Đôi điều về Lý thuyết lập pháp
Lý thuyết lập pháp là hệ thống các quan điểm lý luận về hoạt động lập pháp. Nó cung cấp phương pháp luận cho việc xử lý các vấn đề xã hội bằng pháp luật và lý giải việc điều chỉnh hành vi của con người. Đây là một lĩnh vực khoa học còn tương đối mới mẻ và chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam ta.
Dưới đây là một số luận điểm cơ bản của lý thuyết lập pháp.
Một là, làm luật là để xử lý các vấn đề xã hội đang phát sinh, chứ không phải để cho có đầy đủ pháp luật. Vấn đề nào quan trọng thì cần được xử lý trước, vấn đề nào ít quan trọng hơn thì xử lý sau. Không nên làm luật theo ý muốn chủ quan, vì các nguồn lực của đất nước rất có hạn. Chúng có thể bị tiêu tốn vào những việc chưa chắc đã cần thiết nhất. Ngoài ra, các vấn đề đã phát sinh thì sẽ không tự biến mất. Nếu không được xử lý đúng lúc, các chi phí để giải quyết chúng chỉ ngày càng tăng lên gấp bội.
Hai là, muốn xử lý các vấn đề xã hội thì phải có phương pháp luận. Phương pháp luận này chỉ ra các bước tiến hành như sau: 1. Nhận biết vấn đề; 2. Nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề; 3. Đề ra giải pháp (còn gọi là chính sách) để giải quyết vấn đề (nhắm vào việc loại bỏ các nguyên nhân gây ra vấn đề); 4. Phân tích các mặt về giải pháp đã đề ra (Chi phí và hiệu quả như thế nào? Hiến pháp cho làm điều đó không? Hệ thống pháp luật hiện hành bị ảnh hưởng như thế nào?…); 5 Lựa chọn giải pháp và triển khai thực hiện; 6. Giám sát và đánh giá.
Ba là, các vấn đề thì có nhiều, nhưng chỉ những vấn đề mà nguyên nhân gây ra chúng là hành vi của con người mới giải quyết được bằng pháp luật. Ví dụ, chúng ta không thể ban hành pháp luật để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do động đất gây ra. Những hành vi làm phát sinh vấn đề được gọi là những hành vi có vấn đề. Pháp luật được ban hành là để điều chỉnh những hành vi có vấn đề như vậy.
Bốn là, để điều chỉnh những hành vi có vấn đề thì phải lý giải được tại sao con người lại hành xử như vậy, mà không hành xử khác. Các yếu tố sau đây giúp chúng ta lý giải cách hành xử của con người: 1. Điều kiện (Có điều kiện cho hành vi xảy ra thì hành vi mới xảy ra); 2. Năng lực (Có năng lực thực hiện hành vi thì mới thực hiện được hành vi); 3. Truyền thông (Truyền thông thúc đẩy và định hướng hành vi); 4. Lợi ích (Lợi ích là động lực thúc đẩy hành vi); 5. Quy trình (Quy trình dẫn dắt hành vi); 6. Niềm tin (Niềm tin cũng tạo ra động lực như lợi ích).
Cuối cùng, lý thuyết lập pháp không phải là lời giải cho tất cả mọi vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt trong hoạt động lập pháp. Nó chỉ là một công cụ. Tuy nhiên, làm chủ công cụ này là cần thiết để nâng cao chất lượng soạn thảo và ban hành pháp luật.