Giải pháp chống tham nhũng trong khoa học

Giải pháp để ngăn ngừa nhà khoa học chủ động nói dối, để chống tham nhũng trong khoa học là tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu phải minh bạch và cải cách qui trình quản lí.

Bài “Cần có giải pháp ngăn ngừa những nhà khoa học thiếu trung thực” (Tia Sáng số 17 ngày 5.9) phản ảnh những điều mà những ai làm khoa học chân chính ở Việt Nam đều biết hay kinh qua. Thoạt đầu khi nghe bạn bè nói rằng ở trong nước làm nghiên cứu (hay “dự án”) chỉ là một hình thức cải thiện thu nhập cá nhân mà thôi, chứ không phải làm nghiên cứu khoa học, tôi bán tín bán nghi. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là một thực tế đã tồn tại qua nhiều năm.
Ở nước ngoài không thiếu những trường hợp nhà khoa học gian dối và thiếu trung thực. Nhưng sự gian dối và thiếu trung thực của họ thường liên quan đến những vấn đề rất khoa học tính, như vặn vẹo dữ liệu theo ý mình, giả tạo dữ liệu, làm nghiên cứu ma, tác giả ma, v.v… chứ không liên quan đến tiền bạc như ở Việt Nam. Thật vậy, có lẽ đây là trường hợp đặc thù rất Việt Nam, bởi vì tôi chưa biết có nước nào trên thế giới mà nhà nghiên cứu có sử dụng tiền tài trợ để tăng thu nhập cá nhân.
Đúng như nhận định của GS. Hoàng Tụy, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tham nhũng, với nghĩa lạm dụng chức quyền để cố ý làm trái pháp luật nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Vấn đề đặt ra là tại sao. Tại sao nhà khoa học tham nhũng?
Tôi nghĩ giải thích rằng do thu nhập cá nhân thấp cũng có lí, nhưng đó là động cơ để tham nhũng hơn là nguyên nhân. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do thiếu những chuẩn mực khoa học cụ thể. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam được “nghiệm thu” bằng một buổi lễ khá màu mè, còn ở nước ngoài họ không có nghiệm thu, nhưng đòi hỏi nhà nghiên cứu phải báo cáo tiến độ của công trình nghiên cứu. Báo cáo tiến độ bao gồm những việc đã làm hay hoàn thành, bài báo khoa học công bố ở đâu, hay đào tạo bao nhiêu nghiên cứu sinh. Ở đây, bài báo khoa học rất quan trọng, vì không có cái này là xem như công trình nghiên cứu thất bại. Nếu ở Việt Nam cũng làm theo qui trình này, thì nguy cơ tham nhũng có thể sẽ giảm đi nhiều.
Nguyên nhân thứ hai là việc đánh giá đề tài nghiên cứu chưa được tốt. Ở ngoài này, một đề cương nghiên cứu thường được đánh giá (bình duyệt) bởi ít nhất là 2 chuyên gia trong ngành và một hội đồng chuyên ngành. Ở Việt Nam thì hình như chỉ có hội đồng chuyên ngành, mà không có bình duyệt (phản biện) độc lập của 2 chuyên gia ngoài hội đồng. Thật ra, trong bối cảnh khoa học Việt Nam hiện nay cũng rất khó mà chọn các chuyên gia vừa đủ uy tín khoa học (hiểu theo nghĩa có công bố quốc tế và có kinh nghiệm) và khách quan để đánh giá đề tài khoa học. Có lẽ vì lí do này mà việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu phải phụ thuộc vào những mối liên hệ cá nhân (đồng nghiệp trong ngành đều quen biết nhau) và điều này là một cơ hội cho sự thiếu khách quan. Từ sự nể trọng và nhường nhau như thế được tích lũy dần theo thời gian nó tạo nên một mạng liên hệ thân hữu và dẫn đến “nhóm lợi ích” và chỉ có người trong nhóm này mới có cơ may xin tài trợ, còn người ngoài thì phải… chờ. Cũng trong nhóm này, người ta thay phiên nhau cung cấp tài trợ và nghiệm thu theo những tiêu chuẩn của họ đặt ra. Thật ra, ở nước ngoài này cũng có nhóm lợi ích, nhưng vì họ có hệ thống bình duyệt độc lập, nên tham nhũng ít xảy ra so với ở Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba là do thủ tục tài trợ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất nhiêu khê và phức tạp. Nhìn vào thì thấy rất chặt chẽ, nhưng chẳng hiểu sao tình trạng bòn rút tiền Nhà nước cho nghiên cứu lại dường như dễ dàng với một số người. Bộ KH&CN cũng nhận ra điều này nên gần đây đã có nhiều cải cách tích cực, nhất là trong việc tài trợ cho NCCB.
Ở ngoài này tôi thấy họ quản lí tiền bạc rất đơn giản, nhưng lại chặt chẽ. Cơ quan tài trợ trả tiền (thường từ 10% đến 15% tổng kinh phí công trình) cho phòng tài chính của trung tâm nghiên cứu quản lí tiền tài trợ. Chẳng hạn như nếu nhà nghiên cứu được tài trợ 100,000 USD thì cơ quan tài trợ phải rót 110,000 USD hay 115,000 USD cho trung tâm nghiên cứu. Số tiền này sẽ do phòng tài chính của trung tâm nghiên cứu quản lí, và phòng tài chính có nhiệm vụ chi tiền theo yêu cầu của nhà nghiên cứu. Nhưng phòng tài chính cũng có nhiệm vụ kiểm tra xem chi phí có đúng theo những gì nhà nghiên cứu hứa trong đơn xin tài trợ hay không. Do đó, nếu trong đơn xin tài trợ không có khoản lương bổng, thì không cách gì nhà nghiên cứu bòn rút số tiền đó cho lương bổng được.
Tôi nghĩ giải pháp để ngăn ngừa nhà khoa học chủ động nói dối, để chống tham nhũng trong khoa học là tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu phải minh bạch và cải cách qui trình quản lí.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)