng đô thị “vô tiền khoáng hậu”.
CNH có đồng nghĩa với đô thị hóa (ĐTH) không? CNH có chồng khít lên ĐTH không? Có cách nào tiếp tục CNH mà không ĐTH tự phát, ồ ạt như hiện nay không?
Cần hạn chế tốc độ đô thị hóa. Cần tập trung trí tuệ và quyền lực để xây dựng một chiến lược, một “học thuyết” đô thị hóa khoa học, bài bản lâu dài cho Việt Nam. Có nhiều bài học thất bại về đô thị hóa ở các nước đang phát triển mà ta có thể, và cần phải nghiên cứu để tránh đi vào vết xe đổ của họ. Chẳng hạn như các siêu đô thị ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Nam Mỹ, Châu Phi… Cũng có nhiều bài học thành công về đô thị hóa ở các nước này với các thành phố mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các thành phố vệ tinh, các dạng cư trú, các khuynh hướng kiến trúc mà ta cần học hỏi kỹ càng. Phải nói rằng trước thế kỷ 20 cả Việt Nam được quy hoạch theo các làng. Ta chưa có kinh nghiệm gì về đô thị hóa ngoài những kinh nghiệm phát triển các đô thị thời thực dân. Những đặc điểm và kinh nghiệm đó cần được nghiên cứu để rút ra các bài học. Chừng mực nào đó sự đô thị hóa, quy hoạch, phong cách kiến trúc, giao thông, tổ chức quản lý ở các Thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Hải Phòng… từng có một số thành công do hòa hợp với văn hóa, thiên nhiên, khí hậu, tính cách của người dân Việt: Chẳng hạn như quy hoạch toàn thành phố, khu phố Tây và khu công chức cùng phong cách “kiến trúc Đông Dương” ở Hà Nội, quy hoạch Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn với trung tâm là Quận Nhất bây giờ, quy hoạch khu phố buôn bán mới và kiến trúc nhà vườn Huế  vv…
Tôi nhớ trước đây thời chiến tranh các Lãnh tụ Cách mạng khi nói tới mơ ước hòa bình xây dựng có dùng cụm từ “sắp xếp lại giang san đất nước”. Hồ Chí Minh di chúc là phải xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn…”. Một sự thật là ta đang đô thị hóa, sắp xếp lại giang san không đàng hoàng.
Tôi không tin vào công thức CNH= ĐTH tự phát.

Nguyễn Bình Quân



Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)