Giải pháp cho hiện đại hóa

Nhà văn Pháp Robert Guillain1 trong cuốn sách xuất bản năm 1968 kỷ niệm 100 năm nước Nhật hiện đại hóa đã kể là, vào năm 1864, vua Meiji nước Nhật bắt đầu công cuộc "học phương Tây" dẫn nước Phù Tang này đi vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa, khi đó nước Nhật mới chỉ có vài chục kilômet đường sắt. Bữa khánh thành đường sắt, khi bước vào toa xe, các bậc chức sắc còn ngỡ là phải trụt dép để cả bên ngoài sân ga, đến nỗi khi vào cố cung thì ai ai cũng đi chân trần. Còn các mệnh phụ phu nhân thì mặc áo trong, áo ngoài xù xù, sau đó mãi tận ngoài cùng còn đeo toòng teng thêm một thứ "áo" quý báu chắc là mới được các sứ thần châu Âu tặng, gọi bằng cái "xú-chiêng".


Vậy xuất phát từ khởi điểm số không của một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nhờ những điều kiện gì mà nước Nhật đã hiện đại hóa được.
Điều kiện thứ nhất là phải có bậc đại nhân đại trí lãnh đạo để mở cửa đất nước đúng hướng. Mở cửa ra phía nào? Mở ra phía nào có được cái tinh thần và cách lao động hiện đại hóa. Năm 1868, vua Meiji nước Nhật là một bậc đại anh minh đó. Rõ ràng là một tư tưởng mở cửa Nhật Bản khi đó hơn hẳn cái con người cũng đứng đầu một đất nước nhưng lại không tin là trên đời này có nổi một thứ  “ngọn đèn treo ngược”! Và “mở cửa” thì cũng phải biết hướng cửa mở: nước Nhật của vua Meiji không mở sang phía Trung Hoa, cũng chẳng mở sang nước Nga Xa-hoàng, mà nó mở vào chỗ đáng mở: phương Tây, mặc dù trong nước vẫn có tư tưởng bài phương Tây (hệt như ở ta: chống lại lũ “Tây dương ngoại quay”). Nhưng mở cửa sang phía Tây là mở vào một nền sản xuất mới, khác hẳn về bản chất với nền sản xuất của phương Đông cổ lỗ, tiểu nông.
Nhưng lại giả sử tiếp theo cái ông vua anh minh nào đó, liệu có thể có được nhiều ông vua khác giỏi như thế hoặc hơn thế, hay là lại gặp những phần tử kém cỏi hơn, hèn yếu hơn, dốt nát hơn? Vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho sự hiện đại hóa được bền vững đến nơi đến chốn? Câu giải đáp chỉ có thể là: chính sự công nghiệp hoá sẽ nuôi công cuộc hiện đại hóa khiến cho tiến trình ấy không thể đảo ngược. 
Ta sẽ thấy một điều kiện thứ hai vô cùng quan trọng ấy là cuộc cách mạng trong công nghiệp đem lại cho loài người cái gì quý hơn cả những sản vật công nghiệp. Nhà Nghĩa Thục cần thấy chính nền công nghiệp mới tạo ra nổi một tư duy mới, tư duy công nghiệp, cái tư duy không sinh ra nhờ những lời khuyên chi hồ giả giã, mà sinh ra bằng hành vi công nghiệp hóa. Không chỉ tư duy trong sản xuất công nghiệp, thời đại công nghiệp hóa đề ra yêu cầu xít xao phổ biến về tư duy mới trên mọi mặt hoạt động. Ngay trò chơi cho trẻ em cũng phải mang dấu ấn huấn luyện tư duy mới! Những đồ dùng dạy học cũng không thể chỉ là đem tiền đi mua nhựa đùn ra những chữ số và những con chữ rất xa với việc xây dựng tư duy mới cho con em Việt Nam Nghĩa thục.
Cần một tư duy công nghiệp. Cái tư duy công nghiệp khiến con người thành con người hiện đại, với những yếu tố tư duy thay đổi hoàn toàn. Về sản xuất, tư duy công nghiệp thay thế lối sản xuất cầu may bằng lối sản xuất có thiết kế sẵn, và tạo ra một thứ kỷ luật sản xuất không dựa trên roi vọt, mà là kỷ luật tự giác dựa trên sự hợp tác với nhau về kỹ thuật mà nếu thiếu đi một khâu trong chuỗi công nghệ thì sẽ không biến được các bán thành phẩm thành ra sản phẩm cuối cùng.
Như vậy là một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế. Chính nền sản xuất công nghiệp sẽ thành kẻ lãnh tụ vô hình dắt dẫn con người.
Và thế là bây giờ ta có thể có một định nghĩa cô đúc thế nào là hiện đại hóa. Hiện đại hóa là thành tựu xã hội cả về vật chất và tinh thần thấm đến cuộc sống của từng công dân, cái thành tựu được bảo đảm bằng công cuộc công nghiệp hóa và bằng một tư duy công nghiệp hóa.
Hiện đại hóa như vậy sẽ không phải là bắt chước ai, chẳng “theo Tây” mà cũng chẳng “Âu-Mỹ hóa” về bề ngoài, mà đó là một nền văn hóa2 có cái mặt bằng là nền sản xuất công nghiệp hóa. Nếu không tự tay mình làm nên nền văn hóa hiện đại hóa, thì có mô tô cũng chỉ biết đem ra đua xe, có giàn âm thanh cũng chỉ để đem ra “lắc”, có tiền tham nhũng ê hề cũng chỉ để đem đi đánh bạc… Chỉ đến trình độ ấy, thì đất nước có thể nhiều của cải vật chất, nhưng giàu mà vẫn không mạnh. Vật chất ấy chỉ như nấm mọc sau một trận mưa, không giống như nền văn hóa của cánh rừng già cả trăm năm nghìn năm sâu rễ bền gốc.
Hiện đại hóa phải là những thành tựu chứa đựng cả hai mặt vật chất và tinh thần – mặt vật chất là những phương tiện giúp con người sống sung sướng hơn, và mặt tinh thần là một phương cách tư duy tương ứng – như thế đã đành. Thành tựu đó lại phải thấm đẫm vào từng người dân, chứ không thể chỉ là “phúc lợi” hạn hẹp cho những người vì lý do nào đó mà chui lọt vào “tầng lớp tinh hoa”. Cuộc sống muốn được hiện đại hóa triệt để thì cần có các yếu tố tự do, dân chủ, pháp chế hết sức rành mạch, công khai, minh bạch. Đó là điều không thể thiếu để cuộc sống công nghiệp hóa được hoạt động trơn tru và nó có hoạt động trơn tru thì mới có cuộc sống hiện đại hóa triệt để.
Nay, nghĩ lại lời dặn dò của cụ cử Nguyễn Hữu Cầu của Đông Kinh Nghĩa thục, ta nhớ đến một lời dặn phải hiện đại hoá dân tộc này, một dân tộc… mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Nhưng ta cần nghĩ thêm về giải pháp hiện đại hóa mà vào lúc đó các cụ tiền bối mới mang máng trong đầu chứ chưa thực sự trải nghiệm.
—————-

(1) Robert Guillain, Japon, troisième Grand, (Nhật Bản, cường quốc thứ ba), Seuil xuất bản, Paris, 1969
(2) Xin tham khảo khái niệm “Văn hóa” của cùng người viết trên Tia Sáng số tháng 7-2005, trong đó định nghĩa vắn tắt như sau: Văn hóa là cái khác với tự nhiên. Diễn giải mệnh đề đó như sau: một quả núi để nguyên con người không đụng tới, thì đó là quả núi tự nhiên hoang dã. Nhưng có bàn tay người, thì sẽ có “văn hóa nương rẫy” hoặc có khi có cả “văn hóa sinh thái-du lịch”… Một con sông Hồng để tự nhiên thì đó chỉ là con sông hoang dã. Nhưng có bàn tay con người chạm vào, thì sẽ có “văn hóa lúa nước”, “văn hóa làng xã”… vùng đồng bằng sông Hồng.
—————-
CHÚ THÍCH ẢNH: Một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế…

Phạm Toàn

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)